(CLO) Theo nhận định của một số chuyên gia, việc Bộ Xây dựng tăng mức phạt lên 1,5 - 2 lần đối với vi phạm trong trật tự xây dựng chưa đủ sức răn đe đối với những chủ đầu tư để xảy ra vi phạm. Thậm chí, còn tạo ra lỗ hổng “tẩy trắng” cho sai phạm.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã công bố dự thảo Nghị định về các quy định xử phạt vi phạm hành chính, trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành xây dựng. Trong đó, Bộ Xây dựng đề xuất tăng mức phạt tiền từ 1,5 - 2 lần, đối với một số trường hợp vi phạm, và mức phạt cao nhất lên tới 2 tỷ đồng.
Tăng mức xử phạt lên 1,5 - 2 lần
Theo Bộ Xây dựng, sau gần 4 năm thực hiện Nghị định số 139, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng việc quản lý đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng tại các địa phương đã dần đi vào nề nếp, vi phạm về trật tự xây dựng được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để góp phần giảm thiểu tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch….
Tuy nhiên, Nghị định 139 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, thiếu tính khả thi, cần thiết sửa đổi, bổ sung chưa như có biện pháp chế tài dừng thi công xây dựng đối với công trình vi phạm; một số lĩnh vực còn thiếu chế tài xử lý; chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp.
Do đó, để có sức răn đe, tại dự thảo Nghị định mới, Bộ Xây dựng đề xuất tăng mức tiền phạt gấp 1,5 đến 2 lần so với mức phạt quy định tại Nghị định số 139 trong toàn bộ dự thảo (có hành vi tăng 4 đến 5 lần như hành vi điều chỉnh quy hoạch, quản lý sử dụng nhà chung cư). Riêng vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản, có hành vi bị xử phạt lên đến 1 tỷ đồng.
Dự thảo nghị định lần này đề xuất tăng mức phạt tiền từ 300 triệu đồng lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh bất động sản có điều kiện như: Bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết.
“Lỗ hổng” cho doanh nghiệp “tẩy trắng”?
Theo nhận định của một số chuyên gia, việc Bộ Xây dựng tăng mức phạt lên 1,5 - 2 lần, và mức xử phạt “kịch khung” đối với tổ chức là 2 tỷ đồng chưa đủ sức răn đe đối với những chủ đầu tư để xảy ra vi phạm.
Bởi một dự án bất động sản có thể mang lại vài trăm tỷ, thậm chí là hàng nghìn tỷ đồng cho chủ đầu tư. Do đó, mức phạt 2 tỷ đồng mà Bộ Xây dựng đề xuất, chỉ như “muối bỏ bể”.
Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận định: Mức xử phạt theo đề xuất của Bộ Xây dựng còn thấp, chưa có tính răn đe.
“Chắc chắn sẽ có chủ đầu tư chịu bỏ ra 2 tỷ đồng chịu phạt, nhưng họ lại mang về hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng từ sai phạm đó. Điều này có nghĩa, người mua nhà sẽ là đối tượng chịu thiệt khi để tình trạng này xảy ra”, ông Đính nói.
Trong khi đó, ông Phan Đình Vĩnh, chuyên gia bất động sản đặt ra giả thuyết: Với những trường hợp chủ đầu tư cố tình vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, sau khi nộp phạt xong, thì phần vi phạm sẽ bị xử lý thế nào, hay nó được “tẩy trắng”, trở thành sản phẩm “sạch”.
“Theo tôi được biết, tại Hà Nội, có trường hợp chủ đầu tư cố tình xây vượt tầng và đã có quyết định xử phạt từ thành phố. Thế nhưng, khi họ nộp phạt xong, vi phạm đó vẫn tồn tại và không có phương án giải quyết vi phạm. Như vậy, việc xử phạt hành chính trong vấn đề này không nhưng không tạo ra được sự răn đe, mà còn tạo ra tiền lệ xấu cho ngành xây dựng, tạo ra sự hợp pháp hóa các vi phạm”, ông Vĩnh nói.
Trên cơ sở đó, ông Vĩnh nhận định, trong một số trường hợp phải áp dụng hình sự hóa vụ việc. Đồng thời, những sản phẩm được hình thành từ sự vi phạm sẽ phải trưng thu vào ngân sách Nhà nước, để phát triển các dự án công ích khác.
Đặc biệt, ông Vĩnh nhấn mạnh: Bộ Xây dựng nên có “sổ đen” bêu tên các doanh nghiệp, chủ đầu tư cố tình vi phạm. Trong trường hợp tái phạm, hoặc để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, thì “giải tán” doanh nghiệp đó, thậm chí cấm lãnh đạo doanh nghiệp thành lập công ty mới.
Điều này vừa để người dân, người mua nhà tránh mua phải các dự án vi phạm, vừa tạo ra sức răn đe, chấm dứt được tình trạng đẩy thiệt hại về cho khách hàng như nhiều vụ việc từ trước đến nay.
Sáng 10/9/2024, Công ty Phú Long chính thức tổ chức Lễ Khởi công Essensia Sky, dự án căn hộ xanh - sức khỏe trong quần thể Essensia Nam Sài Gòn, thuộc Khu đô thị Dragon City, mang thông điệp "Nơi đất lành cho cuộc sống hoan ca” tại khu Nam thành phố.
(CLO) Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản.
Ngày 7/9/2024, trong khuôn khổ sự kiện “Trải nghiệm kim cương – Khai trương rộn ràng”, trung tâm thương mại cao cấp Diamond Plaza (25 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội) đã chính thức mở cửa chào đón khách hàng tới giải trí và mua sắm với sự góp mặt của nhiều nhãn hàng danh tiếng trong và ngoài nước. Cùng với đó, chuỗi siêu thị FujiMart cũng đã chính thức khai trương chi nhánh mới tại Tầng 2 với nhiều ưu đãi hấp dẫn đến ngày 22/09/2024.
(CLO) Thanh tra tỉnh Bắc Ninh kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra sau khi phát hiện hàng loạt vi phạm về lĩnh vực đất đai, việc thực hiện, chấp hành các quy định về đầu tư, xây dựng tại Dự án Khu nhà ở để bán tại thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành do Công ty Cổ phần Giấy Thuận Thành (Công ty Giấy Thuận Thành) thực hiện.