Thanh Hoá miễn phí tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh

Thứ ba, 23/01/2024 19:30 PM - 0 Trả lời

(CLO) Vào dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, Ban quản lý Khu di tích lịch sử Lam Kinh sẽ miễn vé cho người dân và du khách đến tham quan, dâng hương, du xuân tại đây.

Ngày 23/1, đại diện Ban quản lý Khu di tích lịch sử Lam Kinh cho biết, người dân và du khách đến tham quan, dâng hương tại khu di tích này và Đền thờ Trung Túc vương Lê Lai trong dịp Tết Giáp Thìn sẽ được miễn phí mua vé tham quan.

Thời gian miễn vé tham quan từ ngày 10 đến ngày 13/2, tức ngày mùng 1 đến ngày mùng 4 Tết Giáp Thìn.

thanh hoa mien phi tham quan khu di tich quoc gia dac biet lam kinh hinh 1

Du khách tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Ảnh: THO

Để phục vụ nhân dân và du khách trong dịp tết cổ truyền, Ban quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tại khuôn viên di tích như: Viết câu đối, cho chữ đầu xuân tại đền thờ vua Lê Thái tổ, trưng bày triển lãm ảnh, lễ hội khai Xuân (ngày 4 tháng Giêng), lễ hội Trung Túc vương Lê Lai với các trò chơi, trò diễn dân gian, lễ hội rước kiệu (ngày 8 tháng Giêng).

Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá) thờ anh hùng dân tộc Lê Lợi, đại công thần Lê Lai và các vị vua Lê đã có công giành lại độc lập, yên bình cho đất nước.

Theo nhiều tài liệu và những câu chuyện còn lưu truyền trong dân gian, vương triều Lê có 2 thái miếu ở Thăng Long và ở Lam Sơn (tức Lam Kinh), thái miếu ở Lam Kinh là thái miếu gốc, nên xưa kia các vua Lê trị vì tại Thăng Long đều phải hành hương về Lam Kinh để tế lễ và bái yết tổ tiên hàng năm.

Lịch sử ghi lại rằng, đầu năm 1416, từ miền rừng núi Lam Sơn, Lê Lợi cùng với 18 người bạn thân thiết, đồng tâm cứu nước đã làm lễ thề đánh giặc giữ yên quê hương (hội Thề Lũng Nhai). Vùng đất Lam Sơn trở thành nơi tụ nghĩa của những con người ưu tú như: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích, Nguyễn Xí, Lê Lai...

thanh hoa mien phi tham quan khu di tich quoc gia dac biet lam kinh hinh 2

Một góc Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Ảnh: TL

Năm 1418, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, truyền hịch đi khắp nơi, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước. Qua các chiến thắng Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng, Xương Giang oanh liệt, rồi thành Đông Quan được giải phóng đã kết thúc 20 năm thống trị của giặc Minh.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, tên thụy là Lê Thái tổ, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt quốc hiệu là Đại Việt, đóng đô ở Đông Kinh (Hà Nội). Đến 22/8 năm Quý Sửu (1433), vua Lê Thái tổ băng hà, được an táng tại Vĩnh Lăng, Lam Sơn (Khu di tích lịch sử Lam Kinh ngày nay).

Các vua, hoàng hậu triều Lê sơ cũng lần lượt được đưa về táng tại đây. Sau khi Lê Thái tổ qua đời, các vua triều Lê sơ vẫn tiếp tục xây dựng Lam Sơn trở thành một kinh đô thứ 2 sau Đông Đô.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh không chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi kiến trúc độc đáo đậm chất Á Đông của khu kinh thành cổ, mà còn thu hút du khách bởi những câu chuyện truyền thuyết mang màu sắc huyền bí tại khu lăng tẩm của các vua chúa thời Hậu Lê.

Trung Túc vương Lê Lai là một trong những tướng lĩnh nổi tiếng trong khởi nghĩa Lam Sơn, người có công lớn giúp Lê Lợi gây dựng sự nghiệp. Ông đã hy sinh thân mình cứu Lê Lợi thoát khỏi vòng vây của giặc Minh và được hậu thế ngợi ca là tượng đài về lòng trung quân ái quốc, đồng thời được vua Lê Thánh tông gia phong là Trung Túc vương.

thanh hoa mien phi tham quan khu di tich quoc gia dac biet lam kinh hinh 3

Lễ dâng hương Trung Túc vương Lê Lai. Ảnh: TL

Đền thờ Túc vương Lê Lai thuộc làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, cách Khu di tích Lam Kinh khoảng 6km về phía Tây. Đền thờ nằm trên sườn đồi, phía trước là hồ bán nguyệt thơm ngát hương sen, với vị trí đẹp mà theo thuyết phong thủy là đất tụ linh, tụ phúc, hổ chầu, long tụ. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng ngôi đền vẫn giữ được nét đẹp riêng hiếm có và đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Thế Vũ

Bình Luận

Tin khác

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản gốm Việt

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản gốm Việt

(CLO) Hội thảo mang tới nhiều thông tin về gốm Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghề gốm cổ truyền ở Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Đại lễ Phật đản năm 2024 tại Ninh Bình lan tỏa tình yêu thương, đoàn kết, kiến tạo thế giới hòa bình

Đại lễ Phật đản năm 2024 tại Ninh Bình lan tỏa tình yêu thương, đoàn kết, kiến tạo thế giới hòa bình

(CLO) Ngày 18/5, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình phối hợp chùa Bái Đính long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568-Dương lịch 2024.

Đời sống văn hóa
Trải nghiệm vườn nho hạ đen trĩu quả ở ngoại thành Hà Nội

Trải nghiệm vườn nho hạ đen trĩu quả ở ngoại thành Hà Nội

(CLO) Những năm gần đây, người dân trồng nho hạ đen ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội đã kết hợp việc nuôi trồng thông thường với du lịch, đem lại nhiều lợi nhuận và thu hút du khách gần xa tới trải nghiệm.

Đời sống văn hóa
Ấn tượng chương trình quảng diễn đường phố 'Quê hương mùa Sen nở'

Ấn tượng chương trình quảng diễn đường phố 'Quê hương mùa Sen nở'

(CLO) Chương trình quảng diễn đường phố "Quê hương mùa Sen nở" diễn ra sôi động với sự tham gia trình diễn của gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân.

Đời sống văn hóa
Thái Bình: Tổ chức nhiều hoạt động tại Tuần du lịch năm 2024

Thái Bình: Tổ chức nhiều hoạt động tại Tuần du lịch năm 2024

(CLO) Tỉnh Thái Bình kỳ vọng, thông qua các hoạt động của Tuần du lịch, tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh; thu hút người dân, du khách trong và ngoài nước tiếp tục đến với Thái Bình trong mùa du lịch năm 2024.

Đời sống văn hóa