Thắp lên một ngọn nến!

Thứ tư, 14/10/2020 13:52 PM - 0 Trả lời

(CLO) Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã họp phiên trù bị sáng 14/10 và sẽ chính thức khai mạc vào ngày 15/10. Một đại hội ngay trước khai mạc đã thông báo không nhận quà tặng, hoa chúc mừng, không sử dụng nhiều tài liệu giấy,…đã thể hiện trách nhiệm, nhận thêm sự tin tưởng từ người dân TP.

1. Trước thềm Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi gặp gỡ, chia sẻ với báo chí về những nội dung tại đại hội, thông điệp mà đại hội muốn gửi gắm đến người dân TP…

Theo Bí thư Nhân, Đại hội Đảng bộ TP. lần thứ XI trước hết là đại hội của Đảng bàn về nội dung và trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển của TP. “Chúng ta đo sự lãnh đạo đó như thế nào? Bên cạnh những chỉ tiêu kinh tế - xã hội thì có một yêu cầu Đảng lãnh đạo kết quả đó được đo bằng sự hài lòng của người dân, ở niềm tin của người dân”, ông Nhân nói.

Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ TP.HCM dâng hương tại công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: PLO

Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ TP.HCM dâng hương tại công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: PLO

Theo Bí thư Thành ủy, mỗi đảng viên, mỗi cán bộ lãnh đạo phải là người nêu gương trong việc thực hiện trách nhiệm, đáp ứng với đòi hỏi của nhân dân và xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Nếu người dân chưa hài lòng, phải lắng nghe. Suy cho cùng là dân đánh giá mình, dân đánh giá đảng. Ông nhận định: “Chúng ta không có quyền lãnh đạo nếu dân không tin, nếu chúng ta làm tốt thì dân tin và dân tin thì sẽ trao cho mình quyền lãnh đạo…”.

Bí thư Nhân nói nhiều tới niềm tin, bởi thực sự năm 2020, hay đúng hơn, 2015 - 2020 là một nhiệm kỳ buồn đối với không chỉ Đảng bộ, mà với cả người dân TP và cả nước, khi có tới 3 Phó Chủ tịch UBND TP, nhiều lãnh đạo sở ngành bị xử lý kỷ luật, truy tố hình sự vì các sai phạm về đất đai, làm thất thoát ngân sách nhiều trăm tỷ, ngàn tỷ.

Nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và các cấp ủy đã kiểm tra, giám sát và tiến hành kỷ luật 46 tổ chức đảng, xử lý kỷ luật 2.036 đảng viên, trong đó có 71 trường hợp bị cách chức, 50 trường hợp bị khai trừ. Riêng tại dự án Thủ Thiêm, Thành ủy đã chỉ đạo xem xét trách nhiệm của 66 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm.

TP.HCM đã mất nhiều cán bộ chủ chốt, cho thấy lỗ hổng về dùng người, bất cập trong quy hoạch, quản lý và đánh giá cán bộ. Nhưng mất mát lớn nhất, hơn cả đất đai, tiền bạc, là sự hao hụt niềm tin của người dân.

2. Nhìn nhận, đánh giá lại những thành tựu về kinh tế, xã hội, quản lý đô thị, an ninh, trật tự an toàn xã hội 5 năm qua, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém để đưa ra giải pháp khắc phục, điều chỉnh, Ban chấp hành Đảng bộ khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã nói rõ trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ TP. lần thứ XI.

Theo đó, nhiệm kỳ qua, TP.HCM tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016 - 2019 tăng bình quân 7,72%, ước giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 6,41%, tỷ trọng kinh tế đóng góp trên 22,2% kinh tế quốc gia. Các ngành dịch vụ, thương mại phát triển theo hướng hiện đại; công nghiệp tăng trưởng khá; nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học được quan tâm đầu tư;…

Một góc đô thị TP.HCM khu vực ven sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh) nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Thế Thắng

Một góc đô thị TP.HCM khu vực ven sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh) nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Thế Thắng

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ TP.HCM hướng tới các mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng GRDP hằng năm từ 8 - 8,5%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; Phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt từ 8.500 - 9.000 USD/người; Đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo, đạt tỉ lệ 21 bác sĩ/vạn dân, 42 giường bệnh/vạn dân, 100% trẻ trong độ tuổi đến trường đều được đi học;…

Và không thể không nhắc tới thông điệp quan trọng mà Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã đề cập: Nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải là nhiệm kỳ đột phá phát triển tầm nhìn 10 năm, trong đó có ba đột phá chính về thể chế, phát triển hạ tầng và phát triển nhân lực. Cụ thể, đột phá về đổi mới quản lý, TP. chuẩn bị trình Quốc hội đề án chính quyền đô thị, hình thành TP. Thủ Đức. Về hạ tầng, TP. phải đột phá xây dựng hệ thống giao thông kết nối khu vực về đường bộ, đường thủy, hàng không, hình thành hệ thống giao thông đồng bộ mới…

Người dân cũng kỳ vọng rằng, tại Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI này, các vấn đề khiếu nại tại Thủ Thiêm, hỗn loạn phát triển đô thị phía Đông và Nam, tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập lụt triền miên sẽ được đại hội quan tâm, nghiên cứu tháo gỡ.

3. Bốn ngày trước Đại hội Đảng bộ TP, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao quyết định của Bộ Chính trị về việc cho ông Nguyễn Văn Nên thôi giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, chỉ định ông tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025 và giới thiệu để Ban chấp hành bầu làm Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ rằng, việc giới thiệu một nhân sự chủ chốt của một Đảng bộ lớn và quan trọng như TP.HCM diễn ra trước thời điểm Đại hội Đảng bộ sẽ làm cho nhiều người suy nghĩ có vội vàng, cập rập...

Giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025 mà người dân gửi gắm. Ảnh: NLD

Giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025 mà người dân gửi gắm. Ảnh: NLD

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, việc trao quyết định cho ông Nguyễn Văn Nên đã được Bộ Chính trị cân nhắc nhiều mặt, toàn diện. Ông Nên là cán bộ từ trong lực lượng vũ trang, được đào tạo và kinh qua nhiều công tác từ cơ sở đến trung ương. Đồng thời, ông Nên nắm vững công tác xây dựng Đảng, có uy tín và khả năng làm trung tâm đoàn kết các tổ chức, cá nhân trong tổ chức Đảng…

TP HCM vừa trải qua nhiệm kỳ 5 năm với không ít những thành công nhưng cũng không thể phủ nhận là còn quá nhiều những thách thức, tồn tại, thậm chí là biến cố, là sai lầm, trong đó đáng tiếc nhất là việc hàng loạt cán bộ chủ chốt, đảng viên bị kỷ luật, khởi tố hình sự... đã khiến niềm tin của người dân TP đã ít nhiều bị suy giảm...

Bởi thế nên trách nhiệm thắp sáng lại ngọn nến niềm tin trong lòng mỗi người dân TP với Đảng bộ, chính quyền TP HCM nói chung, cá nhân tân Bí thư Nguyễn Văn Nên nói riêng, chắc chắn không thể dễ dàng, nếu không muốn nói là đầy cam go, thách thức.

Nhưng, khó không có nghĩa là không thể. Việc Trung ương và Thành ủy TP quyết liệt xử lý cán bộ vi phạm, sai phạm ngay trước thềm Đại hội Đảng, uy tín, phẩm chất và năng lực của nhân sự mới - ông Nguyễn Văn Nên được thể hiện qua quá trình công tác, đã cho người dân niềm tin rằng TP sẽ hướng tới “Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình” một cách căn cơ, thực chất.

Tại buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Thường vụ Thành ủy TPHCM ngày 3/9/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trách nhiệm và niềm vinh dự của TPHCM khi là địa phương duy nhất được mang tên Bác. Dù trước đây TPHCM được ví như Hòn ngọc Viễn Đông hay đầu tàu kinh tế của cả nước, việc được mang tên Bác vẫn rất đặc biệt. Vì vậy, Đảng bộ và nhân dân TPHCM phải luôn thấy được niềm tự hào này, suy nghĩ làm sao để việc được mang tên Bác trở thành một động lực phát triển cho thành phố.

Nhiệm kỳ mới, khí thế mới, tâm thế mới, tin chắc rằng ngọn nến niềm tin ấy sẽ được thắp lên. Sẽ tỏa rạng niềm tin, niềm kỳ vọng về một nhiệm kỳ mới nhiều khởi sắc. TP HCM nhất định sẽ mang trên mình động lực phát triển mới, xứng đáng với niềm vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, sớm hội đủ nền tảng, tận tâm tận lực cho mục tiêu trở thành một đầu tàu thực sự, vươn tới một trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Kiên Giang

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn