Thọ nhận vật phẩm trong lễ cúng dường: Góc nhìn từ lý và luật

Thứ hai, 22/08/2022 13:55 PM - 0 Trả lời

(CLO) Trước tranh cãi liên quan đến lễ cúng dường tại một ngôi chùa ở tỉnh Quảng Ninh, nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh hoạt động này. Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp, Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự Trung ương GHPGVN, Phó ban thường trực Ban Phật giáo Quốc tế, cũng đã có chia sẻ về vấn đề trên.

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền đoạn video, hình ảnh ghi lại hoạt động khất thực, cúng dường diễn ra tại một ngôi chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong Đại Lễ Vu Lan với sự tham gia của hơn 10.000 nhân dân, Phật tử từ khắp tỉnh thành. Trong đó, hoạt động sớt bát cúng dường vào khoảng 11h trong khuôn viên chùa. Đáng chú ý, trong đoạn video xuất hiện cảnh Tăng đoàn nhà chùa đã thọ nhận vật phẩm cúng dường gồm hoa, thực phẩm và tiền mặt do các Phật tử dâng cúng.

tho nhan vat pham trong le cung duong goc nhin tu ly va luat hinh 1

Hình ảnh đưa tiền, vật thực cho các chư tăng ở chùa Ba Vàng được đưa lên mạng xã hội gây phản cảm - Ảnh: Facebook Chùa Ba Vàng

Đoạn video đã nhận được những luồng ý kiến trái chiều. Một số ý kiến bày tỏ việc chư Tăng nhận tiền cúng dường là rất bình thường, nhưng có ý kiến lại cho rằng đó là việc làm phản cảm. Vậy, hành động “khất thực”, “sớt bát cúng dường” là gì theo quan điểm của Phật giáo và trong quy định pháp luật? Với sự việc trên, cần hiểu sao cho đúng?

“Cúng dường” theo triết tự có nghĩa là cung cấp, dưỡng nuôi các bậc tôn kính như Thầy, Tổ hay ông bà, cha mẹ… những người có công sinh thành, dưỡng dục, truyền đạt đạo lý làm người, giúp ta hiểu rõ chúng sinh trong lục đạo luân hồi. Trong Phật giáo, cúng dường cho các bậc tu hành là hành động làm phước thiện. Theo luật nhân quả, nó mang lại phước báu lớn cho người cúng dường, giúp tiêu trừ đau khổ, vượt qua nỗi bất an trong cuộc đời. Việc thiện dù nhỏ nhưng ắt mang lại vinh hoa phú quý trong hiện tại và tương lai, nhờ bố thí mà lòng tham, ích kỷ được giảm bớt.

Bàn về vấn đề này, Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp - Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự Trung ương GHPGVN, Phó ban thường trực Ban Phật giáo Quốc tế, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Bình, trụ trì chùa Đại Giác cho rằng, việc chư Tăng đi khất thực là truyền thống Phật giáo có từ ngàn xưa. Trong thời Phật tại thế, Ngài cùng các đệ tử cũng đi khất thực và nhận được sự dâng cúng của toàn thể nhân dân. Hằng ngày, người dân chuẩn bị thức ăn, thuốc men, y áo, tài sản, ruộng vườn, đất đai, tịnh xá, tịnh thất,... để dâng cúng Đức Phật và chúng Tăng. Đức Phật đã thọ nhận sự cúng dường của nhân dân, chính vì thế mà họ được thọ hưởng phước báo vô cùng to lớn.

Từ viện dẫn đó, Hòa Thượng Thích Tánh Nhiếp chia sẻ thêm: “Các Phật tử cúng dường cho chư Tăng là hoàn toàn tự nguyện, không bị ai ép buộc. Chư Tăng thọ nhận sự cúng dường đó là hoàn toàn hợp pháp. Hơn nữa, trong Bộ luật Dân sự về việc cho biếu, tặng phẩm vật, tài sản, vấn đề này không vi phạm luật pháp của Nhà nước”.

“Vì vậy, chư Tăng thọ nhận những phẩm vật cúng dường của Phật tử để nuôi dưỡng Tăng đoàn, xây dựng chùa chiền làm nơi tu học, làm công tác từ thiện xã hội. Đó là vấn đề hoàn toàn hợp pháp, không có gì sai trái” - Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp khẳng định.

tho nhan vat pham trong le cung duong goc nhin tu ly va luat hinh 2

Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp - Uỷ viên thường trực Hội đồng trị sự Trung ương GHPGVN, Phó ban thường trực Ban Phật giáo Quốc tế, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Bình, trụ trì chùa Đại Giác

tho nhan vat pham trong le cung duong goc nhin tu ly va luat hinh 3

Lễ sớt bát cúng dường trong ngày Đại Lễ Vu Lan tại chùa

tho nhan vat pham trong le cung duong goc nhin tu ly va luat hinh 4

Các bạn trẻ tham gia khóa tu mùa hè được tổ chức tại chùa

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp luật, chuyên gia pháp lý N.V.Q cho biết, Bộ luật Dân sự Việt Nam hiện không có quy định cấm, hạn chế hành vi “xin” của cá nhân, tổ chức, cũng không quy định chi tiết hành vi “tặng cho”. Do vậy, hành vi “khất thực” (xin) và “sớt bát cúng dường” (cho) đều được phép thực hiện và được pháp luật công nhận. Cụ thể, Bộ luật Dân sự quy định quyền tặng cho là quyền cơ bản của chủ sở hữu tài sản (Điều 194), quy định về giao dịch, hợp đồng tặng cho từ Điều 458 đến Điều 462.

Cũng liên quan đến các quy định của pháp luật về hoạt động này, Khoản 6, Điều 7 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định: Tổ chức tôn giáo có quyền “nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho”.

Theo chuyên gia pháp lý, văn bản pháp luật không có quy định cấm, hạn chế các loại tài sản được phép dâng cúng, tặng cho. Do đó, cần hiểu rằng, một chủ thể được phép “sớt bát cúng dường” (bên tặng cho) một chủ thể khác là vị khất sĩ, nhà tu hành (bên nhận tặng cho) bất kỳ tài sản nào hợp pháp, tức là bao gồm: tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, bao gồm bất động sản và động sản. Hành vi dâng cúng nhà tu hành bằng hoa, thức ăn, vật phẩm hay tiền, giấy tờ có giá đều là hành vi hợp pháp.

Việc thực hiện hành vi cho tặng - nhận cho tặng bằng cử chỉ, nghi thức tôn giáo, pháp luật không can thiệp, nhưng việc thực hành nghi thức tôn giáo là quyền tự do được pháp luật bảo hộ. Việc Phật tử quỳ, vái để thực hiện hành vi dâng cúng thể hiện sự cung kính, ngưỡng mộ nếu không trái quy định pháp luật và phù hợp với giáo lý, phù hợp với đức tin của người thực hành nghi thức thì họ có quyền tự do thực hiện.

Nguyễn Hoàng 

Bình Luận

Tin khác

Khai hội truyền thống Đền Đô năm 2024

Khai hội truyền thống Đền Đô năm 2024

(CLO) Phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh vừa mới tổ chức khai hội Đền Đô truyền thống Xuân Giáp Thìn - 2024, kỷ niệm 1014 năm ngày vua Lý Thái Tổ đăng quang.

Đời sống văn hóa
Bắc Giang: Trưng bày tư liệu, hiện vật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bắc Giang: Trưng bày tư liệu, hiện vật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang vừa mới tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Bảo tàng tỉnh.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình: Sẵn sàng cho triển lãm nhiếp ảnh về Di sản Tràng An

Ninh Bình: Sẵn sàng cho triển lãm nhiếp ảnh về Di sản Tràng An

(CLO) Triển lãm nhiếp ảnh Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (2014-2024) sẽ được tổ chức vào ngày mai (24/4). Hiện, các công việc chuẩn bị cho Triển lãm đã cơ bản hoàn tất.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình: Nhiều điểm mới trong Lễ hội Tràng An 2024

Ninh Bình: Nhiều điểm mới trong Lễ hội Tràng An 2024

(CLO) Ngày 23/4, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường và Ban Quản lý danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đã tổ chức tổng duyệt chương trình khai mạc lễ hội Tràng An "Về miền di sản Tràng An 2024".

Đời sống văn hóa
Ninh Bình: Long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống đền Thái Vi năm 2024

Ninh Bình: Long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống đền Thái Vi năm 2024

(CLO) Ngày 23/4, tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Thái Vi (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), UBND xã Ninh Hải đã tổ chức khai mạc Lễ hội đền Thái Vi-lễ hội truyền thống nhằm tri ân, tưởng nhớ công ơn các vị vua Trần và các anh hùng có công với đất nước.

Đời sống văn hóa