Từ Tân Trào đến Ba Đình lịch sử

Thủ đô Khu giải phóng: Những ngày cận kề Tổng khởi nghĩa

Thứ hai, 02/09/2024 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Được lựa chọn là trung tâm căn cứ địa của cách mạng, Thủ đô khu giải phóng - Tân Trào đã là nơi chỉ đạo tổng khởi nghĩa và giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc, chứng kiến những quyết định quan trọng nhất của cuộc cách mạng Tháng Tám cách đây 79 năm.

Bài liên quan

“Quân lệnh số 1”- Hạ lệnh Tổng khởi nghĩa

Ngày 13/8/1945, nhận được tin phát xít Nhật bại trận và sắp đầu hàng Đồng minh, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh lập tức thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. 23 giờ cùng ngày, Uỷ ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số I, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Nhà cách mạng Trần Huy Liệu, người vinh dự được giao soạn thảo bản Quân lệnh số I, trong hồi ký của mình đã kể lại: “Đêm 13/8, trong một căn nhà lợp lá, tôi được đồng chí Văn (đồng chí Võ Nguyên Giáp) ủy quyền cho thảo bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa. Mặc dù ngồi dưới ngọn đèn tù mù, những con tầm xuân, con thiêu thân bay quanh tới tấp, muỗi và dĩn thi nhau đốt làm tôi nhiều lúc nẩy người lên hay đập chân bành bạch, tôi vẫn say sưa nghĩ đến cảnh nước mất, dân nhục từ hơn tám mươi năm, nghĩ đến sự nghiệp cách mạng của mấy thế kỷ qua; những cuộc khởi nghĩa của Văn thân, của Việt Nam Quốc dân Đảng cho đến ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương”. Vì vậy “Bản Quân lệnh số 1 lúc ấy tôi thảo một mạch, đọc đi đọc lại vẫn không sửa chữa một chữ nào. Viết xong tôi trao cho anh Văn…”.

thu do khu giai phong nhung ngay can ke tong khoi nghia hinh 1

Toàn cảnh Di tích đình Hồng Thái, xã Tân Trào (Sơn Dương). Ảnh: Báo Tuyên Quang.

Dưới bóng đa Tân Trào, chiều ngày 16/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đọc bản Quân lệnh số 1 hạ lệnh xuất quân. Bản quân lệnh có đoạn: “Hỡi quân dân toàn quốc! 12 giờ trưa ngày 13/8/1945, phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật tan rã trên khắp các mặt trận. Kẻ thù của chúng ta bị ngã gục. Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Hỡi các tướng sĩ và đội viên quân giải phóng Việt Nam! Hỡi nhân dân toàn quốc! Dưới mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đạo quân giải phóng, xung vào bộ đội, xông ra mặt trận, đánh đuổi quân thù... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định về ta!...”

Đoàn quân giải phóng, áo vải chân đất, rầm rập tiến về phía Nam, trước những bàn tay vẫy chào chúc mừng thắng lợi.

Sau khi Quân lệnh số 1 được ban hành vào ngày 13/8/1945, Việt Minh đã tổ chức các cuộc khởi nghĩa vũ trang trên toàn quốc. Các cuộc khởi nghĩa diễn ra liên tiếp từ Bắc vào Nam. Bản Quân lệnh số 1 ra đời đã đáp ứng đúng yêu cầu bức thiết của cách mạng, tạo ra một sức mạnh tinh thần lớn, huy động toàn dân tham gia vào cuộc tổng khởi nghĩa.

Hội nghị toàn quốc của Đảng - bàn kế hoạch phát động Tổng khởi nghĩa, hiệu triệu đồng bào cả nước đứng lên giành chính quyền

Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai chuẩn bị kết thúc với thắng lợi thuộc về phe Đồng minh. Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh nhận định tình hình thế giới có sự chuyển biến mau lẹ, tạo thuận lợi lớn cho cách mạng Việt Nam.

Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp hội nghị mở rộng, ra Chỉ thị nêu rõ “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, đồng thời phân tích: Cuộc đảo chính đã tạo ra một tình hình khủng hoảng chính trị sâu sắc làm cho những điều kiện của cuộc khởi nghĩa vũ trang mau chóng đi đến chín muồi. Đảng nêu cao quyết tâm: “Phải đem sức ta mà giải phóng cho ta.”

thu do khu giai phong nhung ngay can ke tong khoi nghia hinh 2

Tranh vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Đại hội Quốc dân tại đình Tân Trào (Tuyên Quang). Ảnh tư liệu

Trước những diễn biến ấy của tình hình thế giới và trong nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh khẩn trương chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Đảng. Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người luôn cận kề cùng Bác - đã kể lại: “Cao trào kháng Nhật cứu nước bây giờ đã cuộn cuộn từ Bắc chí Nam. Ngay ở các đô thị lớn như ở Hà Nội, thợ thuyền, học sinh, các giới trí thức, người buôn bán đều tham gia rất đông đảo vào công cuộc kháng Nhật. Ảnh hưởng của Chính phủ Trần Trọng Kim ngày càng tiêu tan, không thể giúp Nhật ngăn cản phong trào. Toàn thể nhân dân đang hướng về Việt Minh, trông chờ một cuộc chuyển biến lớn. Phát xít Nhật ngày càng lụn bại. Không khí khởi nghĩa ngày càng nóng rực.

Trung ương đã quyết định cần tích cực chuẩn bị cho cuộc họp Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân đại hội đại biểu. Bác giục chuẩn bị cho kịp họp hai hội nghị quan trọng này từ tháng 7. Tình hình đã khẩn trương lắm. Bác nói: “Có thể còn thiếu một số đại biểu nào đó chưa về kịp cũng họp, nếu không thì không kịp được với tình hình chung”. 

Cũng trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hé lộ những chi tiết vô cùng cảm động: “Giữa lúc công việc bộn bề như thế, Bác bỗng bị mệt. Đã mấy hôm liền Bác sốt nóng. Song Bác vẫn gượng làm việc. Mỗi khi tôi tới thảo luận công việc, hỏi thăm sức khỏe, Bác chỉ nói: “Chú cứ xuống làm công tác, tôi không việc gì”. Nhưng tôi thấy Bác yếu nhiều, người hốc hác hẳn. Có hôm tôi đến, Bác đang lên cơn sốt, miệng toàn nói mê. Thuốc men chẳng có, chỉ kiếm được vài viên thuốc cảm và ký ninh, Bác đã uống mà không thấy đỡ…. Lúc nào tỉnh, Bác chỉ nói chuyện tình hình: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Cũng theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “mặc dầu Bác đã chỉ thị viết nhiều thư hỏa tốc, tung giao thông đặc biệt đi các hướng để thục giục các đại biểu, nhưng vì đường sá trắc trở, liên lạc khó khăn, nhiều đại biểu đã cố gắng đi cho chóng, mà mãi tới ngày 13, 14 tháng 8 mới lên tới Tân Trào. Có những đoàn đại biểu ngày 16, 17 mới đến kịp. Trung ương và Tổng bộ Việt Minh quyết định không thể đợi lâu hơn nữa”…

thu do khu giai phong nhung ngay can ke tong khoi nghia hinh 3

Lán Nà Lừa, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc trong những ngày Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội (1945).

Cũng bởi “Trung ương và Tổng bộ Việt Minh quyết định không thể đợi lâu hơn nữa”, từ ngày 14 đến ngày 15/8/1945, tại căn lán đơn sơ làm vội (cách lán Bác ở và làm việc không xa) trong khu rừng Nà Nưa, xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang), dưới sự chủ tọa của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã được triệu tập. Tham dự Hội nghị có 30 đại biểu thay mặt cho gần 5.000 đảng viên thuộc các đảng bộ Bắc, Trung, Nam, đại biểu hoạt động ở nước ngoài, đại biểu khu giải phóng và các chiến khu, gồm các đồng chí: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Vũ Anh, Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Hà Huy Giáp, Lê Giản, Chu Văn Tấn, Lê Thanh Nghị, Song Hào, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hữu Nam, Trần Huy Liệu, Trần Đăng Ninh, Vũ Oanh và một số đồng chí khác. Tại Đại hội, lãnh tụ Hồ Chí Minh đọc báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Một trong những nội dung cơ bản của báo cáo là những vấn đề chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Hội nghị đưa ra nhiều nhận định quan trọng về tình hình, trong đó, đáng chú ý nhất là nhận định thứ 7: Điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương như đã chín muồi. Hội nghị chỉ rõ cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới. Từ đó, quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền từ phát xít Nhật và tay sai, trước khi quân Anh và Tưởng vào Đông Dương tước khí giới quân Nhật và trước khi quân Pháp đưa lực lượng trở lại xâm lược nước ta.

Để đảm bảo lãnh đạo tổng khởi nghĩa thắng lợi, Hội nghị đề ra 3 nguyên tắc: 1. Tập trung: Tập trung lực lượng vào những việc chính. 2. Thống nhất: Thống nhất mọi phương diện, chính trị, hoạt động chỉ huy. 3. Kịp thời: Kịp thời hành động không bỏ lỡ thời cơ.

Hội nghị đề ra ba khẩu hiệu đấu tranh lớn là: “Phản đối xâm lược!; Hoàn toàn độc lập; Chính quyền nhân dân!”.

Ngày 15/8/1945, sau khi nhận được tin Nhật chính thức tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, lãnh tụ Hồ Chí Minh đề nghị Hội nghị mau chóng kết thúc để các đại biểu trở về địa phương, kịp thời phát động và lãnh đạo nhân dân vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Quốc dân Đại hội: Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập

Nói đến những sự kiện đặc biệt quan trọng của cách mạng tiền đề cho Tổng khởi nghĩa diễn ra dồn dập những ngày cuối tháng 8/1945 tại Thủ đô Khu giải phóng không thể không kể đến Đại hội đại biểu quốc dân (nay gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào).

Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh đã quyết định khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân ngay từ chiều 16/8/1945 tại Đình Tân Trào khi nhận diện rõ những chuyển biến nhanh chóng của thời cuộc, chậm một ngày, một giờ tức là bỏ lỡ cơ hội.

thu do khu giai phong nhung ngay can ke tong khoi nghia hinh 4

Di tích lịch sử cây đa Tân Trào, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân Lệnh số 1. Ảnh: Báo Tuyên Quang

Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu Trung, Nam, Bắc, đại biểu kiều bào ở nước ngoài, đại biểu các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc và tôn giáo... Điều đáng nhớ nhất tại “Hội nghị Diên Hồng” tại Tân Trào ngày 16/8/1945 là việc Đại hội đã nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, thông qua 10 chính sách lớn về đối nội và đối ngoại, trong đó điểm đầu tiên là “phải giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập” . Đại hội còn quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa. Quốc ca là bài “Tiến quân ca” và cử ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch.

Trong “Hồi ký đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào”, Phó chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng Trần Huy Liệu kể lại: “Đại hội bế mạc trong không khí khởi nghĩa sục sôi, nhiều đại biểu hẹn nhau sớm về địa phương để kịp lãnh đạo nhân dân phất cao cờ khởi nghĩa...”.

Cũng trong ngày 16/8/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch Uỷ ban Dân tộc giải phóng đã gửi thư kêu gọi đồng bào toàn quốc trước giờ phút đấu tranh quyết liệt và khẩn trương: Tổng khởi nghĩa. Bức thư có đoạn viết: “Hỡi đồng bào yêu quý!.... Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam cũng như Chính phủ lâm thời của ta lúc này. Hãy đoàn kết chung quanh nó, làm cho chính sách và mệnh lệnh của nó được thi hành khắp nước... giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.

Sáng ngày 17/8/1945, Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam ra mắt Quốc dân Đại hội và làm lễ tuyên thệ. Trước đình Tân Trào, đứng trên Hòn đá thề, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời thề kiên quyết lãnh đạo nhân dân chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. “Chúng tôi là những người được Quốc dân Đại hội  bầu vào Uỷ ban dân tộc giải phóng, để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng quyết không lùi bước. Xin thề! Xin thề!”- Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Uỷ ban dân tộc giải phóng tuyên thệ.

Quốc dân đại hội Tân Trào thể hiện lòng tin sâu sắc của nhân dân cả nước đối với Đảng, Bác Hồ, sự đoàn kết nhất trí của toàn dân trong giờ phút quyết định vận mệnh đất nước.

Quốc dân Đại hội Tân Trào được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta, là tiền thân của Quốc hội ngày nay, thể hiện lòng tin sâu sắc của đồng bào với Đảng, Mặt trận và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đoàn kết nhất trí của toàn dân trong giờ phút quyết định vận mệnh đất nước. Quốc dân Đại hội Tân Trào còn là một sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam, phát động khởi nghĩa giành chính quyền một cách nhanh nhất, khẩn trương nhất. Tháng 8 mùa thu 79 năm trước, hơn 20 triệu đồng bào trong cả nước đã nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước phát ra từ Tân Trào, nhất tề đứng lên tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền, mở ra một kỷ nguyên mới của đất nước, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh tuyên bố chính thức thành lập Khu Giải phóng, lấy Tân Trào làm thủ đô. Khu Giải phóng đặt dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Chỉ huy lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh đứng đầu, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Ủy viên Thường trực, đồng thời chỉ huy về quân sự. Thành lập hệ thống Ủy ban từ cấp xã đến khu đặt dưới sự chỉ đạo của Ủy ban lâm thời Khu. Ủy ban Quân sự thống nhất chỉ huy cuộc chiến đấu chống Nhật, tiễu phỉ trừ gian, bảo vệ trật tự an ninh, tiếp tục lãnh đạo quần chúng ở những nơi địch còn kiểm soát đứng lên giành chính quyền, mở rộng Khu Giải phóng.
Bình Luận

Tin khác

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương xây dựng cầu Phong Châu mới

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương xây dựng cầu Phong Châu mới

(CLO) Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ là cơ quan chủ trì, khẩn trương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan triển khai ngay nghiên cứu, khảo sát, hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng cầu Phong Châu mới trên Quốc lộ 32C, bảo đảm kiên cố, an toàn trong mọi điều kiện mưa lũ; báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 1/10/2024.

Tin tức
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 và Đội Công binh số 3 sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 và Đội Công binh số 3 sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ

(CLO) 100% cán bộ, nhân viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 và Đội Công binh số 3 có lập trường tư tưởng vững vàng, yên tâm công tác, sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ.

Tin tức
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

(CLO) Ngày 16/9, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Lễ công bố và trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Tin tức
Lũ lụt đi qua 'nỗi đau xé lòng người ở lại'

Lũ lụt đi qua 'nỗi đau xé lòng người ở lại'

(CLO) Trong những ngày qua, nhiều hình ảnh và câu chuyện tang thương của những người dân vùng lũ làm quặn đau đồng bào cả nước. Hàng chục nạn nhân xấu số đã ra đi mãi mãi khi chưa kịp tỉnh giấc lúc sáng sớm.

Tin tức
Xác định các mũi đột phá trong đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương

Xác định các mũi đột phá trong đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương

(CLO) Ngày 16/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lựa chọn đưa vào đề án các mũi đột phá có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng tới ngành, lĩnh vực, địa phương thuộc phạm vi quản lý. Giải quyết các vấn đề này sẽ tạo nên những động lực chính thúc đẩy hoạt động và tạo đột phá trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế số của bộ, ngành và địa phương.

Tin tức