Thu phí tự động không dừng: Thủ tướng yêu cầu hoàn thành dự án trong năm 2020

Thứ bảy, 21/03/2020 09:33 AM - 0 Trả lời

(CLO) Sau nhiều lần trì hoãn và gia hạn, nhiệm vụ triển khai thu phí tự động không dừng đã không thể hoàn thành vào ngày 31/12/2019. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải hoàn thành giai đoạn 2 việc thu phí không dừng trên toàn quốc trong năm 2020.

Sự kiện: thu phí

Việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng thời gian qua hết sức chậm trễ, chưa đạt yêu cầu về tiến độ. Ảnh minh họa

Việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng thời gian qua hết sức chậm trễ, chưa đạt yêu cầu về tiến độ. Ảnh minh họa

Nhà đầu tư không muốn minh bạch?

Việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng sẽ khắc phục, hạn chế bất cập của hình thức thu phí một dừng, đảm bảo an toàn giao thông, tạo sự thuận tiện cho người tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội đồng thời tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý doanh thu tại các trạm thu phí. Thế nhưng, sau nhiều lần trì hoãn và gia hạn, nhiệm vụ triển khai thu phí tự động không dừng đã không thể hoàn thành vào ngày 31/12/2019.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thu phí tự động không dừng mang lại lợi ích rất lớn về kinh tế - xã hội vì vậy, hình thức thu phí tự động đã rất phổ biến trên thế giới.

Một tính toán cho thấy, nếu tất cả các trạm thu phí trên cả nước được áp dụng thu phí tự động không dừng, ước tính sẽ tiết kiệm hơn 3.000 tỷ đồng/năm. Thu phí không dừng sẽ giảm thời gian lưu thông cho hành khách và hàng hóa, tiết kiệm nhiên liệu mỗi lần dừng xe và tăng tốc trở lại khi xe qua trạm thu phí; giảm ùn tắc giao thông, giảm nhân sự trực tiếp thu phí; cơ quan chức năng có thể giám sát được việc thu phí tại các trạm và minh bạch nguồn thu.

Việc "tù mù" trong nguồn thu tại các trạm thu phí BOT đã là thực trạng diễn ra từ lâu, cơ quan chức năng nhiều lần đốc thúc các chủ đầu tư BOT thu phí tự động không dùng tiền mặt, nhưng việc triển khai vẫn rất chậm, trong đó có nguyên nhân nhà đầu tư không muốn minh bạch.

Bên cạnh đó, người dân còn chưa mấy mặn mà với hình thức thu phí này. Đến nay, số lượng phương tiện dán thẻ và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia hệ thống thu phí tự động không dừng mới đạt khoảng 900.000 thẻ/3,5 triệu phương tiện…

Việc triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng tại các trạm thu phí BOT đường bộ là chủ trương lớn, là quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên yêu cầu, chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nhưng việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng thời gian qua hết sức chậm trễ, có sự lúng túng trong triển khai, chưa đạt yêu cầu về tiến độ đề ra.

Các dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn I (BOO1) và giai đoạn II (BOO2) còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được Bộ GTVT và các cơ quan liên quan xử lý, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý dứt điểm, gây ảnh hưởng xấu đến tiến độ triển khai toàn hệ thống thu phí tự động, tạo dư luận xấu trong nhân dân; phương án triển khai thu phí các dự án BOT tại các địa phương quản lý cũng chưa được xây dựng, triển khai.

Tháo gỡ vướng mắc

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng giai đoạn II vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Giao thông vận tải có báo cáo toàn bộ việc triển khai thu phí tự động không dừng trên toàn quốc trước ngày 31/3/2020; có phương án tổng thể triển khai dự án với mục tiêu hoàn thành, đưa vào hoạt động đồng bộ trong năm 2020.

Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương xử lý tình huống trong đấu thầu đối với Dự án BOO2 trong điều kiện có sự thay đổi tỷ lệ tham gia vốn của các bên trong liên danh Viettel, Vietinf và ITD.

Liên danh nhà đầu tư Viettel - Vietinf - ITD được Tổng cục Đường bộ Việt Nam lựa chọn là nhà đầu tư và đã ký Hợp đồng thực hiện Dự án BOO2 vào ngày 5/7/2019. Tuy nhiên, do chưa thống nhất được về việc phân chia nắm giữ vốn điều lệ nên liên danh không thành lập được doanh nghiệp dự án theo quy định và không triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 18/QĐ-TTg ngày 3/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Phương án cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội giai đoạn 2016 - 2020, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3/2020 nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho Viettel tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp Dự án BOO2.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với nhà đầu tư các dự án BOT, Dự án BOO2 và UBND các tỉnh, thành phố hoàn thành các thủ tục liên quan trước ngày 30/6/2020 để Nhà đầu tư Dự án BOO2 triển khai đầu tư, lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng giai đoạn II.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo đầy đủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định về tình hình triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng. Trong đó nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan; đề xuất giải pháp xử lý toàn diện, cũng như cam kết về tiến độ triển khai hệ thống trong thời gian tới.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Viettel và các Nhà đầu tư đã đàm phán để Viettel nắm giữ tỉ lệ chi phối nhằm có cơ sở thành lập doanh nghiệp thực hiện dự án. Các nhà đầu tư đã đi đến thống nhất để Viettel nắm giữ tỉ lệ 86% trong dự án, các nhà đầu tư còn lại nắm giữ 14% để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án thu phí không dừng giai đoạn II.

Về phía Viettel, doanh nghiệp này khẳng định, nếu chủ trương doanh nghiệp dự án được phê duyệt trước tháng 4/2020, Viettel chắc chắn sẽ hoàn thành Dự án BOO2 trong năm 2020.

Dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn I có tổng mức đầu tư 2.036 tỉ đồng bắt đầu triển khai từ cuối tháng 11/2014 dự kiến cung cấp dịch vụ cho 44 trạm BOT. Bộ Giao thông Vận tải đã tiến hành đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng BOT với 35/39 trạm, 4 trạm đang tiếp tục đàm phán. Các trạm thu phí thuộc dự án giai đoạn 1 đã cơ bản lắp đặt và vận hành hệ thống ETC.

Dự án giai đoạn II gồm 33 trạm, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế và lựa chọn liên danh Viettel - Vietinf - ITD là nhà đầu tư thực hiện dự án. Mới đây, các thành viên trong liên danh đã thống nhất điều chỉnh danh sách cổ đông sáng lập doanh nghiệp dự án với tỷ lệ vốn góp trong doanh nghiệp dự án mới là Viettel (86%), Vietinf (12%) và ITD (2%), đồng thời thống nhất các nguyên tắc cơ bản về cơ chế tổ chức, điều hành doanh nghiệp dự án.

Thế Vũ

Tin khác

Việt Nam - Trung Quốc: Đẩy mạnh hợp tác xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền

Việt Nam - Trung Quốc: Đẩy mạnh hợp tác xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Tư pháp hai nước Việt Nam và Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác thiết thực, hiệu quả tập trung vào các lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền, xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Tin tức
Xử lý kỷ luật hàng loạt đảng viên, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai

Xử lý kỷ luật hàng loạt đảng viên, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai

(CLO) Tỉnh Gia Lai vừa xử lý 18 đảng viên liên quan đến việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị do Công ty AIC cung cấp, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh – ông Phùng Ngọc Mỹ.

Tin tức
Các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam

Các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ văn hóa, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Tin tức
Rà soát cơ chế, chính sách để đề xuất mô hình hoạt động phù hợp cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán

Rà soát cơ chế, chính sách để đề xuất mô hình hoạt động phù hợp cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao các bộ, ngành sớm rà soát các quy định pháp luật hiện hành về cơ chế, chính sách đặc thù để tham mưu, đề xuất mô hình hoạt động phù hợp cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, nhằm phát triển toán học Việt Nam nói riêng, tạo ra đột phá đối với các lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung.

Tin tức
Hai Chính phủ Việt Nam và Venezuela sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để khuyến khích các dự án hợp tác, đầu tư

Hai Chính phủ Việt Nam và Venezuela sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để khuyến khích các dự án hợp tác, đầu tư

(CLO) Hai Chính phủ Việt Nam và Venezuela sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để khuyến khích và tạo thuận lợi cho các dự án hợp tác và đầu tư song phương, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, nông nghiệp, viễn thông và xây dựng.

Tin tức