Tô Lan Hương - bản ngã qua từng đối thoại!

Chủ nhật, 10/02/2019 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đọc những bài phỏng vấn, đối thoại dạng E-magazine rất đặc biệt trên báo điện tử Tri thức trẻ (Soha.vn) thời gian qua, tôi không thể ngờ tác giả của những bài báo ấy lại là một nữ nhà báo trẻ, rất đam mê thời trang- Tô Lan Hương.

Bởi vậy, trong cuộc hẹn gặp với Tô Lan Hương, tôi quyết định “chiếu tướng” nữ phóng viên cá tính của báo điện tử Tri thức trẻ để hiểu hơn đằng sau sự sắc sảo của một cây bút đối thoại, luôn xuất phát từ một quan điểm nghề nghiệp: đến với nhân vật với một sự tử tế nhất có thể!

“Vật vã” làm báo với khao khát tạo ra sự khác biệt

+ Đằng sau những bài phỏng vấn đối thoại gây sốt thời gian qua như bài phỏng vấn GS Hồ Ngọc Đại, bà Lê Hoàng Diệp Thảo... là một tác giả Tô Lan Hương như thế nào?

- Thực ra thì tôi không “lung linh” như mọi người nghĩ đâu. Ở trường Đại học, tôi học hành làng nhàng, bị treo bằng tốt nghiệp một năm, và từng phải làm cộng tác viên cho đủ các tờ báo vì không thể xin việc khi không có bằng đại học. Nhưng tôi luôn tin mình yêu cái nghề mình đang làm tha thiết, dù nếu để làm việc lương thiện, tôi không có cách nào trở nên giàu có. Tôi là người rất cầu toàn trong công việc, có sự khắt khe đặc biệt với bản thân, luôn tự kiểm duyệt tác phẩm của mình chứ không cần phải đợi đến khi sếp lắc đầu. Đằng sau những bài đối thoại mà chị nhắc, là rất nhiều những buổi làm việc tưởng như rơi vào bế tắc, đằng sau những cuộc gặp gỡ đầy thú vị ấy cũng là không ít lần bị khước từ một cách phũ phàng. Và bên cạnh những tác phẩm có mặt trên báo cũng là rất nhiều bài đã bị chính tôi vứt bỏ, dù đã bỏ vào đó không ít thời gian và công sức.

Phóng viên Tô Lan Hương

Phóng viên Tô Lan Hương

+ Người cầu toàn và khắt khe, hẳn cũng nhiều “vật vã” với bài vở lắm nhỉ?

- Nói đúng hơn là rất vật vã với nhân vật. Ví dụ như bài phỏng vấn GS Hồ Ngọc Đại gần đây về công nghệ giáo dục, mọi người chỉ thấy đó là sản phẩm báo chí gây ấn tượng và truyền cảm hứng. Nhưng không ai biết là ngày đầu tiên đến gặp GS Hồ Ngọc Đại, sau 2 giờ đồng hồ trò chuyện, tôi trở về và hiểu ra tôi không khai thác được những gì tôi muốn có. Đó là một cuộc phỏng vấn thất bại! Tôi nghĩ cả buổi tối để trả lời câu hỏi: Tôi đã sai ở đâu? Tôi cần phải làm như thế nào?

Tôi nài nỉ GS Hồ Ngọc Đại cho tôi một cuộc hẹn nữa, để phỏng vấn lại từ đầu, với mục tiêu duy nhất: Tôi muốn biết GS Hồ Ngọc Đại đã tạo ra một ngôi trường Thực nghiệm như thế nào trong vai trò hiệu trưởng? Cách ông dạy những đứa trẻ ở đó ra sao? Cách ông dành sự yêu thương, chia sẻ và thấu hiểu cho chúng thế nào… để tạo ra một lớp học trò đầy màu sắc như tôi thấy. Bài báo xuất hiện giữa thời điểm GS Hồ Ngọc Đại đang là tâm điểm của những cuộc tranh cãi về công nghệ giáo dục, trở thành hiện tượng về view, like, share trong năm của Báo Điện tử Tri thức Trẻ. Một nhân vật giản dị, không gây sốc nhưng có những câu chuyện hay, lay động và truyền cảm hứng. Bởi thế nên dù “vật vã”  thì tôi thấy đó là một sự “vật vã” xứng đáng!

+ Nhưng trong bối cảnh báo chí hiện đại, sự cầu toàn sẽ tỷ lệ nghịch với năng suất bài viết và cả tiến độ nữa?

- Đó cũng là lý do tôi yêu tòa soạn báo Điện tử Tri thức Trẻ mà tôi đang gắn bó. Ở cơ quan này, tôi được làm việc trong một môi trường văn minh, không bon chen, không đố kỵ. Tôi có một người lãnh đạo trẻ, vui vẻ, tâm lý, thường xuyên bị nhân viên troll mà không giận dỗi. Tôi theo đuổi những bài E-magazine, là dạng bài chuyên sâu không phải món ăn hằng ngày. Có cả ekip về hình ảnh, trình bày thiết kế rất tận tụy, đam mê và có đạo đức nghề nghiệp ở đằng sau hỗ trợ những sản phẩm của phóng viên chúng tôi, để nó trở nên hoàn hảo nhất.

Tòa soạn cho tôi cả một góc riêng để sáng tạo mà không cần chạy theo làn sóng tin tức ào ạt hiện nay. Tôi được thể hiện cá tính, bản ngã của mình trong tác phẩm. Thậm chí lãnh đạo cũng chấp nhận năng suất thất thường, không bị áp lực về định mức và KPI. Đổi lại, yêu cầu với tôi là phải làm những bài mà chỉ chúng tôi có, tạo nên sự khác biệt với thị trường. Đó là những cái đích mà tôi đặt ra và tòa soạn đặt ra - dù dĩ nhiên không phải lúc nào cũng làm được. Đôi khi, có những giai đoạn tôi bị khủng hoảng, không đáp ứng được về công việc. Lúc đó, tôi luôn được đối xử vị tha hơn mức mà tôi có thể chờ đợi. 

Nhà báo Tô Lan Hương trong một cuộc phỏng vấn với ông Trịnh Văn Quyết- Chủ tịch HĐQT tập đoàn FLC.

Nhà báo Tô Lan Hương trong một cuộc phỏng vấn với ông Trịnh Văn Quyết- Chủ tịch HĐQT tập đoàn FLC.

“Thà chịu trách nhiệm với tòa soạn chứ không chịu thất tín với nhân vật”

+  Sự khác biệt? – cái đích này có là áp lực với một phóng viên trẻ như Hương không?

- Thực ra đó là áp lực tốt và hợp với cá tính của tôi, vì tự bản thân tôi luôn là người nghiêm khắc với những gì mình làm. Với thể loại bài phỏng vấn trên một số tờ báo khác chỉ đơn giản là hỏi – trả lời nhưng tôi thích biến nó thành một cuộc trò chuyện, đối thoại thực sự, để độc giả thấy có sự tương tác qua lại. Tôi lắng nghe câu chuyện của nhân vật, dám đặt những câu hỏi nhạy cảm nhất về họ mà không nhiều người dám nhắc đến. Tôi thoải mái đặt cái tôi của mình vào từng câu hỏi và cố gắng hiểu nhân vật mà mình đang trò chuyện. Tôi chưa bao giờ chuẩn bị sẵn cho mình những câu hỏi phỏng vấn, nhưng tôi luôn tìm hiểu kỹ về nhân vật hết mức tôi có thể. Tôi thích những cuộc trò chuyện mà cả tôi và nhân vật sẽ không biết rồi sẽ đi đến tận đâu. Nó luôn tạo ra bất ngờ thú vị, cho tôi và cho độc giả.

+ Cả việc chỉ dám hỏi những điều nhạy cảm mà không sợ mất lòng hay bị từ chối?

- Có lẽ cũng là may mắn vì đến giờ chưa có nhân vật nào phật ý với cách hỏi của tôi. Khi trò chuyện, tôi thường tận dụng những thời cơ hợp lý nhất để chèn những câu hỏi hóc búa phù hợp với bối cảnh. Nếu tách riêng ra thì có thể rất sốc, nhưng đặt trong bối cảnh đó thì phù hợp. Dĩ nhiên, tôi nghĩ một trong những điều quan trọng đó là tôi luôn hỏi nhân vật của mình với tất cả sự chia sẻ, chân thành, tử tế từ đáy lòng. Ví dụ như với TS Lê Kiên Thành - con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, tôi đã từng hỏi ông về chuyện: “Ông nghĩ sao nếu người ta nói TBT Lê Duẩn là một nhà độc tài, thao túng quyền lực cho bản thân”? “Có thực là cha ông để lại cho con cái 15 tấn vàng như lời đồn”? Câu hỏi nghe khó chịu đúng không? Nhưng khi hỏi điều đó với sự chân thành và tử tế, tôi cũng nhận lại được một câu trả lời chân thành và đủ làm tôi hài lòng.

+ Những nhân vật trong đối thoại của Hương đều là những nhân vật nổi tiếng hoặc những người được dư luận quan tâm. Việc lựa chọn đã khó, việc tiếp cận chắc chắn không dễ?

- Chuyện đó đôi khi là do may mắn và cơ duyên nữa. Tôi gặp được rất nhiều người tử tế trong đời làm báo của mình – những người luôn sẵn sàng giới thiệu tôi với những nhân vật mà bình thường tôi không cách nào tiếp cận được. Để đáp lại điều đó, tôi tuyệt đối giữ chữ tín với nhân vật của mình. Sau mỗi cuộc trò chuyện, tôi giữ nguyên tắc gửi lại bài cho nhân vật đọc trước khi đăng. Chỉ khi đó là sản phẩm cả hai bên đều hài lòng, tôi mới nộp cho tòa soạn. Nhiều người nói như thế sẽ mất đi tính khách quan của bài báo. Nhưng tôi thì cho rằng người được phỏng vấn có quyền được đối xử tôn trọng, quyền được biết chắc chắn rằng những gì mình nói sẽ không bị bóp méo qua ngòi bút ai đó. Đó có lẽ là lý do vì sao, khi đã làm việc với ai đó một lần, lần sau họ luôn chào đón tôi.

07FB3D61-6704-45A5-B71A-0C74B09B0029

+ Chữ tín với nhân vật là rất quan trọng nhưng nếu có sự đổ vỡ hay bất đồng với tòa soạn thì sao?

- Nếu buộc phải lựa chọn, tôi thà chịu trách nhiệm với tòa soạn còn hơn là thất tín với nhân vật của mình. Tôi sợ những bài báo mà sau khi đăng, mình sẽ ân hận nhiều năm trời vì nó. Nếu là một bài báo tôi đã ký tên thật của mình thì tôi luôn ngẩng cao đầu, kể cả phải đối mặt với những ý kiến trái chiều, vì tôi luôn biết tôi đã viết bài báo đó với sự tử tế, tâm huyết nhất của một người làm nghề có tự trọng.

+ Vâng, xin cảm ơn Hương!

Vân Hà (Thực hiện)

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo