Tòa án tối cao của Liên hợp quốc ra phán quyết các nước giàu phải giảm phát thải
(CLO) Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), cơ quan tư pháp cao nhất của Liên hợp quốc, hôm thứ Tư (23/7) đã phán quyết rằng các quốc gia giàu có phải giảm phát thải, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bồi thường cho các quốc gia chịu thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu.
ICJ nhấn mạnh rằng các quốc gia phải giải quyết “mối đe dọa cấp bách và mang tính sống còn” của biến đổi khí hậu. Thẩm phán Yuji Iwasawa của ICJ nói: “Các quốc gia phải hợp tác để đạt được các mục tiêu giảm phát thải cụ thể”.
Ông bổ sung rằng việc các quốc gia không tuân thủ “các nghĩa vụ nghiêm ngặt” được đặt ra bởi các hiệp ước khí hậu là vi phạm luật quốc tế.
ICJ cũng khẳng định các nước phải chịu trách nhiệm về hành động của các công ty thuộc thẩm quyền hoặc kiểm soát của mình. Nếu không kiềm chế sản xuất nhiên liệu hóa thạch và cắt giảm trợ cấp, họ có thể phải "bồi thường toàn diện cho các quốc gia bị thiệt hại...".

Bộ trưởng Khí hậu của Vanuatu, ông Ralph Regenvanu, nói với các sau phán quyết của ICJ: “Tôi không ngờ phán quyết lại tốt như thế này”.
Vishal Prasad, một trong những sinh viên luật vận động chính phủ Vanuatu ở Nam Thái Bình Dương đưa vụ việc ra ICJ, cho biết: "Đây là công cụ để thực thi công lý khí hậu. Và ICJ đã cho chúng ta một vũ khí mạnh mẽ để tiếp tục cuộc chiến này".
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres hoan nghênh phán quyết và cho rằng nó khẳng định mục tiêu của Thỏa thuận Paris về khí hậu cần là nền tảng cho tất cả các chính sách khí hậu. Ông nói: “Đây là chiến thắng cho hành tinh của chúng ta, cho công lý khí hậu và cho sức mạnh của giới trẻ trong việc tạo ra sự thay đổi. Thế giới phải hành động”.
Chánh án Iwasawa, người chủ trì hội đồng 15 thẩm phán của ICJ, tuyên bố các kế hoạch khí hậu quốc gia phải có tham vọng cao nhất và duy trì tiêu chuẩn chung để đạt mục tiêu của Hiệp định Paris 2015, bao gồm nỗ lực giữ mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 1,5°C (hay 2,7°F).
Dù phán quyết mạnh mẽ hơn dự kiến, tác động của nó có thể bị hạn chế do Mỹ, một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất, dưới thời Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ các quy định về khí hậu.
Trước làn sóng hoài nghi về biến đổi khí hậu tại Mỹ và nhiều nơi khác, Chánh án Iwasawa chỉ rõ nguyên nhân và sự cần thiết phải có phản ứng tập thể.
"Khí thải nhà kính rõ ràng là do hoạt động của con người gây ra, và không bị giới hạn bởi lãnh thổ", ông nói. Các nước công nghiệp giàu có phải chịu trách nhiệm lớn nhất và cần đi đầu trong giải quyết vấn đề.
Dù phán quyết không có tính ràng buộc, giới chuyên gia pháp lý cho rằng nó mang trọng lượng chính trị và pháp lý, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến các vụ kiện khí hậu trong tương lai.