Tôn vinh các nhà văn, nhà thơ đầy bản lĩnh của nền văn học Việt Nam

Thứ ba, 27/02/2024 13:56 PM - 0 Trả lời

(CLO) Sáng 27/2, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 và Tổng kết đợt 1 cuộc vận động Sáng tác văn học về đề tài thiếu Nhi.

Đánh giá về hệ thống giải thưởng hàng năm năm 2023 và giải thưởng Tác giả trẻ 2023, nhà thơ Nguyễn Bình Phương, phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam cho hay, số lượng tác phẩm tham dự xét giải thường niên về cơ bản vẫn giữ ổn định, có sự phân bố khá đều ở hai thể loại thơ và văn xuôi, lí luận phê bình giảm hơn một chút so với mọi năm trước. Tuy nhiên, sự sụt giảm về số lượng đáng kể và đáng để suy nghĩ, phân tích chính là ở hạng mục giải thưởng Tác giả trẻ. Mặc dù xác định rằng sáng tác văn học không phải là chu trình đều đều, trái lại có thăng, có giáng, nhưng BCH vẫn cần có những tìm hiểu, những phân tích, đánh giá về hiện tượng giảm sút này cho thấu đáo.

Giải thưởng năm 2023 qua các tác phẩm và qua sự lựa chọn các vòng hội đồng cũng như sự chuẩn y của BCH, nhìn tổng quát, nổi lên một đặc điểm, đó chính là bản lĩnh. Bản lĩnh người sáng tạo và bản lĩnh hội đồng lựa chọn.

ton vinh cac nha van nha tho day ban linh cua nen van hoc viet nam hinh 1

Nhà thơ Bình Phương, phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam đánh giá hệ thống giải thưởng hàng năm năm 2023 và giải thưởng Tác giả trẻ 2023.

"Những tác phẩm được trao năm nay cho thấy quan điểm cởi mở đầy can đảm của BCH. Điều ấy thể hiện cụ thể ở các hạng mục. Với thơ, trao cho Đồng sen tàn Nguyễn Phúc Lộc Thành, trước hết là ghi nhận chất lượng của một tập thơ với nhiều những bài độc lạ đạt đến độ thần tình. Bên cạnh đó cũng là tôn vinh thành tựu của một tác giả đang chạm tới độ chín trên mọi phương diện, cả nhân sinh quan lẫn kỹ thuật thể hiện. Sâu xa hơn nữa, trao cho Đồng sen tàn còn là sự ghi nhận bản lĩnh của một thi sĩ không nao núng trong sáng tạo trước những thách thức của thể loại truyền thống vốn đã có những đỉnh cao về thành tựu", nhà thơ Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh. 

Ở hạng mục văn xuôi, việc trao cho cùng lúc ba tác phẩm, hai tiểu thuyết, "Tuyệt không dấu vết" của Nguyễn Việt Hà, "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" của Nguyễn Một, và tập truyện ngắn "Một mùa hè dưới bóng cây" của Nguyễn Tham Thiện Kế, với ba phong cách khác nhau, thậm chí ba quan niệm nghệ thuật khác nhau, cho thấy tinh thần phóng khoáng của BCH trong nhìn nhận, chấp nhận mọi khuynh hướng, phong cách nghệ thuật.

Nhìn cụ thể ở từng tác phẩm, độc giả sẽ thấy, bằng bản lĩnh người viết, mỗi tác giả đều mang đến dấu ấn riêng biệt trong sáng tác của mình. Tuyệt không dấu vết của Nguyễn Việt Hà cho thấy bản lĩnh của người nắm chắc kỹ thuật, dám bước những bước dài tới sự pha trộn thể loại để tìm ra một công thức cho riêng mình, cả trên phương diện phản ánh những vấn đề nhân sinh trong xã hội đương thời lẫn mĩ cảm nghệ thuật.

Đặc biệt, tác phẩm truyện ngắn "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" của nhà văn Nguyễn Một thể hiện bản lĩnh qua góc nhìn nhận độc lập, khách quan trước những vấn đề vốn đã được mặc định, từ đó soi chiếu về sự tồn tại đầy kiên cường, cũng đầy tính may rủi, của cá nhân con người trong những giai đoạn, những tình thế lịch sử bất trắc, hiểm nguy. "Một mùa hè dưới bóng cây" của Nguyễn Tham Thiện Kế can đảm ở sự phá vỡ cấu trúc câu và làm mới ngôn ngữ theo cách của riêng mình mà vẫn tạo được sự thấu cảm với người đọc.

Nhìn lùi lại, ở tổng thể lại thấy: Lựa chọn trao cho cùng lúc cả 3 tác phẩm cũng thể hiện bản lĩnh của BCH, bởi động thái này, dù muốn hay không, cũng phần nào khiến giới yêu văn học có dịp gợi liên tưởng và so sánh với sự kiện trao giải văn xuôi năm 1991, cách đây 33 năm. Hạng mục lí luận phê bình, trao cho Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do là trao cho bản lĩnh chuyên nghiệp, với tính chất công trình chuyên khảo sâu, bề thế, bài bản, thoát khỏi cảm giác sản phẩm ngẫu hứng hay sản phẩm tập hợp từ các bài viết lẻ vụn vặt.

Ở hạng mục văn học Thiếu nhi, tác phẩm đoạt giải thể hiện bản lĩnh của người viết, mạnh dạn, can đảm bước vào địa hạt mà trước đó còn là mới lạ bằng một câu chuyện dài. Tác phẩm "Cá linh đi học" của Lê Quang Trạng nhận được thiện tình xuyên suốt từ sơ khảo đến chung khảo đã chứng minh một cách thuyết phục rằng, khi tác phẩm đạt đến chất lượng nhất định, nó cũng sẽ đạt đến sự đồng thuận cao.

ton vinh cac nha van nha tho day ban linh cua nen van hoc viet nam hinh 2

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều (giữa) cùng các khách mời trao giải cho các tác giả.

Bên cạnh sự chính xác, thậm chí là đầy đặn, của một số hạng mục, thì hệ thống giải thưởng năm nay vẫn có những khoảng hẫng hụt. Việc để trống giải thưởng cho văn học dịch năm 2023, theo nhìn nhận, đánh giá của nhiều người là điều khá đáng tiếc, bởi nó chưa phản ánh đúng với thực trạng bề rộng phong phú của số lượng cũng như bề sâu về chất lượng dịch của năm.

Tuy nhiên, vẫn phải lưu ý rằng, phía sau mỗi hạng mục bỏ trống đều có lí do, quan điểm của các cấp hội đồng và điều ấy cần được chia sẻ, tôn trọng. Ở giải thưởng Tác giả Trẻ, trao cho "Nhân sinh kép: sống hai cuộc đời", một lần nữa tái khẳng định quan điểm của BCH về ưu tiên khích lệ những tìm tòi, thử nghiệm của người viết trẻ. Với trường hợp của Đức Anh, qua tác phẩm này, có thể khẳng định sớm rằng đây là tác giả có can đảm, có ý thức tìm kiếm cho mình một lối đi cá biệt, điều vô cùng quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật.

Nhìn chung, khi chuẩn y kết quả, cũng có nghĩa BCH đồng thuận với các cấp hội đồng, và điều ấy cũng có nghĩa các giải thưởng được trao về căn bản là phản ánh đúng với thực trạng chất lượng sáng tác của năm 2023.

Cũng tại lễ trao giải, nhà văn Nguyễn Một chia sẻ: "Tiểu thuyết của tôi, tiểu thuyết “Tuyệt không dấu vết” của Nguyễn Việt Hà, tập truyện “Một mùa hè dưới bóng cây” của Nguyễn Tham Thiện Kế, truyện thiếu nhi “Cá linh đi học” của Lê Quang Trạng, tập thơ “Đồng sen tàn” của Nguyễn Phúc Lộc Thành, “Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do” của Phùng Ngọc Kiên và Đoàn Ánh Dương mà quý vị trao giải thưởng năm nay có thể chưa phải là những cuốn sách hay nhất của văn học Việt Nam trong năm 2023. Bởi hầu hết sự lựa chọn nào cũng chỉ mang tính tương đối.

Nhưng chúng tôi tin rằng sự lựa chọn của các Hội đồng và Ban Chấp hành là nhận diện được tiếng nói của những trái tim, là ánh mắt nhân văn và “Tâm trạng của đời sống” trong các tác phẩm kể trên của chúng tôi. Các nhà văn chúng ta đều biết chức năng văn học không chỉ là phản ánh hiện thực đời sống mà phải phản ánh tâm trạng đời sống như câu nói của nhà triết học Krishnamurti trong tác phẩm “Tự do đầu tiên và cuối cùng” rằng: Chúng ta phải phát hiện lại các giá trị trên nền móng bền vững hơn bằng sự thông hiểu tâm trạng của đời sống”.  

ton vinh cac nha van nha tho day ban linh cua nen van hoc viet nam hinh 3

Quang cảnh lễ trao giải sáng nay.

"Nhận giải thưởng này, chúng tôi cảm thấy vô cùng tự hào nhưng cũng đầy trách nhiệm. Chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực, tiếp tục viết nên những câu chuyện đầy ý nghĩa chứa đựng tậm trạng của đời sống của thời đại chúng ta đang sống để làm cầu nối giữa con người với con người, làm cho thế giới trở nên gần gũi và yêu thương hơn. Tôi tin rằng, qua mỗi trang sách, con người có thể hiểu nhau hơn, thông cảm và chia sẻ với nhau nhiều hơn" - Nhà văn Nguyễn Một nhấn mạnh. 

Phát biểu bế mạc lễ trao giải, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: "Các tác giả đoạt giải thưởng năm 2023 đã mang đến cho đời sống văn chương một tinh thần mới, một con đường mới, giúp nhìn lại quá khứ. Giải thưởng năm nay trao cho các nhà văn, nhà thơ đầy bản lĩnh. Hội tụ đầy đủ từ bản lĩnh đến bản sắc. Không có bản lĩnh thì nhà văn, nhà thơ không có bản sắc. Bên cạnh những bức tường của quá khứ, họ không vượt qua những thói quen của mình, sự sáng tạo. Họ mang đến cho giải thưởng những điều đặc biệt. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam là hiệp sĩ giải cứu sự lâm nguy của văn chương Việt". 

 Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 

Văn xuôi:

Tác phẩm Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Một

Tác phẩm Tuyệt không dấu vết, tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Việt Hà

Tác phẩm Một mùa hè dưới bóng cây, tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế

Thơ:

Tác phẩm Đồng sen tàn, tập thơ của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành

Lí luận phê bình:

Tác phẩm Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do của hai tác giả Phùng Ngọc Kiên và Đoàn Ánh Dương

Văn học thiếu nhi:

Tác phẩm Cá Linh đi học, truyện của nhà văn Lê Quang Trạng

Giải thưởng tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 

Tác phẩm Nhân sinh kép sống hai cuộc đời, tiểu thuyết của tác giả Đức Anh

Giải thưởng nhà văn nữ ấn tượng năm 2023 

Nhà văn Lê Thị Kim – TP Hồ Chí Minh

Nhà văn Trần Thị Trường – Hà Nội

Giải thưởng cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi (đợt 1, 2021 - 2023)

A. Giải Nhất: 01 tác phẩm

 Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chuột của tác giả Dương Thị Thảo Nguyên (Văn xuôi – bản thảo).

B. Giải Nhì: 02 tác phẩm

Hạt dẻ ơi, về nhà thôi của tác giả Nguyễn Thị Cẩm Hà (Hà Mi) (Văn xuôi – bản thảo).

Dắt mẹ đi chơi (Đố mẹ, Dế mèn học chữ) của tác giả Mai Quyên (Thơ – sách)

C. Giải Ba: 05 tác phẩm

Những đôi mắt khoảng trời của tác giả Đào Quốc Vịnh (Văn xuôi – tập sách).

Con cáo lửa của tác giả Phạm Thanh Thúy (Văn xuôi – bản thảo)

Đi bắt nỗi buồn của tác giả Nguyễn Thị Như Hiền (Văn xuôi – bản thảo)

Sông vừa đi vừa lớn của tác giả Nguyễn Minh Khiêm (Thơ – bản thảo)

Cái bếp kể chuyện của tác giả Đinh Công Thủy (Thơ – bản thảo)

D. Giải khuyến khích: 07 tác phẩm

Cu Sang – Cây ma của tác giả Nguyễn Xuân Lai (Văn xuôi – sách)

Cây gạo cõng mặt trời của tác giả Nguyễn Thu Hằng (Văn xuôi – sách)

Chúc ngủ ngon của tác giả Nguyễn Phong Việt (Thơ – sách)

Mặt trời khỏi ốm của tác giả Đặng Toán (Thơ – bản thảo)

Áo đất, áo trời của tác giả Phạm Quỳnh Như (Thơ – bản thảo)

Ai giàu nhất của tác giả Hồng Chiến (Văn xuôi – bản thảo)

Lòng tốt ở lại của tác giả Phan Đức Nam (Văn xuôi – bản thảo)

Tin và ảnh: Trung Nguyễn

Bình Luận

Tin khác

Bình chọn 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc sau ngày đất nước thống nhất

Bình chọn 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc sau ngày đất nước thống nhất

(CLO) Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, tối 18/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tổ chức Lễ phát động bình chọn 50 tác phẩm văn học, nghệ thuật biểu diễn Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) với chủ đề “Những bản hùng ca đất nước”.

Đời sống văn hóa
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản gốm Việt

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản gốm Việt

(CLO) Hội thảo mang tới nhiều thông tin về gốm Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghề gốm cổ truyền ở Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Đại lễ Phật đản năm 2024 tại Ninh Bình lan tỏa tình yêu thương, đoàn kết, kiến tạo thế giới hòa bình

Đại lễ Phật đản năm 2024 tại Ninh Bình lan tỏa tình yêu thương, đoàn kết, kiến tạo thế giới hòa bình

(CLO) Ngày 18/5, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình phối hợp chùa Bái Đính long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568-Dương lịch 2024.

Đời sống văn hóa
Trải nghiệm vườn nho hạ đen trĩu quả ở ngoại thành Hà Nội

Trải nghiệm vườn nho hạ đen trĩu quả ở ngoại thành Hà Nội

(CLO) Những năm gần đây, người dân trồng nho hạ đen ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội đã kết hợp việc nuôi trồng thông thường với du lịch, đem lại nhiều lợi nhuận và thu hút du khách gần xa tới trải nghiệm.

Đời sống văn hóa
Ấn tượng chương trình quảng diễn đường phố 'Quê hương mùa Sen nở'

Ấn tượng chương trình quảng diễn đường phố 'Quê hương mùa Sen nở'

(CLO) Chương trình quảng diễn đường phố "Quê hương mùa Sen nở" diễn ra sôi động với sự tham gia trình diễn của gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân.

Đời sống văn hóa