Trung Quốc giảm cho vay nước ngoài vì nợ Dự án Vành đai Con đường tăng gấp 3 lần

Thứ ba, 20/09/2022 19:19 PM - 0 Trả lời

(CLO) Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đã chi nhiều khoản vay cho các nền kinh tế mới nổi nhưng khó thu hồi được nợ, buộc Bắc Kinh phải giảm bớt khoản cho vay nước ngoài.

Xây dựng cơ sở hạ tầng tỷ USD để… bỏ không

Ở Sri Lanka, cảng phía nam Hambantota là một khu vực biệt lập, có đầy chim và khỉ hoang đi lại. Các con đường trải nhựa bị thống trị bởi những con bò thay vì các phương tiện giao thông trong cảng mà Trung Quốc đã có được quyền hoạt động trong 99 năm để đổi lấy việc xóa nợ. Thậm chí có cả biển cảnh báo voi hoang dã băng qua đường.

Một người đàn ông 40 tuổi điều hành một cửa hàng gần cảng phàn nàn: “Số lượng việc làm không tăng, và chúng chẳng giúp ích được gì cho ai cả. Trung tâm hội nghị quốc tế đã được xây dựng, nhưng việc xây dựng đường không tiến triển như kế hoạch nên việc đưa trung tâm vào hoạt động ngày càng khó khăn. Tất cả những gì họ làm là xây dựng các cơ sở hạ tầng lố bịch", người bán hàng nói.

trung quoc giam cho vay nuoc ngoai vi no du an vanh dai con duong tang gap 3 lan hinh 1

Một con đường nhựa được đầu tư xây dựng nhưng không dẫn đến đâu tại Sri Lanka. (Nguồn: Ryosuke Hanada)

Cách khoảng 20km về phía Bắc là Sân bay Quốc tế Mattala Rajapaksa, gần Hambantota - quê hương của gia đình cựu Tổng thống Rajapaksa, đã cai trị Sri Lanka trong gần 20 năm.

Sân bay này mở cửa từ năm 2013, nhưng hiện không có chuyến bay chở khách theo lịch trình nào và được mệnh danh là "sân bay trống vắng nhất thế giới”. Chỉ có một số khách du lịch trong nhà ga. Một người đàn ông chăm sóc quầy sang nhượng cho biết: “Nhiều nhất có 30 khách ở đây mỗi ngày”.

Trong tương lai, Sri Lanka sẽ bắt đầu đàm phán với các chủ nợ nước ngoài về việc giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn thanh toán và giảm nợ gốc.

Đại dịch Covid-19 kéo theo lãi suất tăng cũng như giá thực phẩm và giá năng lượng tăng vọt sau cuộc xung đột của Nga vào Ukraine, đã gây thiệt hại cho các nền kinh tế mới nổi và không có biện pháp cứu trợ nào. Trung Quốc có khả năng phải đối mặt với các khoản vay rủi ro hơn khi các nước này phải vật lộn để trả nợ.

Vào năm 2019, Trung Quốc có 9 trường hợp đàm phán lại để được miễn trả lãi và các điều kiện vay khác. Con số này đã tăng lên 21 trường hợp vào năm 2020 và 19 trường hợp vào năm 2021, theo ước tính của Tập đoàn Rhodium. Các cuộc đàm phán lại như vậy đã bao phủ tổng cộng 52 tỷ USD cho năm 2020 - 2021, cao hơn gấp 3 lần so với 16 tỷ USD trong giai đoạn hai năm trước đó - khi các nền kinh tế mới nổi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Dự trữ ngoại hối tại các nước mới nổi hoặc các nước đang phát triển đã giảm khoảng 5% trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 - 6/2022, mức trượt dài nhất trong 6 tháng trong 6 năm trở lại đây, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Một nhóm các nhà nghiên cứu bao gồm nhà kinh tế Sebastian Horn của Ngân hàng Thế giới ước tính trong một báo cáo hồi tháng 4 rằng, 60% các khoản vay nước ngoài của Trung Quốc hiện nay dành cho các nước đang gặp khủng hoảng nợ, so với con số chỉ 5% vào năm 2010.

Tại một cuộc họp vào tháng 8 với các nước châu Phi, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh sẽ bỏ qua cho việc trả nợ gốc của 23 khoản vay không tính lãi đã đến hạn vào cuối năm 2021.

Trung Quốc: Rủi ro dự trữ ngoại tệ

Ông Takahide Kiuchi tại Viện nghiên cứu Nomura đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong một báo cáo hồi tháng 8 rằng, các quốc gia như Nigeria, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Ghana đang giảm dự trữ ngoại tệ, làm tăng nguy cơ khủng hoảng tiền tệ. Tất cả các quốc gia này đều nhận được các khoản vay từ Trung Quốc.

trung quoc giam cho vay nuoc ngoai vi no du an vanh dai con duong tang gap 3 lan hinh 2

Sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa được xây dựng, nhưng không ai đến. (Nguồn: Ryosuke Hanada)

Trung Quốc tự hào về dự trữ ngoại tệ, từ đó họ thực hiện các khoản cho vay nước ngoài, với tổng trị giá 3,1 nghìn tỷ USD tính đến cuối tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này bao gồm các khoản cho vay dành cho các nước đang phát triển và những nước khác không có tính thanh khoản cao. Nếu những khoản nợ đó tiếp tục khó hoàn trả, thì dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc cũng có thể bị thu hẹp nhanh chóng.

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã xuất bản một cuốn sách vào tháng 4, liệt kê các phân tích đầu tư chi tiết theo từng quốc gia, làm dấy lên cảnh báo đối với các công ty nhà nước.

Trung Quốc đang thu hẹp lại chương trình cho vay khổng lồ của mình. Các khoản vay mới của Bắc Kinh dành cho các quốc gia có thu nhập trung bình thấp chỉ đạt 13,9 tỷ USD vào năm 2020, giảm 58% so với mức cao kỷ lục vào năm 2018, dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy. Bên cạnh đó, dư nợ cho vay ở mức 170,4 tỷ USD vào cuối năm 2020, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty nghiên cứu Janes có trụ sở tại Anh ước tính rằng Trung Quốc chỉ gia hạn hai khoản vay vượt quá 1 tỷ USD mỗi khoản trong 7 tháng đầu năm 2022 so với 8 khoản cho năm 2021.

Ông Yusuke Suzuki đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược Toàn cầu Mitsui & Co. cho biết: “Với nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc đã chuyển trọng tâm kinh tế sang nhu cầu nội địa”. Ông nói thêm rằng không có khả năng các khoản vay sẽ tăng đáng kể trong tương lai.

Một câu hỏi quan trọng là Trung Quốc sẽ làm gì với Pakistan và số dư nợ 23,3 tỷ USD của nước này - mức cao nhất trong số các nước đang vay nợ Bắc Kinh?

Trung Quốc đã bơm một lượng lớn đầu tư vào cơ sở hạ tầng để trở thành đối trọng địa chính trị đối với Ấn Độ. Giờ đây, đồng tiền của nước này giảm và thâm hụt tài khoản vãng lai đang đẩy Pakistan đến gần tình trạng vỡ nợ.

Nhóm 7 nước lãnh đạo đã gọi tên Trung Quốc trong tuyên bố hồi tháng 6, kêu gọi nước này xóa nợ cho các nước thu nhập thấp.

Ông Kai Kajitani, giáo sư tại Đại học Kobe cho biết: “Có nguy cơ các khoản vay của Trung Quốc cho Nga có thể trở nên tồi tệ do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trung Quốc có thể bù đắp điều này bằng cách đình chỉ các khoản vay mới cho các nền kinh tế thu nhập thấp hoặc thu hồi được nợ”.

Bằng cách này, Trung Quốc có thể gây ra hiệu ứng domino khi các thị trường tài chính tìm kiếm "Sri Lanka tiếp theo".

Sơn Tùng (Theo Nikkei Asia)

Bình Luận

Tin khác

Xuất khẩu dầu thô của Iran tăng đột biến

Xuất khẩu dầu thô của Iran tăng đột biến

(CLO) Xuất khẩu dầu thô từ Iran đạt mức cao nhất trong 6 năm trong quý đầu tiên của năm, dữ liệu từ Vortexa được Financial Times trích dẫn cho thấy.

Thị trường - Doanh nghiệp
IMF dự báo kinh tế Nga tăng trưởng đáng kể

IMF dự báo kinh tế Nga tăng trưởng đáng kể

(CLO) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tăng đáng kể dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế Nga vào năm 2024. Trong năm nay, GDP của Nga được dự báo sẽ tăng 3,2%, tăng mạnh so với dự báo 2,6% trong tháng 1.

Thị trường - Doanh nghiệp
Sắp đấu thầu vàng để tăng nguồn cung: Cần thiết nhưng chỉ mang tính ngắn hạn

Sắp đấu thầu vàng để tăng nguồn cung: Cần thiết nhưng chỉ mang tính ngắn hạn

(CLO) Việc tăng nguồn cung vàng ở thời điểm này chỉ mang tính ngắn hạn. Về lâu dài, việc đấu thầu vàng sẽ tạo ra nhiều bất ổn cho kinh tế trong nước.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nhật Bản sẽ tiếp tục tham gia dự án dầu khí của Nga

Nhật Bản sẽ tiếp tục tham gia dự án dầu khí của Nga

(CLO) Các công ty Nhật Bản sẽ tiếp tục tham gia vào các dự án năng lượng của Nga trên đảo Sakhalin do tầm quan trọng của chúng đối với an ninh năng lượng của Tokyo, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố.

Thị trường - Doanh nghiệp
Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác cát sỏi 6,63 ha

Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác cát sỏi 6,63 ha

(CLO) UBND tỉnh Quảng Nam vừa chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư dự án khai thác cát, sỏi, cuội làm vật liệu xây dựng tại mỏ cát, sỏi BTM8-ĐC (thôn Thanh Trước, xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My).

Thị trường - Doanh nghiệp