TS. Nguyễn Nhã: “Hoàng Sa, Trường Sa đã là một phần máu thịt của tôi!”

Chủ nhật, 01/05/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Chiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Hải quân Nhân dân Việt Nam vào tháng 4/1975 đã trở thành một mốc son lịch sử, là một đóng góp to lớn vào Đại thắng mùa Xuân 1975.

Nhân sự kiện lịch sử này, PV Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện cùng TS. Nguyễn Nhã - một nhà nghiên cứu nổi tiếng với những công trình nghiên cứu, và những hoạt động không biết mệt mỏi nhằm đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Biển đảo quê hương là tình yêu máu thịt

Một buổi sáng đầu tháng tư, tôi gọi cho TS. Nguyễn Nhã ngỏ ý muốn viết bài về chân dung ông. Thật bất ngờ, người cầm máy có giọng nói nhỏ nhẹ nhưng ấm áp và đầy nội lực, khiến tôi không nghĩ đó là TS. Nguyễn Nhã - một người đã hơn 80 tuổi. Sau khi nghe tôi trình bày, ông đồng ý và ân cần gợi mở một vài vấn đề cần cho bài viết. Cách nói dung dị, giọng nói của ông khiến người nghe cảm nhận được một năng lượng tích cực, nội dung ông đưa ra rất cụ thể, khúc chiết.

ts nguyen nha hoang sa truong sa da la mot phan mau thit cua toi hinh 1

TS. Nguyễn Nhã tại sự kiện ra mắt tập 3 tuyển tập “Việt Nam huyết lệ thi thư”.

TS. Nguyễn Nhã sinh năm 1939 tại Ninh Bình, ông được coi là một chuyên gia, một người đã dành cả cuộc đời để theo đuổi, nghiên cứu và đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Là một trí thức yêu nước, hồi trước năm 1975, ông rất tích cực tham gia các phong trào, hoạt động trong “Nhóm sinh viên Đại học Sư phạm Sài Gòn”. Năm 1966, ông là người sáng lập, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút Tập san Sử - Địa, một ấn phẩm về khoa học xã hội uy tín nhất tại Sài Gòn.

Tình yêu quê hương, đất nước của ông càng thêm sâu sắc từ khi xảy ra sự kiện Hoàng Sa năm 1974. TS. Nguyễn Nhã nhớ lại, ngày mồng 3 Tết 1974, nghe trên đài phát thanh thông tin Hoàng Sa bị đánh chiếm, cảm giác lúc ấy là phẫn uất vô cùng. “Phải làm ngay một số đặc khảo về Hoàng Sa - Trường Sa” ý nghĩ hiện ngay trong ông khi đó. Ngay hôm sau, Nguyễn Nhã tập hợp nhóm anh em của Tập san Sử Địa, bàn việc xuất bản số đặc khảo. Mọi người đồng tình rất cao, ai nấy đều hăng hái vào cuộc.

Sau gần một năm chuẩn bị, Tập san đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa đã hoàn thành (số 29, tháng 1-3/1975) dày 350 trang. “Ngày ra mắt cuốn sách, sau khi tôi đọc lời giới thiệu, tất cả những người tham gia buổi lễ rất xúc động, ai nấy đều rưng rưng nước mắt...”, ông kể. Cũng trong thời gian làm số đặc khảo này, TS. Nguyễn Nhã đã sưu tập được tài liệu rất quý là tấm An Nam Đại Quốc họa đồ, vốn lưu ở Nha Địa dư quốc gia Sài Gòn.

Sau năm 1975, TS. Nguyễn Nhã vẫn không ngừng tìm tòi nghiên cứu về Hoàng Sa - Trường Sa. Lặn lội theo dấu tích của những gì liên quan còn sót lại, ông đã đi qua nhiều vùng đất như: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Kiên Giang; ra đến tận đảo Lý Sơn, cù lao Ré… để tìm dấu vết khẳng định chủ quyền hai quần đảo của Việt Nam. Sự kiên trì của ông được bạn bè, đồng nghiệp nể phục. Họ cho rằng, phải có lòng yêu nước mãnh liệt, sự tâm huyết hiếm thấy và ý chí kiên định rất cao mới có thể làm được những điều này.

Từ những nghiên cứu của mình, ở tuổi 64, Nguyễn Nhã đã đúc kết thành luận án tiến sĩ “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa’’. Luận án của ông đã được hội đồng khoa học đánh giá cao khi công trình không chỉ có tính thời sự mà còn là những chứng cứ lịch sử góp phần vào việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Những năm sau đó, mặc dù tuổi đã cao, TS. Nguyễn Nhã vẫn thường xuyên bay ra nước ngoài tham gia các hội thảo, tọa đàm hay thuyết trình về chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Ông còn lặn lội tới Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Hoa Kỳ, các Trung tâm nghiên cứu chiến lược của Bộ Quốc phòng Pháp, hay Viện Nghiên cứu chính trị kinh tế của Chính phủ Nhật ở Tokyo… để đưa ra những hồ sơ, tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam bằng tiếng Anh.

“Năm 2004, tôi bắt đầu qua Mỹ. Nhờ duyên may có hơn 14 ngàn học trò trong và ngoài nước mà tôi có dịp nói chuyện với sinh viên ở các trường đại học trên thế giới như Harvard, Temple ở Mỹ, tham dự nhiều hội thảo và thuyết trình ở những trung tâm ngoại giao chính trị của Mỹ, Pháp, Anh… để họ hiểu thêm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Ở bất cứ đâu, tôi nói người ta cũng đều lắng nghe”, ông kể.

ts nguyen nha hoang sa truong sa da la mot phan mau thit cua toi hinh 2

Vợ chồng TS. Nguyễn Nhã và gia đình người con nuôi.

Cho đến nay, TS. sử học Nguyễn Nhã đã có nhiều công trình nghiên cứu, xuất bản nhiều cuốn sách về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Khi Trung Quốc công bố “đường lưỡi bò” phi pháp, bản thân ông cũng có nhiều bài viết phản bác các luận điểm này.

Hơn 40 năm theo đuổi nghiên cứu lịch sử chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa, đối với TS. Nguyễn Nhã, phần lãnh thổ này đã là một phần máu thịt của mình. Ông luôn mong muốn phổ biến rộng rãi những nghiên cứu này đến người dân trong nước và bạn bè quốc tế, nhất là cho giới trẻ để mọi người ý thức hơn về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. 

“Tôi đã từng đề nghị cần phải vinh danh những ai hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Bản thân tôi sẽ mãi mãi dõi theo Hoàng Sa. Hoàng Sa là một yết hầu, hệ trọng rất lớn đối với Việt Nam. Hoàng Sa giống như chất men khơi lên lòng yêu nước”, TS. Nguyễn Nhã xúc động nói.

Vận động giới trẻ giữ hồn văn hóa Việt

Nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về Hoàng Sa - Trường Sa, ít người biết TS. Nguyễn Nhã còn là một nhà giáo dục, một nhà văn hóa. Nhà riêng của TS. Nguyễn Nhã ở TP.HCM như một bảo tàng mini với cơ man nào là sách vở, tài liệu, có cả mô hình thu nhỏ cột mốc chủ quyền hay ghe bầu của Đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa.

Thậm chí, ông còn dành một khoảnh chiếu với nhiều nhạc cụ để nếu muốn, khách có thể ngồi đàn hát những làn điệu âm nhạc dân tộc. Trong vườn, ông trưng bày những bức phù điêu tạc hình những người mà ông quý trọng như nhạc sĩ Văn Cao, GSTS Trần Văn Khê hay nhạc sĩ Phạm Duy…

“Tay phải của tôi thuận về giáo dục, tay trái về văn hóa. Người ta chỉ biết tôi với các vấn đề về Hoàng Sa - Trường Sa, tuy nhiên, đó chỉ là một hoạt động bên cạnh hoạt động khác”, ông nói.

TS. Nguyễn Nhã còn được biết đến là người sáng lập và quản lý Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã. Cổng thông tin hannguyennguyennha.com là một “kho tư liệu quý hiếm về lịch sử văn hóa độc đáo của Việt Nam, hiện có hàng trăm tư liệu quý chưa công bố” như ông giới thiệu. Từ năm 2009 đến nay, TS. Nguyễn Nhã cũng là Trưởng Đề án Bếp Việt; chủ biên bộ sách Ẩm thực Việt Nam.

ts nguyen nha hoang sa truong sa da la mot phan mau thit cua toi hinh 3

TS. Nguyễn Nhã (bên phải) tặng bản đồ An Nam Đại quốc họa đồ cho một số tộc họ ở Lý Sơn năm 2014.

TS. Nguyễn Nhã cho biết thêm, Quỹ hiện đang thúc đẩy năm chương trình “cùng nhau”, gồm: Quảng bá về chủ quyền biển đảo; Đưa ẩm thực Việt ra thế giới; Đem hát thơ (âm nhạc dân tộc) vào trường học, vận động giới trẻ tích cực giữ hồn văn hóa Việt; Cùng nhau khởi xướng chương trình Ngàn thanh niên thế kỷ XXI và Cùng nhau xây dựng chương trình bản sắc Việt trong giáo dục. “Quỹ Văn hóa Giáo dục Hãn Nguyên Nguyễn Nhã tôi chỉ là người khởi xướng, còn hoạt động chính là do các học trò, các bạn trẻ”, TS. Nguyễn Nhã chia sẻ.

Là người tâm huyết với mỗi việc mình làm, cho đến bây giờ, TS. Nguyễn Nhã vẫn bỏ tiền túi để làm các dự án về giáo dục và văn hóa, cũng như việc ông thường bỏ tiền riêng mua vé máy bay ra nước ngoài nói chuyện, thuyết trình hay tham dự các hội thảo, tọa đàm về Hoàng Sa - Trường Sa.

Đau đáu vì những vấn đề của đất nước, TS. Nguyễn Nhã cho biết, sau gần nửa thế kỷ đi vào học thuật và tham gia công tác nghiên cứu giảng dạy, nhất là nghiên cứu, phát huy truyền thống Việt Nam, hơn bao giờ hết, ông thấy cần cho giới trẻ Việt Nam nhận thức rõ giá trị quý giá của lịch sử văn hóa đáng tự hào của mình để nỗ lực góp phần xây dựng nội lực đất nước, từ đó bảo vệ được vũng chắc chủ quyền biển đảo.

“Tôi có người bạn đầu bếp người Nhật là Onuki Hiroo. Ông ấy đã có nhiều lần đến Việt Nam, nhưng hiện nay ông ấy cảm thấy thất vọng vì thấy giới trẻ Việt Nam cứ chăm chăm kiếm tiền mà không biết chính giá trị văn hóa lịch sử của đất nước mới sản sinh ra rất nhiều tiền. Tôi khởi xướng chương trình Ngàn thanh niên thế kỷ XXI với mong muốn mỗi người muốn giữ Trường Sa và lấy lại Hoàng Sa thì phải có cho mình một kế hoạch nhỏ, xây dựng đất nước giàu mạnh. Chỉ khi nào Việt Nam trở nên hùng cường mới không sợ và không phụ thuộc đến ai”, TS. Nguyễn Nhã đúc kết lại.

T.Toàn

Bình Luận

Tin khác

Hoa hậu Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ văn hóa đọc

Hoa hậu Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ văn hóa đọc

(CLO) Hoa hậu Lương Thùy Linh xuất hiện tại sự kiện lễ khai mạc Ngày Sách và Văn Hóa đọc Việt Nam lần 3 năm 2024 với vai trò Đại sứ văn hóa đọc TP.HCM.

Đời sống văn hóa
Công bố tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nghề thủ công mỹ nghệ

Công bố tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nghề thủ công mỹ nghệ

(CLO) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 43/2024/NĐ-CP ngày 19/4/2024 quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NSND), Nghệ nhân ưu tú (NSƯT) trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

Đời sống văn hóa
Kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa

Kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa

(CLO) Tối 19/4, tại Đình Ngự Triều Di Quy - Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đông Anh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1085 năm Đức vua Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa (939-2024).

Đời sống văn hóa
Khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề 'Giữ nghề xưa trên phố'

Khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố"

(CLO) Chiều 19/4 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra chương trình khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố".

Đời sống văn hóa
Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bộ sách 'Thưởng thức triết học'

Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bộ sách "Thưởng thức triết học"

(CLO) Nhân dịp bộ sách Thưởng thức triết học ra mắt độc giả Việt Nam, ngày 20/4 tới đây tại Hà Nội, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".

Đời sống văn hóa