Kỷ niệm 66 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2020):

Từ chiến thắng Điện Biên Phủ đến kỳ tích ngoại giao tại Geneva

Thứ năm, 07/05/2020 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngày này cách đây 66 năm, quân và dân Việt Nam đã đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu”...

Chiến thắng này buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945 - 1954).

Từ lời dặn quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đầu năm 1953, khi kế hoạch Navarre được Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua, Hội nghị lần thứ tư Trung ương Đảng họp tháng 1/1953 cũng đề ra phương châm đánh giặc: “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, đánh chắc thắng”. Bộ Chính trị nhấn mạnh phương châm hành động là “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, nguyên tắc chỉ đạo tác chiến là: “Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh”, giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán…”.

tu chien thang dien bien phu den ky tich ngoai giao tai geneva hinh 1

Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 7/5/1954. Ảnh: TTXVN

Từ cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Mở đầu kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, ta chủ động mở các cuộc tiến công lên Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, lấy Tây Bắc làm hướng chính. Tháng 11/1953, Đại đoàn 316 được lệnh tiến công lên Tây Bắc, giải phóng Lai Châu, phần đất cuối cùng còn lại ở Tây Bắc nằm trong tay quân đội Pháp. Ngày 3/12/1953, Navarre hạ quyết tâm xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh và quyết định: Tiếp nhận giao chiến với quân chủ lực của Việt Minh ở Tây Bắc, lấy căn cứ thung lũng Điện Biên Phủ làm trung tâm.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh Trần Đình, nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy, cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư kiêm Tổng tư lệnh mặt trận.

Ngày 22/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” cho quân đội, động viên các đơn vị thi đua giết giặc lập công, hoàn thành cho kỳ được Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

26/01/1954, Tổng tư lệnh mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”.

Thấm nhuần lời dặn của Hồ Chủ tịch, quân dân Việt Nam bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ với khí thế quyết chiến quyết thắng. Ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức bắt đầu.

56 ngày đêm “gan không núng, chí không mòn”

Phía ta mở ba đợt tiến công vào Điện Biên Phủ. Đợt một của chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn ngày 13/3/1954 và kết thúc vào ngày 17/3/1954. Trong đợt tấn công mở màn này, quân ta tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam - một trong những cụm cứ điểm mạnh nhất của Pháp nằm phía Đông Bắc Tập đoàn cứ điểm và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống hơn 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ một trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh; Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ đã dùng lựu đạn tự sát vì bất lực trước pháo binh của ta.

Giai đoạn 2 từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954 là đợt tiến công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi C1 ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Tuy nhiên, sau đợt tấn công, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

tu chien thang dien bien phu den ky tich ngoai giao tai geneva hinh 2

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ VNDCCH ký Hiệp định Geneva.

Giai đoạn 3 từ ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Đỉnh điểm là vào hồi 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, ta chiếm Sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tấn công, phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ cùng ngày toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Chiến thắng và sự quả cảm của quân dân ta đã đi khắc họa trọn vẹn trong những câu thơ của Tố Hữu:

"Kháng chiến ba nghìn ngày

Không đêm nào vui bằng đêm nay

Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực

Trên đất nước, như Huân chương trên ngực

Dân tộc ta dân tộc anh hùng!

...Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt

Máu trộn bùn non

Gan không núng

Chí không mòn!"

Tới thắng lợi trên bàn Hội nghị Geneva

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 của quân dân Việt Nam đã buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva, dẫn đến chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp và chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Đây cũng là văn kiện quốc tế đầu tiên, với sự tham dự của 5 cường quốc thế giới (Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc), tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cùng hai nước Lào và Campuchia.

Tuy nhiên, để ra được Tuyên bố cuối cùng, Hội nghị Geneva đã trải qua tới 75 ngày đêm đàm phán với 31 phiên họp cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương. Hội nghị khai mạc vào ngày 8/5/1954, toàn bộ quá trình Hội nghị được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (8/5-19/6/1954), trong đó đáng chú ý là việc ngày 29/5/1954, sau 4 phiên họp toàn thể và 8 phiên cấp Trưởng đoàn, Hội nghị quyết định: (1) Ngừng bắn toàn diện và đồng thời, (2) Đại diện hai Bộ Tư lệnh gặp nhau để bàn về bố trí lực lượng theo thỏa thuận đình chiến bắt đầu bằng phân vùng tập kết quân đội ở Việt Nam. Giai đoạn 2 (20/6-10/7/1954) và Giai đoạn 3 (11- 21/7/1954).

Trong 10 ngày cuối của Hội nghị Geneva đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi tay đôi, tay ba hoặc nhiều bên giữa các Trưởng đoàn. Đoàn VNDCCH và Đoàn Pháp đàm phán rất gay go về phân chia vĩ tuyến (Đoàn VNDCCH nêu vĩ tuyến 16 vì ta muốn làm chủ đường 9 về Savanakhet đi Quảng Trị là con đường duy nhất cho Lào đi ra biển, Đoàn Pháp nêu vĩ tuyến 18); về thời hạn tổ chức tổng tuyển cử và các điều khác của Hiệp định, đặc biệt là Hiệp định về Campuchia phải ký vào sáng 21/7/1954.

24h ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết. Sau đó, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Lào, Campuchia cũng được ký.

Ngày 21/7/1954, Hội nghị Geneva về Đông Dương họp phiên toàn thể, ra Tuyên bố cuối cùng gồm 13 điểm, trong đó cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Đến thời điểm đó, cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp của chúng ta đã kết thúc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc chiến đấu tiếp theo của dân tộc ta nhằm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 21 năm sau đó. Từ chiến trường Điện Biên Phủ tới những cuộc đấu trí trên bàn ngoại giao tại Geneva, quân dân Việt Nam đã làm nên lịch sử.

Hà Anh

Tin khác

Hà Nội tập trung nguồn lực hoàn thành 7 dự án đường vành đai, các trục đường hướng tâm, kết nối vùng

Hà Nội tập trung nguồn lực hoàn thành 7 dự án đường vành đai, các trục đường hướng tâm, kết nối vùng

(CLO) Thành phố Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành 7 dự án đường vành đai, các trục đường hướng tâm, kết nối vùng. Đồng thời thành phố cũng chuyển đổi các phương tiện xanh, sạch; nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến 2025-2026 lên khoảng 30%. 

Tin tức
Quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ ngày 1/7

Quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ ngày 1/7

(CLO) Bộ Nội vụ thống nhất sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thực hiện từ ngày 1/7/2024.

Tin tức
Hải Dương: Khẩn trương rà soát, bổ sung, thay đổi, sửa đổi để phù hợp thực tế khi thực hiện Đề án 06

Hải Dương: Khẩn trương rà soát, bổ sung, thay đổi, sửa đổi để phù hợp thực tế khi thực hiện Đề án 06

(CLO) Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hải Dương vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả chuyển đổi số gắn với thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh.

Tin tức
Không gian mạng là một không gian mới để làm thông tin đối ngoại

Không gian mạng là một không gian mới để làm thông tin đối ngoại

(CLO) Thời gian tới, Chính phủ coi không gian mạng như một không gian mới để làm thông tin đối ngoại, trong đó ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới cách làm thông tin đối ngoại, tạo hiệu quả đột phá.

Tin tức
Diễn đàn Horasis: Chính phủ Việt Nam sẽ lắng nghe doanh nghiệp để khởi tạo cho giai đoạn phát triển mới

Diễn đàn Horasis: Chính phủ Việt Nam sẽ lắng nghe doanh nghiệp để khởi tạo cho giai đoạn phát triển mới

(CLO) Phát biểu khai mạc Diễn đàn hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, nhằm sớm đạt được những cơ sở pháp lý, thể chế đối với chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế carbon thấp, thị trường carbon và những cơ chế khoa học, minh bạch nhất để thực hiện đánh giá những mục tiêu cần đạt được trong phát triển bền vững. Chính phủ sẽ lắng nghe doanh nghiệp để khởi tạo cho giai đoạn phát triển mới.

Tin tức