Tuần lễ Cấp cao Đại Hội đồng LHQ: "Thế giới đang gặp rắc rối lớn"

Thứ sáu, 23/09/2022 10:40 AM - 0 Trả lời

(CLO) Sau hai năm diễn ra theo hình thức trực tuyến, Phiên thảo luận chung cấp cao, hay còn được gọi là Tuần lễ Cấp cao, của khóa họp thường niên lần thứ 77 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã diễn ra từ ngày 20/9 vừa rồi.

Quá nhiều khủng hoảng

Và như thể bị tích tụ lại sau 2 năm trì hoãn, cuộc họp trực tiếp lần này đã phải đối mặt với quá nhiều thách thức lớn; sức nóng và sự căng thẳng thậm chí còn gia tăng sau mỗi bài phát biểu. “Thế giới của chúng ta đang gặp rắc rối lớn”, chính là cách Tổng Thư ký LHQ António Guterres đưa ra khi mở đầu Phiên thảo luận chung cấp cao vào thứ Ba vừa rồi.

tuan le cap cao dai hoi dong lhq the gioi dang gap rac roi lon hinh 1

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres lo lắng trước sự bất ổn ngày càng gia tăng của thế giới. Ảnh: AP

tuan le cap cao dai hoi dong lhq the gioi dang gap rac roi lon hinh 2

Quang cảnh Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khi Tổng thống Ukraine Zelenskky phát biểu trực tuyến. Ảnh: AP

tuan le cap cao dai hoi dong lhq the gioi dang gap rac roi lon hinh 3

Tổng thống Senegal Macky Sall muốn cộng đồng thế giới xây dựng niềm tin dựa trên các lý tưởng chung. Ảnh: Reuters

Thậm chí theo nhiều chuyên gia, sau 76 khóa họp được tổ chức kể từ khi Liên Hợp Quốc được thành lập vào năm 1945, chưa bao giờ có một phiên thảo luận chung nào trước đây lại đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng lớn như lần này. Đơn giản vì kể từ khi Thế chiến II kết thúc vào năm 1945, qua đó hình thành nên Liên Hợp Quốc, thế giới chưa bao giờ phải đối mặt với nhiều bất ổn lớn như trong 2 năm qua.

Đó là đại dịch COVID-19 mang quy mô thế kỷ và cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu giữa 2 quốc gia kể từ Thế chiến II. Để rồi, dù gián tiếp hay trực tiếp, những cuộc đại khủng hoảng này đã gây ra một loạt các cuộc khủng hoảng thứ phát tồi tệ khác, từ nạn đói, lạm phát, suy thoái kinh tế… cho đến những rạn nứt lớn về địa chính trị trên khắp toàn cầu, từ Đông Á, Trung Đông, Đông Âu, Bắc Mỹ, Châu Phi…

Thực tế, chỉ cách đây hơn nửa năm, cộng đồng quốc tế từng hình dung về một cuộc họp cấp cao Đại Hội đồng LHQ trong niềm hân hoan, sự lạc quan và tinh thần đoàn kết. Bởi ai cũng tin rằng khi cuộc họp này được tổ chức cũng là lúc thế giới sẽ chấm dứt đại dịch COVID-19. Nhưng thay vào đó, cuộc họp đang diễn ra trong tâm trạng căng thẳng và lo âu của hầu hết những người tham gia, từ các nhà ngoại giao, các nguyên thủ cho đến chính người đứng đầu LHQ.

Cũng trong bài phát biểu khai mạc của mình, ông Guterres nhấn mạnh thêm rằng: “Chúng ta đang bế tắc trong tình trạng rối loạn ở mức độ khổng lồ trên toàn cầu… Thế giới của chúng ta đang lâm vào tình trạng nguy hiểm - và tê liệt”.

Tất nhiên, cuộc chiến chuẩn bị đánh dấu mốc tròn 7 tháng giữa Nga và Ukraine là vấn đề đáng lo ngại nhất và đang đứng đầu chương trình nghị sự, nhưng thế giới vẫn còn đó hàng chục cuộc chiến đang diễn ra trên toàn cầu, từ cuộc tranh chấp hàng thập kỷ giữa Israel - Palestine đến các cuộc nội chiến ở Syria, Somalia, Yemen, Sudan, Mali, Nigeria…

Đáng lo hơn khi cuộc họp thường niên quan trọng nhất của Đại Hội đồng chuẩn bị diễn ra thì cũng là lúc một số xung đột tiềm tàng khác bùng phát trở lại, như giữa Armenia và Azerbaijan, Kyrgyzstan - Tajikistan hay Kosovo - Serbia. Còn những bất ổn chính trị, các cuộc biểu tình, các cuộc đình công... thì không đếm xuể, ở cả những nước còn đang khó khăn như ở Sri Lanka, Moldova… cho đến những quốc gia giàu có phát triển như Mỹ, Nhật Bản và Anh.

Rất nhiều chương trình nghị sự khác của cuộc họp năm nay đều là những vấn đề khổng lồ, phức tạp, nan giải và ở quy mô toàn cầu. Đó là những lo lắng về giá nhiên liệu tăng vọt, thiếu lương thực, bất bình đẳng kinh tế, di cư, tin giả, phân biệt đối xử, sự căm thù, sức khỏe cộng đồng và đặc biệt cả cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Thậm chí, cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu đang có mức độ tàn phá không kém gì đại dịch COVID-19 hay cuộc chiến ở Ukraine. Nó cũng gây ra một tác động về mọi mặt của đời sống, gây ra sự nghèo khó, lạm phát, khủng hoảng lương thực và cả xung đột.

Phát biểu trong khi một phần Pakistan có diện tích tương đương với Vương quốc Anh đang chìm trong nước, Tổng Thư ký Guterres tuyên bố: “Hãy nói thẳng như thế này: Thế giới của chúng ta đang nghiện nhiên liệu hóa thạch. Đã đến lúc cần can thiệp”.

Hy vọng thế giới sẽ xích lại gần nhau

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Chile Gabriel Boric nói rằng: “Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy bất ổn và những cú sốc. Rõ ràng là ngày nay không một quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, khiêm tốn hay hùng mạnh, có thể tự cứu lấy mình”.

Với những gì đã xảy ra trong 2 năm qua, cộng đồng quốc tế đều phải thừa nhận rằng sự chia rẽ địa chính trị đang làm xói mòn vài trò của Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, lòng tin của người dân đối với các thể chế dân chủ và hầu hết các hình thức hợp tác quốc tế.

Tổng Thư ký LHQ cho biết: “Sự phân hóa giữa các nước phát triển và đang phát triển, giữa đặc quyền và phần còn lại, ngày càng trở nên nguy hiểm hơn. Đó là gốc rễ của những căng thẳng địa chính trị và sự thiếu tin tưởng đã đầu độc mọi lĩnh vực hợp tác toàn cầu, từ vắc xin, các biện pháp trừng phạt cho đến thương mại”.

tuan le cap cao dai hoi dong lhq the gioi dang gap rac roi lon hinh 4

Liên Hợp Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức trong nhiệm vụ duy trì hòa bình trên thế giới. Ảnh: AP

Tổng thống Senegal Macky Sall đã đưa ra gợi ý để xây dựng lại sự đồng thuận toàn cầu: “Chúng ta cần một chủ nghĩa đa phương cởi mở và tôn trọng sự khác biệt. LHQ chỉ có thể giành được sự ủng hộ của tất cả các quốc gia trên cơ sở những lý tưởng chung, chứ không phải các giá trị cục bộ được dựng lên như những chuẩn mực chung”.

Gần 150 nguyên thủ quốc gia và chính phủ đã ký tên để phát biểu trong Tuần lễ Cấp cao, một con số cho thấy các nước đều đang rất khát khao thể hiện tiếng nói của mình, bởi từng quốc gia, từng khu vực đều đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, kể cả chung lẫn riêng.

Tất nhiên, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn sẽ đứng đầu chương trình nghị sự cho đến khi Tuần lễ Cấp cao kết thúc vào ngày 26/9. Và khi các nhà lãnh đạo cả thế giới đang nói về cách chấm dứt cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II, thì họ tiếp tục phải đón nhận những thông tin đáng lo ngại từ nơi chiến tuyến.

Trong khi Ukraine đang tiếp tục phản công để giành lại đất đai, thì Nga đã công bố sắc lệnh tổng động viên một phần; đồng thời ngụ ý về việc khả năng có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Như vậy, chỉ 2 ngày sau khi cuộc họp bắt đầu, cuộc chiến ở Ukraine đã trở nên phức tạp và đáng lo ngại hơn rất nhiều!

Các nhà lãnh đạo trên thế giới hẳn đều cảm nhận được sức nóng và nguy cơ leo thang của cuộc chiến ở Ukraine qua chính bài phát biểu trực tuyến của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy vào hôm qua (22/9). Ông đã không giữ được bình tĩnh khi tuyên bố rằng các lực lượng của ông sẽ chiến đấu cho đến người lính cuối cùng. Có nghĩa, cùng với việc Nga sắp huy động thêm 300.000 quân dự bị, cuộc chiến có thể sẽ diễn ra khốc liệt và rộng lớn hơn trong thời gian tới.

Như đã nói, mục tiêu lớn nhất của cuộc họp cấp cao Đại Hội đồng LHQ trong tuần này là tìm cách chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng khi nó chỉ vừa bắt đầu và chưa có được bước tiến nào, thì cái đích lại càng trở nên xa vời thêm.

Song cũng chính bởi vậy, các nhà lãnh đạo càng cần phải quyết tâm hơn để đưa thế giới xích lại gần nhau. Hay như ông Guterres đã nói: “Hãy làm việc như một, như một liên minh của thế giới, như các quốc gia đồng nhất". Và đó thực ra cũng chính là mục tiêu cốt lõi của Liên Hợp Quốc khi tổ chức này được thành lập cách đây 77 năm về trước.

Hải Anh

Bình Luận

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế