Tuyển sinh Đại học 2022: Mong chờ hồi kết có hậu!

Thứ năm, 22/09/2022 14:49 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đến thời điểm này, công tác tuyển sinh Đại học năm 2022 đã đi vào những công đoạn cuối cùng nhưng những bất cập thì vẫn còn nhiều, vì thế rất khó để dự đoán được kịch bản cuối của mùa tuyển sinh năm nay, đặc biệt đối với các trường top giữa và cuối.

Còn đó những bất cập

Đến thời điểm này, công tác xét tuyển Đại học đang đi vào những khâu cuối cùng là thí sinh xác nhận nhập học, nhà trường hoàn thành thủ tục nhập học và đón sinh viên vào học. Tuy nhiên, khâu cuối cùng bao giờ cũng phức tạp và khó lường, đặc biệt với cách tuyển sinh mới thì nhiều trường đang ở thế “cân não”.

tuyen sinh dai hoc 2022 mong cho hoi ket co hau hinh 1

Công tác tuyển sinh năm nay còn tồn tại nhiều khâu, nhiều lỗi gây phiền hà cho thí sinh.

Theo phản ánh của các thí sinh, một điểm bất cập của cách tuyển sinh năm nay chính là việc tuyển sinh trải qua nhiều khâu, nhiều bước thời gian kéo dài. Trong khi, phần mềm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa làm vừa sửa nên gây phiền hà cho thí sinh. Nhiều thí sinh đã gặp khó trong việc đăng ký khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên chính sách. Đồng thời, phần mềm không kiểm tra được các nguyện vọng xét tuyển sớm của thí sinh với dữ liệu xét tuyển sớm của trường khi đổ vào hệ thống của Bộ dẫn đến nhiều thí sinh chọn sai phương thức, chọn sai ngành, chọn sai tổ hợp.

Trước những bất cập trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, Hệ thống xét tuyển chung mới chỉ ghi nhận lỗi hiển thị và Bộ GD&ĐT đã khắc phục xong. Khi hệ thống đang chạy để khắc phục thì mất một khoảng thời gian nhất định, nên trong thời gian đó nếu thí sinh vào thì có thể sẽ thấy một vài hiện tượng như là lỗi nhưng thực ra không phải. Nhưng thí sinh hoàn toàn yên tâm vì dẫu có lỗi hiển thị trước đó thì kết quả xét tuyển của các em không bị ảnh hưởng.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng thông tin: “Phần mềm năm nay là phần mềm mở rộng chức năng chứ không phải là phần mềm mới hoàn toàn. Chức năng quan trọng nhất là lọc ảo, thì đã làm từ nhiều năm nay. Chức năng mới của năm nay là đăng ký trực tuyến, được mở rộng dựa trên chức năng thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến đã thực hiện năm ngoái”.

Không chỉ gây khó cho thí sinh vì lỗi phần mềm mà theo phản ánh của nhiều trường thì công tác tuyển sinh năm nay cũng có một số điểm hạn chế. Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT cho rằng, vấn đề tuyển sinh chung như năm nay có bất cập là thời gian lâu, các nhà trường phải chờ Bộ GD&ĐT. Nếu như các năm trước thì việc tuyển sinh đã hoàn thành.

“Việc tuyển sinh kéo dài khiến người học cũng chờ, người dạy cũng chờ” - ông Lê Trường Tùng bày tỏ và cho rằng trong tuyển sinh đại học cần tôn trọng quyền tự chủ của các trường. Cách làm hiện nay khiến các nhà trường mất quá nhiều nguồn lực vào chuyện tuyển sinh.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai Nguyễn Mạnh Quỳnh nêu ý kiến, những năm trước, sau khi thi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT thí sinh đã có thể tiến hành nhập học. Còn năm nay phải phụ thuộc vào hệ thống xét tuyển trực tuyến của Bộ GD&ĐT và “lọc ảo” xong các trường mới được công bố điểm chuẩn xét tuyển và tiến hành nhập học. Nhập học xong, thí sinh phải tiếp tục quay lại hệ thống của Bộ GD&ĐT xác nhận thêm lần nữa là đã nhập học. Chính vì qua nhiều bước nên đến ngày 30/9 khâu nhập học trực tuyến mới kết thúc.

Tuyển chưa xong đợt 1 đã vội bổ sung đợt 2

Hiện khâu tuyển sinh đợt 1 chưa kết thúc, các thí sinh vẫn đang tiến hành thủ tục nhập học. Tuy nhiên nhiều trường đại học đã vội vàng công bố chỉ tiêu tuyển sinh đợt 2 nhằm “vợt” đủ thí sinh. Theo ông Lê Trường Tùng thì con số thí sinh đậu vào từng trường trên hệ thống chưa nói lên điều gì bởi thực tế nhiều năm số nhập học có trường chỉ đạt 50% con số trúng tuyển. Do đó, việc thí sinh đậu với nhập học thực tế luôn vênh nhau, đặc biệt ở những trường nhóm giữa và cuối thì tỷ lệ này lại càng cao.

Chính vì luôn có sự vênh nhau giữa số lượng thí sinh đậu và nhập học nên nhiều trường đại học chưa lo xong tuyển sinh đợt 1 thì vội chủ động tuyển sinh đợt 2. Tính tới 15h ngày 20/9 đã có hơn 40 cơ sở đào tạo trên cả nước đã thông báo tiếp tục tuyển sinh bổ sung do chưa tuyển sinh đủ chỉ tiêu đợt 1.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều trường chỉ tiêu tuyển sinh đợt 2 cao như Trường Đại học Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) tuyển bổ sung cho 4 ngành, tổng chỉ tiêu gần 100 thí sinh, hạn nộp hồ sơ đến trước 17h ngày 2/10. Học viện Ngân hàng tuyển bổ sung một số ngành với chỉ tiêu 49 em/ngành. Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển bổ sung đến 200 chỉ tiêu…

tuyen sinh dai hoc 2022 mong cho hoi ket co hau hinh 2

Ở khu vực phía Nam các trường cũng nhanh chóng công bố chỉ tiêu xét tuyển bổ sung như Trường Đại học Tôn Đức Thắng dành hơn 500 chỉ tiêu. Trường Đại học Công nghệ miền Đông tuyển bổ sung 16/32 chuyên ngành. Trường Đại học Tài chính – Kế toán tuyển sinh đợt 2 cho tất cả các ngành đào tạo tại cơ sở Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế…

Đã đến cuối tháng 9 nhưng công tác tuyển sinh vẫn còn rất dở dang. Trong khi như các năm trước, đa số các trường đại học đã tuyển sinh đủ sinh viên, các em đã nhập học và công tác học tập đã bắt đầu đi vào nền nếp. Lãnh đạo một trường đại học chia sẻ rằng, hiện nhà trường chưa biết đến khi nào tuyển đủ thí sinh.

Đến thời điểm này con số đậu vào trường chỉ mới là các con số trên máy. Việc có bao nhiêu thí sinh nhập học mới là con số tuyển sinh thực tế. Tuy nhiên, hiện đang trong quá trình làm thủ tục nhập học nên chưa thể biết tỷ lệ nhập học năm nay đạt bao nhiêu.

Như vậy, với những gì đang diễn ra, công tác tuyển sinh năm 2022 vẫn đang ngổn ngang. Kịch bản tuyển sinh của từng trường như thế nào vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Hy vọng, sẽ có một cái kết có hậu cho các trường và thí sinh cả nước trong mùa tuyển sinh năm nay.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Trẻ bị đứt cổ tay, bác sĩ chỉ cách sơ cứu

Trẻ bị đứt cổ tay, bác sĩ chỉ cách sơ cứu

(CLO) Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Nhi Trung ương đã tiếp nhận bé trai 11 tuổi, ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng vết thương hở cổ tay và bàn tay hai bên do tai nạn sinh hoạt, may mắn trước đó trẻ đã được sơ cứu ban đầu đúng cách và kịp thời.

Giáo dục
Phó chủ tịch tỉnh được giao điều hành trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam

Phó chủ tịch tỉnh được giao điều hành trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam

(CLO) Quảng Nam vừa phân công Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn điều hành hoạt động của trường CĐ Y tế Quảng Nam, sau khi hiệu trưởng trường này bị khởi tố.

Giáo dục
Nhiều cơ hội thực tập, làm việc cho sinh viên tại ngày hội việc làm USSH Job Fair 2024

Nhiều cơ hội thực tập, làm việc cho sinh viên tại ngày hội việc làm USSH Job Fair 2024

(CLO) Ngày hội việc làm - USSH Job Fair 2024 là hoạt động thường niên do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM phối hợp cùng các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm giới thiệu các cơ hội việc làm, thực tập đến sinh viên.

Giáo dục
Gia Lai: Một học sinh lớp 7 bị nhóm thanh niên tấn công trên đường đi học về

Gia Lai: Một học sinh lớp 7 bị nhóm thanh niên tấn công trên đường đi học về

(CLO) Trên đường đi học về, em T. (học sinh lớp 7) bất ngờ bị 1 nhóm thanh niên dùng ghế nhựa, mũ bảo hiểm tấn công gây thương tích.

Giáo dục
Một giáo viên bị tố lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của đồng nghiệp

Một giáo viên bị tố lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của đồng nghiệp

(CLO) Bà Đỗ Thị Huyền Trang (giáo viên Trường THPT Phạm Văn Đồng, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, Gia Lai) bị tố lừa đảo, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Đáng chú ý, phần lớn nạn nhân lại là các đồng nghiệp của bà Trang.

Giáo dục