Tỷ lệ ca COVID-19 mới ở Indonesia giảm mạnh xuống dưới 5%

Thứ tư, 08/09/2021 06:03 AM - 0 Trả lời

(CLO) Tỷ lệ mắc mới COVID-19 ở Indonesia đã lần đầu tiên ở dưới mức 5% - ngưỡng giới hạn của WHO, cho thấy dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát.

Sự kiện: COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 7/9, các nước ASEAN ghi nhận thêm 73.232 ca mắc mới COVID-19 và 1.726 ca tử vong. Tổng số ca bệnh trong toàn khu vực hiện đã lên tới 10.623.378 trường hợp và 235.578 ca tử vong. Toàn khối có 9.409.568 bệnh nhân đã bình phục.

ty le ca covid 19 moi o indonesia giam manh xuong duoi 5 hinh 1

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia. Ảnh: THX

Trong 24 giờ qua, khu vực ASEAN có 8 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 683 ca; Việt Nam đứng thứ hai với 316 ca; Malaysia ghi nhận 311 ca tử vong mới; Thái Lan thêm 241 ca tử vong; Philippines thêm 161 ca và Campuchia ghi nhận thêm 11 ca; Timor Leste thêm 2 và Brunei thêm 1 ca.

Với 18.547 ca nhiễm trong ngày 7/9, Malaysia đứng đầu khu vực về ca mắc mới. Tổng số ca bệnh ở nước này đã lên tới 1.880.734 ca, bao gồm 18.802 ca tử vong. Philippines đứng thứ hai với 18.012 ca nhiễm, nâng tổng ca bệnh lên 2.121.308 trường hợp, bao gồm 34.498 ca tử vong. Thái Lan cùng ngày ghi nhận 13.821 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh hiện đã vượt 1,3 triệu ca.

Đáng chú ý, công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Indonesia đang ghi nhận những diễn biến tích cực rõ rệt. Trong tuần này, tỷ lệ mắc mới COVID-19 ở Indonesia đã lần đầu tiên ở dưới mức 5% - ngưỡng giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho thấy dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát.

Ngày 6/9, tỷ lệ mắc COVID-19 mới tại Indonesia ghi nhận ở mức 4,57% - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Trước đó, tháng 7 vừa qua, Indonesia trở thành tâm dịch của châu Á với tỷ lệ lây nhiễm chạm mốc cao kỷ lục là 33,4%, trong đó biến thể Delta chiếm đa số.

Các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 đã tiếp tục được Indonesia nới lỏng hơn nữa trong ngày 6/9, trong đó hầu hết các khu vực trên đảo Java đã được hạ mức cảnh báo về dịch bệnh. Theo đó, các trung tâm mua sắm, nhà máy và nhà hàng được mở cửa trở lại với một số điều kiện.

Mặc dù vậy, Tổng thống Joko Widodo khuyến cáo người dân Indonesia không nên tự mãn do những nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu. Dữ liệu hằng tuần của Bộ Y tế Indonesia cho thấy một số tỉnh vẫn ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm cao, trong đó tỉnh Aceh là 17,4% và Bắc Kalimantan là 16,7%.

Hôm 6/9, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết đến nay quốc gia này đã tiếp nhận tổng cộng 225,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Trong tổng số 225,4 triệu liều vaccine nói trên có 188,9 triệu liều vaccine của Sinovac, 19,5 triệu liều vaccine của Astrazeneca, 8 triệu liều vaccine của Moderna, 2,75 triệu liều vaccine của Pfizer và 8,25 triệu liều vaccine của Sinopharm.

Indonesia khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 vào ngày 13/1 vừa qua và cho đến nay đã cung cấp vaccine cho 105,6 triệu người, trong đó gần 38,5 triệu người đã được tiêm đầy đủ hai mũi.

Trong khi đó, ngày 7/9, Bộ Y tế Singapore thông báo đã ghi nhận 328 ca mắc mới COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất mà Singapore ghi nhận được kể từ tháng 8/2020.

Số ca mắc mới tại Singapore đã vượt mốc 100 ca/ngày trong hai tuần qua, trong bối cảnh nước này dỡ bỏ hầu hết các biện pháp kiểm dịch khi triển khai dần kế hoạch mở cửa trở lại.

Trong buổi họp báo diễn ra 1 ngày trước đó, Bộ trưởng Tài chính kiêm người đứng đầu lực lượng đặc trách chống COVID-19, bà Lawrence Wong, cho biết có thể Singapore sẽ tái áp đặt các biện pháp hạn chế nếu số ca mắc mới tăng mạnh.

Cho tới nay, hơn 80% trong tổng số 5,7 triệu dân Singapore đã hoàn thành tiêm chủng và đây là một trong số nhiều nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.

Tại Philippines, ngày 7/9, nước này bất ngờ quyết định tái áp đặt lệnh phong tỏa phòng dịch COVID-19 tại thủ đô Manila, chỉ một ngày sau khi thông báo dỡ bỏ yêu cầu ở nhà đối với hơn 13 triệu người.

Chính phủ Philippines đã lên kế hoạch bắt đầu thử nghiệm “phong tỏa quy mô hẹp hơn” tại Manila kể từ ngày 8/9. Kế hoạch này quy định “phong tỏa cứng” đối với các hộ gia đình, các tòa nhà, các tuyến đường hoặc các khu dân cư lân cận khu vực có dịch, thay vì toàn bộ thủ đô. Điều này giúp giảm bớt các biện pháp hạn chế ở phần còn lại của Manila - vốn đóng góp hơn 30% cho nền kinh tế của đất nước - và tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở cửa trở lại và thúc đẩy du lịch địa phương.

Tại Thái Lan, nước này đã đi được nửa chặng đường tiến tới miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19, nửa năm sau khi những người đầu tiên được tiêm chủng.

Số liệu do Bộ Y tế Thái Lan công bố cho thấy đến nay 25,2 triệu người nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó 10 triệu người đã tiêm đầy đủ 2 mũi.

Phát biểu ngày 6/9, người phát ngôn Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) Taweesilp Visanuyothin đã hoan nghênh mốc 25 triệu người được tiêm mũi đầu tiên, cho rằng cần thêm 25 triệu người nữa được tiêm vaccine để đạt được mục tiêu mà nước này đặt ra.

Liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được tiêm tại Thái Lan vào ngày 28/2. Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đặt mục tiêu có 50 triệu người, tức 70% của dân số 70 triệu người, được tiêm mũi vaccine đầu tiên để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Tỷ lệ tiêm chủng hàng ngày trên toàn quốc đã tăng nhanh trong vài tuần qua, đạt mức cao nhất là hơn 920.000 mũi hôm 3/9, do nguồn cung vaccine dồi dào hơn.

Thế Vũ

Bình Luận

Tin khác

Ca sinh hy hữu: Sản phụ đẻ trên biển

Ca sinh hy hữu: Sản phụ đẻ trên biển

(CLO) Bé trai kháu khỉnh được chào đời trong trường hợp hết sức đặc biệt và rất may mắn khi đang trên thuyền di chuyển từ đảo Quan Lạn về đất liền.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc hai nam bệnh nhân suy gan phải nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc hai nam bệnh nhân suy gan phải nhập viện

(CLO) Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Sức khỏe
TP HCM: Phát hiện một cơ sở thẩm mỹ đổi tên để 'né' xử phạt vi phạm hành chính

TP HCM: Phát hiện một cơ sở thẩm mỹ đổi tên để 'né' xử phạt vi phạm hành chính

(CLO) Sau khi kiểm tra, Sở Y tế TP HCM phát hiện cơ sở treo biển phòng khám chuyên khoa Da liễu An Nhi đang hoạt động trái phép. Đáng nói phòng khám này có chung chủ với các đơn vị kinh doanh đã bị xử phạt trước đó tại cùng địa chỉ.

Sức khỏe
TP HCM: Phát hiện 'viện tế bào gốc' núp bóng phòng khám đa khoa hoạt động trái phép

TP HCM: Phát hiện 'viện tế bào gốc' núp bóng phòng khám đa khoa hoạt động trái phép

(CLO) Sở Y tế TP HCM vừa phát hiện và xử lý cơ sở mang tên “Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc Việt Nam” hoạt động không phép, núp bóng một phòng khám đa khoa.

Sức khỏe
Y tế phường cứu thành công một trẻ đuối nước

Y tế phường cứu thành công một trẻ đuối nước

(CLO) Nạn nhân khi đến trạm y tế phường đã trong tình trạng bất động, lay gọi không biết, toàn thân lạnh, da tái nhợt, mạch cảnh không bắt được.

Sức khỏe