Văn hoá công vụ: Làm gì có chữ mày - tao?

Thứ năm, 19/10/2023 09:34 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đáng buồn và lạ lùng thay, hai tiếng “mày - tao” có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều trong đối đáp xưng hô giữa nhiều cán bộ với người dân khi họ đang thực thi công vụ. Lối đối đáp rõ ràng không thể có trong cái gọi là “văn hóa công vụ”.

Cách đây nhiều thập kỷ, tác giả Đinh Huy Hạo, khi bàn luận về cách xưng hô của người Việt, từng bày tỏ quan điểm: “Hai tiếng “mày - tao” là tiếng tục tằn, xấu xa nhất trong tiếng Việt Nam ta, người đã cắp quyển sách đi học không bao giờ nên dùng đến, bất cứ đối với hạng người nào”. Và nay, đáng buồn và lạ lùng thay, hai tiếng “mày - tao” có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều trong đối đáp xưng hô giữa nhiều cán bộ với người dân khi họ đang thực thi công vụ. Lối đối đáp rõ ràng không thể có trong cái gọi là “văn hóa công vụ”.

1.Chiều 16/10, trả lời báo chí, ông Nguyễn Cao Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, xác nhận ông đã chỉ đạo xác minh làm rõ nội dung phản ánh ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Ninh Bình, xưng “mày, tao” với người dân khi đi thực thi công vụ. Trước đó, ngày 6/9, trong quá trình đi thực tế giải quyết việc nổ mìn khai thác đá làm ảnh hưởng đến nhà dân tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, Phó giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Tiến Dũng đã có những phát ngôn thiếu chuẩn mực, nhiều lần xưng “mày, tao” với người dân. Sự việc đã được camera an ninh của người dân ghi lại. Người dân - chị N.T.T. (SN 1991, ngụ xã Phú Sơn) cũng đã làm đơn phản ánh đến UBND tỉnh Ninh Bình việc phát ngôn của ông Nguyễn Tiến Dũng.

Tại cuộc họp của Sở TN&MT diễn ra sáng 17/10, ông Dũng thừa nhận trước lãnh đạo của Sở TN&MT, các trưởng phòng về việc ứng xử thiếu chuẩn mực. “Xuất phát từ việc khảo sát thực tế so với nội dung đơn kiến nghị, phản ánh của công dân là chưa chính xác và quá sai lệch. Mặc dù đã có giải thích cho gia đình (bà N.T.T.), nhưng không nhận được sự hợp tác nên tôi có hơi bức xúc. Vì vậy, khi ra về, trên đường lên xe tôi đã có những phát ngôn bột phát dân dã (cách xưng hô theo thói quen khoảng cách tuổi tác) “mày - tao” một, hai lần như nội dung gia đình bà T. phản ánh và trích xuất camera” - ông Nguyễn Tiến Dũng giải trình.

Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình cho biết thêm, qua sự việc này, bản thân ông tự nhận thấy trong quá trình trao đổi với người dân chưa giữ được thăng bằng trong tâm lý nên đã tạo ra tình huống sai sót đáng tiếc. Ông Dũng thừa nhận đây là bài học, ông sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm về kiểm soát tâm lý khi giải quyết các bất đồng trong giao tiếp với công dân; đồng thời cam kết sẽ tới trực tiếp xin lỗi gia đình bà T..

van hoa cong vu lam gi co chu may  tao hinh 1

Điều đáng chú ý là chỉ gõ Google với từ khoá “cán bộ phát ngôn thiếu chuẩn mực với dân”, sẽ hiện ra không chỉ là một, vài mà là khá nhiều những sự vụ tương tự xảy ra với đủ loại cán bộ từ cán bộ huyện đến cán bộ phường, không chỉ là lãnh đạo sở mà cả cán bộ thuế, cán bộ kiểm lâm. Chuyện xảy ra không chỉ mới bây giờ mà từ nhiều năm trở lại đây.

Đơn cử như cách đây 4 năm, báo chí và dư luận đã ồn ào, thậm chí cảm thấy “khó tin trước màn đối đáp “mày - tao” của một nữ cán bộ học vấn cao, Tiến sỹ, Trưởng phòng TN&MT, đầy màu sắc hách dịch, chợ búa với người dân. “Dân nó đi thì kệ mẹ nó, bây giờ chưa có đường là không có đường. Trên hiện trạng bản đồ không có đường là không có đường... Không phải dân với dót gì ở đây hết” - những câu thoại trong clip lan tràn trên mạng xã hội ngày đó từng khiến nhiều người hết sức thảng thốt ngỡ ngàng khi được phát đi từ một nữ nhi, một cán bộ có chức tước và học vấn được xem là “cao nhất uỷ ban xã”.

2. Cách đây nhiều năm, PGS.TS Phạm Văn Tình - người từng đảm nhiệm cương vị Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - trong bài viết về sự trong sáng của tiếng Việt, luận bàn về “Mày và tao: Nói sao cho phải” đã từng nhấn mạnh: “Mày - tao là cặp từ xưng hô thông dụng của người Việt. “Tao” là đại từ ngôi thứ nhất số ít, dùng để tự xưng khi nói với người ngang hàng hoặc người dưới, tỏ ý thân mật, thoải mái hoặc trong nhiều trường hợp là mang sắc thái coi thường, coi khinh. “Mày” cũng là đại từ, dùng để gọi người ngang hàng hoặc người dưới, sắc thái sử dụng cũng như “tao”.

Nhiều người lạm dụng cặp xưng hô này để nói với một số đối tượng (người ít tuổi, nhân viên dưới quyền, học sinh, sinh viên…), nhất là trong bối cảnh đông người, cử tọa không thuần nhất (trong số người nghe có người có chức tước, có người già, người trẻ, có phụ nữ…).

Nên nhớ là trong môi trường học đường, cần phải sử dụng các cặp xưng hô đặc trưng, trung tính (thầy - cô/ con - em, hoặc có thầy cô xưng “tôi”, gọi “các con”, “các em”). Suồng sã quá mức sẽ làm mất đi tính nghiêm túc “mô phạm” cần có trong nhà trường.

Còn trong cơ quan, dù là thủ trưởng lớn tuổi quyền uy, cũng không vì thế mà muốn nói gì thì nói. Nên nhớ là mỗi người, đến tuổi trưởng thành (18 tuổi), họ đều có tư cách ứng xử như một công dân. Không phải vì họ ít tuổi hơn, thuộc hàng em, hàng con, hàng cháu… mà muốn gọi thế nào cũng được. Vì vị thế, vì tế nhị mà họ không phản ứng chứ trong thâm tâm, họ chẳng hề hứng thú với cách xưng gọi như vậy”.

van hoa cong vu lam gi co chu may  tao hinh 2

Còn trước đó nhiều thập kỷ, từ năm 1931, tác giả Đinh Huy Hạo với bài viết “Mày - Tao?” đăng trên “Trung lập báo”, số 6393, ngày 17/3/1931, cũng đã bày tỏ quan điểm: “Hai tiếng xưng hô “mày - tao” là hai tiếng xấu xa tục tằn nhất trong tiếng ta, mà chán ngán thay nó còn sống ở trong tiếng ta mãi mãi, cái số người dùng những tiếng ấy càng ngày càng thấy nhiều thêm”.

Tác giả Đinh Huy Hạo còn nói thêm: “Ngay là cha mẹ, những bậc cha mẹ biết yêu con, biết dạy con, thật không ai gọi con bằng mày. Cho nên ta chỉ thấy nói “Con ra mợ yêu một cái”, chứ không thấy ai nói “Mày ra tao hôn một cái” bao giờ. Và một đứa con nít, nếu nó thấy cha mẹ nó đãi bằng “mày - tao” thì nó cũng chẳng dám thân gì với ông bà cha mẹ ấy nữa”.  Xem vậy đủ rõ hai tiếng kia là tục tằn, không phải tiếng nói của con người đứng đắn”.

Ông còn chốt lại: “Nếu ta không biết ngăn ngừa đi sớm, chỉ e cái tục tằn nó bành trướng lên to. Vì người ta thường lúc đầu chỉ nói đùa mấy tiếng tục có ý ngượng nghịu, nhưng nay một câu, mai một câu, sau nói tục không còn vấp chút nào, có khi quên hẳn tiếng nói ấy là tục. Hai tiếng “mày - tao” là tiếng tục tằn, xấu xa nhất trong tiếng Việt Nam ta, người đã cắp quyển sách đi học không bao giờ nên dùng đến, bất cứ đối với hạng người nào”.

3.Như vậy, chỉ từ hai ý kiến của hai con người có thể được xem là khá am hiểu về tiếng Việt, có thể thấy một góc nhìn chung về việc sử dụng chữ “mày - tao” trong xưng hô, rằng tỏ ý thân mật, thoải mái là có nhưng trong nhiều trường hợp là mang sắc thái coi thường, coi khinh; không nên lạm dụng đồng nghĩa với suồng sã quá mức, nhất là trong những môi trường, không gian, bối cảnh cần nhiều những kính ngữ như môi trường học đường, môi trường công vụ, giữa những đối tượng như thầy với trò, cha mẹ với con cái, cán bộ với người dân, thủ trưởng với nhân viên…

van hoa cong vu lam gi co chu may  tao hinh 3

Trở lại xu hướng có vẻ ngày càng “lạm dụng” xưng hô mày - tao trong một bộ phận công chức, cán bộ trong khi đang thực thi công vụ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là công bộc của dân, chính quyền là để phục vụ nhân dân”, “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Rõ ràng xưng hô kèm thái độ hằn học, trịnh thượng với dân như ông Phó Chủ tịch Sở TN-MT hay nữ tiến sĩ trên, năm xưa, Bác đã thường xuyên nhắc nhớ các “công bộc của dân” “nên hết sức tránh”. Còn thời nay, trong nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN do dân và vì dân, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, liêm chính, hiện đại, phục vụ nhân dân, ngoài yêu cầu liêm chính, đạo đức thì văn hoá của người làm công vụ cũng được nhắc đến như một yêu cầu cầu phải có.

Đề án Văn hóa công vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018, đến nay cũng đã được 5 năm, đã được triển khai tới các cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn quốc. Trong Đề án, nhấn mạnh tới câu chuyện trong ứng xử, giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức luôn tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ).

Chưa có một tổng kết rõ ràng nào về tính hiệu quả của đề án nhưng từ những sự việc đáng tiếc xảy đến trong môi trường công vụ những năm qua, có thể thấy, rõ ràng những xưng hô hách dịch, trịnh thượng mày tao với dân không hề tồn tại trong văn hóa công vụ. Và để mỗi công chức, cán bộ thực sự xứng đáng với cái danh “công bộc của dân”, “quy tắc”: “4 xin, 4 luôn” phải luôn nằm lòng trong mỗi người. Và nên nhớ: Cán bộ khi thi hành công vụ: Liệu lời mà nói với dân!

Hồng Hà

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn