Về nơi ra đời của Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”

Thứ sáu, 02/09/2022 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Di tích lịch sử cách mạng nhà cụ Đám Thi là một trong những cơ sở, căn cứ cách mạng quan trọng giai đoạn tiền khởi nghĩa 1940-1945. Tại đây đã diễn ra cuộc họp quan trọng của Thường vụ Trung ương Đảng và bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ra đời.

Ngôi nhà và những chứng tích lịch sử

Dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt, nhưng cứ vào những ngày tháng 8, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn lại có mặt ở di tích lịch sử cách mạng nhà cụ Nguyễn Tiến Tuận, tức Đám Thi (phường Đình Bảng, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) để giao lưu, nói chuyện với các cháu học sinh về văn hóa, về truyền thống yêu nước cách mạng của quê hương. Là một trong những thành viên của Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng huyền thoại, những câu chuyện ông kể đều rất sinh động và đầy thuyết phục.

ve noi ra doi cua chi thi nhat phap ban nhau va hanh dong cua chung ta hinh 1

Di tích lịch sử cách mạng nhà cụ Đám Thi mang kiến trúc nhà cổ đồng bằng Bắc Bộ.

Đối với ông Thìn, di tích nhà cụ Đám Thi không hề xa lạ, bởi ngày xưa, các ngõ ở Đình Bảng đều thông từ nhà nọ sang nhà kia trong khi nhà ông thì cách đó không xa. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, ông Thìn lại tiếp tục đều đặn hàng ngày cùng Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng tổ chức sinh hoạt, múa hát tại đây vì nhà cụ Đám Thi có sân rất rộng.

Di tích lịch sử cách mạng nhà cụ Đám Thi hiện nay vẫn giữ nguyên một quần thể kiến trúc theo hình chữ Môn, khép kín bởi công trình nhà chính 5 gian, 3 gian nhà khách, 3 gian nhà ngang, nhà kho, nhà bếp, kết cấu truyền thống nhà cổ Bắc Bộ: khung gỗ lim, mái lợp ngói ta, tường xây gạch. Đặc biệt, chếch góc nhà chính và đầu nhà khách có căn nhà gác hai tầng xây từ năm 1929.

“Làng Đình Bảng xưa có lũy tre rộng bao quanh, bên ngoài lũy tre là hào rộng 3m và sâu, qua hào là ra cánh đồng. Hơn nữa, ngày ấy, nhà làm thấp lắm, đứng trên gác nhà cụ Đám Thi có thể quan sát được khắp các lối đi, đường ngang, ngõ dọc vào nhà, ra cả quốc lộ 1 nữa”, ông Thìn kể.

Còn theo chị Phí Thị Thu Phương - chắt ngoại của cụ Đám Thi và cũng là người trực tiếp trông nom di tích, trên gác 2 của ngôi nhà hai tầng có thiết kế hai cửa sổ cao chừng 1m, rộng cỡ 70cm, không gắn chắn song để làm lối thoát. “Khi có tín hiệu báo động, mọi người có thể tụt xuống an toàn rồi nhanh chóng rời đi vì phía dưới luôn có một đống rơm to”, chị Phương giải thích.

Với địa thế có nhiều yếu tố thuận lợi như vậy, nhà cụ Đám Thi từng nuôi giấu nhiều vị lãnh đạo Trung ương giai đoạn tiền khởi nghĩa: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu… Thường vụ Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ cũng chọn nhà cụ Đám Thi là nơi tổ chức nhiều hội nghị quan trọng, có tính quyết định đến phong trào cách mạng cả nước.

ve noi ra doi cua chi thi nhat phap ban nhau va hanh dong cua chung ta hinh 2

Nhà giáo Nguyễn Đức Thìn (thứ tư, bên trái) nói chuyện với các em thiếu niên tại Di tích lịch sử cách mạng nhà cụ Đám Thi.

Tài liệu của Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh thống kê cho thấy, tại căn gác nhà cụ Đám Thi, từ ngày 6 đến ngày 9/11/1940 Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 7 đã họp bàn chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc. Năm 1941, cũng tại nhà cụ Đám Thi đã diễn ra cuộc họp của Thường vụ Trung ương.

Đặc biệt, đêm 9/3/1945, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng họp tại chùa Dận ở Đồng Kỵ nhưng do bị lộ nên đã được chuyển đến nhà cụ Đám Thi. Tại đây, cuộc họp được tiếp tục và đến ngày 12/3/1945, bản Chỉ thị nổi tiếng “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã ra đời. Bản Chỉ thị là kim chỉ nam cho mọi hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong cao trào kháng Nhật cứu nước, đi đến thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sau này, khi hồi tưởng về bối cảnh ra đời bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng đã viết: “Lịch sử đã ghi nhận rằng, chính trong cảnh tranh tối, tranh sáng của gian nhà hẹp ở Ðình Bảng, con đường giành thắng lợi cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã được tìm ra”.

ve noi ra doi cua chi thi nhat phap ban nhau va hanh dong cua chung ta hinh 3

Hiện trạng công trình đang xuống cấp.

Cần kịp thời bảo tồn, chống xuống cấp di tích

Công trình nhà cụ Đám Thi là chứng tích quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc, do đó, tỉnh Bắc Ninh cũng đã khá quan tâm đến công tác bảo tồn. Mặc dù vậy, điều đáng lo ngại là, cùng với những biến động của thời gian, di tích đang ngày một xuống cấp.

Theo ông Nguyễn Văn Đáp - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, công trình nhà cụ Đám Thi là 1 trong số 7 di tích lịch sử cách mạng của tỉnh Bắc Ninh. Toàn bộ nhà đất, gia đình cụ Đám Thi đã hiến cho Nhà nước để bảo tồn, tôn tạo và đã được cấp bằng Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia từ khá sớm, năm 1979. Cho đến nay, công trình cơ bản vẫn được giữ nguyên trạng dù có một vài lần chỉnh trang, sửa chữa nhỏ. Và cũng do cố gắng giữ nguyên trạng, nên việc xuống cấp là khó tránh khỏi.

Điều ông Đáp nói dường như thể hiện rõ hơn khi chúng tôi tới di tích nhà cụ Đám Thi vào một ngày mưa tầm tã. Dẫn khách đi tham quan, người trông coi di tích là chị Phương cũng giật mình vì có nhiều chỗ thấm dột quá (điều này như chị nói là sẽ không thể phát hiện vào những ngày trời nắng). Ngoại trừ 5 gian nhà chính vừa được đảo ngói hồi năm 2019, khu nhà khách, nhà ngang và nhà 2 tầng đều bị thấm dột ở nhiều vị trí.

Theo chị Phương, điều lo ngại nhất của gia đình là một góc khu nhà khách bị dột đã nhiều năm, gây mục ruỗng phần cột gỗ và mái, đã xử lý nhiều lần nhưng chưa được, hiện mái nhà đã có hiện tượng xệ xuống thấy rõ. Ngoài ra, trên trần nhà 2 tầng, có 2 cây si lớn xâm thực, rễ cây xuyên qua cả trần, bám vào tường nhà. Chị Phương cho biết đã xử lý bằng nhiều cách, nhưng đến nay vẫn không khắc phục được triệt để...

ve noi ra doi cua chi thi nhat phap ban nhau va hanh dong cua chung ta hinh 4

Chị Phí Thị Thu Phương giới thiệu ngôi nhà từng nuôi giấu nhiều vị lãnh đạo Trung ương giai đoạn tiền khởi nghĩa 1940-1945.

Đem hiện trạng này phản ánh với phường, một lãnh đạo UBND phường Đình Bảng khá bình thản cho rằng, chưa thấy gia đình báo lên cũng như chưa có phản ánh gì từ khu phố. Phường Đình Bảng cũng không bố trí kinh phí chống xuống cấp cho công trình này, mặc dù đã chính thức được bàn giao quản lý từ năm 2022. Còn theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Đáp, hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đang tham mưu cho tỉnh xây dựng Đề án bảo tồn tổng thể các di tích trên địa bàn, trong đó có di tích nhà cụ Đám Thi. Tuy nhiên, việc tu bổ phải qua nhiều bước, trong đó có việc phải đánh giá tổng thể rất kỹ.

ve noi ra doi cua chi thi nhat phap ban nhau va hanh dong cua chung ta hinh 5

Bà Nguyễn Thị Lan, cháu nội cụ Đám Thi (năm nay đã ngoài 80 tuổi) cho biết sân nhà mỗi khi mưa to nước có thể dâng vào tận trong nhà.

“Do người dân xây dựng các công trình lân cận, di tích nhà cụ Đám Thi đã thấp hơn khu vực xung quanh 20-30 cm, gây hiện tượng ngập nước khi trời mưa. Chúng tôi đã đặt vấn đề khi trùng tu nâng cốt nền hay giữ nguyên. Việc này phải xin ý kiến Bộ. Trước mắt, để chống xuống cấp, chúng tôi sẽ thực hiện đảo ngói, thay một số cấu kiện… Còn anh em vẫn mong muốn có một dự án trùng tu, bảo tồn riêng để xứng tầm với giá trị của di tích này”, ông Đáp chia sẻ.

Ngày 12/3/1945, bản Chỉ thị nổi tiếng “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã ra đời. Bản Chỉ thị là kim chỉ nam cho mọi hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong cao trào kháng Nhật cứu nước, đi đến thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Thế Vũ

Bình Luận

Tin khác

Dừng làm mới sắc phong tại phủ Vân Cát - Nam Định

Dừng làm mới sắc phong tại phủ Vân Cát - Nam Định

(CLO) Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định dừng việc phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm làm mới các sắc phong liên quan đến phủ Vân Cát, thuộc di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy.

Đời sống văn hóa
Đêm rằm Trung thu hôm nay (17/9), Việt Nam đón siêu trăng khổng lồ

Đêm rằm Trung thu hôm nay (17/9), Việt Nam đón siêu trăng khổng lồ

(CLO) Đêm rằm Trung thu (17/9), người dân Việt Nam sẽ có cơ hội được ngắm siêu Trăng tròn khổng lồ, màu cam cháy tuyệt đẹp.

Đời sống văn hóa
Đề nghị xử lý người đăng thông tin sai sự thật về rạp xiếc Trung ương ủng hộ đồng bào bão lụt

Đề nghị xử lý người đăng thông tin sai sự thật về rạp xiếc Trung ương ủng hộ đồng bào bão lụt

(CLO) Bộ VHTT&DL vừa có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng xử lý các tài khoản đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc về việc “rạp xiếc Trung ương ủng hộ đồng bào bão lụt 10 nghìn đồng”.

Đời sống văn hóa
Nỗi đau chẳng của riêng ai

Nỗi đau chẳng của riêng ai

(CLO) Đồng cảm và chia sẻ nỗi mất mát bà đau thương tột cùng do cơn bão số 3 gây ra, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đã viết bài thơ NỖI ĐAU CHẲNG CỦA RIÊNG AI phản ánh ý chí và nghĩa tình của nhiều giai tầng xã hội, đặc biệt của các lực lượng quân đội, công an chung tay vượt qua nỗi đau, dồn sức cứu người là trên hết, trước hết.

Đời sống văn hóa
Nhà hát Chèo Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật gây quỹ ủng hộ đồng bào

Nhà hát Chèo Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật gây quỹ ủng hộ đồng bào

(CLO) Ngày mai (18/9), tại Rạp Kim Mã (số 71 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội), Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật "Tâm sự quê" nhằm gây quỹ ủng hộ đồng bào các tỉnh/thành miền Bắc bị thiệt hại nặng nề do bão lũ vừa qua.

Đời sống văn hóa