“Về quê, biết làm gì để sống?”

Thứ năm, 07/10/2021 09:27 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Giờ về quê mà không có ruộng vườn cũng bế tắc sinh kế. Về quê chúng tôi biết làm gì” - đó là lý giải buồn bã của phần đa những công nhân, người lao động đang chọn cách trụ lại TP.HCM trong giai đoạn thành phố này đang bắt đầu “bình thường mới”.

Câu hỏi ấy, thực ra không phải đến bây giờ mới bật ra trong họ, nhưng tác động khủng khiếp của dịch COVID-19 đang khiến câu hỏi ấy trở nên nhức nhối, cấp bách hơn bao giờ hết.

1. “Hơn 1.000 người dân từ vùng dịch phía Nam về quê, có trẻ em vài tháng tuổi” - đó là tiêu đề của phóng sự ảnh được phóng viên Quang Hùng của Báo Nhà báo & Công luận thực hiện đêm 5/10 vừa qua tại chốt kiểm soát số 1 cửa ngõ ra vào Thủ đô. Phóng sự ảnh đặc tả đoàn xe hàng trăm người dân các tỉnh phía Bắc đang sinh sống, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai dịch chuyển về quê.

Theo chỉ huy chốt kiểm dịch số 1 (Pháp Vân - Cầu Giẽ), trong ngày 5/10, khoảng hơn 1.000 người chạy xe máy chở theo phụ nữ, trẻ em và cả vật dụng sinh hoạt chạy cả ngàn km dọc theo Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh ngang qua Hà Nội để về các tỉnh miền núi phía Bắc. Đa phần trong số họ là bà con dân tộc thiểu số nghèo ở nhiều tỉnh như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu vào Nam mưu sinh. Dễ nhận nhất cũng chẳng thể giấu được nơi họ là vẻ mệt mỏi, lo lắng đến thất thần. Thật quan ngại, trong đoàn người, có rất nhiều trẻ em từ vài tháng đến 5 tuổi.

ve que biet lam gi de song hinh 1

Nhưng đó chỉ là một trong số rất nhiều đoàn người đang tỏa về quê trên rất nhiều nẻo đường tại nhiều địa phương những ngày này. Và không chỉ trong những ngày này, từ khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 ập tới đến nay, đây không phải là những đợt di dân đầu tiên, và chắc chắn sẽ chưa là đợt di dân cuối cùng.

“Bão dịch” COVID-19 bất ngờ ập đến, cảnh thất nghiệp, cơn túng quẫn kèm nỗi lo mắc bệnh nơi đất khách quê người khiến đa phần người lao động xa quê không còn cách nào khác là chọn quê hương làm nẻo quay về, dù họ biết mười mươi rằng trên quãng đường xa ấy là muôn nỗi hiểm nguy tới sinh mạng chực chờ, dù họ biết phía trước họ là những ngày dài phải chịu cảnh cách ly, nguy cơ lây nhiễm chéo tại các khu cách ly là khá cao, chi phí bỏ ra trong hoàn cảnh ngặt nghèo của họ là không hề nhỏ, rồi xa hơn nữa, là nỗi lo việc làm, tìm đâu ra việc làm phù hợp trong tình hình dịch bệnh này, không biết sẽ làm gì khi “rời trường học đã đi làm công nhân”… Nhưng họ vẫn cứ phải trở về, vì đơn giản, theo họ đó là sự lựa chọn tốt nhất.

“Giờ về quê chắc cũng thất nghiệp, nhưng ở gần anh em họ hàng chắc cũng cầm cự được” - đó có lẽ là lý giải của phần đa những con người đã chọn lối trở về. Với những chuyên gia dịch tễ, đó là những sự trở về đáng quan ngại về yếu tố phòng dịch, nhưng trong nhìn nhận của rất nhiều chuyên gia khác, đó là nhu cầu tất yếu và hoàn toàn có thể hiểu được nếu ta đặt ta vào tình thế ngặt nghèo như họ.

ve que biet lam gi de song hinh 2

2. Với nhiều địa phương, trong vô vàn công việc của những ngày chống dịch, làm thế nào để đón tiếp an toàn, đảm bảo rồi tạo sinh kế cho những công dân của mình vừa trở về từ vùng dịch cũng là một đầu việc không đơn giản, nếu không muốn nói là đầy áp lực và chưa từng có tiền lệ.

Cũng bởi chưa từng có tiền lệ, nên một số địa phương, có lẽ là là tùy sức, tùy khả năng, điều kiện riêng của mình đã, đang thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau. Như mỗi người dân hồi hương từ miền Đông Nam Bộ về Cần Thơ, trong thời gian cách ly tại nhà sẽ được chính quyền hỗ trợ ngay 15kg gạo và 500 nghìn đồng, những người thuộc diện cách ly tập trung, điều trị COVID-19 sẽ được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày, chi phí điều trị cũng được hỗ trợ theo quy định...

Hay như chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, An Giang đã chỉ đạo thành lập Ban Tổ chức tiếp nhận công dân An Giang từ các tỉnh, thành phố tự phát hồi hương. Bà con sẽ được đưa về cách ly tại nhà, thực hiện tiêm bổ sung khi có vắc-xin; ưu tiên tiêm mũi 2 cho những ai đã tiêm mũi 1 và tuyệt đối không để người dân thiếu đói, UBMTTQ, các hội, đoàn thể các cấp nấu cơm, cháo, mì gói, bánh mì, cung cấp nước uống, thuốc men…

ve que biet lam gi de song hinh 3

Những sự chia sẻ, hỗ trợ đó là nghĩa tình, là đáng quý nhưng thực sự mới chỉ là những giải pháp bước đầu, mang tính tình thế cấp bách, nguồn lực của địa phương cũng còn rất hạn chế, thế nên, nỗi trăn trở của rất nhiều địa phương hiện nay là làm thế nào để có thể tạo sinh kế ổn định, lâu dài cho người dân hồi hương trở về.

Nhìn vào dòng người trở về, dễ thấy đa phần trong số họ là người lao động có nguồn gốc từ nông thôn, miền núi, hầu hết chưa qua đào tạo nghề mà chỉ làm việc dựa trên kinh nghiệm ở một nghề, một lĩnh vực nào đó. Như thống kê của Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, tính từ ngày 27/4 đến trung tuần tháng 9/2021, đã có trên 166.000 công dân Thanh Hóa từ vùng dịch về quê.

Người trở về từ các vùng dịch chủ yếu là lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao động, không có bằng cấp, chứng chỉ (chiếm 65%). “Để tạo việc làm cho người dân về từ vùng dịch, chúng tôi có 2 phương án: Liên hệ với các nhà máy, xí nghiệp về nhu cầu tuyển dụng lao động; tìm hiểu các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn để liên hệ cho người lao động đến làm việc” - động thái đó của lãnh đạo xã Yên Thọ, Như Thanh, Thanh Hóa có lẽ cũng là động thái bước đầu của nhiều địa phương trong việc giải bài toán không hề giản đơn này.

3.  Nhưng cũng chính sự không giản đơn từ bài toán sinh kế cho người hồi hương trở về từ vùng dịch đã làm lộ sáng một vấn đề thực chất đã là một tồn tại cố hữu từ rất lâu: đào tạo nguồn lực lao động, đặc biệt là nguồn lao động nhân lực chất lượng cao.

Theo một số liệu được công bố cách đây không lâu, tỷ lệ sử dụng lao động qua đào tạo tại Việt Nam còn thấp: chỉ 21,85%. Trong khi thị trường vẫn thiếu lao động có trình độ, kỹ năng nghề. Rất nhiều chủ doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, những kỹ năng mà cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Không ít DN than phiền họ phải tự đào tạo hoặc đào tạo lại lao động theo hình thức vừa học, vừa làm.

Theo hé lộ của một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cách đây hơn một năm, số lượng lao động đã qua đào tạo của Việt Nam chỉ bằng 1/3 Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, trong khi nhiều nước, tỷ lệ đào tạo của lao động đã đạt trên 50%. Con số này không tương xứng với con số về dân số đứng thứ 3 ASEAN của Việt Nam, chỉ sau Indonesia và Philipines.

ve que biet lam gi de song hinh 4

Nơi đào tạo lao động là một mặt, nơi sử dụng lao động cũng là mặt cốt yếu khác của vấn đề. Đại dịch COVID-19 cũng đã làm lộ sáng một điểm hạn chế khác tại nhiều địa phương: chưa phát triển đủ mạnh ngành công nghiệp, chưa có “vệt khu công nghiệp” để có thể tạo dựng việc làm cho người lao động. Một thực tế không khó để nhận ra là các khu công nghiệp, các đô thị thông minh… hầu hết chỉ đang tập trung tại một số thành phố lớn hoặc tại một số khu vực nhất định của từng địa phương.

Đơn cử: Để những người lao động miền Tây không phải đổ xô lên TP.HCM tìm việc làm, thì nên chăng phải giải bài toán mở rộng các KCN, tăng quy mô sản xuất công nghiệp của khu vực miền Tây? Làm thế nào để trong tương lai sẽ có thêm nhiều khu công nghiệp được mở để người dân ở các vùng quê có thể bảo đảm sinh kế ngay trên mảnh đất quê hương mình? Đây là thời điểm những câu hỏi ấy cần phải có ngay câu trả lời thấu đáo. Nếu không, “Về quê, biết làm gì để sống?” sẽ còn là câu hỏi nhức nhối, lặp đi lặp lại trên môi những người lao động?

Thư Hà

Bình Luận

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn