(CLO) Ngày 2/9, một tòa án ở Venezuela đã ban hành lệnh bắt giữ ứng cử viên tổng thống của phe đối lập Edmundo Gonzalez Urrutia, theo đề nghị của một công tố viên thuộc Văn phòng Tổng công tố Venezuela. Liệu điều này có dẫn đến các cuộc biểu tình mới và đẩy Venezuela vào vòng xoáy bất ổn tương tự như cuộc khủng hoảng vào năm 2018?
Tình hình bất ổn phát triển nhanh chóng sau cuộc bầu cử
Theo cáo buộc từ Văn phòng Tổng Công tố Venezuela, ông Edmundo Gonzalez bị cáo buộc nhiều tội danh chống phá nhà nước, trong đó có cả tội danh liên quan đến việc công bố kết quả cuộc bầu cử tổng thống mới đây ở nước này.
Trước đó, Văn phòng Tổng Công tố Venezuela đã 3 lần gửi trát hầu tòa cho ông Gonzalez vì ê-kíp của ông đăng trực tuyến kết quả bầu cử tổng thống được cho là “sai lệch”, gây hoang mang dư luận về chiến thắng của Tổng thống Nicolas Maduro, lãnh đạo Đảng Xã hội Thống nhất Venezuela (PSUV). Chủ tịch Quốc hội Jorge Rodriguez Gomez sau đó đã chỉ ra dấu hiệu về việc phe đối lập làm sai lệch các giao thức từ các điểm bỏ phiếu.
Các biện pháp cứng rắn của chính quyền Venezuela đối với phe đối lập nói chung, ông Edmundo Gonzalez nói riêng, đã bị phản đối mạnh mẽ bởi Maria Corina Machado, một trong những nhân vật chủ chốt trong phe đối lập Venezuela, người mà Văn phòng Tổng Công tố nước này cũng đã mở một cuộc điều tra hình sự, vì bà Machado từng lên tiếng kêu gọi thừa nhận ông Edmundo Gonzalez là người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.
Ngày 29/7, Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro đã chính thức được cơ quan bầu cử của Venezuela tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 28/7. Ông Maduro gọi chiến thắng này là “không thể đảo ngược” mặc dù phe đối lập không công nhận và các thế lực chống đối ông ở nước ngoài đặt ra nhiều nghi ngờ về tính xác thực của tuyên bố này.
Ngay sau đó, phe đối lập đã lên tiếng phản bác tuyên bố chiến thắng của ông Maduro. Ông Gonzalez và bà Machado cho biết họ có thể chứng minh chiến thắng của mình sau khi giành được 73,2% số phiếu bầu từ các điểm bỏ phiếu.
Phe đối lập cáo buộc Tổng thống Nicolas Maduro đã đẩy Venezuela vào cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo khiến hàng triệu người phải “vượt biên” ra nước ngoài. Đồng thời, phe đối lập đã kêu gọi những người ủng hộ xuống đường phản đối kết quả bầu cử được công bố chính thức. Sau một ngày biểu tình rầm rộ, đã xảy ra đụng độ bạo lực với lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự.
Liệu phe đối lập có tổ chức một làn sóng phản kháng mới?
Venezuela đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị sau khi ông Maduro tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2018. Đất nước sau đó bị cuốn theo hàng nghìn cuộc biểu tình, và phe đối lập tuyên bố Chủ tịch Quốc hội, Juan Guaido, là lãnh đạo đất nước.
Ông Guaido được một số nước phương Tây ủng hộ, bao gồm Mỹ, Israel và thậm chí cả hiệp hội các quốc gia Mỹ Latinh “Nhóm Lima”. Hai cơ cấu cùng lúc tự gọi mình là quốc hội - Quốc hội Venezuela, được các cơ quan chính thức công nhận, nơi phần lớn thuộc về đảng của Tổng thống Nicolas Maduro, và “Hội đồng lập pháp thay thế” do thủ lĩnh phe đối lập Guaido lãnh đạo. Tuy nhiên, dần dần sự ủng hộ của quốc tế dành cho ông Guaido suy yếu và sự chia rẽ xuất hiện trong phe đối lập.
Các nhà lãnh đạo thế giới bị chia rẽ trong đánh giá về kết quả của các cuộc bầu cử ở Venezuela vào ngày 28/7. Ngày 29/7, Nga và Trung Quốc đã chúc mừng chiến thắng của ông Maduro. Trong khi đó, một số quốc gia trong khu vực, bao gồm Argentina, Peru và Costa Rica, gần như ngay lập tức tuyên bố sẽ không công nhận chiến thắng của ông Maduro.
Các nước phương Tây ban đầu đưa ra những tuyên bố thận trọng rằng họ lo ngại về tình hình ở Venezuela. Tuy nhiên, vào ngày 1/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chính thức chúc mừng chiến thắng bầu cử của ông Edmundo Gonzalez, đồng thời cho rằng đã đến lúc Venezuela thực hiện “chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và tôn trọng”.
Vào ngày 3/8, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của cả hai viện của Quốc hội Mỹ, cũng như chủ tịch ủy ban đối ngoại của một số nước châu Âu, đã đưa ra tuyên bố chung yêu cầu ông Maduro từ chức. Vào cuối tháng 8, người đứng đầu cơ quan ngoại giao châu Âu, Josep Borrell, cho biết Liên minh châu Âu (EU) cũng đã quyết định không công nhận ông Maduro giành chiến thắng trong bầu cử.
Ngày 3/9, Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đang sớm chuẩn bị áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 15 quan chức Venezuela. Theo tài liệu dự thảo mà cơ quan này đề xuất, các hạn chế sẽ trực tiếp nhắm đến các thành viên của Hội đồng Bầu cử Venezuela, Tòa án tối cao và SEBIN (Cơ quan tình báo quốc gia Bolivar).
Mỹ cũng tịch thu một máy bay được cho là chuyên cơ của Tổng thống Nicolas Maduro, trị giá ước tính khoảng 13 triệu USD, với lý do phương tiện này vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với Caracas. Chính phủ Venezuela đã lên án hành vi bắt giữ chuyên cơ tổng thống nước này trong một tuyên bố vào ngày 2/9 và cáo buộc Washington đang leo thang can thiệp vào nội bộ đất nước Venezuela.
Theo tờ RBC, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị, Viện Mỹ Latinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Andrei Pyatkov, nhận định rằng, cộng đồng quốc tế hiện nay có xu hướng ủng hộ phe đối lập Venezuela ít hơn nhiều so với năm 2018. Chuyên gia Andrei Pyatkov lưu ý, Mỹ đang chờ đợi phản ứng của cộng đồng Mỹ Latinh và vẫn cực kỳ thận trọng khi “đặt cược” vào lãnh đạo phe đối lập Edmundo Gonzalez, coi ông là một nhân vật chưa đủ uy tín để có thể đảo ngược cục diện chính trị tại Venezuela hiện nay.
“Cuộc khủng hoảng hiện tại về cơ bản cũng khác với tình hình năm 2018, vì ông Guaido khi đó có cơ sở chính trị rõ ràng hơn với tư cách là Chủ tịch Quốc hội so với ông Gonzalez, mặc dù đã trở thành lãnh đạo chính thức của phe đối lập, nhưng vẫn là một người có sự nghiệp chính trị khá khiêm tốn, thậm chí còn được coi là số hai sau bà Machado, người có khả năng huy động xã hội tốt hơn”, ông Pyatkov nhấn mạnh.
Theo chuyên gia người Nga, việc bắt giữ Gonzalez có thể trở thành ngòi nổ cho phe đối lập và dẫn đến “sự cực đoan hóa” các hành động của họ dưới sự lãnh đạo của bà Machado. Bà Machado có thể là nhân vật khiến Chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro đặc biệt “để mắt”; bởi lẽ, bà và phong trào chính trị Vente Venezuela đã thu hút một lượng lớn người dân ủng hộ tại các điểm bỏ phiếu, khoảng 600 nghìn người, và điều này có thể gây ra sự phản kháng mạnh mẽ của phe đối lập Venezuela thời gian tới.
(CLO) Từ ngày 11-12/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm Nga. Cũng trong thời gian này, lần lượt Thủ tướng Tây Ban Nha và Na Uy đều có chuyến thăm tới Trung Quốc. Điều này cho thấy hình ảnh tích cực, chủ động của Trung Quốc, xét ở góc độ an ninh.
(CLO) Nga đang quyết tâm hơn trong việc kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk ở phía đông Ukraine, sau khi Kiev bất ngờ tấn công vùng biên giới của Moscow. Trong đó, hai thị trấn Pokrovsk và Chasiv Yar là những “cửa ải” quan trọng nhất mà các lực lượng Nga đang nhắm đến.
(CLO) Các cuộc thăm dò cho thấy ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris và đối thủ Donald Trump của Đảng Cộng hòa vẫn gần như ngang bằng trước thời điểm cuộc tranh luận tổng thống Mỹ hôm 10/9 diễn ra.
(NB&CL) Chỉ trong vòng 4 tháng qua, quốc gia Nam Mỹ Brazil đã phải quay cuồng trong hai cơn thịnh nộ trái ngược của mẹ thiên nhiên. Tháng 4, tháng 5/2024, liên tục những trận mưa lớn đã nhấn chìm Brazil trong biển nước hàng tháng trời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động của nước này. Và chỉ 4 tháng sau đó, Brazil lại phải hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong lịch sử với hơn 3 triệu km2 bị ảnh hưởng, chiếm hơn 30% diện tích lãnh thổ quốc gia lớn thứ 3 châu Mỹ này.
(CLO) Đã hơn một tháng kể từ khi thủ lĩnh phong trào Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát tại Tehran, song việc Iran tấn công trả đũa vẫn chỉ dừng lại ở những lời cảnh báo gay gắt. Vậy toan tính của Iran là gì? Còn Mỹ - Israel chuẩn bị ra sao trước nguy cơ Iran tấn công trả đũa?