Vì sao Công ty Khánh Hòa có thể ngang nhiên cạo trọc núi Chín Khúc tại Nha Trang?

Thứ hai, 17/01/2022 13:51 PM - 0 Trả lời

(CLO) Hàng loạt sai phạm của Công ty Khánh Hòa tại 2 dự án trên núi Chín Khúc khiến dư luận bức xúc có sự “ưu ái” từ 7 cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa.

Dự án trồng rừng nhưng cạo trọc núi

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hoà vừa có kết luận điều tra, đề nghị truy tố 7 bị can trong vụ án Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự (dự án Cửu Long Sơn Tự, hơn 513 ha) và dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung (19,6 ha) do Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Khánh Hòa (Công ty Khánh Hòa) làm chủ đầu tư. 

vi sao cong ty khanh hoa co the ngang nhien cao troc nui chin khuc tai nha trang hinh 1

Núi Chín Khúc bị "cạo" loang lổ nhiều mảng bởi các dự án du lịch sinh thái, trồng rừng. Ảnh: Đ.N

Dự án Cửu Long Sơn Tự có nguồn gốc từ khu kinh tế trang trại Đất Lành, đã được UBND TP Nha Trang cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại năm 2009 và một thời gian sau được tách ra thành khu biệt thự và du lịch sinh thái Đất Lành (gồm khu A và khu B). Trong đó, khu B là dự án Cửu Long Sơn Tự với diện tích hơn 513 ha do Công ty Khánh Hòa làm chủ đầu tư.

Từ năm 2012 đến năm 2014, Công ty Khánh Hòa được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, mở rộng khu B diện tích 513 ha để trồng rừng, bảo vệ rừng kết hợp du lịch tâm linh sinh thái. Đến năm 2015, UBND tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư, hình thành dự án khu biệt thự và du lịch sinh thái Đất Lành - khu B với diện tích 513 ha vốn đầu tư 160 tỷ đồng. Trong đó, có 0,75 ha đất ở lâu dài, 4,4 ha đất thương mại dịch vụ, đất trồng rừng sản xuất 107 ha, đất khoanh nuôi tái sinh rừng 370 ha.

Tại núi Chín Khúc, mặc dù chủ đầu tư chưa thực hiện xong việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa lập hồ sơ thiết kế… nhưng đã cho xe, máy móc san ủi hàng chục ha để lấy mặt bằng, mở đường thi công dự án khiến ngọn núi nhìn loang lỗ gây bức xúc dư luận.

Tại đây cũng xảy ra sai phạm trong việc giao 123 ha và 513 ha đất cho Công ty Khánh Hòa thực hiện dự án và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở nông thôn.

Còn tại dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung, Công ty Khánh Hòa được chuyển mục đích sử dụng 19,6 ha từ đất rừng sản xuất, khoanh nuôi sản xuất 19,6 ha sang sử dụng vào mục đích đất ở, đất có mục đích công cộng để làm dự án vi phạm quy định pháp luật về quản lý đất đai.

Hàng loạt cựu lãnh đạo “ưu ái” Công ty Khánh Hòa

Theo kết luận điều tra, những sai phạm tại 2 dự án này có sự “tiếp tay” rất lớn từ những cựu lãnh đạo tỉnh, sở ngành của tỉnh Khánh Hòa và đã bị đề nghị truy tố.

Những người này gồm: 2 cựu chủ tịch tỉnh là Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh; cựu Phó chủ tịch Đào Công Thiên; 2 cựu giám đốc sở Tài nguyên - Môi trường Lê Mộng Điệp, Võ Tấn Thái; cựu giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dẽ; cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai Trần Văn Hùng.

vi sao cong ty khanh hoa co the ngang nhien cao troc nui chin khuc tai nha trang hinh 2

Hàng loạt khu vực của ngọn núi bị ủi phẳng để lấy mặt bằng. Ảnh: Đ.N

Cụ thể, ông Nguyễn Chiến Thắng được xác định có vai trò chủ mưu, với hành vi phạm tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Bị can này có nhiều chỉ đạo xuyên suốt bằng văn bản trong quá trình thực hiện chủ trương đầu tư và triển khai dự án. Đã trực tiếp ký các văn bản chỉ đạo về chủ trương và ký quyết định giao đất cho Công ty Khánh Hòa thực hiện dự án.

Cựu Phó chủ tịch Đào Công Thiên được giao phụ trách lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường, nhận thức rõ việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) diện tích hơn 513 ha cho Công ty Khánh Hòa khi không thu tiền sử dụng đất là không đúng quy định của pháp luật.

Tuy biết nhưng cựu bị can vẫn ký GCNQSDĐ cho Công ty Khánh Hòa, chuyển dịch và xác lập quyền sử dụng đất của nhà nước sang cho chủ đầu tư là trái quy định về quản lý đất đai.

Cựu giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Lê Mộng Điệp được xác định có hiểu biết về nguyên tắc, hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong Luật Đất đai nhưng đã không thực hiện theo quy định, trực tiếp ký các tờ trình tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định giao đất, điều chỉnh tăng diện tích trái pháp luật cho Công ty Khánh Hòa.

Đảm nhiệm chức vụ giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (2010 - 2015), ông Lê Tấn Thái đã ký văn bản tham mưu cho UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 2 cho Công ty Khánh Hòa đối với dự án này. Sau khi tổng vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng - thuộc diện phải thẩm tra khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, bị can đã không lấy ý kiến các sở ngành, UBND huyện… bằng văn bản là vi phạm Luật Đầu tư.

Thời gian đảm nhiệm giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (2015 - 2019, thay ông Lê Mộng Điệp), bị can Võ Tấn Thái đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản điều chỉnh mục đích sử dụng đất trái pháp luật.

Liên quan đến những sai phạm trên, bị can Trần Văn Hùng - cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường cũng bị truy tố khi tham mưu trực tiếp, ký nháy nhiều tờ trình vi phạm pháp luật trong việc giao đất, điều chỉnh mục đích sử dụng đất tại dự án này.

Còn tại dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung, bị can Lê Đức Vinh (Phó chủ tịch UBND tỉnh từ 2011 - 2016, Chủ tịch tỉnh từ 2016 - 2019) ký quyết định chuyển mục đích sử dụng đất diện tích 19,6 ha từ đất rừng sản xuất - khoanh nuôi sản xuất sang mục đích đất ở - đất có mục đích công cộng cho Công ty Khánh Hòa thực hiện dự án với hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất là vi phạm Luật Đất đai 2003.

Cụ thể, việc làm trên của bị can Vinh đã vi phạm khi giao đất khi chưa xác định mức thu tiền sử dụng đất; Giao đất trên thực địa vào tháng 8/2012 trước khi Công ty Khánh Hòa thực hiện nghĩa vụ tài chính vào tháng 2/2014; Giao đất khi chủ đầy tư mua gom đất vượt mức quy định; Giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa còn không tuân thủ trình tự, thủ tục quy định tại Luật Quy hoạch đô thị 2009 và Nghị định số 37 của Chính phủ.

Bị can Lê Mộng Điệp cũng “có phần” sai phạm khi năm 2012 đã ký tờ trình đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép Công ty Khánh Hòa chuyển mục đích sử dụng đất diện tích 19,6 ha như trên để thực hiện dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung là vi phạm Luật Đất đai 2003.

Người cuối cùng bị truy tố là cựu giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dẽ. Bị can này biết rõ việc quy hoạch khu vực lập dự án là đất cây xanh sinh thái nhưng đã không tuân thủ trình tự, thủ tục. Ông này đã báo cáo kết quả thẩm định đề nghị UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết trái với quy hoạch chung đã được duyệt.

Đây là cơ sở để Sở Tài nguyên - Môi trưởng ban hành tờ trình để UBND tỉnh ra quyết định cho phép Công ty Khánh Hòa chuyển mục đích sử dụng đất diện tích 19,6 ha như sai phạm đã nêu trên.

Lê Giang

Bình Luận

Tin khác

Hàng nghìn căn hộ cao cấp sắp ra mắt thị trường phía Tây Hà Nội

Hàng nghìn căn hộ cao cấp sắp ra mắt thị trường phía Tây Hà Nội

(CLO) Sáng ngày 22/4, MIK Group đã chính thức khởi công phân khu The Sola Park thuộc giai đoạn 2 dự án Imperia Smart City (Tây Mỗ, Hà Nội). Với thành công được minh chứng từ giai đoạn 1, cái tên Imperia Smart City dự đoán sẽ tiếp tục làm sôi động thị trường bất động sản nhà ở khu vực phía Tây.

Bất động sản
Bất động sản ngoại thành TP HCM vẫn chưa thể tạo 'sóng'

Bất động sản ngoại thành TP HCM vẫn chưa thể tạo 'sóng'

(CLO) Từng nóng lên nhờ các thông tin tin quy hoạch, lên thành phố, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, diễn biến tại thị trường bất động sản tại các huyện ngoại thành của TP HCM vẫn chưa đủ yếu tố để tạo thành "cơn sóng" mới.

Bất động sản
Nhà tập thể cũ xuống cấp nghiêm trọng, khách xem cầm tiền tỷ từ bỏ ý định mua nhà

Nhà tập thể cũ xuống cấp nghiêm trọng, khách xem cầm tiền tỷ từ bỏ ý định mua nhà

(CLO) Giá chung cư liên tục lập đỉnh, nhiều người chuyển hướng sang mua nhà tập thể cũ. Tuy nhiên, với tình trạng xuống cấp nghiêm trọng cùng với những bất tiện khi sinh sống tại nhà tập thể cũ, khách xem cầm tiền tỷ ngậm ngùi từ bỏ ý định mua nhà.

Bất động sản
Các thương hiệu xa xỉ 'tranh nhau' tìm mặt bằng cao cấp ở trung tâm TP HCM

Các thương hiệu xa xỉ 'tranh nhau' tìm mặt bằng cao cấp ở trung tâm TP HCM

(CLO) Lĩnh vực bán lẻ cao cấp tại TP HCM thời gian qua đã ghi nhận nhiều cái tên lớn của ngành hàng xa xỉ đến từ nhiều sản phẩm khác nhau. Các chuyên gia Savills cho biết nhóm khách thuê này vẫn đang tích cực tìm kiếm mặt bằng cao cấp ở khu vực trung tâm quận 1.

Bất động sản
92 'ông lớn' bất động sản sẽ phải trả nợ 100.000 tỷ đồng trái phiếu vào năm 2024

92 "ông lớn" bất động sản sẽ phải trả nợ 100.000 tỷ đồng trái phiếu vào năm 2024

(CLO) Báo cáo của Bộ Tài chính gửi Bộ Xây dựng cho thấy, năm 2024, hàng loạt "ông lớn" bất động sản sẽ đến kỳ trả nợ trái phiếu. Tổng số tiền đáo hạn gần 100.000 tỷ đồng.

Bất động sản