Việt Nam cần tăng quy mô và tốc độ để phục hồi nền kinh tế

Thứ sáu, 24/06/2022 09:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo PGS.TS.Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế học, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, tốc độ tăng trưởng tuy đã tốt nhưng động lực tăng trưởng và phát triển chưa đủ mạnh để nền kinh tế bứt lên.

Trao đổi với Nhà báo & Công luận, ông Thiên nói: "Cách tiếp cận mới là giúp doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và trỗi dậy nhanh, tạo lập vị thế mới và tốt trong cuộc đua tranh quốc tế”.

+ Trong thời gian vừa qua, ông đã đi tới nhiều địa phương tham gia nhiều cuộc hội thảo về tình hình kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư... Qua những chuyến đi đó, ông cảm nhận như thế nào về tình hình phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm nay?

- Tình hình những tháng qua lại một lần nữa cho thấy chúng ta khác, thậm chí “ngược” với thế giới. Khi thế giới phát triển tốt thì ta chậm nhịp, nhưng khi thế giới suy giảm thì ta phục hồi.

Trong bối cảnh chung kinh tế thế giới đang sụt giảm tăng trưởng, giá xăng, giá nguyên vật liệu tăng cao, đẩy lạm phát lên, lại thêm nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do chính sách phòng, chống dịch tại Trung Quốc, nền kinh tế có độ mở cao của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn ngay khi nó bắt nhịp vào quỹ đạo phục hồi khá tốt và sắc diện đã trở nên hồng hào hơn.

viet nam can tang quy mo va toc do de phuc hoi nen kinh te hinh 1

PGS.TS.Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế học, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Biểu hiện nhìn thấy rõ nhất đó là sự nhộn nhịp trở lại của hàng không, của du lịch, của vận tải hành khách và hàng hóa cùng hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp và xuất nhập khẩu hàng hóa... Kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.

+ Theo ông, trong khó khăn bộn bề như thế, điều gì giúp nền kinh tế phục hồi?

- Kết quả có được trong những tháng đầu năm nay được tiếp nối từ năm trước, nhờ sự điều hành nhạy bén, quyết đoán và hành động quyết liệt của Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, cùng sự đồng thuận của nhân dân và ý chí của doanh nghiệp.

Năm 2021 là một năm đầy thách thức, cũng là năm chúng ta rút ra được nhiều bài học và kinh nghiệm. Chúng ta đã kịp thời chuyển hướng chống dịch khi điều kiện thay đổi, chuyển chiến lược “truy vết, cách ly” sang “tiêm chủng toàn dân” trên cơ sở thực hiện thành công chiến dịch “ngoại giao vắc-xin”. Chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ đã giúp người dân và xã hội an toàn, nền kinh tế “sống lại”, nhờ đó, nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Sang năm 2022, ngay từ tháng 1, Chính phủ ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đã tạo được niềm tin, khích lệ sản xuất kinh doanh. Nền kinh tế vẫn được nối thông với thế giới. Đến nay, kết quả đạt được của năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 khẳng định những bài học quý về sự thay đổi tư duy, quyết đoán chính sách và quyết liệt hành động, chống dịch phải gắn với bảo vệ nền kinh tế thị trường - mở cửa, thực chất là bảo vệ sự lưu thông các nguồn lực của nó.

Điều nổi bật là, trong những thời điểm khó khăn, thử thách gay gắt nhất của dịch bệnh, tinh thần đoàn kết dân tộc càng được phát huy mạnh mẽ, đã xuất hiện rất nhiều tấm gương, nghĩa cử cao đẹp, lay động lòng người.

Nhưng bên trong quá trình phục hồi tích cực, vẫn còn nhiều điều phải cảnh báo.

Chưa tận dụng tốt thời cơ để “phá băng” cơ chế

+ Vậy những điều cảnh báo, những điều ẩn chứa mà ông nói tới là gì?

- Sức lực của doanh nghiệp Việt hãy còn yếu lắm. Cơ cấu nợ ngân hàng chứa đựng nguy cơ nợ xấu không thể coi thường. Hay như với ĐBSCL, giải pháp phát triển cho vùng này như thế nào đang là thách thức ngày càng lớn. Câu chuyện phát triển của ĐBSCL cần những giải pháp cơ bản chứ không chỉ là thêm tý nước ngọt, thêm vài con đường – dù đó là những chuyện sống còn. Vấn đề là tái định hướng cấu trúc kinh tế của cả vùng như thế nào. Tất nhiên, hạ tầng giao thông rất quan trọng, phải bắt đầu từ đó. Nhưng chỉ có thêm vài con đường thì vẫn không giải quyết được căn bản vấn đề, khi các điều kiện phát triển nền tảng của vùng - đất, nước và khí hậu – đang thay đổi sâu sắc.

viet nam can tang quy mo va toc do de phuc hoi nen kinh te hinh 2

Nền kinh tế của ta đang phụ thuộc bên ngoài rất lớn về thị trường, cả đầu vào lẫn đầu ra, tăng trưởng GDP và việc làm phụ thuộc nhiều hơn vào khu vực FDI, trong khi doanh nghiệp trong nước lại đang rất yếu, với nhiều rủi ro đang rình rập.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được đưa ra đúng lúc với quy mô lớn và những cấu phần chính sách phù hợp, song việc triển khai vẫn quá chậm, vẫn bị vướng cơ chế của chính chúng ta.

Điển hình là giải ngân đầu tư công, vẫn chậm, dù Chính phủ đang nỗ lực hết mình và liên tục đôn đốc. Vẫn có những bộ ngành, địa phương từ đầu năm đến giờ chưa giải ngân đồng vốn nào. Ta chưa tận dụng tốt thời cơ để “phá băng” cơ chế.

Đối diện với chúng ta, dù thành tích tăng trưởng đang tốt, vẫn là thực trạng tụt hậu phát triển so với thế giới, so với nhiều nước trong khu vực.

Tận dụng tối đa lợi thế đi sau, xây dựng thể chế tốt

+ Vâng, câu chuyện tụt hậu không phải là mới, và gần đây các chuyên gia cũng lo ngại tăng trưởng kinh tế lại rơi vào thời kỳ suy giảm?

- Phải thấy thế này, sau mỗi cuộc khủng hoảng, thế giới thường chỉ đưa ra “chương trình phục hồi”. Còn Việt Nam thì đưa ra Chương trình không chỉ “phục hồi” mà còn “phát triển” thể hiện khát vọng và quyết tâm, thể hiện cách nhận diện tình thế và khả năng chớp thời cơ bứt phá.

Cách tiếp cận là giúp doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và trỗi dậy nhanh, tạo lập vị thế mới và tốt trong cuộc đua tranh quốc tế.

Tình trạng tụt hậu xa hơn không còn là nguy cơ mà đã thành hiện thực đáng lo ngại. Thành tích tăng trưởng của Việt Nam chưa đủ xuất sắc để rút ngắn, thu hẹp khoảng cách tụt hậu phát triển; Động lực tăng trưởng và phát triển chưa đủ mạnh để giúp nền kinh tế bứt lên, tiến vượt và tiến kịp thế giới.

+ Vậy để chúng ta bứt lên, ông khuyến nghị gì?

- Việt Nam chúng ta đang cần cả quy mô và tốc độ để bứt lên. Lúc này doanh nghiệp Việt Nam mà trỗi dậy được, những dự án lớn được thực hiện, thì vừa tạo được cơ hội cho phát triển và doanh nghiệp Việt lớn lên. Vì thế Thủ tướng đốc thúc đầu tư công rất mạnh. Đã có bao giờ trong lúc nền kinh tế khó khăn thế này mà Chính phủ quyết luôn làm mấy tuyến đường cao tốc trọng điểm quốc gia trong hai ba năm như lần này? Chớp được thời cơ sẽ là cơ hội để bứt phá, muốn thế thì phải phá bỏ những ràng buộc của cơ chế.

Bối cảnh thời đại đang đặt ra các yêu cầu mới đối với hệ thống động lực phát triển. Nâng cao hiệu quả các nguồn lực và động lực truyền thống là không đủ. Phải tích cực tìm kiếm nguồn lực và động lực phát triển mới, theo cách mới.

Chúng ta phải tận dụng tối đa lợi thế đi sau, nỗ lực xây dựng thể chế tốt, khuyến khích đổi mới sáng tạo, coi khoa học công nghệ và trí tuệ con người là động lực phát triển quan trọng nhất của giai đoạn tới.

Nền kinh tế thời đại 4.0 đòi hỏi Việt Nam không thể chỉ dừng lại ở việc khắc phục các “điểm nghẽn” phát triển và tăng trưởng mà nền kinh tế đang lâm vào mà phải tạo lập nền tảng cấu trúc mới và các động lực phát triển tương thích với thời đại CMCN 4.0.

Chúng ta phải phát triển đồng bộ các loại thị trường, đặc biệt là các thị trường nguồn lực đầu vào. Đồng thời chúng ta cũng cần tuân thủ nguyên tắc “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng” trong việc phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam và triển khai chiến lược thu hút FDI.

Hà Nguyễn (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Việt Nam có cơ hội “nghìn năm có một” tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn

Việt Nam có cơ hội “nghìn năm có một” tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn

(CLO) Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Kinh tế vĩ mô
VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: 'Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: "Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

(CLO) Việc VIPFA khai trương cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh sẽ là cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp hình thành hệ sinh thái kinh doanh kết nối cơ hội đầu tư và xúc tiến FDI vào Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô
Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

(CLO) Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024, trong đó có các tháng cao điểm mùa khô.

Kinh tế vĩ mô
Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

(CLO) Ngày 23/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức buổi công bố điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 4/2024, với chuyên đề "Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo".

Kinh tế vĩ mô
Thái Bình xúc tiến đầu tư tại Hungary

Thái Bình xúc tiến đầu tư tại Hungary

(CLO) Tỉnh Thái Bình mong muốn được hợp tác toàn diện với các đối tác, nhà đầu tư Hungary, trong đó đi sâu trao đổi, xuất nhập khẩu hàng hóa, giao lưu văn hóa, hợp tác giáo dục, đào tạo, y tế.

Kinh tế vĩ mô