Việt Nam đã đầu tư 110 dự án với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD vào Khu vực Tam giác phát triển CLV

Thứ sáu, 01/03/2024 14:58 PM - 0 Trả lời

(CLO) Tại Hội nghị lần thứ 13 Ủy ban Điều phối chung Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) diễn ra tại Lào, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất nhiều giải pháp để hợp tác trong Khu vực tạo được bước đột phá.

Hợp tác CLV là ưu tiên hàng đầu

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh tại Hội nghị, mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, gắn bó và tin cậy chính trị giữa ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam là “di sản quý báu” đối với cả ba dân tộc, có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển của ba nước.

“Việt Nam luôn coi đây là nhiệm vụ chiến lược và dành ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và cho biết, năm 2024, cả ba nước sẽ đánh dấu 25 năm thành lập khu vực Tam giác phát triển CLV. Đây là một dấu mốc quan trọng của quá trình hợp tác trong Khu vực này.

viet nam da dau tu 110 du an voi tong von dau tu 37 ty usd vao khu vuc tam giac phat trien clv hinh 1

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: ĐT)

Đánh giá về kết quả hợp tác trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, cả ba nước đã phối hợp thực hiện nhiều hoạt động hợp tác chung, không chỉ đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và tăng cường sự kết nối trong Khu vực Tam giác phát triển CLV, mà còn thúc đẩy sự giao lưu, trao đổi giữa ba Quốc hội, ba Chính phủ, các tổ chức và người dân của ba nước thông qua sự hợp tác toàn diện ở nhiều lĩnh vực, bao gồm giao thông - vận tải, viễn thông, năng lượng, thương mại, đầu tư, công nghiệp, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, du lịch, y tế, văn hóa, lao động, giáo dục, môi trường, khoa học và công nghệ.

“Trong khuôn khổ hợp tác CLV, chúng ta bước đầu đã xây dựng, hình thành được các cơ chế chính sách thông thoáng thúc đẩy đầu tư, thương mại trong khu vực. Các dự án đầu tư lớn đã và đang được triển khai trong các lĩnh vực thủy điện, hợp tác tìm kiếm, khai thác và chế biến khoáng sản, trồng, chế biến sản phẩm cây công nghiệp có giá trị cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng dần được hình thành và phát triển, nhất là trong lĩnh vực giao thông, thủy điện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 110 dự án với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD vào Khu vực Tam giác phát triển tại Lào và Campuchia.

Quy mô kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Lào không ngừng được mở rộng từ mức 823,4 triệu USD năm 2016 lên 1,63 tỷ USD năm 2023 (gấp 2,1 lần). Quy mô thương mại Việt Nam - Campuchia cũng tăng gấp gần 3 lần; từ mức 2,92 tỷ USD năm 2016 lên tới 8,56 tỷ USD vào năm 2023.

Bên cạnh đó, hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao, an ninh, giao thông, nông nghiệp, y tế, du lịch… cũng được các bộ, ngành và địa phương hai bên triển khai tích cực và hiệu quả. Trang thông tin điện tử chung của Khu vực Tam giác phát triển CLV với 4 thứ tiếng Campuchia, Lào, Việt và tiếng Anh đã bước đầu phát huy vai trò là nguồn thông tin tư liệu quan trọng quảng bá về Khu vực Tam giác phát triển CLV, cập nhật các dự án, hoạt động trong khu vực.

“Có thể nói, những cơ chế, chính sách thuận lợi của cả ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam dành cho Khu vực Tam giác phát triển CLV, cùng với sự nỗ lực hợp tác của ba nước thời gian qua, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển cho Khu vực Tam giác phát triển CLV”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tạo đột phá về hạ tầng, nguồn nhân lực và cải cách thể chế

Mặc dù hợp tác trong Khu vực Tam giác phát triển CLV đã đạt được những kết quả tích cực. Nhưng một cách thẳng thắn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra rằng, những kết quả này vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng đặt ra, chưa thực sự tạo được bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực.

Rất nhiều nguyên nhân đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra, bao gồm hạn chế, bất cập về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế; một số cơ chế, thoả thuận trong Khu vực đã được thông qua nhưng chưa thực sự được tích cực triển khai; nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án dành cho khu vực này từ mỗi nước còn hạn hẹp, trong khi việc kêu gọi nguồn hỗ trợ từ bên ngoài còn chưa được nhiều.

viet nam da dau tu 110 du an voi tong von dau tu 37 ty usd vao khu vuc tam giac phat trien clv hinh 2

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: ĐT)

Cũng theo Bộ trưởng, vấn đề còn nằm ở việc một số địa phương chưa tích cực trong phối hợp triển khai các hoạt động; trình độ phát triển kinh tế - xã hội, quy mô tiêu dùng của người dân tại một số tỉnh trong khu vực còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực chưa đáp ứng được yêu cầu; tỷ lệ hộ nghèo còn cao...

Chưa kể, những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, sự bất ổn của thị trường lương thực, năng lượng, tài chính - tiện tệ, sự suy giảm đầu tư, đứt gẫy các chuỗi cung ứng trên thế giới… cũng đã và đang ảnh hưởng trực tiếp và cản trở ba nước trong triển khai các mục tiêu phát triển ở Khu vực Tam giác phát triển CLV.

“Để thúc đẩy việc triển khai cũng như xây dựng định hướng, kế hoạch hợp tác của Khu vực Tam giác phát triển CLV cho các năm tiếp theo, đòi hỏi ba nước chúng ta cần phải có những giải pháp đột phá về phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thể chế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cụ thể, về phát triển cơ sở hạ tầng, theo Bộ trưởng, các nước cần ưu tiên nguồn lực cho phát triển các tuyến giao thông huyết mạch phục vụ vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển, các trung tâm thương mại.

“Việt Nam sẽ ưu tiên xây dựng tuyến đường cao tốc Ngọc Hồi - Quy Nhơn phục vụ nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của Khu vực Tam giác phát triển. Đề nghị các nước Lào và Campuchia chủ động ưu tiên nguồn lực để cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông kết nối với cao tốc Ngọc Hồi - Quy Nhơn của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất.

Trong khi đó, về phát triển nguồn nhân lực, Bộ trưởng cho rằng, ba nước cần có giải pháp đồng bộ phát triển nguồn nhân lực nhằm thu hút đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực Khu vực có thế mạnh như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, khai khoáng, du lịch... Trước mắt, cần ưu tiên các chương trình hợp tác đào tạo hiện có cho việc phát triển nguồn nhân lực cho khu vực.

Về cải cách thể chế, theo Bộ trưởng, mỗi nước cần chủ động rà soát các cơ chế hiện hành, các vướng mắc đối với phát triển kinh doanh, thu hút đầu tư..., đồng thời chủ động xác định các dự án ưu tiên trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương trong vùng.

Cùng với việc tập trung vào cải cách thể chế, phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ba nước cần tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác thuộc các lĩnh vực.

Trong đó, về hợp tác kinh tế, Bộ trưởng cho rằng, cần tiếp tục phổ biến và xây dựng Kế hoạch hành động thúc đẩy triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận đã thống nhất và ký kết trong khuôn khổ hợp tác của Khu vực Tam giác phát triển CLV, bao gồm cả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương đã được ký kết giữa các nước.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa, thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu vực Tam giác phát triển CLV để khuyến khích thương mại, đầu tư, trong đó chú trọng thương mại biên giới và phát triển kinh tế cửa khẩu trên đất liền giữa ba nước, xây dựng hạ tầng cơ sở biên giới.

“Cần đơn giản hóa thủ tục vận chuyển hàng hóa qua biên giới, bảo quản nông sản, kiểm định chất lượng…, góp phần giảm chi phí về lao động, phương tiện đi lại”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và cho rằng, cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, điện mặt trời, điện gió, công nghiệp khai thác, chế biến được triển khai trong khu vực.

Định Trần

Tin khác

Thái Bình tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại tại Hà Lan

Thái Bình tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại tại Hà Lan

(CLO) Tiếp tục chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại tại một số nước châu Âu, trong chương trình công tác tại Hà Lan, đoàn công tác của tỉnh Thái Bình do Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải làm trưởng đoàn có buổi làm việc với một số doanh nghiệp của Vương quốc Hà Lan.

Kinh tế vĩ mô
Việt Nam có cơ hội “nghìn năm có một” tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn

Việt Nam có cơ hội “nghìn năm có một” tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn

(CLO) Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Kinh tế vĩ mô
VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: 'Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: "Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

(CLO) Việc VIPFA khai trương cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh sẽ là cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp hình thành hệ sinh thái kinh doanh kết nối cơ hội đầu tư và xúc tiến FDI vào Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô
Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

(CLO) Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024, trong đó có các tháng cao điểm mùa khô.

Kinh tế vĩ mô
Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

(CLO) Ngày 23/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức buổi công bố điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 4/2024, với chuyên đề "Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo".

Kinh tế vĩ mô