Việt Nam đón “làn sóng” đầu tư mới hậu Covid-19: Đừng chờ phép màu!

Thứ năm, 07/05/2020 14:45 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Khi Việt Nam trở thành hình mẫu trong việc khống chế dịch Covid-19, nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới đã cho thấy ý định đầu tư tại nước ta. Cần làm gì để nắm bắt được cơ hội, thu hút được các nhà đầu tư lớn từ các nước có nền kinh tế mạnh là những câu hỏi rất cần lời giải đáp.

Việt Nam sắp đón “cơn mưa” đầu tư sau đại dịch?

Hãng điện tử Sharp cho biết sẽ xây một nhà máy mới ở Việt Nam để tránh những tác động tiêu cực trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài. Mới đây, theo Nikkei Asian Review, Apple được cho là sẽ chuyển nhà máy sản xuất tai nghe không dây AirPods từ Trung Quốc sang Việt Nam, như một cách để giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành ở nhiều quốc qua trên thế giới.

Khi Việt Nam trở thành hình mẫu trong việc khống chế dịch Covid-19, hãng công nghệ Apple đã “nổ phát súng đầu tiên” với thông tin tuyển dụng nhân sự cấp cao về quản lý phân phối sản phẩm ở TP.HCM và Hà Nội.

Cụ thể trên trang linkedin.com vừa đăng tải một thông báo của Apple về việc tuyển dụng nhân sự quản lý phân phối chuỗi cung ứng và vận hành iphone tại Việt Nam. Đây được xem là bước đi đầu tiên đánh dấu sự hiện diện của ông lớn ngành công nghệ - Apple tại Việt Nam nhằm mở rộng chuỗi cung ứng.

Trước Apple, 2 ông lớn công nghệ là Google và Microsoft cũng tăng tốc chuyển sản xuất phần cứng sang các khu vực khác của châu Á trong đó có Việt Nam.

Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư mới sau đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa.

Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư mới sau đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa.

Những thông tin “dồn dập” trên cho thấy Việt Nam đang đứng trước làn sóng thu hút các công ty hàng đầu thế giới đến làm ăn. Các chuyên gia kinh tế nhận định, dịch Covid-19 sẽ khiến làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các quốc gia khác sẽ càng đẩy nhanh hơn một khi dịch bệnh trên toàn cầu được kiểm soát. Hơn nữa, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sắp có hiệu lực sẽ là cơ hội để Việt Nam đón dòng vốn từ khối này khi mà lâu nay vốn FDI từ châu Âu vào Việt Nam còn khiêm tốn.

Theo JLL - một Tập đoàn hàng đầu chuyên cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản chuyên nghiệp, nằm trong những Công ty top 500 Fortune với gần 300 văn phòng hoạt động tại hơn 80 quốc gia và 83.500 nhân viên trên toàn cầu, Việt Nam vẫn là một điểm đến “đầy hứa hẹn” từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu.

Trong bản báo cáo mới công bố hôm 6/4 của VinaCapital, công ty phát triển bất động sản và quản lý đầu tư tại Việt Nam, cũng chứng minh điều tương tự. Theo đó, một số doanh nghiệp trước đây còn chần chừ dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam do lo ngại chuỗi cung ứng trong nước còn yếu, ngành công nghiệp phụ trợ kém phát triển thì dịch Covid-19 khiến họ có quyết sách nhanh và mạnh hơn.

Một khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, có tới 65,8% DN Nhật Bản tại Việt Nam nói đang làm ăn có lãi hoặc không lỗ; 63,9% DN Nhật Bản có định hướng mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới.

Một điều tra với hơn 3.500 DN Nhật cũng do JETRO thực hiện về dự định đầu tư ở nước ngoài, số DN chọn Việt Nam để đầu tư tăng từ 5,5 lên 41%. Số DN Nhật dự kiến đầu tư vào ngành điện tử ở VN tăng 15,6%, vào dệt may tăng hơn 14%.

“Đây là cơ hội để Việt Nam có chính sách thu hút các nhà đầu tư đang có ý định thu hẹp sản xuất ở nước láng giềng và đầu tư vào Việt Nam”, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định.

Việt Nam làm gì để “xây tổ cho đại bàng”?

 Theo các chuyên gia, việc thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh là điều đáng mừng, tuy nhiên bên cạnh đó cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

Vì vậy, việc thu hút đầu tư cần phải thận trọng, để tránh “bẫy” Việt Nam trở thành nơi trung chuyển hàng hóa của DN nước ngoài, và có tác động tiêu cực đến hàng hóa trong nước xuất khẩu. Không loại trừ sự dịch chuyển các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam, nên cần có sự kiểm soát chặt chẽ các nhà đầu tư. Nếu chỉ thu hút được các dự án nhỏ, tham vọng trở thành “công xưởng” thế giới của Việt Nam có thể đạt về số lượng, nhưng chất lượng sẽ không cao.

TS. Phan Hữu Thắng cho rằng, đây là thời điểm cần cài đặt một “bộ lọc” nhà đầu tư ngoại để có thể chọn được những nhà đầu tư thật sự có năng lực, thân thiện với môi trường, bởi vì đã qua thời kỳ trải “thảm đỏ” với tất cả nhà đầu tư. Cần có bộ lọc mới để chọn lựa và bảo vệ được uy tín, hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư nghiêm túc, luôn tuân thủ luật pháp quốc tế về đầu tư, của nước chủ nhà, đồng thời cũng là để bảo vệ sự phát triển hiệu quả của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong giai đoạn tới, nhất là các dự án FDI công nghệ cao, công nghệ mới của tương lai.

Báo Công luận

Đề cập đến “bộ lọc” FDI, PGS. TS. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, cần chuyển cách đón đầu tư FDI theo kiểu thụ động sang thế chủ động đi tìm những nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện mà chúng ta đang mong muốn có được. Đó là những nhà đầu tư có thể tạo ra các lĩnh vực thay đổi được căn bản các hoạt động sản xuất trong nước khi Việt Nam đang thiếu, chưa có.

Bên cạnh đó, theo GS Đặng Hùng Võ, một hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức, thể chế luôn đóng vai điều kiện cần cho phát triển. Ta hoàn toàn có thể sử dụng dịp ngừng nghỉ này để rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết mọi ách tắc về đất đai mà nhà đầu tư dự án và người dân đang mong đợi.

Tuy nhiên muốn tăng thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hiện nay tới Việt Nam, theo ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), chúng ta cần phải tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không hợp lý đang còn là rào cản, đồng thời cần tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, khi ngân sách dành cho đầu tư công ngày càng siết chặt thì cần phải có hợp tác công tư PPP để các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng.

Muốn vậy cần có cơ chế pháp lý rõ ràng hơn, tốt hơn để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, lúc đó mới kéo được PPP vào trong đầu tư hạ tầng. Cùng với đó là các cơ chế về giải quyết tranh chấp, bảo vệ nhà đầu tư. Từ đó mới thu hút nguồn tiền bền vững cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Cơ hội cũng sẽ không thành hiện thực nếu không biết vận dụng các chính sách một cách nhanh chóng và hợp lý.

Việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sửa đổi chính sách, chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn này càng cần phải đẩy nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, bởi thời cơ đã đến nếu không nắm bắt cũng rất dễ trôi qua.

Ngọc Thành

Tin khác

Bắc Giang: Tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước trong quý I

Bắc Giang: Tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước trong quý I

(CLO) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Bắc Giang đạt 14,18%, dẫn đầu cả nước. Các ngành dịch vụ duy trì hoạt động ổn định.

Thị trường - Doanh nghiệp
Dâu tây Mộc Châu “bay” cùng Vietnam Airlines

Dâu tây Mộc Châu “bay” cùng Vietnam Airlines

(CLO) Vietnam Airlines đang phục vụ nhiều món ăn mới trên chuyến bay lấy cảm hứng từ trái dâu tây Mộc Châu tươi ngon.

Tự hào hàng VN - Tinh hoa hàng VN
Bộ Công Thương có chỉ đạo khẩn yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử khi bán xăng

Bộ Công Thương có chỉ đạo khẩn yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử khi bán xăng

(CLO) Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có công điện hỏa tốc, yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cả nước thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Thị trường - Doanh nghiệp
Khánh Hòa xin thu hồi gần 3.000ha đất để xây 2 khu đô thị cao cấp

Khánh Hòa xin thu hồi gần 3.000ha đất để xây 2 khu đô thị cao cấp

(CLO) Ngày 28/3, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua 2 nghị quyết về danh mục các dự án cần thu hồi đất và danh mục dự án thu hồi đất để chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó có việc thu hồi đất cho 2 dự án khu đô thị cao cấp Tu Bông và Đầm Môn.

Bất động sản
TP HCM: Nâng cao chất lượng hoạt động của cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất để phát triển du lịch

TP HCM: Nâng cao chất lượng hoạt động của cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất để phát triển du lịch

(CLO) Văn phòng UBND TPHCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi về các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tại cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm phát triển ngành du lịch của thành phố.

Thị trường - Doanh nghiệp