Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel:

“Vietravel kinh doanh trên cả 2 lĩnh vực bị tác động mạnh nhất của đại dịch Covid-19, nhưng chúng tôi sẽ vượt qua”

Chủ nhật, 27/06/2021 08:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hơn một năm qua, đại dịch Covid-19 có tác động tiêu cực rất lớn với tất cả các ngành kinh tế, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, du lịch.

Là một doanh nghiệp lớn, kinh doanh trên cả 2 lĩnh vực này, Công ty Du lịch Vietravel đang vật lộn để vượt qua khó khăn này thế nào? Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Vietravel.

+ Đại dịch Covid-19 diễn ra đã ảnh hưởng rất lớn đến các ngành kinh tế. Với một doanh nghiệp lớn kinh doanh về du lịch và hàng không - 2 lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi đại dịch- như Vietravel, ảnh hưởng đó như thế nào, thưa bà?

- Có thể nói, trong suốt gần 2 năm qua, ngành du lịch luôn sống trong tình trạng “thấp thỏm và bấp bênh”. Cứ vào trước mỗi mùa du lịch cao điểm thì dịch lại bùng phát và khiến cho không ít doanh nghiệp du lịch gặp khá nhiều khó khăn. Với Vietravel, chúng tôi đã đặt mình luôn ở trong trạng thái “On - Off”.

Những khi có dịch diễn ra thì chúng tôi ngay lập tức thu hẹp hoạt động kinh doanh, nhanh chóng cập nhật và tổ chức tour đến những điểm đến an toàn, không có ca nhiễm trong cộng đồng. Sản phẩm của công ty luôn được xây dựng theo tiêu chí đảm bảo an toàn của Bộ Y tế. Đồng thời, chúng tôi liên tục xây dựng các sản phẩm du lịch mới, phù hợp với trạng thái bình thường mới.

ảnh 3

+ Vietravel đã tái cơ cấu hoạt động, kinh doanh dịch vụ ra sao để trụ vững trước tác động của đại dịch Covid-19?

- Covid-19 buộc Vietravel phải tái cấu trúc doanh nghiệp để phù hợp với thị trường. Trong đó, Vietravel tập trung cho thị trường nội địa. Ngoài ra, do tác động bởi Covid-19 nên cơ cấu khách đi tour đã có sự chuyển dịch. Ví dụ như trước khi dịch xảy ra, tỷ trọng khách tham gia tour trọn gói chiếm gần như 80 - 90%, trong khi khách có nhu cầu đi du lịch tự túc chỉ dao động từ 10 - 20%, thì nay, tỷ trọng khách đăng ký tour du lịch tự túc chiếm từ 40 - 50%.

Theo đó, Vietravel đã tập trung và xây dựng sản phẩm Gói dịch vụ vé máy bay/xe và khách sạn để đáp ứng nhu cầu của du khách. Với lợi thế khi sở hữu Xí nghiệp xe vận chuyển Xuyên Á và Hãng hàng không Vietravel Airlines, có thể nói Gói dịch vụ vé máy bay/xe và khách sạn của Vietravel đang có mức giá tốt nhất thị trường. 

Bên cạnh đó, Vietravel cũng giới thiệu loại hình tour du lịch trọn gói mới:  tour Trekking, Du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, Du lịch bằng xe riêng và theo đoàn riêng cho nhóm khách gia đình. Du lịch theo đoàn riêng cho nhóm khách gia đình được thiết kế theo khung chương trình của tour du lịch truyền thống nhưng đảm bảo sự tự do, thoải mái của loại hình du lịch tự túc và đặc biệt là đặt sự an toàn của du khách lên hàng đầu.

Ngoài ra, Công ty đã xây dựng và giới thiệu “dòng sản phẩm Luxury” trọn gói với các chương trình tham quan, nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Cát Bà, Sa Pa… dành cho nhóm khách muốn chọn dịch vụ cao cấp.

+ Hàng không cũng là lĩnh vực mới mà Vietravel tham gia. Tại sao Vietravel lại tham gia lĩnh vực này trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn như vậy? Hiện nay, việc kinh doanh lĩnh vực hàng không của Vietravel Airlines đang gặp những khó khăn ra sao?

- Đối với một doanh nghiệp mới khi ra đời, có rất nhiều yếu tố tác động như thị trường, tiềm lực kinh tế. Vietravel Airlines ra đời trong lúc thị trường đang có những khủng hoảng, có thuận lợi, có khó khăn.

Thuận lợi là các cơ sở vật chất từ phương tiện, nhiên liệu cho đến nhân lực tương đối dễ dàng hơn so với trước dịch. Chúng tôi chọn phương án đi thuê tàu bay, chi phí ban đầu thấp xuống, như vậy với một thị trường giảm sút sâu thì chúng tôi có thể cầm cự được. Đây là cơ hội để chúng tôi khởi nghiệp hãng hàng không với chi phí thấp nhất có thể.

Xét về khó khăn, hiện nay việc cạnh tranh trên thị trường hàng không rất căng thẳng, yếu tố cạnh tranh không chỉ là chất lượng mà còn là câu chuyện đằng sau đó.

Thời gian qua chúng ta bàn nhiều về vấn đề lượt bay, các hãng phản ứng về việc các lượt bay không được thuận lợi trong khi các hãng này dư tải và không dùng hết công suất bình quân, điều này gây lãng phí rất lớn. Thứ nhất là lãng phí nguồn tài lực quốc gia, thứ hai là nguồn vốn đầu tư của xã hội và làm thị trường lệch lạc. Chúng tôi cho rằng các hãng mới cũng nên được quan tâm và tạo điều kiện.

ảnh 1

+ Việc kinh doanh hàng không có ảnh hưởng ngược lại với lĩnh vực kinh doanh du lịch truyền thống của doanh nghiệp không?

- Việc ra đời của Hãng hàng không Vietravel Airlines góp phần hoàn thiện hệ sinh thái của Vietravel Holdings. Vietravel Airlines & Vietravel kinh doanh độc lập và có mối quan hệ tương hỗ cho nhau trong việc cho ra đời các sản phẩm du lịch ưu đãi cho khách hàng. Hiện tại, Vietravel Airlines triển khai bán vé máy bay thường lệ kết nối các thành phố lớn và điểm đến du lịch nổi tiếng gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Đà Nẵng, Đà Lạt...

Vietravel Airlines định hướng cung cấp các dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa, hành lý, bưu kiện bằng đường hàng không và các gói du lịch trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không và phát triển ngành du lịch, lữ hành của Việt Nam.

Trong dài hạn, Hãng hướng tới việc mở rộng đường bay đến Đông Nam Á và Đông Bắc Á, thu hút một lượng lớn du khách quốc tế đến Việt Nam và ngược lại.

+ Làm thế nào để ở cả 2 lĩnh vực kinh doanh này, Vietravel vẫn giữ vững và phát triển được sau đại dịch Covid-19?

- Chúng ta phải công nhận rằng trong suốt thời gian qua, người dân Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đều khá “bí bức”. Cứ sau mỗi lần dịch được khống chế tốt, mọi người lại rủ nhau đi du lịch như một cách giảm căng thẳng và “tranh thủ” đi khi không có dịch. Điều đó cho thấy điểm nghẽn tâm lý của du khách hiện tại đang rất lớn.

Trước dịch, Vietravel có nguồn khách du lịch ổn định khoảng 1 triệu khách/năm. Chúng tôi tin rằng với lượng khách “bình ổn” đó, sau đại dịch, Vietravel Holdings sẽ có những bứt phá mới.

+ Được biết, trong 3 tháng đầu năm nay, Vietravel đã lỗ gần 73 tỷ đồng, việc này có nằm trong dự liệu của Công ty không và thời gian tới liệu doanh nghiệp có thể giảm bớt mức độ khó khăn như vậy không?

- Trước tình hình dịch bệnh thì việc các Hãng hàng không hay doanh nghiệp lữ hành bị lỗ là không thể tránh khỏi. Và việc đó đã nằm trong dự toán của công ty. Hiện tại, Công ty vẫn đang vận hành vừa điều chỉnh sản phẩm bán phù hợp với tình hình thực tế và hạn chế chi phí lỗ đến mức tối đa.

+ Khó khăn là vậy, Vietravel có kiến nghị gì với Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đang kinh doanh du lịch để vượt qua khó khăn không?

- Du lịch được xem là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất trước đại dịch Covid-19. Trong thời gian qua, Vietravel cũng đưa ra các kiến nghị như giảm giá phí dịch vụ điện, nước; giảm các mức thuế thu nhập doanh nghiệp; gia hạn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuê đất của các doanh nghiệp lữ hành… cũng như hỗ trợ giảm lãi suất vay vốn ngân hàng…

Báo Công luận

Quang Hùng (Thực hiện)

Tin khác

Nga vượt EU về nguồn cung lúa mì sang Bắc Phi

Nga vượt EU về nguồn cung lúa mì sang Bắc Phi

(CLO) Theo báo cáo do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố, xuất khẩu lúa mì của Liên minh châu Âu (EU) sang Bắc Phi đã giảm 25% trong 7 tháng đầu của mùa trồng trọt 2023-2024, với nguồn cung từ Nga chiếm ưu thế trên thị trường khu vực.

Thị trường - Doanh nghiệp
Xuất khẩu dầu thô của Iran tăng đột biến

Xuất khẩu dầu thô của Iran tăng đột biến

(CLO) Xuất khẩu dầu thô từ Iran đạt mức cao nhất trong 6 năm trong quý đầu tiên của năm, dữ liệu từ Vortexa được Financial Times trích dẫn cho thấy.

Thị trường - Doanh nghiệp
IMF dự báo kinh tế Nga tăng trưởng đáng kể

IMF dự báo kinh tế Nga tăng trưởng đáng kể

(CLO) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tăng đáng kể dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế Nga vào năm 2024. Trong năm nay, GDP của Nga được dự báo sẽ tăng 3,2%, tăng mạnh so với dự báo 2,6% trong tháng 1.

Thị trường - Doanh nghiệp
Sắp đấu thầu vàng để tăng nguồn cung: Cần thiết nhưng chỉ mang tính ngắn hạn

Sắp đấu thầu vàng để tăng nguồn cung: Cần thiết nhưng chỉ mang tính ngắn hạn

(CLO) Việc tăng nguồn cung vàng ở thời điểm này chỉ mang tính ngắn hạn. Về lâu dài, việc đấu thầu vàng sẽ tạo ra nhiều bất ổn cho kinh tế trong nước.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nhật Bản sẽ tiếp tục tham gia dự án dầu khí của Nga

Nhật Bản sẽ tiếp tục tham gia dự án dầu khí của Nga

(CLO) Các công ty Nhật Bản sẽ tiếp tục tham gia vào các dự án năng lượng của Nga trên đảo Sakhalin do tầm quan trọng của chúng đối với an ninh năng lượng của Tokyo, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố.

Thị trường - Doanh nghiệp