Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì và tại sao Nga lại ra lệnh tập trận?

Thứ ba, 07/05/2024 21:38 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ngày 6/5, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội sẽ tổ chức các cuộc tập trận liên quan đến vũ khí hạt nhân chiến thuật. Vậy vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì và tại sao Nga lại ra lệnh tập trận?

Nga cho biết sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự để kiểm tra sự sẵn sàng của lực lượng hạt nhân phi chiến lược nhằm đáp trả "những tuyên bố khiêu khích và đe dọa" từ phương Tây.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố cuộc tập trận nhằm mục đích "đảm bảo vô điều kiện toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhà nước Nga". Cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của binh sĩ thuộc lực lượng không quân và hải quân Nga.

Nga và Mỹ cho đến nay là những cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, nắm giữ hơn 10.600 trong số 12.100 đầu đạn hạt nhân của thế giới. Trung Quốc có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba, tiếp theo là Pháp và Vương quốc Anh.

vu khi hat nhan chien thuat la gi va tai sao nga lai ra lenh tap tran hinh 1

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat phóng từ Plesetsk ở tây bắc nước Nga. Ảnh: AP

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì?

Không giống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có thể phá hủy toàn bộ thành phố, vũ khí hạt nhân chiến thuật hay vũ khí hạt nhân phi chiến lược có sức công phá nhỏ chỉ khoảng 1 kiloton. Để so sánh, quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima trong Thế chiến II có sức công phá 15 kiloton.

Tuy nhiên, những loại vũ khí hạt nhân chiến thuật như vậy (bom trên không, đầu đạn cho tên lửa tầm ngắn hoặc đạn pháo) lại có ưu thế là nhỏ gọn. Kích thước này giúp chúng có thể được vận chuyển kín đáo trên xe tải hoặc máy bay.

Trong khi vũ khí hạt nhân chiến lược tuân theo các thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Nga và Mỹ, thì vũ khí phi chiến lược không bị giới hạn bởi bất kỳ hiệp ước nào như vậy. Nga cũng chưa công bố số lượng hoặc bất kỳ thông tin cụ thể nào khác liên quan đến chúng.

Tổng thống Putin nói gì về vũ khí hạt nhân?

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine ngày 24/2/2022, Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo các nước phương Tây về sức mạnh hạt nhân của Moscow nhằm ngăn cản họ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Ngay từ đầu xung đột, ông Putin đã thường xuyên nhắc đến kho vũ khí hạt nhân của Moscow bằng cách cam kết sẽ sử dụng "mọi biện pháp" cần thiết để bảo vệ Nga. 

Theo học thuyết phòng thủ của Nga, nước này dự tính sẽ có phản ứng hạt nhân trước một cuộc tấn công "đe dọa đến sự tồn vong của nhà nước Nga". Một số chuyên gia Nga đã thúc giục ông Putin tăng cường tập trận để buộc phương Tây xem xét các cảnh báo nghiêm túc hơn.

Mùa thu năm ngoái, ông Putin từng nói: "Không tình huống nào có thể đe dọa vị thế và sự tồn tại của nhà nước Nga. Tôi nghĩ không có ai đủ tỉnh táo và minh mẫn mà lại nảy ra ý tưởng sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nga".

Tại sao Nga gửi vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus?

Năm ngoái, Nga đã chuyển một số vũ khí hạt nhân chiến thuật sang lãnh thổ Belarus, quốc gia có đường biên giới với Ukraine và một số quốc gia NATO gồm Ba Lan, Latvia và Lithuania.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko từ lâu đã kêu gọi Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở đất nước ông. Cả ông Lukashenko và Tổng thống Putin đều nói rằng việc triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus là nhằm chống lại các mối đe dọa từ phương Tây.

Cả hai nhà lãnh đạo đều không tiết lộ số vũ khí đã được chuyển, chỉ cho biết các cơ sở thời Liên Xô ở Belarus đã tiếp nhận chúng, và các phi công cũng như phi hành đoàn tên lửa Belarus đã được huấn luyện để sử dụng chúng. Tuy nhiên, số vũ khí này vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga.

Belarus có đường biên giới dài 1.084 km với Ukraine. Do đó, việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới quốc gia này sẽ cho phép máy bay và tên lửa Nga tiếp cận các mục tiêu tiềm năng dễ dàng và nhanh chóng hơn nếu Nga quyết định sử dụng chúng.

Ngọc Ánh (theo TASS, AP, Reuters)

Bình Luận

Tin khác

Nga và Ukraine tiếp tục dùng UAV tấn công lãnh thổ của nhau

Nga và Ukraine tiếp tục dùng UAV tấn công lãnh thổ của nhau

(CLO) Ngày 19/5, Nga cho biết đã bắn hạ khoảng 60 máy bay không người lái (UAV) và một số tên lửa phóng vào lãnh thổ Nga trong đêm, trong khi Ukraine tuyên bố đã phá hủy hơn 30 UAV Nga.

Thế giới 24h
Pháp huy động cảnh sát giành lại quyền kiểm soát đường tới sân bay New Caledonia

Pháp huy động cảnh sát giành lại quyền kiểm soát đường tới sân bay New Caledonia

(CLO) Cảnh sát Pháp đang cố gắng lập lại trật tự trên lãnh thổ hải ngoại New Caledonia ở Thái Bình Dương sau nhiều ngày bất ổn nghiêm trọng, trong đó giành quyền kiểm soát trở lại con đường chính nối sân bay với thủ đô Noumea.

Thế giới 24h
Quân nổi dậy tuyên bố chiếm thị trấn ở Myanmar

Quân nổi dậy tuyên bố chiếm thị trấn ở Myanmar

(CLO) Ngày 19/5, quân nổi dậy có vũ trang Quân đội Arakan tuyên bố đã giành được quyền kiểm soát thị trấn Buthidaung ở bang Rakhine phía tây Myanmar sau nhiều tuần giao tranh.

Thế giới 24h
Ứng viên đối lập Venezuela cam kết tự do chính trị theo hiến pháp

Ứng viên đối lập Venezuela cam kết tự do chính trị theo hiến pháp

(CLO) Ứng cử viên phe đối lập Venezuela Edmundo Gonzalez cho biết hôm thứ Bảy (18/5) rằng ông sẽ đảm bảo tất cả các đảng chính trị được tự do hoạt động theo hiến pháp, nếu ông vượt qua Tổng thống Nicolas Maduro trong cuộc bầu cử vào tháng 7.

Thế giới 24h
Chi phí tang lễ cao khiến nhiều người không nhận thi thể người thân ở Canada

Chi phí tang lễ cao khiến nhiều người không nhận thi thể người thân ở Canada

(CLO) Một số tỉnh của Canada ghi nhận số lượng thi thể không có người nhận tăng vọt trong những năm gần đây, chi phí tang lễ ngày càng tăng là lý do khiến họ bỏ lại thi thể người thân.

Thế giới 24h