Vực dậy hàng không Việt Nam sau “vũng lầy” COVID-19

Thứ năm, 15/09/2022 10:02 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong giai đoạn “hậu COVID-19”, ngành hàng không Việt Nam đã, đang nỗ lực phục hồi sau những khó khăn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình khai thác của hàng không Việt Nam đã hồi phục, bắt đầu tăng trưởng, trong đó, sản lượng khai thác nội địa đã hồi phục hoàn toàn.

Bội thu dịp cao điểm vận tải

Thông tin từ Cục Hàng không cho biết, trong 8 tháng vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện 208.242 chuyến bay tương ứng với mức tăng 103% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó hãng hàng không Vietnam Airlines đã khai thác 78.202 chuyến bay, giữ vị trí cao nhất trong ngành. Tiếp đến là Vietjet Air với 76.513 chuyến và Bamboo Airways đứng thứ 3 với 33.583 chuyến trong 8 tháng đầu năm.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 1,2 triệu lượt đến từ các thị trường chính như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Singapore, Anh, Đức, Pháp,...

Tổng số khách du lịch nội địa 8 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 79,8 triệu lượt. Việt Nam tiếp tục nằm trong số những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới với 50% đến 75%.

Đánh giá của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010 - 2019 đạt trên 15%/năm, thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

vuc day hang khong viet nam sau vung lay covid 19 hinh 1

Hàng không Việt Nam đang ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn mà đại dịch COVID-19 gây ra. Ảnh: TL.

Tuy nhiên trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã kéo lùi sự phát triển của ngành hàng không trên toàn thế giới, gây hậu quả tiêu cực đến các đơn vị trong dây chuyền vận tải hàng không, nhất là các hãng hàng không Việt Nam bị ảnh hưởng rất nặng nề, do thị trường quốc tế đóng cửa.

Các hãng hàng không trong nước gần như dừng hoàn toàn khai thác quốc tế, trong khi thị trường nội địa cũng suy giảm nghiêm trọng. Trong hai năm 2020, 2021, thị trường hàng không Việt Nam sụt giảm mạnh với mức giảm lần lượt là 42,1% và 80% so năm 2019.

Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình khai thác của hàng không Việt Nam đã hồi phục và bắt đầu tăng trưởng (sản lượng hành khách nội địa).

Sản lượng hành khách 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt hơn 66 triệu hành khách, trong đó hành khách nội địa ước đạt gần 61 triệu hành khách, tăng 19,9% so với năm 2019. Hành khách quốc tế mặc dù chỉ đạt hơn 5 triệu hành khách, giảm 81,5% so với năm 2019 nhưng đã có sự gia tăng qua các tháng.

Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm hè 2022 sản lượng tăng rõ rệt so với năm 2019 với tháng 4 tăng 19%, tháng 5/2022 tăng 32%, tháng 6/2022 tăng 40%, tháng 7/2022 tăng 42%, tháng 8/2022 tăng 40%. Nhiều cảng hàng không đã khai thác vượt công suất công bố tại các nhà ga hành khách nội địa như Côn Đảo, Cát Bi, Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh,…

Đáng chú ý, ngày 10/7/2022 là ngày có sản lượng hành khách cao nhất (đạt 414.222 khách) với sản lượng hành khách nội địa đạt 373.540 khách, vượt qua sản lượng cao nhất đã đạt vào ngày 26/07/2020 là 343.492 khách. Đây cũng là ngày có sản lượng hành khách nội địa cao nhất trong lịch sử khai thác của ACV.

Các tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác nội địa đã hồi phục hoàn toàn khi sản lượng cất hạ cánh đã vượt qua mức sản lượng cất hạ cánh cao nhất của năm 2019 (thời điểm chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19), đạt 157.762 lượt cất hạ cánh (tương đương 103% so với năm 2019).

Hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến bay

Trong hơn 6 tháng đầu năm, nhiều sân bay khắp thế giới liên tục rơi vào tình trạng quá tải, các chuyến bay liên tục bị hoãn, hủy. Dữ liệu của Cục thống kê vận tải Mỹ, trong 6 tháng đầu năm nay, hơn 80.000 chuyến bay nội địa tại nước này bị hủy; con số này nhiều hơn so với năm 2019.

Tại sân bay Sydney (Úc), hàng dài người xếp hàng qua cửa an ninh là một cảnh tượng đang trở nên quen thuộc kể từ khi Úc mở cửa trở lại. Một trong những “điểm nóng” là châu Âu, khi hàng dài người chen chúc xếp hàng chờ làm thủ tục, vali chất đống không đủ người sắp xếp,… tại hàng loạt sân bay như Manchester (Anh), Dublin (Ireland) hay Schiphol (Hà Lan).

vuc day hang khong viet nam sau vung lay covid 19 hinh 2

Hàng loạt chuyến bay đi khắp nơi trên thế giới bị hủy trong mùa cao điểm du lịch. Ảnh. A.P.

Dữ liệu của nền tảng theo dõi chuyến bay FlightAware cho thấy, trong tháng 6/2022, 25% chuyến bay tại châu Âu (trừ Nga) cất cánh muộn. Kế hoạch, lịch trình các hãng hàng không đã “đổ bể” do không lường trước được nhu cầu đi lại tăng đột biến và phải gồng gánh rất nhiều để bù đắp cho 2 năm thiệt hại về dịch bệnh.

Trước dịp cao điểm vận tải 2/9 mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không tăng cường công tác kiểm soát, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.

Xây dựng phương án phục vụ, bố trí nguồn nhân lực đảm bảo phục vụ tốt, an toàn các chuyến bay, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và có phương án bố trí nhân lực, thiết bị an ninh soi chiếu. Kiểm tra, giám sát an ninh phù hợp để giảm thiểu tối đa tình trạng hành khách bị nhỡ chuyến bay do ùn tắc tại điểm kiểm tra an ninh của Nhà ga.

Theo ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Quản lý bay, thị trường hàng không Việt Nam đang trên đà phục hồi nhưng chưa đồng đều ở các phân khúc.

Thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bệnh bùng phát nhưng thị trường quốc tế phục hồi rất chậm. Vận chuyển hành khách trong nước tăng 12% so với năm 2019. Vận chuyển hàng hoá quốc tế tăng nhưng nội địa giảm.

Tuy nhiên doanh thu lại không tương ứng, do giá nhiên liệu và một số giá đầu vào tăng lên, các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện nhiều. Sự phục hồi không đồng đều ở các doanh nghiệp trong ngành hàng không, trong các chuỗi cung ứng ngành hàng không.

Khi các doanh nghiệp kinh doanh trong vận chuyển hạ tầng có sự phục hồi mạnh mẽ thì các hãng hàng không vẫn gặp khó khăn, phải giải quyết những vấn đề bất lợi của dịch bệnh để lại; đặc biệt là sự mất cân đối của dòng tiền trong 2 năm dịch bệnh bùng phát.

Thống kê hiện hàng không đã phục hồi trở lại, đặc biệt các cảng hàng không có tần suất bay cao như tại cảng hàng không Phú Quốc đạt 100 chuyến bay/ngày. Các doanh nghiệp hàng không chuẩn bị khá kịp thời cho giai đoạn phục hồi, mở các đường bay mới.

Ông Đinh Việt Phương - Giám đốc điều hành Hãng hàng không Vietjet cho biết, nhờ có chính sách xuất nhập cảnh thuận lợi nhất sau đại dịch, Vietjet đã khôi phục các đường bay trong nước, quốc tế và mở thêm nhiều đường bay mới.

Để hoạt động du lịch cũng như ngành hàng không Việt Nam phát triển, Giám đốc điều hành Vietjet cho rằng cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời tăng cường truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới với các chương trình quy mô, tầm cỡ quốc gia, tận dụng các công nghệ hiện đại để thông tin hấp dẫn, thu hút du khách hơn.

Bên cạnh đó xem xét chính sách miễn thị thực cho nhiều quốc gia hơn, kéo dài thời gian lưu trú, hỗ trợ các hãng hàng không mở thêm nhiều đường bay mới để đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách…

Bảo Ngọc

Bình Luận

Tin khác

Nam Định thành lập 2 bến phà mới Ninh Mỹ và Kinh Lũng

Nam Định thành lập 2 bến phà mới Ninh Mỹ và Kinh Lũng

(CLO) Việc thành lập các bến phà Ninh Mỹ và Kinh Lũng góp phần hoàn thiện dần mạng lưới giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của các địa phương, phục vụ việc đi lại, đảm bảo giao thông thông suốt.

Giao thông
Gia Lai: Dân tố đơn vị thi công đường Tỉnh lộ 666 gian dối, chủ đầu tư nói gì?

Gia Lai: Dân tố đơn vị thi công đường Tỉnh lộ 666 gian dối, chủ đầu tư nói gì?

(CLO) Vừa qua trên mạng xã hội lan truyền clip người dân bức xúc việc đơn vị thi công đường liên huyện Mang Yang – Ia Pa (Gia Lai) thi công gian dối. Liên quan đến sự việc này, chủ đầu tư – Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã có kiểm tra và thông tin về vụ việc.

Giao thông
Tháo gỡ khó khăn về vật liệu cho dự án trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long

Tháo gỡ khó khăn về vật liệu cho dự án trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long

(CLO) Đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), việc triển khai các thủ tục giao mỏ cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công những dự án trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long còn chậm, trữ lượng và công suất khai thác chưa đáp ứng kịp thời.

Giao thông
Xây dựng đường gom nhằm xoá bỏ lối đi tự mở qua đường sắt

Xây dựng đường gom nhằm xoá bỏ lối đi tự mở qua đường sắt

(CLO) Việc đầu tư xây dựng đường gom trong hành lang an toàn giao thông đường sắt phải xây dựng hàng rào ngăn cách giữa đường sắt với đường gom để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, đường bộ.

Giao thông
Hà Nội: Gần 600 phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm không đóng tiền phạt

Hà Nội: Gần 600 phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm không đóng tiền phạt

(CLO) Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT các địa phương phối hợp quản lý, không cấp đổi giấy phép lái xe cho tài xế khi chưa chấp hành xong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Giao thông