Xét tuyển đại học 2025: Nhiều thay đổi lớn, thí sinh cần cẩn trọng với cách sắp xếp nguyện vọng
(CLO) Kỳ tuyển sinh đại học 2025, thí sinh không cần tự quy đổi điểm giữa các tổ hợp mà việc này sẽ do các trường đại học và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thực hiện.
Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục khuyến cáo, cách sắp xếp nguyện vọng vẫn là "chiếc chìa khóa vàng" quyết định cơ hội trúng tuyển.
Kỳ xét tuyển đại học năm 2025 đang bước vào giai đoạn "nước rút" với thời hạn đăng ký nguyện vọng từ 16/7 đến 17h ngày 28/7.

Một trong những điểm mới được thí sinh và phụ huynh quan tâm là việc Bộ yêu cầu các trường phải quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp và phương thức xét tuyển cùng ngành.
Cụ thể, Bộ đã công bố bảng bách phân vị (percentile) cho 7 tổ hợp phổ biến như A00, A01, B00, C00, D01, D07...
Ví dụ: Thí sinh đạt 28,75 điểm tổ hợp A00 sẽ tương đương với 28,25 điểm tổ hợp A01 và 27,5 điểm tổ hợp D01. Điều này giúp đảm bảo tính công bằng giữa các nhóm xét tuyển khi cùng cạnh tranh vào một ngành.

Không chỉ áp dụng với tổ hợp truyền thống, Bộ cũng yêu cầu các trường đại học sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy phải căn cứ vào bách phân vị do đơn vị tổ chức kỳ thi công bố để thực hiện quy đổi phù hợp
Tuy nhiên, quy đổi này chỉ là một trong nhiều yếu tố để các trường xây dựng công thức xét tuyển riêng, bên cạnh các yếu tố như môn chính, đặc thù ngành học hoặc dữ liệu sinh viên trúng tuyển những năm trước.
GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, quy đổi điểm trúng tuyển tuy nghe phức tạp nhưng thực chất là biện pháp hiệu chỉnh kỹ thuật dựa trên lý thuyết khảo thí nhằm đảm bảo công bằng giữa các tổ hợp.
Ông Hà đưa ví dụ, nếu môn A có điểm trung bình là 5 và môn B là 7 thì học sinh đạt 6 điểm ở môn A xứng đáng được đánh giá cao hơn học sinh đạt 6 điểm ở môn B.
"Tuy nhiên, nếu chỉ cộng điểm thô thì sự chênh lệch này không thể hiện được. Do đó, lý thuyết khảo thí sẽ giúp quy đổi điểm giữa các tổ hợp một cách khoa học, công bằng hơn", ông Hà chia sẻ.

Ông cũng lưu ý thí sinh không cần phải tự thực hiện quy đổi điểm, toàn bộ quá trình này sẽ do Bộ và các trường thực hiện. Việc của thí sinh chỉ là đăng ký đúng và đủ nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh chung.
Theo quy định hiện hành, mỗi thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất đủ điều kiện sau khi hệ thống lọc ảo hoàn tất.
Vì vậy, việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng đúng cách có ý nghĩa rất lớn đối với kết quả trúng tuyển. Cô Trần Thị Thơ, giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) chia sẻ: "Thí sinh nên sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự từ cao đến thấp, không nên đặt ngành yêu thích ở thứ tự quá thấp sẽ dễ bỏ lỡ cơ hội".

Để tối ưu khả năng trúng tuyển, thí sinh nên chia nguyện vọng thành 3 nhóm gồm: nguyện vọng mơ ước (điểm chuẩn cao hơn điểm thi), nguyện vọng vừa (phù hợp năng lực thực tế) và nguyện vọng an toàn (điểm chuẩn thấp hơn để dự phòng).
Mỗi thí sinh nên có ít nhất một đến hai nguyện vọng ở nhóm dự phòng để giảm rủi ro khi điểm chuẩn tăng bất ngờ.
Bên cạnh việc lựa chọn ngành học theo điểm số, cô Thơ còn khuyên các em nên nghiên cứu kỹ chương trình đào tạo, định hướng nghề nghiệp, học phí, môi trường học tập và cả các chính sách hỗ trợ sinh viên của nhà trường. Việc tham khảo điểm chuẩn các năm trước và cập nhật dự báo năm nay cũng là những căn cứ quan trọng để đưa ra lựa chọn hợp lý.

PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học CMC đưa ra 3 nguyên tắc giúp thí sinh chọn ngành, chọn trường hiệu quả.
Trước hết, thí sinh cần hiểu rõ bản thân phù hợp với ngành nghề nào, mong muốn điều gì trong tương lai.
Thứ hai, nên ưu tiên các ngành nghề được Nhà nước quan tâm, có chiến lược phát triển như khối ngành STEM, kỹ thuật bán dẫn. Hiện nay, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo khoảng 80.000 kỹ sư STEM mỗi năm và khoảng 50.000 nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, đòi hỏi nhu cầu nhân sự chất lượng cao rất lớn.
Cuối cùng, thí sinh nên chọn những trường có mô hình đào tạo gắn liền với thực tiễn, hợp tác với doanh nghiệp trong chương trình giảng dạy.
Những môi trường này sẽ giúp sinh viên được rèn luyện kỹ năng thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, tăng khả năng thích nghi và hội nhập khi tốt nghiệp.
Theo ông Tùng, nên ưu tiên cao cho những trường và ngành nghề hội tụ đủ các tiêu chí trên, còn những lựa chọn mang tính phong trào như theo bạn bè, theo mong muốn của phụ huynh chỉ nên chiếm khoảng 5% trong tổng số nguyện vọng đăng ký.