Xin cơ chế đặc thù: Đừng thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào!

Thứ sáu, 27/05/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Việc trao một số cơ chế, chính sách đặc thù cho một số đô thị đặc biệt như Khánh Hòa được xem là điều hợp lý, tuy nhiên, không ít ý kiến bày tỏ quan ngại trước xu hướng “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” khi nhiều địa phương cũng đang “nhăm nhe” xin cơ chế đặc thù.

Một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận đầu tiên và ngay lập tức làm “nóng” nghị trường kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV là việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Việc trao một số cơ chế, chính sách đặc thù cho một số đô thị đặc biệt như Khánh Hòa được xem là điều hợp lý, tuy nhiên, không ít ý kiến bày tỏ quan ngại trước xu hướng “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” khi nhiều địa phương cũng đang “nhăm nhe” xin cơ chế đặc thù.

Tại nghị trường kỳ họp thứ 3 này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ: Không phải địa phương nào “xin” cơ chế đặc thù cũng được mà phải có căn cứ cụ thể, chặt chẽ.

Từ câu chuyện “van, khóa” cho cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa

Địa phương nào cũng quan trọng, nhưng tỉnh Khánh Hòa hết sức quan trọng. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định rõ yêu cầu cần có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó nêu rõ Khánh Hòa phải trở thành một trong những hình mẫu về kết hợp giữa phát triển kinh tế, quốc phòng và an ninh. Do đó, cần thể chế hóa chủ trương của Đảng, tạo điều kiện để Khánh Hòa thực hiện được mục tiêu này”, đó là nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về việc cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội cho phép tỉnh Khánh Hòa được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Không chỉ Khánh Hòa, đứng ở góc độ pháp lý, “chính sách đặc thù” là yếu tố khiến hệ thống quy định pháp luật thêm phức tạp, thậm chí ở góc độ nào đó xung đột với nguyên tắc pháp luật phải thống nhất.

Thế nhưng thực tế cũng cho thấy Việt Nam có 63 tỉnh, thành, đặc điểm dân số tự nhiên kinh tế - xã hội khác nhau, như một phường của TP.HCM có thể có số dân bằng vài huyện của tỉnh khác cộng lại; nếu quy định “cứng” mỗi phường chỉ có 1 cán bộ địa chính, thì không thể có “siêu nhân” nào làm hết từng đó công việc.

Vì vậy, ở giai đoạn hiện nay, việc Quốc hội xem xét, cân nhắc, trao một số cơ chế, chính sách đặc thù cho các đô thị đặc biệt, hay các đô thị loại 1 là điều hợp lý.

xin co che dac thu dung thay nguoi ta an khoai cung vac mai di dao hinh 1

Khánh Hoà.

Trở lại câu chuyện của Khánh Hòa. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ việc ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã làm ngày, làm đêm để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. So với bản dự thảo ban đầu, các cơ chế chính sách trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội đã được rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, một số cơ chế chính sách không khả thi, không thiết thực đối với sự phát triển của Khánh Hòa đã được loại ra, đồng thời bổ sung một số chính sách mới. 

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng không quên lưu ý rằng: Dự thảo nghị quyết quy định rất chặt chẽ từ thẩm quyền, điều kiện đến khuyến cáo trong tổ chức thực hiện để tránh “mới vào đo vẽ thì giá đất đã tăng”. “Van, khóa cũng nhiều, chặt chẽ nên không làm tùy tiện được đâu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cơ chế đặc thù: Không phải phong trào, không phải xin cho

Cho tới nay, trước Khánh Hòa, vấn đề cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện cho địa phương phát triển đã áp dụng với 8 tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ. Tuy nhiên, có nhiều tỉnh, thành dường như cũng đang “nhăm nhe” có được cơ chế này.

Đơn cử như tại kỳ họp thứ 3 lần này, khi Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Phan Huỳnh Sơn (tỉnh An Giang) cho rằng trong số 11 chính sách có tới 8 chính sách nhiều tỉnh khác cũng mong muốn, chẳng hạn 4 cơ chế chính sách về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước.

Cách đây hơn nửa năm, ngay tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đã nhận diện ra xu hướng này. ĐB Trương Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn tạo điều kiện cho các địa phương phát huy chính sách đặc thù và có sự giám sát đừng để lan rộng trở thành “phong trào... khắp nơi xin cơ chế, chính sách đặc thù”. Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, phải xác định rõ, chính sách đặc thù chỉ nên áp dụng ở các địa bàn có đặc thù.

Đại biểu Cầm Hà Chung - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ cũng cho rằng, thực tế hiện nay nhiều địa phương muốn có cơ chế đặc thù để tháo gỡ điểm nghẽn, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều địa phương có nghị quyết của Trung ương, có địa phương nằm trong vùng trọng điểm kinh tế, an ninh quốc phòng như: Tây Nguyên; Tây Bắc; Tây Nam Bộ.

Vị ĐBQH là Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ cũng đề nghị: Phải có tiêu chí thì mới có thể giải thích với nhân dân, tránh cơ chế xin cho, quyết định cảm tính. Xác định mục tiêu, thứ tự ưu tiên để Quốc hội xem xét, lựa chọn thực hiện thí điểm, xem xét lựa chọn một số địa phương đại diện các vùng miền, đáp ứng tiêu chí, thứ tự ưu tiên, kết hợp các địa phương được Quốc hội xem xét lần này để thực hiện thí điểm. Trên cơ sở đó, tổng kết hoàn thiện khung pháp lý để thực hiện trên toàn quốc.

Cũng đồng tình với quan điểm cho  rằng việc thí điểm cơ chế đặc thù của các địa phương trên không phải là cơ chế xin cho, Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh kiến nghị cần có tiêu chí để mang tính đại diện thí điểm chính sách bởi nếu các tỉnh khác cũng xin cơ chế đặc thù thì tỉnh nào cho và không cho.

Quan trọng nhất là phải kích hoạt được lợi thế, tiềm năng của từng tỉnh, thành, không có “cơ chế đặc thù đại trà”

Đua nhau xin cơ chế đặc thù nhưng theo các chuyên gia, điều tiên quyết là các tỉnh, thành phải hiểu mục tiêu cao nhất của chính sách đặc thù. Theo các Nghị quyết của Quốc hội, các tỉnh, thành được thí điểm cơ chế đặc thù được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, chủ động và linh hoạt quyết định một số vấn đề liên quan về nguồn lực đất đai, tài chính, con người... để phát huy thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế - xã hội. Mục đích, các cơ chế này phải phát huy tác dụng tích cực, tạo tiền đề để địa phương phát triển, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tạo tác động lan tỏa.

xin co che dac thu dung thay nguoi ta an khoai cung vac mai di dao hinh 2

Cần Thơ.

Trong các cơ chế đề xuất cho Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, tôi cho rằng chưa thể hiện được những nét riêng biệt, nổi bật của từng địa phương. Các cơ chế đề xuất chưa góp phần giúp các địa phương bứt phá rõ rệt với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, mà mang nhiều nét tương đồng. Ví dụ như TP. Hải Phòng nổi bật về kinh tế biển, Thừa Thiên - Huế thế mạnh du lịch, di sản…

Theo tôi, cơ chế đặc thù là đưa ra những quy định tương thích với đặc điểm riêng biệt của từng địa phương, có chính sách tương ứng để phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo ra những nguồn lực quan trọng cho địa phương đó.

Với đặc điểm, lợi thế riêng, nếu địa phương đó sử dụng một cơ chế chung, chính sách chung cho cả nước thì sẽ không khai thác, phát huy được. Cơ chế, chính sách ban hành phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện cho các địa phương quyết định những vấn đề khác trong phát triển kinh tế - xã hội, có thể kể đến việc kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn lực” - GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân từng bày tỏ quan điểm.

Muốn làm được vậy, việc cần làm ngay trước mắt là mau chóng có tổng kết ở những nơi đã áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để rút ra những gì hợp lý – về tổ chức bộ máy hành chính, một số vấn đề về đất đai, tài nguyên, dân cư – thì có thể phổ biến thành luật chung, áp dụng cho 63 tỉnh thành trong cả nước. Như vậy, các địa phương không có cơ chế đặc thù cũng được thụ hưởng chính sách và sẽ có lợi chung cho đất nước.

Tôi thấy đánh giá tác động chưa rõ, cho cơ chế này thì sau 5 năm anh đạt được cái gì. Có mục tiêu để đánh giá chính sách tác động đến địa phương, đến cơ sở thế nào”, Đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục nêu quan điểm.

xin co che dac thu dung thay nguoi ta an khoai cung vac mai di dao hinh 3

Khu kinh tế Vân Phong.

 “Các cơ quan hữu quan sẽ tổng kết các mặt được, mặt hạn chế, từ đó hoàn thiện các chính sách, cơ chế và nhân rộng trong một vùng hoặc trên cả nước.

Việc tổng kết, đánh giá cơ chế thí điểm cũng giúp sửa đổi những bất cập của cơ chế chung. Như vậy, các địa phương không có cơ chế đặc thù cũng được thụ hưởng chính sách và sẽ có lợi chung cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Việc thí điểm sẽ tạo sự bình đẳng giữa các địa phương có cùng điều kiện phát triển như nhau, tạo sự thống nhất trong quản lý. Lúc này, chúng ta cũng không còn e ngại về tình trạng cơ chế đặc thù “đại trà”",  GS.TS Hoàng Văn Cường cũng cùng chung quan điểm.

Đã là đặc thù thì không thể có đặc thù “đại trà”, “đặc thù phong trào”. “Nếu cả 10 tỉnh đều xin cơ chế chính sách như vậy sẽ trở thành phổ biến, không thể gọi là đặc thù” - nhắc nhở ấy của Thủ tướng Phạm Minh Chính có lẽ sẽ khiến nhiều địa phương đang tính tới chuyện xin cơ chế đặc thù phải lưu tâm.

Hồng Hà

Bình Luận

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn