(NB&CL) Cách đây 79 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc Việt Nam vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Và để thời khắc thiêng liêng ấy diễn ra trọn vẹn, là cả nỗ lực rất lớn, hết sức gấp rút cùng sự dày công chuẩn bị, trong đó có hành trình Bác rời Tân Trào về Hà Nội, chuẩn bị cho Lễ Độc lập, soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập.
Những ngày trung tuần tháng Tám cách đây 79 năm, Thủ đô Khu giải phóng Tân Trào thêm phần rộn rã, tưng bừng bởi liên tiếp những hoạt động chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Trong đó, tâm điểm là Hội nghị toàn quốc của Đảng (ngày 14-15/8) và Đại hội quốc dân (16- 17/8). Hội nghị toàn quốc của Đảng đã quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa và cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Trước đó, trong đêm 13/8, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1. Ngay sau Hội nghị toàn quốc của Đảng, ngày 16/8, Quốc dân Đại hội khai mạc tại Tân Trào, tán thành và ủng hộ chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh; thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; quy định Quốc kỳ là nền đỏ, giữa có ngôi sao vàng 5 cánh, Quốc ca là bài Tiến quân ca. Từ Tân Trào, hưởng ứng lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng dậy làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Cũng ngay sau đó, ngày 18/8/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi tổng khởi nghĩa tới đồng bào cả nước, trong đó khẳng định: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ, sau khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở xã Thanh La và châu Tự Do từ tháng 3/ 1945, chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 đến 28/8/1945), cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã diễn ra mau lẹ, quyết liệt và thành công trên phạm vi cả nước.
Riêng tại Hà Nội, sáng ngày 18/8, cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện trên các đường phố. Sáng 19/8, hàng chục vạn nhân dân nội, ngoại thành xuống đường hướng về Quảng trường Nhà hát thành phố. 11h, ủy ban Khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa. Ngay tối ngày 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội đã thắng lợi hoàn toàn, chính quyền đã về tay nhân dân.
Ngay sau khi Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định về Hà Nội để tiếp tục chỉ đạo công cuộc giành chính quyền đang diễn ra sôi động trên cả nước, gấp rút chuẩn bị công việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Từ chủ trương ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 21/8/1945, nhiều ủy viên Trung ương Đảng đã về Hà Nội. Sau đó mấy ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) cũng về tới Hà Nội.
Thời điểm ấy, theo nhiều tài liệu, tuy đã khỏi sau mấy ngày sốt cao nhưng Người vẫn còn mệt, gầy sút, xanh xao, duy đôi mắt vẫn sáng long lanh. Trước đó, trong những ngày cả nước hừng hực khí thế tổng khởi nghĩa, Bác đã phải chống chọi với những cơn sốt rét rừng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhớ lại: “Vừa giảm cơn sốt, Bác Hồ dậy làm việc ngay trong đêm. Cả nước lúc này đang rùng rùng chuẩn bị khởi nghĩa. Bác Hồ nói với anh chị em xung quanh đang săn sóc Bác: “Chiến tranh chống Đức - Ý - Nhật đã thắng lợi. Các nước lớn đang chia phần. Những nước thuộc địa chẳng được gì dù là phần nhỏ bé. Chỉ có chiến đấu, tiếp tục chiến đấu, lấy sức ta mà giải phóng cho ta...”.
Ngày 21/8/1945, Bác Hồ vẫn sốt lai rai. Bác đắng miệng không muốn ăn uống gì, chóng mặt, đau đầu. Người cố ăn hết bát con cháo. Đến chiều tối, cơn sốt lui dần. Ngay đêm đó đồng chí Trần Đăng Ninh đưa Bác lên ôtô về thị xã Thái Nguyên vừa giành được chính quyền ngày 20/8/1945, sau đó về Hà Nội.
Nơi đầu tiên Bác đặt chân khi về đến Hà Nội là một căn nhà nhỏ ẩn khuất ven bờ sông Hồng, nằm trong thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo lời kể của ông Công Ngọc Dũng, hiện là người trông coi, quản lý ngôi nhà đặc biệt này, do vị trí kín đáo, lại nằm trong vùng an toàn khu ngoại thành Hà Nội (Phú Gia và Phú Xá vốn là cơ sở cách mạng vững chắc những năm 1941-1945, nhân dân giác ngộ, một lòng theo cách mạng, từng nuôi và bảo vệ an toàn cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng cùng nhiều cán bộ cao cấp của Đảng) nên ngôi nhà được đồng chí Hoàng Tùng - cán bộ cách mạng hoạt động ở xã Phú Thượng lúc bấy giờ lựa chọn làm địa điểm dừng chân của Bác Hồ khi Người từ chiến khu Việt Bắc trở về.
Theo nhiều tài liệu ghi lại, trong ba ngày nghỉ lại tại đây (từ ngày 23/8 đến 25/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp làm việc với các đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng, cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng… về kết quả Tổng khởi nghĩa trong cả nước và chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2/9/1945.
Ngày 25/8/1945, đúng 15h đồng chí Trường Chinh lên Phú Gia đón Bác vào nội thành. Trên đường về, xe đi trên đường Yên Phụ, Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Mã rồi đến ngôi nhà số 48 Hàng Ngang- di tích nay đã trở thành rất nổi tiếng.
Ngôi nhà thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, một doanh nhân buôn tơ lụa nổi tiếng giàu có đồng thời cũng là những con người giàu tâm huyết với cách mạng.
Ngôi nhà có hình ống, nằm gần cuối phố Hàng Ngang, nơi buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ. Nhà hai mặt phố, gắn số 48 là mặt tiền phố Hàng Ngang, gắn số 35 là mặt tiền phố Hàng Cân, có thể rút nhanh khi bị động.
“Trước đó, đồng chí Trường Chinh đã về kiểm tra ngôi nhà theo chỉ thị của Bác. Ông vẽ rất kỹ sơ đồ nhà 48 Hàng Ngang, đưa lên an toàn khu ở Thái Nguyên cho Bác kiểm tra. Vì vậy Bác đã chấp thuận về đây chuẩn bị cho buổi ra mắt ngày Tuyên ngôn độc lập” – Anh Trịnh Cần Chính, con trai cụ Hoàng Thị Minh Hồ lý giải về nguyên do Thường vụ Trung ương Đảng chọn ngôi nhà 48 Hàng Ngang làm nơi đón Bác Hồ về Hà Nội.
Khẩn trương chuẩn bị cho Lễ độc lập
Cũng chính những ngày cuối tháng 8/1945, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tục họp bàn về việc chuẩn bị cho Lễ độc lập ngày 2/9/1945. Chiều 26/8/1945, sau khi nghe báo cáo tình hình khởi nghĩa ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ tọa phiên họp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, để bàn những nhiệm vụ cấp bách của nhà nước cách mạng. Tại cuộc họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất trí với chủ trương của Ban Thường vụ mở rộng thành phần Ủy ban giải phóng dân tộc và sớm công bố danh sách của Ủy ban cho toàn dân biết, chuẩn bị bản Tuyên ngôn Độc lập và tổ chức cuộc mít-tinh lớn ở Hà Nội để Ủy ban giải phóng dân tộc ra mắt nhân dân. Ngày ra mắt của Ủy ban cũng là ngày Việt Nam tuyên bố thành lập chính thể dân chủ cộng hòa.
Ngày 27/8, Bác Hồ triệu tập cuộc họp Ủy ban Dân tộc giải phóng. Tại cuộc họp này, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam do Quốc dân Đại hội (Tân Trào) bầu ra được cải tổ thành Chính phủ cách mạng lâm thời, nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các đảng yêu nước và những nhân sĩ tiến bộ, với tuyên cáo: Đây “là một chính phủ quốc gia thống nhất giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ Dân chủ Cộng hoà chính thức”. Ngày 28/8/1945, phái đoàn đại diện của Chính phủ Trung ương đã vào Huế để tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại, vị vua cuối cùng của vương triều phong kiến Việt Nam.
Việc soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập cũng là một đầu việc rất quan trọng nữa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo nhiều tài liệu, sau rất nhiều ấp ủ, trao đổi, nghĩ suy, đêm 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo Bản Tuyên ngôn độc lập tại số nhà 48 Hàng Ngang.
Theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trong căn nhà nhỏ, thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thẳm nằm giữa một trong ba mươi sáu phố phường cổ kính của Hà Nội, Bác ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy. Những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi đó làm gì. Mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần giúp đỡ, cụ quay lại mỉm cười, chuyện trò đôi câu. Lần nào cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ. Họ không biết mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử”.
Đại tá Thế Kỷ - người giúp việc cho ông Vũ Kỳ - thư ký cho Bác Hồ dẫn lại những hồi ức của ông Vũ Kỳ về những ngày đêm lịch sử ấy: “Kể từ ngày thứ ba, 28/8/1945, tức 21/7 năm Ất Dậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung vào việc soạn thảo Tuyên ngôn độc lập. Trên gác hai nhà 48 Hàng Ngang… Suốt mấy ngày liền, Bác tập trung suy nghĩ rồi tự đánh máy bên chiếc bàn con kê sát tường góc phía trong…. Nửa đêm hôm ấy tôi chợt thức giấc thấy Bác vẫn ngồi chăm chú làm việc. Hà Nội sau một ngày sôi động đang đi vào yên tĩnh. Đêm mùa thu, trên căn gác thoáng rộng, không khí mát lành. Tôi trở dậy, bước thật nhẹ ra phía hành lang, nhìn xuống đường. … Chỉ mới cách đây hơn một tuần, Hà Nội còn là một thành phố bảo hộ, mật thám như rươi, chỉ thoáng thấy màu cờ đỏ là cả bộ máy cai trị của kẻ thù lồng lên như thú dữ. Thế mà giờ đây cờ đỏ phấp phới tung bay khắp phố phường. Và đêm nay, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - người từng bị bọn thực dân kết án tử hình - đang ngồi giữa lòng Hà Nội soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập để mai đây, tuyên bố trước quốc dân đồng bào, tuyên bố trước toàn thế giới nước Việt Nam đã trở thành một nước Việt Nam độc lập, tự do”.
Ngày 30/8/1945, Bác hoàn thành bản dự thảo Tuyên ngôn độc lập. Trong cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tác giả Trần Dân Tiên, trang 122, đã viết: Chủ tịch Hồ Chí Minh trào dâng niềm xúc động, vì trong quá trình hoạt động cách mạng “đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy”.
Với sự thận trọng hết mực, bản Tuyên ngôn độc lập còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi, lấy ý kiến đóng góp vì theo quan điểm của Người, bản Tuyên ngôn độc lập sẽ được đọc không phải chỉ để đồng bào cả nước ta nghe, mà còn cho cả Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp, cho cả các nước đồng minh nghe.
Đến ngày 31/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định bổ sung một số điểm vào bản Tuyên ngôn, hoàn chỉnh bản khai sinh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngay sau đó, Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh dự thảo được Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhất trí thông qua.
Công tác tổ chức cho ngày lễ tuyên bố độc lập cũng hết sức gấp rút. Theo hồi ức của ông Nguyễn Hữu Đang, khi ấy mới 32 tuổi, lúc đó là thủ lĩnh của hai phong trào đang có ảnh hưởng trong quần chúng và trí thức là Truyền bá Quốc ngữ và Văn hóa Cứu quốc, người được Bác Hồ trực tiếp giao trách nhiệm lo tổ chức ngày Lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9.
Ba Đình nắng đón Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Sau tất cả những nỗ lực, khẩn trương, dày công chuẩn bị, đúng ngày giờ ấn định, lễ đài Độc lập đã sừng sững uy nghi giữa Quảng trường Ba Đình. Ngày 2/9/1945, từ sáng sớm, cả Hà Nội bừng lên trong màu cờ đỏ sao vàng và đèn, hoa rực rỡ. Nhân dân thành phố và các vùng lân cận đã cuồn cuộn đổ về quảng trường Ba Đình.
Ngày 2/9/1945, trong hồi ức của ông Vũ Kỳ, thư kí của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hà Nội tưng bừng màu đỏ, bát ngát cờ, đèn và hoa. Biểu ngữ bằng các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Hoa, Nga chăng khắp các đường phố: “Nước Việt Nam của người Việt Nam!”, “Đả đảo chủ nghĩa thực dân Pháp!”, “Độc lập hay là chết!”, “Ủng hộ Chính phủ lâm thời!”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh!”, “Hoan nghênh phái bộ Đồng Minh!”…
Các nhà máy, các cửa hiệu buôn to, nhỏ đều nghỉ việc. Chợ búa không họp. Mọi hoạt động buôn bán, sản xuất của thành phố tạm ngừng, đồng bào Thủ đô già, trẻ, gái, trai đều xuống đường. Mọi người đều thấy mình cần phải có mặt trong ngày hội lớn đầu tiên của đất nước.
Những dòng người từ khắp các ngả hướng về vườn hoa Ba Đình. Hàng chục vạn nông dân từ ngoại thành kéo vào. Những chiến sĩ dân quân mang theo côn, kiếm, mã tấu. Có những người vác theo cả những quả chuỳ đồng, những thanh long đao rút ra từ những giá vũ khí bày trang trí trong các điện thờ.
Trong hàng ngũ của các chị em phụ nữ nông thôn với những bộ quần áo ngày hội, có những người vấn khăn vàng, mặc áo tứ thân, thắt lưng hoa lí. Những cụ già vẻ mặt nghiêm trang. Những cô gái Thủ đô hớn hở, áo màu rực rỡ. Rộn ràng là các em thiếu nhi. Theo nhịp còi của các anh, các chị phụ trách, các em khua rền trống ếch, giậm chân bước đều, hát vang những bài ca cách mạng”.
Còn trong kí ức của Tổng Bí thư Trường Chinh, người tham gia cuộc mít tinh tuyên bố Độc lập chào mừng Chính phủ lâm thời, ngày 2/9/1945: “Quảng trường Ba Đình khoác bộ áo mới. Nắng mùa thu tỏa sáng bầu trời, cây cối, phố phường. Cả Hà Nội là một rừng cờ sao, hoa. Một cuộc mít tinh khổng lồ chưa từng thấy trong lịch sử Thủ đô. Gần 1 triệu đồng bào đủ các tầng lớp, đủ các lứa tuổi, đủ các giới từ các ngả đổ về vườn hoa Ba Đình dự ngày hội lớn của dân tộc. Hơn 20 triệu đồng bào toàn quốc hân hoan hướng về ngày lễ. Bầu bạn thế giới gần xa vui mừng chờ đón”.
Đúng 14 giờ ngày 2/9/1945, trong không khí trang nghiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, tuyên bố với toàn thể nhân dân, với thế giới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do ra đời. Như lời đồng chí Trường Chinh: “Chế độ mới đã khai sinh, cuộc đời đã đổi thay, kỉ nguyên mới của dân tộc đã mở ra, tương lai của dân tộc, của mỗi người Việt Nam đã nắm chắc trong tay”.
Từ căn cứ địa Tân Trào đến quảng trường Ba Đình lịch sử - Đảng ta và Bác Hồ đã đi trọn một hành trình vô cùng gian khó những cũng đầy ắp tự hào, tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công, mang đến kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.
(CLO) Ngày 16/9, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, tính đến 19h ngày 15/9, các quận, huyện, thị xã đã sơ tán 78.747 người tránh bão, lụt.
(CLO) Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn trân trọng cảm ơn Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam và các chuyên gia cứu trợ của Thụy Sĩ đã dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt đối với các tỉnh chịu thiệt hại do bão lũ gây ra.
Chính phủ New Zealand đã công bố khoản đóng góp 1 triệu đô la New Zealand (hơn 617.000 USD, tương đương hơn 15 tỷ đồng) nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam khắc phục hậu quả nặng nề của bão số 3 (Yagi).
(CLO) Bão số 3 đã gây ra những hậu quả, thiệt hại nặng nề về tài sản và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Sau bão, chính quyền cùng người dân hối hả dọn dẹp để khôi phục ổn định cuộc sống.
(CLO) Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc vừa ký các quyết định xuất cấp lương thực, vật tư, trang thiết bị, hóa chất khử khuẩn từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương là: Hưng Yên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Điện Biên và Bộ Y tế khắc phục hậu quả cơn bão số 3.