80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam 1943: Tầm nhìn thời đại cho một Việt Nam phát triển nhanh, bền vững

Bài 1: Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam

Thứ năm, 09/02/2023 09:47 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943” là bản tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa, có vai trò định hướng cho nhận thức và phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ của toàn Đảng, toàn dân ta.

LTS: Ra đời cách đây đã tròn 80 năm, nhưng những ý nghĩa, định hướng, nguyên tắc đặt ra trong “Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943” vẫn nguyên vẹn giá trị. Đề cương là nền tảng tư tưởng quan trọng để Đảng ta tiếp tục phát triển quan điểm, đường lối xây dựng, chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa, con người Việt Nam trong hành trình đổi mới, hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong hồi ký của mình đã viết: “Đề cương Văn hóa năm 1943 của Đảng với phương châm “Dân tộc, Đại chúng, Khoa học” đã thu hút nhiều nhà văn hóa, nhà văn, nhà nghệ sĩ từ bỏ tháp ngà lên đường đấu tranh cách mạng… Hơn thế nữa, “Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943” là bản tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa, có vai trò định hướng cho nhận thức và phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ của toàn Đảng, toàn dân ta.

Từ tầm nhìn xa trông rộng và tư duy chiến lược của Ðảng ta

Việt Nam đầu những năm 40 thế kỷ XX là một Việt Nam đầy rối ren và phức tạp. Thực dân Pháp đã biến Việt Nam thành thuộc địa kiểu cũ, nhưng nước Pháp lại thua trận rơi vào tay phát xít Đức và phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương (9/1940). Nhân dân ta lầm than trong tình cảnh một cổ ba tròng (phong kiến, thực dân Pháp, phát xít Nhật áp bức).

Không chỉ bần cùng về kinh tế, đất nước còn bị bóp nghẹt, ngột ngạt về tinh thần, quân phát xít và thực dân đã cấu kết với bè lũ tay sai, dùng các thủ đoạn dã man, tàn ác, kể cả thủ đoạn “trói buộc văn hoá và giết chết văn hoá Việt Nam” để thực hiện mưu đồ xâm lược của chúng.

bai 1 cuong linh van hoa dau tien cua dang cong san viet nam hinh 1

Bản “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943, được đăng toàn văn trên Tạp chí Tiên Phong số 1. Ảnh: baotanglichsu.vn

Điều đáng quan ngại hơn cả là đội ngũ trí thức Việt thời điểm đó trở nên hết sức phân tán, chia rẽ, thậm chí nhiễu loạn, phức tạp khi một bộ phận thì quay sang bài Pháp, “đổi hướng” chuyển sang chê bai và miệt thị văn hóa phương Tây. Thời điểm đó, phát xít Nhật lợi dụng văn hóa với nhiều hình thức, phương tiện, tuyên truyền cho thuyết Đại Đông Á của chúng.

Với chiêu bài “đồng chủng, đồng văn” chúng dễ dàng đánh lừa nhiều người dân, nhiều trí thức nghe theo, tung lời ca ngợi. Trong khi đó, một bộ phận trí thức khác thì lại cố tỏ rõ lòng trung thành với Pháp, tung hô khẩu hiệu “Pháp - Việt phục hưng”, hết lòng ca ngợi công lao “khai sáng” của Pháp. Một số trí thức cực đoan dưới sự hậu thuẫn của Pháp, đã chuyển sang công khai chống lại Đảng Cộng sản Đông Dương, phủ nhận và bôi nhọ lịch sử dân tộc.

Một bộ phận trí thức khác thì dù giàu lòng tự tôn dân tộc, khát khao về dân chủ và tự do, nhưng do chưa được thức tỉnh về con đường giải phóng dân tộc nên, hoặc là còn đang mò mẫm tìm đường, hoặc ngồi yên nghe ngóng, chờ thời hoặc vùi mình trong những thú vui, những trò tiêu khiển, ăn chơi…

Trong bối cảnh ấy, để thức tỉnh được tầng lớp trí thức đang bị chia rẽ, qua đó thức tỉnh được quần chúng nhân dân, Đảng phải có một đường lối văn hóa thực sự đúng đắn, khoa học và phù hợp. Đường lối này phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, thu phục được tầng lớp trí thức, thống nhất được nhận thức của họ. Nó cũng phải bảo đảm tính lô-gíc, ngắn gọn và dung dị để dễ dàng truyền bá tới quảng đại quần chúng trong điều kiện Đảng chưa ra hoạt động công khai.

Đặc biệt, đường lối này cũng phải thể hiện rõ nguyên tắc tính Đảng, tính chiến đấu nhằm hiệu triệu toàn dân theo Đảng bước vào một mặt trận đầy cam go, nhưng sẽ quyết định tương lai của toàn dân tộc - mặt trận văn hóa. Đảng cũng xác định phải có các tổ chức và đội ngũ cán bộ hoạt động về văn hóa, văn nghệ để gây dựng và thúc đẩy phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc nhằm chống lại văn hóa phát xít thụt lùi, văn hóa phong kiến bảo thủ, lạc hậu...

Tháng 2/1943, Đảng ta soạn thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam để gửi thông điệp khoa học lý luận về cách mạng văn hóa đến cho đảng viên, cho văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà văn hóa và quảng đại quần chúng nhân dân. Bản Đề cương này do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh chắp bút và đã được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại xã Võng La, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (nay là Đông Anh, Hà Nội). 

Bản hịch về văn hóa

Với cách trình bày ngắn gọn và khái quát, Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 được chia thành 5 phần: Cách đặt vấn đề; Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam; Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam; Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mác xít Đông Dương và nhất là những nhà văn hóa mác xít Việt Nam.

Đề cương thể hiện các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc như sau:

(1) Xác định rõ nội dung, phạm vi, vị trí, vai trò của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đề cương nêu rõ: văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật; quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động, không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. Đồng thời, có lãnh đạo được phong trào văn hóa Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.

(2) Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng lãnh đạo. Trên cơ sở chỉ rõ tính chất văn hóa Việt Nam trong quá khứ và hiện tại (1943), chỉ rõ những nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật - Pháp; những thủ đoạn của Nhật - Pháp trói buộc và giết chết văn hóa Việt Nam; dự kiến về tiền đồ văn hóa Việt Nam, Đề cương khẳng định cách mạng nhất định thắng lợi, văn hóa Việt Nam sẽ cởi được xiềng xích, đuổi kịp văn hóa mới, tiến bộ trên thế giới. Muốn vậy, phải làm cách mạng về văn hóa, “cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”.

(3)  Để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta phải nắm vững “ba nguyên tắc vận động”, đó là: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Trong đó, dân tộc hóa là chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập. Đại chúng hóa là chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng, con người phải là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động văn hóa. Khoa học hóa là chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ, biết bảo tồn, chắt lọc những nét đẹp truyền thống dân tộc, đồng thời phải chống những cái cũ kỹ, lạc hậu, dị đoan.…

Trong bối cảnh xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, khi mà “văn hóa nửa phong kiến, nửa tư sản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa” đang thống trị, thì Đề cương về văn hóa Việt Nam là ngọn đuốc lý luận rực sáng, soi đường và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn Đảng, toàn dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, tiến lên xây dựng chế độ mới, nền văn hóa mới.

Như lời Viện sĩ Hoàng Trinh thì Ðề cương là “một văn kiện cứu nước, một bản hịch văn hóa”, còn nhà thơ Huy Cận thì cho rằng: “Bản Ðề cương chứa chan tinh thần dân tộc, tinh thần cố hữu của giống nòi, đồng thời nó cũng mở ra triển vọng xây dựng một nền văn hóa mới sau khi giải phóng, hợp với xu thế của thời đại”.

Hà Trang

Bình Luận

Tin khác

'Bữa tiệc của Elsa'- vở nhạc kịch đậm chất nhân văn

'Bữa tiệc của Elsa'- vở nhạc kịch đậm chất nhân văn

(CLO) Vở nhạc kịch “Bữa tiệc của Elsa” sẽ đưa các em nhỏ vào thế giới vui nhộn, ngộ nghĩnh, đáng yêu và thấm đẫm nhân văn.

Đời sống văn hóa
Cây hoa phượng vĩ bung nở rực rỡ 'gây sốt' tại Đông Anh

Cây hoa phượng vĩ bung nở rực rỡ 'gây sốt' tại Đông Anh

(CLO) Những ngày tháng 5, các bạn trẻ cùng nhiều chị em phụ nữ ở Hà Nội đua nhau kéo về thôn Đầm, xã Vân Nội, huyện Đông Anh để check in bên cây hoa phượng vĩ đang khoe sắc đỏ rực rỡ cả một góc trời.

Đời sống văn hóa
Lâm Đồng ra mắt mô hình văn hóa cồng chiêng du lịch của đồng bào K'Ho

Lâm Đồng ra mắt mô hình văn hóa cồng chiêng du lịch của đồng bào K'Ho

(CLO) Câu lạc bộ văn hóa cồng chiêng được xây dựng phù hợp với đời sống văn hóa, phong tục tập quán của tộc người K’Ho tại xã Tà Nung trước nguy cơ bị mai một.

Đời sống văn hóa
Đại lễ Phật đản năm 2024 tại Hà Nam: Ra sức làm các thiện sự, tích cực góp phần xây dựng đất nước

Đại lễ Phật đản năm 2024 tại Hà Nam: Ra sức làm các thiện sự, tích cực góp phần xây dựng đất nước

(CLO) Ngày 19/5 (ngày 12/4 năm Giáp Thìn), chùa Tam Chúc trang trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 – Dương lịch 2024. Hàng nghìn người dân, tăng, ni, phật tử đã tham dự Đại lễ.

Đời sống văn hóa
Siêu mẫu, diễn viên Đức Tiến đột ngột qua đời ở tuổi 44

Siêu mẫu, diễn viên Đức Tiến đột ngột qua đời ở tuổi 44

(CLO) Chiều 19/5 (theo giờ Việt Nam), ca sĩ Đan Kim lên tiếng thông báo siêu mẫu, diễn viên Đức Tiến qua đời ở tuổi 44 ở Mỹ.

Đời sống văn hóa