Trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021:

Đề cương văn hóa Việt Nam - Tuyên ngôn về một nền văn hóa mới

Thứ sáu, 12/11/2021 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đề cương văn hóa - đó là bản Tuyên ngôn đầu tiên và đầy đủ nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam về việc xây dựng một nền văn hóa mới trên đất nước ta với 3 phương châm: Dân tộc, khoa học, đại chúng.

“Đề cương văn hóa - đó là bản Tuyên ngôn đầu tiên và đầy đủ nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam về việc xây dựng một nền văn hóa mới trên đất nước ta. Với 3 phương châm: Dân tộc, khoa học, đại chúng, bản Đề cương không chỉ nhằm đấu tranh trực diện chống chính sách văn hóa ngu dân, phản dân tộc, phản đại chúng mà thực dân Pháp đang áp đặt lên nước ta, mà còn phản ánh được quy luật vận động và phát triển của văn hóa” - đó là nhận định của GS. TS. NGND Trần Văn Bính về Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.

Ra đời trong bão táp thời cuộc

Đề cương về văn hóa Việt Nam - 1943 của Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời trong bối cảnh khá bão táp của thời cuộc lúc bấy giờ: Nhật vào Đông Dương, chế độ phát xít được thiết lập, cuộc thế chiến đang đi gần tới kết thúc, và đất nước bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa.

de cuong van hoa viet nam  tuyen ngon ve mot nen van hoa moi hinh 1

Bản “Đề cương Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943. (Ảnh: baotanglichsu.vn)

Theo Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, trong công cuộc vận động giải phóng dân tộc, bên cạnh việc lãnh đạo nhân dân chuẩn bị lực lượng mọi mặt, tổ chức các cuộc đấu tranh trực diện với địch, Đảng rất chú trọng các công tác trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng. Để chống lại chính sách văn hóa phản động của phát xít Pháp - Nhật và tay sai của chúng, chống lại trào lưu lãng mạn có khuynh hướng cải lương, bi quan, bế tắc, các trường phái bí hiểm, trụy lạc, các tư tưởng đầu hàng, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi...,  Đảng ta chủ trương xây dựng bản Đề cương văn hóa Việt Nam.

Trước bộn bề các công việc cấp bách cần gấp rút chuẩn bị, Tổng Bí thư Trường Chinh bắt tay ngay vào việc soạn thảo Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Và tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) vào tháng 2/1943, bản Đề cương văn hóa Việt Nam đã được thông qua. Đây được coi là một sự kiện chính trị quan trọng, tạo nền tảng ban đầu cho xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới. 

 “Thu tóm được những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam”

Trong dịp kỷ niệm 40 năm Đề cương văn hóa ra đời (1943 - 1983), nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh nhấn mạnh: “Vì trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam… Nhưng Đề cương văn hóa đã thu tóm được những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong điều kiện lúc đó của Việt Nam”.

Bản Đề cương văn hóa Việt Nam được trình bày theo cấu trúc 5 phần: Phần thứ nhất: “Cách đặt vấn đề”; Phần thứ hai: “Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam”; Phần thứ ba: “Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp”; Phần thứ tư: “Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam” và Phần thứ năm: “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mác xít Đông Dương và nhất là những nhà văn hóa mác xít Việt Nam”.

Đề cương khẳng định: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa”.

Đề cương nêu ba nguyên tắc lớn trong cuộc vận động xây dựng nền văn hóa Việt Nam: dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập), đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng) và khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ). Ba nguyên tắc trên luôn thống nhất biện chứng không thể tách rời, phản ánh đúng thực trạng và nhu cầu bức thiết của cuộc vận động văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ.

Đề cương văn hóa cũng nhấn mạnh: “Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng văn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm, v.v... Nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng văn hóa quá trớn của bọn tờrốtkít”.

Tuyên ngôn của Đảng về một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng

Vào những năm tháng trước Cách mạng Tháng Tám mùa thu ấy, bản Đề cương văn hóa Việt Nam có thể nói, đã góp phần thức tỉnh, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xóa bỏ sự nô dịch về văn hóa của chủ nghĩa thực dân. Đồng thời, tập hợp đông đảo những người hoạt động văn hóa yêu nước vào Hội Văn hóa cứu quốc - một thành viên của Mặt trận Việt Minh để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945.

Nói như GS. TS. NGND Trần Văn Bính trong một bài viết trên báo Quân đội Nhân dân: Ở đây có hàng loạt những câu hỏi được đặt ra và cần giải đáp: Nếu không có bản “Đề cương văn hóa năm 1943” với ba phương châm: Dân tộc, khoa học, đại chúng, thì liệu ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, chúng ta có thể huy động sức mạnh to lớn của dân tộc vào sự nghiệp kháng chiến được không? Nếu không có bản đề cương đó, liệu ngay từ đầu kháng chiến, chúng ta có thể huy động một đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đầy tài năng và tâm huyết vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa mới được không? Thiếu sự tham gia tích cực của quần chúng và của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ thì liệu nền văn hóa mới có hình thành và phát triển được không? 

Và hơn thế nữa, như phát biểu của đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại hội thảo khoa học “70 năm Ðề cương Văn hóa Việt Nam” năm 2013, bản “Đề cương văn hóa Việt Nam” do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng soạn thảo là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn và ý nghĩa lịch sử sâu sắc của Đảng ta, được coi là Tuyên ngôn của Đảng về một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng mà chúng ta xây dựng. 70 năm đã đi qua, dân tộc ta, Đảng ta đã trải qua những chặng đường gian khổ, hào hùng, làm nên những thắng lợi vẻ vang.

Bối cảnh tình hình và điều kiện cụ thể đã có nhiều đổi thay, nhưng những nội dung cốt lõi của Đề cương văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam lúc đó, “văn hóa nửa phong kiến, nửa tư sản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa” đang thống trị. Sự ra đời của Đề cương văn hóa Việt Nam là một ngọn đuốc soi đường và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn Đảng, toàn dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc, tiến lên xây dựng chế độ mới, nền văn hóa mới. Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đã cổ vũ, lôi cuốn đông đảo những người yêu nước, những người hoạt động văn hóa yêu nước vào Hội văn hóa cứu quốc, thành viên của mặt trận Việt Minh.

Tại cuộc Hội thảo “Ý nghĩa và giá trị trường tồn của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943” tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm ngày Đề cương ra đời, những giá trị vô giá của Đề cương văn hóa Việt Nam tiếp tục được các nhà nghiên cứu nhấn mạnh một lần nữa. Như khẳng định của PGS. TS Đặng Hữu Toàn - Viện Triết học - Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: Đề cương văn hóa Việt Nam không chỉ có ý nghĩa khoa học, mà còn có ý nghĩa thời đại.

Quan điểm mà Đảng ta đưa ra trong Đề cương này về cách nhìn nhận, cách hiểu văn hóa, về mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị và kinh tế, giữa văn hóa với cách mạng chính trị và cách mạng kinh tế, giờ đây vẫn đúng khi mà, trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta đã xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Hà Trang

Bình Luận

Tin khác

Sẽ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

Sẽ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

(CLO) Chính phủ thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết và dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Tin tức
Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký Quyết định số 1279/QĐ-BGDĐT về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tin tức
Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

(CLO) Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khởi công 07 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR, thủy điện tích năng Bác Ái và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tin tức
Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ 30/4, 1/5, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch vận tải hành khách công cộng phục vụ Nhân dân.

Tin tức
Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(CLO) Dự kiến, kỳ họp thứ 16 HĐND TP Hà Nội (kỳ họp chuyên đề) sẽ xem xét, quyết nghị 08 nội dung, trong đó có Nghị quyết về “Hỗ trợ phí yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi công dân thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID”.

Tin tức