Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12/1972 - 12/2022): Điện Biên Phủ trên không: Kỳ tích thế kỷ

Bài 2: Chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với “siêu pháo đài bay”

Chủ nhật, 18/12/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL)Từ tầm nhìn chiến lược thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sớm dự báo khả năng Mỹ sẽ sử dụng B-52 đánh ra Hà Nội, quân, dân ta đã chủ động có những bước chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để đối phó với “siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm” mà Mỹ vẫn luôn ngợi ca trên bầu trời Hà Nội.

Bài liên quan

Thế chủ động và sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng ấy chính là nhân tố có ý nghĩa quyết định giúp chúng ta đánh bại không kích bằng máy bay B-52 năm 1972 của Mỹ.

Chủ động nghiên cứu rất sớm kế hoạch tác chiến

B52 là loại máy bay ném bom khổng lồ, hiện đại và được xem là rất khó đánh, đó cũng là lý do vì sao Mỹ thường tự hào gọi đó là những “siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm,” “không thể bị bắn rơi bởi bất cứ vũ khí nào của đối phương”. Vì sự nguy hiểm ấy của B52, việc nghiên cứu để đánh B-52 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đặt ra cho Quân chủng Phòng không- Không quân (PK-KQ) từ rất sớm, ngay từ khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam tiến hành “chiến tranh cục bộ” và bắt đầu sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 trên chiến trường. Chính việc chủ động chuẩn bị tốt, chuẩn bị từ rất sớm về mặt chiến dịch, chiến thuật đã giúp ta thành công.

bai 2 chuan bi ky luong de doi pho voi sieu phao dai bay hinh 1

Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong trận 12 ngày đêm. (Ảnh: TTXVN)

Cụ thể, tháng 4/1966, khi không quân Mỹ đưa B-52 ra đánh đèo Mụ Giạ ở Tây Quảng Bình rồi đánh phá khu vực Vĩnh Linh (Quảng Trị) để chuẩn bị leo thang đánh ra miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Quân chủng PK-KQ: “B-52 đã ném bom miền Bắc, phải tìm cách đánh cho được B-52. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú...”. Bác cũng căn dặn: “… muốn bắt cọp thì phải vào tận hang”. Vâng lời Bác, tháng 5/1966, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã tăng cường Trung đoàn Tên lửa 238 vào tuyến lửa Vĩnh Linh cùng lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương vừa trực tiếp đánh trả địch, vừa nghiên cứu cách đánh máy bay B-52; biên soạn thành tài liệu báo cáo về Bộ Tổng tham mưu (BTTM) để tổ chức cho các đơn vị liên quan nghiên cứu, luyện tập.

Ngày 17/9/1967, sau một thời gian dày công nghiên cứu, nhận dạng, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84 - Trung đoàn 238 đã bắn rơi 1 chiếc B.52. Đây là lần đầu tiên ta bắn rơi “Siêu pháo đài bay B.52” của đế quốc Mỹ. Chiến công này đã tác động rất lớn đến tư tưởng và quyết tâm chiến đấu của quân và dân ta, khẳng định khả năng đánh thắng các cuộc tập kích đường không bằng B.52 của địch, củng cố lòng tin, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của bộ đội và nhân dân, đồng thời làm cơ sở biên soạn tài liệu hướng dẫn cách đánh B.52. Tiêu biểu là cuốn “Cẩm nang đỏ” là cuốn sách viết về “Cách đánh B.52 của Bộ đội Tên lửa”, kết quả của quá trình tìm tòi, khảo nghiệm, tổng kết thực tiễn chiến đấu, sáng tạo cách đánh của lực lượng PK-KQ.

Năm 1968, theo lệnh của BTTM, Quân chủng PK-KQ đã bắt đầu xây dựng “kế hoạch tác chiến chống cuộc tập kích đường không bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội”. Đến tháng 1/1969, ta đã hoàn thành bản dự thảo kế hoạch đánh máy bay B-52. Sau đó, BTTM tiếp tục chỉ đạo Quân chủng PK-KQ đưa một số trung đoàn tên lửa và phân đội máy bay tiêm kích vào chiến trường Khu 4, Nam Lào, nghiên cứu cách đánh máy bay B-52 để tiếp tục bổ sung bản dự thảo.

Trên cơ sở dày công nghiên cứu từ thực tiễn chiến đấu và qua một số lần bổ sung, điều chỉnh, được sự chỉ đạo trực tiếp của BTTM, tháng 9/1972, kế hoạch tác chiến đánh B-52 cơ bản hoàn thành, trong đó xác định Hà Nội là khu vực tập kích chủ yếu của địch, cách đánh của địch, để bố trí, sử dụng lực lượng chính xác, khoa học, hợp lý. Ngày 9/10/1972 bộ phận biên soạn đã hoàn thành tài liệu “cách đánh B52”.

Nhiều đồng chí cán bộ chỉ huy cấp cao của ta khi đó đã khẳng định: “Đây là bảo bối của chúng ta đánh thắng B52”. Trên cơ sở tài liệu này, ngày 31/10/1972, Quân chủng tổ chức Hội nghị cán bộ để thảo luận, phổ biến cách đánh B.52.

Ngày 24/11/1972, Kế hoạch đánh máy bay B-52 bảo vệ Hà Nội được BTTM thông qua, sau đó được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phê duyệt. 

Nắm chắc tình hình, chủ động chuẩn bị

Nhận rõ bản chất ngoan cố, lật lọng của đế quốc Mỹ, ngay từ cuối tháng 10/1972, Trung ương Đảng đã chỉ đạo quân và dân miền Bắc, đặc biệt là các lực lượng vũ trang đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi hành động phiêu lưu quân sự của địch. Các địa phương miền Bắc đã huy động được lực lượng đông đảo trong thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, sẵn sàng ứng phó với các cuộc tập kích đường không của địch. “Tuyệt đối nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, chủ động, tích cực chuẩn bị thật tốt tinh thần, lực lượng, hậu cần để chiến đấu và phục vụ chiến đấu đánh thắng âm mưu tập kích đường không của địch”- đã là “kim chỉ nam” trong những tháng ngày đó.

Ngày 6/4/1972, máy bay và tàu chiến Mỹ mở Chiến dịch Linebacker I (Sấm rền I). Sau 10 ngày đêm ném bom đánh phá dữ dội vùng phía bắc khu phi quân sự, thành phố Vinh, Bến Thủy (Nghệ An), Thanh Hóa và nhiều nơi khác thuộc Quân khu 4, ngày 16/4/1972, Mỹ cho máy bay B52 ném bom thành phố Hải Phòng. Cùng ngày, vào hồi 9 giờ 30 phút đến 10 giờ 10 phút hơn 60 lần chiếc máy bay chiến thuật của Mỹ chia thành nhiều tốp ném bom Thủ đô Hà Nội.

Ngày 27/4/1972, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ra Nghị quyết về công tác phòng không nhân dân, chuẩn bị sơ tán để sẵn sàng chiến đấu, yêu cầu Ủy ban Hành chính, Hội đồng Phòng không các cấp vận động, đôn đốc, đưa khoảng 30 vạn người ra ngoại thành và các tỉnh lân cận để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của.

bai 2 chuan bi ky luong de doi pho voi sieu phao dai bay hinh 2

Hoa vẫn nở bên hồ Hữu Tiệp - Làng hoa Ngọc Hà - trong những ngày bom rơi, đạn nổ tháng 12-1972. Ảnh tư liệu

Trước tình hình cuộc chiến ngày càng ác liệt hơn, ngày 24/12/1972, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ra quyết định kiên quyết sơ tán hết dân, chỉ để lại 10.000 dân quân, tự vệ trong khu vực nội thành tham gia chiến đấu. Như vậy, từ tháng 4/1972 đến ngày 29/12/1972, tổng số các đợt sơ tán đã có hơn 50 vạn người trong tổng số 65 vạn dân số nội thành, tức chiếm 80% dân số nội thành Hà Nội di chuyển ra khỏi nội đô. Để cuộc sơ tán được nhanh chóng, Hà Nội đã huy động hàng trăm phương tiện từ tàu điện, tàu hỏa, xe ca, xe tải, xe khách. 

Thành ủy Hà Nội, Ủy ban Hành chính thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông phối hợp với các tỉnh lân cận triển khai thêm 6 bến đò dã chiến, 50 bến đò ngang cho người đi bộ. Cùng với đó, nhiều trường học, nhà trẻ, bệnh viện, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp được di dời khỏi trọng điểm đánh phá, được bố trí dưới hầm sâu, địa đạo. 

Tại nội đô, kế hoạch phòng tránh, đào hầm trú ẩn, bảo đảm sản xuất, cung ứng đủ điện nước và các nhu cầu thiết yếu khi bị địch đánh phá được triển khai. Chỉ trong gần 8 tháng (từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 12/1972), Thành phố đã đưa được gần 1.200 cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện sơ tán ra khỏi nội thành; đồng thời duy trì tốt chế độ trực ban, trực chiến, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu.

Hệ thống hầm trú ẩn, công sự chiến đấu và hào giao thông được xây dựng và phát triển mạnh trong các tuyến phố nội thành, với tổng số 45 ngàn kilômét hào giao thông, 5.600 hầm trú ẩn, hầm chiến đấu tập thể và trên 63 vạn hố cá nhân, đủ chỗ trú ẩn, trực tiếp phục vụ chiến đấu cho 90 vạn người. Thành phố cũng triển khai nhiều biện pháp bảo đảm giao thông, duy trì mạng lưới thông tin liên lạc thông suốt.

Đặc biệt, lực lượng trực tiếp bảo vệ Thủ đô có 4 trung đoàn không quân tiêm kích, 3 trung đoàn tên lửa, 6 trung đoàn pháo cao xạ, một số tàu của Hải quân có hỏa lực phòng không bố trí dọc sông Hồng.

Dân quân tự vệ Thủ đô có 4 đại đội pháo cao xạ 100 ly, 92 trận địa súng máy cao xạ 14,5 ly, hơn 100 súng trường của dân quân tự vệ các nhà máy, hợp tác xã ở nội và ngoại thành sẵn sàng cơ động đánh địch đổ bộ đường không và truy lùng giặc lái máy bay Mỹ nhảy dù… Tất cả tạo thành một thế trận phòng không nhân dân rộng khắp, sẵn sàng chiến đấu.

Tin khác

Đồng chí Lương Cường được phân công giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Đồng chí Lương Cường được phân công giữ chức Thường trực Ban Bí thư

(CLO) Ngày 16/5, tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương cho ý kiến về công tác nhân sự và xem xét, kỷ luật cán bộ.

Tin tức
Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

(CLO) Báo Nhà báo và Công luận trân trọng giới thiệu toàn văn Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Tin tức
Hà Nội điều chỉnh quy hoạch để cải tạo, nâng cấp trạm cấp nước Sài Đồng

Hà Nội điều chỉnh quy hoạch để cải tạo, nâng cấp trạm cấp nước Sài Đồng

(CLO) Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch ô đất ký hiệu CX2 và đường giao thông quanh ô đất trong Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Sài Đồng, tỷ lệ 1/500, để thực hiện dự án xây dựng trạm bơm tăng áp cấp nước Sài Đồng.

Tin tức
Khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

(CLO) Sáng 16/5, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Tin tức
Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(CLO) Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Kế hoạch tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Tin tức