Bài 2: Kinh nghiệm quốc tế trong việc nâng cao chất lượng trong biên soạn và sử dụng tiết kiệm sách giáo khoa

Thứ ba, 04/10/2022 10:59 AM - 0 Trả lời

(CLO) Theo TS Nguyễn Văn Cường hiện sinh sống Đức thì việc viết sách giáo khoa nên chú trọng chất lượng hơn số lượng. Ngoài ra, không nên bắt buộc học sinh phải có sách giáo khoa cho các môn học như thể dục, trải nghiệm.

Bài liên quan

Biên soạn cốt chất lượng không chạy theo số lượng

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) đi vào thực tế đã nhận được sự hưởng ứng từ các nhà xuất bản và các nhà khoa học, các tác giả có chuyên môn và kinh nghiệm trong biên soạn SGK tham gia.

Hiện nay đã có 6 nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành SGK và có 1.574 tác giả tham gia biên soạn SGK cho 6 khối lớp. Trong đó, lớp 1 có 221 tác giả; lớp 2 có 199 tác giả; lớp 3 có 234 tác giả; lớp 6 có 276 tác giả; lớp 7 có 318 tác giả; lớp 10 có 382 tác giả. Trong đó, trên 2/3 số tác giả tham gia biên soạn SGK có trình độ Tiến sĩ trở lên.

bai 2 kinh nghiem quoc te trong viec nang cao chat luong trong bien soan va su dung tiet kiem sach giao khoa hinh 1

Biên soạn SGK cốt chất lượng không nên chạy theo số lượng.

Số lượng trên được đánh giá là thành công bước đầu cho chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK. Đánh giá về vấn đề này, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1956) - người từng bảo vệ Luận án Tiến sĩ về khoa học giáo dục tại Đại học Potsdam, CHLB Đức năm 1995, trước đây làm việc tại Đại học Potsdam, CHLB Đức, nay là chuyên gia tư vấn giáo dục độc lập thì kết quả như vậy là tương đối ấn tượng.

Không nên đưa tên cán bộ thẩm định vào sách giáo khoa

Trước thông tin, Bộ GD&ĐT đang dự kiến đưa tên các nhà thẩm định SGK vào trong SGK, chuyên gia Nguyễn Văn Cường cho rằng, về công tác thẩm định, Bộ GD&ĐT cũng cần chú trọng hơn nữa năng lực đồng đều của các cán bộ thẩm định để nâng cao chất lượng của công tác thẩm định SGK. Ở đây cũng xin lưu ý rằng theo thông lệ quốc tế, mặc dù công tác thẩm định có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nhà nước về chất lượng SGK, song tên của các cán bộ thẩm định không xuất hiện trên bất cứ vị trí nào trong SGK khi xuất bản.

Vị này chia sẻ, điều ông ấn tượng nhất là sau khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay mỗi môn học đã có tới 3 đến 4 bộ SGK kịp thời phục vụ cho việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các cuốn SGK về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, được in màu đẹp và giấy tốt, có sự khác biệt khá rõ với SGK trước đây, tiệm cận với sSGK ở các nước tiên tiến.

“Có thể nói đây là thành công của việc thực hiện chính sách mới về SGK của Việt Nam. Bộ GD&ĐT cũng đã rất chú trọng công tác thẩm định SGK từ việc xây dựng các tiêu chí và bồi dưỡng cán bộ thẩm định cũng như tổ chức nghiêm túc các vòng thẩm định SGK theo từng năm”  - ông Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh.  

Tuy nhiên bên cạnh điểm tích cực trên, vị chuyên gia này cho rằng cùng với số lượng các bộ sách tăng lên thì cũng tồn tại một số vấn đề về chất lượng trong một số cuốn SGK. Trong đó có những vấn đề về ngữ liệu, vấn đề tinh giản nội dung dạy học, xử lý về lý luận và phương pháp dạy học cũng như hình ảnh minh họa.

“Đây là vòng viết sách đầu tiên cho Chương trình giáo dục phổ thông mới nên thời gian cho việc biên soạn SGK khá eo hẹp trong những năm đầu vì cần đáp ứng tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tuy nhiên để tăng cường chất lượng cho SGK, các nhà xuất bản cần chú trọng nhiều hơn đến việc đảm bảo chất lượng trong việc biên soạn SGK” - vị này góp ý.

SGK của Chương trình phổ thông mới phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí

Thông tư số 33 quy định cụ thể 5 tiêu chuẩn về SGK làm căn cứ cho việc biên soạn, thẩm định SGK, căn cứ vào các tiêu  chuẩn về điều kiện  tiên quyết, nội dung, cấu trúc, phương pháp giáo dục, ngôn ngữ sử dụng với 13 tiêu chí và đã được cụ thể hoá thành 40 chỉ báo bảo đảm cho tổ chức, cá nhân biên soạn các bản mẫu SGK khác nhau có ý tưởng thể hiện khác nhau nhưng đều đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Cường, việc tổ chức bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm cho các tác giả, biên tập viên, họa sỹ cần được chú trọng hơn. Tham khảo SGK cũng như các tiêu chí thẩm định SGK của các nước tiên tiến một cách thấu đáo, hệ thống dưới góc độ chuyên gia là biện pháp giúp việc học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc biên soạn SGK.

Các nhà xuất bản không nên chạy theo số lượng, sản xuất nhiều bộ SGK cho tất cả các môn học mà chỉ nên tập trung lực lượng cho những cuốn SGK thực sự có đội ngũ tác giả, biên tập viên và họa sĩ có năng lực tốt.  

Bài học tiết kiệm trong sử dụng SGK

Một trong những vấn đề ông Nguyễn Văn Cường rất quan tâm chính là việc bắt học sinh mua SGK bắt buộc cho tất cả các môn học.

Theo chuyên gia này, hiện nay tất cả các môn học và hoạt động giáo dục ở các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đều đã có SGK mới.

Đây là cố gắng đáng ghi nhận của các nhà xuất bản và các tác giả, góp phần hiện thực hóa quy định trong luật giáo dục: “Mỗi môn học có một hoặc một số SGK”.

bai 2 kinh nghiem quoc te trong viec nang cao chat luong trong bien soan va su dung tiet kiem sach giao khoa hinh 2

Để sử dụng SGK tiết kiệm tránh lãng phí cần thiết phải điều chỉnh chính sách liên quan đến việc cho mượn sách và không bắt buộc môn học nào học sinh cũng phải có SGK.

Tuy nhiên việc mỗi môn học có một hoặc nhiều bộ SGK không có nghĩa là mỗi học sinh bắt buộc phải mua trọn bộ SGK cũng như sách bài tập, luyện tập của tất cả các môn học và hoạt động giáo dục.

Thực tế là các môn học, hoạt động giáo dục có trọng tâm là hoạt động thực tiễn thì không nhất thiết học sinh phải thường xuyên sử dụng SGK.

Hiện nay việc phát hành SGK phổ thông ở Việt Nam phổ biến theo hình thức trọn bộ, mỗi học sinh hầu như mặc định phải mua trọn bộ SGK của tất cả các môn học, điều này gây lãng phí, có thể làm tăng gánh nặng cặp sách học sinh và gánh nặng tài chính không cần thiết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong khi kế hoạch cho học sinh sử dụng miễn phí SGK chưa được thực hiện thì Nhà nước nên có chính sách rõ ràng và hướng dẫn cụ thể để các trường có thể có những quy định phù hợp cho phụ huynh trong việc mua SGK cho con.

Không nên để tiếp tục tình trạng học sinh phải mua trọn bộ SGK, sách bài tập, luyện tập, sách tham khảo như một yêu cầu bắt buộc.

“Việc yêu cầu học sinh mua trọn bộ SGK, sách bài tập, luyện tập của tất cả các môn học và hoạt động giáo dục không phải thông lệ quốc tế” - ông Nguyễn Văn Cường cho biết.

Giá SGK một số nước châu Á

So với giá SGK các nước, một cuốn SGK in 4 màu, số trang tương tự thì giá cũng vào khoảng từ 100.000 đến 200.000 đồng (đối với một số nước trong khối ASEAN) và từ 200.000 đến 300.000 đồng (như Nhật Bản, Hàn Quốc). Ví dụ SGK Toán của Singapore giá vào khoảng 250.000 đồng; SGK Đạo Đức và Tự nhiên Xã hội của Hàn Quốc, Nhật Bản có giá từ 280.000 đến 300.000 đồng Trong khi ở Việt Nam dao động từ 20 đến 30 nghìn đồng.

Ở nước Đức, tại Berlin, chính quyền quy định học sinh tiểu học (lớp 1-6) được mượn SGK miễn phí. Từ lớp 7 phụ huynh phải mua một phần SGK nhưng không quá 100 Euro cho một học sinh trong 1 năm học theo danh mục hướng dẫn của nhà trường.

Những cuốn SGK khác nếu cần sẽ được nhà trường cho mượn miễn phí. Không phải tất cả các môn học đều yêu cầu học sinh sử dụng SGK.

Trên thị trường SGK hầu như không có SGK cho các hoạt động thực tiễn như hoạt động trải nghiệm vì hoạt động này do nhà trường tự xây dựng kế hoạch phù hợp với tình huống thực tiễn của nhà trường và địa phương.

Môn Giáo dục thể chất (Sport) cũng hầu như chỉ có một số SGK dành cho các chương trình nâng cao về thể thao, đòi hỏi nhiều hơn về hiểu biết lý thuyết. Các giờ học thể thao và hoạt động trải nghiệm ở các chương trình đại trà hầu hết được giáo viên tổ chức dạy học thực tiễn không yêu cầu sử dụng SGK.

Cuối cùng vị này cho rằng: “Cơ chế thị trường thúc đẩy sự phát triển thị trường SGK, cung cấp nhiều sản phẩm cho giáo dục, đây là mặt tốt của cơ chế này.

Tuy nhiên Nhà nước cần có những biện pháp quản lý phù hợp để bảo vệ học sinh và phụ huynh trước những tác động tiêu cực có thể có của thị trường. Các nhà trường và bản thân các thầy cô giáo cần có quan điểm và phương pháp giáo dục phù hợp, tránh cho học sinh, phụ huynh phải mua những học liệu không thực sự cần thiết”. 

Như vậy qua trao đổi với chuyên gia có thể thấy trong việc biên soạn, phát hành SGK tại nước ta đã có những nỗ lực nhằm tiệm cận được với quốc tế. Tuy nhiên, còn đó những vấn đề phải điều chỉnh để phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và mang đến lợi ích lớn hơn cho học sinh và xã hội.

3.500 tỷ đồng để học sinh tiếp cận SGK miễn phí

Tại hội thảo về công tác biên soạn, thẩm định, xuất bản, lựa chọn và sử dụng SGK giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 29/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết qua phân tích, đánh giá, Bộ GD&ĐT đề xuất phương án Nhà nước mua SGK cho 70% số học sinh, bởi vì có những em gia đình có điều kiện và có nhu cầu mua SGK sử dụng riêng. Qua tính toán, số tiền bỏ ra mua SGK đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn lần đầu tiên sẽ khoảng 3.500 tỷ đồng, hàng năm bổ sung khoảng 20%.

(Còn nữa)

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

Yêu cầu xử lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài không đúng quy định

(CLO) Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiện tượng việc tổ chức thực hiện hợp tác, đầu tư của nước ngoài tại một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Giáo dục
Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

Hà Nội công bố phương án tuyển sinh trường THPT chuyên

(CLO) Học sinh tham gia tuyển sinh lớp chuyên phải qua sơ tuyển và thi, lấy điểm từ cao xuống thấp.

Giáo dục
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Dinh dưỡng trong học đường'

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường"

Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường" do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức.

Giáo dục
Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

(CLO) Hiện nay, nhiều người được gắn với danh xưng giáo sư, tiến sĩ tuy nhiên lại chưa được nhà nước công nhận mà do một vài tổ chức nước ngoài phong tặng. Điều này đang gây ra tranh cãi, liệu giá trị của những danh xưng này đến đâu?

Giáo dục
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

(CLO) Chuyến thăm và làm việc tại Angola của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, với tư cách đại diện Chính phủ Việt Nam, là minh chứng sinh động cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, là dấu mốc quan trọng và ý nghĩa đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Giáo dục