Chàng trai 9X với niềm đam mê kể chuyện bằng… đất sét
(CLO) Từ bỏ công việc ổn định, Nguyễn Hải Âu nhiều năm theo đuổi đam mê nặn đất sét thành những sinh vật huyền bí độc đáo.
Ngay từ khi còn là một học sinh lớp 8, anh Nguyễn Hải Âu (ngụ quận Phú Nhuận, TP. HCM) đã đem lòng đam mê với các tác phẩm thủ công như nặn đất sét, đặc biệt là chủ đề sinh vật trong các câu chuyện truyền thuyết, thần thoại.

Bài liên quan
Khám phá làng nghề làm cốm mộc độc đáo ở Hà Nội
Độc đáo bảo tàng gạch ngói đầu tiên ở Việt Nam
Hà Nội: Độc đáo màn múa lân, thổi lửa trong đêm Trung thu
Hà Nội: Độc đáo trò chơi "ném bưởi, bắt vịt" tại ao chùa Triều Khúc

Vốn là một sinh viên thiết kế nội thất, đam mê ấy ngày càng “bùng nổ” hơn. Quyết định từ bỏ công việc ổn định, anh Hải Âu dành toàn thời gian để phát triển việc sáng tạo các mô hình.

“Tôi muốn đưa những sinh vật chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của loài người thành một mô hình cụ thể để cùng chiêm ngưỡng, lưu giữ những nền văn hoá, kiến thức”, anh Âu chia sẻ.

Thời gian đầu, do không có trường lớp đào tạo cụ thể, chàng trai 9X đã tự tra thông tin trên mạng, tìm kiếm tư liệu từ sách, báo để có đủ kiến thức về môn nghệ thuật này.

“Tưởng tượng trong đầu về những sinh vật và khi bắt tay vào hiện thực, sáng tạo, có rất nhiều trở ngại xuất hiện. Tôi đã phải nghiên cứu rất nhiều tài liệu của nước ngoài về môn nghệ thuật này”, Hải Âu chia sẻ.

Để có được một tác phẩm hoàn thiện, người nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn. Mỗi sản phẩm mất thời gian từ 2-3 tuần. Với các mô hình có kích thước lớn, độ khó cao, có khi anh phải dành đến 2 tháng mới hoàn thiện.

Những mô hình sinh vật huyền bí mà anh tạo ra mang ý nghĩa truyền đạt linh vật trong văn hóa phương Đông và phương Tây, ví dụ như chu tước hay còn gọi là chu điểu, là một thần thú linh thiêng tượng trưng cho hành hỏa, hướng nam và mùa hạ. Kỳ lân tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc, điềm lành…

Không chỉ riêng chất liệu đất sét, anh Hải Âu còn kết hợp đất, đá, gỗ khô,… để tác phẩm trông giống thật hơn.

Lên ý tưởng là bước khởi đầu quan trọng để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật. Để “biến hóa” một cách chân thật nhất, Hải Âu sẽ tìm đọc tài liệu về sinh vật từ nhiều nguồn khác nhau, từ đó tổng kết lại môi trường sống, nét tính cách của sinh vật.

Sau đó, chàng trai 9X sẽ trực tiếp phát thảo ra giấy, hoặc trên máy tính. Công đoạn này chàng trai 9X chia thành vẽ 2D để ra hình dạng thô ban đầu và vẽ 3D để chuẩn bị cho bước nặn hình tạo vật.

“Sau khi hình ảnh, chi tiết về sinh vật đã hiện lên một cách rõ ràng qua bản vẽ 3D, tôi sẽ tìm lựa chọn nguyên liệu. Ví dụ phượng hoàng lửa, đôi cánh phải khỏe, dang rộng nên tôi chọn loại đất sét tự khô. Phượng hoàng là loài chim to, thích đậu cây cổ thụ, vì vậy tôi tìm nhặt khúc gỗ có dáng to, cổ... về biến tấu. Để thêm hùng vĩ, tôi chọn đá cuội trang trí núi non”, Hải Âu chia sẻ.

Cuối cùng, chàng trai sẽ hoàn thành các bước dựng cốt, đắp khối tạo hình và thêm thắt chi tiết, sơn màu. Vừa tạo hình trên đất sét bằng tay, Hải Âu vừa sử dụng thêm nhiều công cụ để nắn, chuốt... để những chi tiết sản phẩm trở nên sắc sảo hơn.

Quá trình tạo tác đòi hỏi người thực hiện phải có đầy đủ kiến thức về giải phẫu học, am hiểu về tỉ lệ, kỹ năng điêu khắc cũng như có tính thẩm mỹ cao.

Mỗi mô hình đều mang câu chuyện, nét độc đáo riêng.

Trong tương lai, chàng trai 9X sẽ mở thêm nhiều buổi “workshop” để đưa bộ môn nghệ thuật này tiếp cận được với nhiều người, đặc biệt là trẻ em.

“Đó được xem là sân chơi nhỏ, được tạo ra dành cho các bạn có niềm đam mê với bộ môn nặn tượng chuyên sâu. Hoặc chỉ đơn giản là các bạn vô tình say nắng với việc nhào nặn những cục đất sét bé xíu xiu, sau bao ngày chật vật với những khó khăn to bự đến từ cuộc sống của chính mình”, anh Hải Âu chia sẻ.

Anh Ngân Vĩnh Phát (24 tuổi) là một trong những học viên đầu tiên trong khóa học tạo hình sinh vật bằng đất sét của anh Hải Âu.
