ChatGPT với hoạt động báo chí truyền thông: Cần sử dụng một cách có cân nhắc

Thứ tư, 01/03/2023 18:48 PM - 0 Trả lời

(CLO) Chiều 1/3, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tuyên Quang đã diễn ra Hội thảo với chủ đề “Chat GPT với báo chí truyền thông - Cơ hội và thách thức”. Hội thảo do Báo Tuyên Quang phối hợp với Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương, các chuyên gia đầu ngành về công nghệ thông tin, báo chí - truyền thông của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Tin tức Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh…

Bài liên quan

Phát biểu tại Hội thảo, ông Mai Đức Thông - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, Tổng biên tập báo Tuyên Quang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh cho biết, trong thời đại số hoá hiện nay, truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền tải thông tin đến công chúng. Cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các hệ thống chatbot, như ChatGPT cũng đang được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, việc ứng dụng ChatGPT đặt ra nhiều thách thức và cơ hội, nhất là với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí.

chatgpt voi hoat dong bao chi truyen thong can su dung mot cach co can nhac hinh 1

Quang cảnh Hội thảo

Theo ông Mai Đức Thông, cơ hội của việc sử dụng ChatGPT trong báo chí truyền thông có thể kể đến như: Tự động hoá việc sản xuất nội dung: ChatGPT có thể giúp tạo ra nội dung tự động một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí; Tăng cường tương tác với khách hàng: ChatGPT có thể giúp tăng tương tác với khách hàng thông qua các kênh như mạng xã hội, email... Bên cạnh đó là việc cải thiện trải nghiệm người dùng: ChatGPT có thể giúp cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách trả lời các câu hỏi và giải đáp thắc mắc của khách hàng. 

Song, việc sử dụng ChatGPT trong truyền thông cũng mang nhiều thách thức. Ở chỗ ChatGPT vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ tự nhiên và có thể dẫn đến những lỗi thông tin hoặc thông tin không chính xác. Việc sử dụng ChatGPT cũng đặt ra các vấn đề riêng tư thông tin cá nhân của người dùng. 

chatgpt voi hoat dong bao chi truyen thong can su dung mot cach co can nhac hinh 2

Ông Mai Đức Thông - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, Tổng biên tập báo Tuyên Quang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh phát biểu tại Hội thảo.

Chia sẻ ý kiến về ChatGPT trong hoạt động báo chí, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, trước hết, nếu bạn là một nhà báo, ChatGPT có thể hỗ trợ bạn trong việc thu thập thông tin và phân tích dữ liệu. Với khả năng xử lý và hiểu ngôn ngữ tự nhiên của con người, ChatGPT có thể giúp bạn tìm kiếm thông tin liên quan đến một chủ đề cụ thể, phân tích dữ liệu từ các nguồn khác nhau và tạo ra các câu trả lời tự động cho các câu hỏi từ người dùng.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ChatGPT chỉ là một công cụ hỗ trợ và không thể thay thế được sự tinh tế và khả năng suy luận của con người trong việc đánh giá và phân tích thông tin. Vì vậy, bạn vẫn cần phải kiểm tra và xác nhận thông tin một cách cẩn thận trước khi sử dụng nó trong bài viết của mình. Trong quy trình sáng tạo tác phẩm báo chí, có sự khác biệt rõ rệt giữa một tin tức báo chí do nhà báo viết và tin tức được viết bởi một mô hình như ChatGPT.

chatgpt voi hoat dong bao chi truyen thong can su dung mot cach co can nhac hinh 3

PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ tham luận tại Hội thảo.

"Một tin tức báo chí do nhà báo viết thường được viết bởi một người có kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực báo chí, họ có thể đã thực hiện nhiều nghiên cứu, phỏng vấn, thu thập thông tin và kiểm tra sự chính xác của các thông tin trước khi đưa ra bài viết. Họ còn phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn và nguyên tắc báo chí để đảm bảo tính chính xác và khách quan của tin tức. Họ là người bằng trực giác có thể kiểm định độ chính xác của thông tin mà máy không thể thay thế được. 

Trong khi đó, một mô hình như ChatGPT là một chương trình máy tính được lập trình để tự động tạo ra các câu trả lời và văn bản dựa trên những thông tin đã được huấn luyện trước đó. ChatGPT không có khả năng suy nghĩ độc lập và không có khả năng kiểm tra tính chính xác của các thông tin mà nó được cung cấp", PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh nhận định.

Bàn về ChatGPT với báo chí truyền thông từ góc nhìn an ninh truyền thông, TS. Trần Quang Diệu - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực đã được ngành công nghệ thông tin nghiên cứu từ rất sớm. Tuy nhiên trong bối cảnh cách mạng công nghệ bùng nổ, thì các AI được nhắc đến và bàn bạc nhiều hơn bao giờ hết. Một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ nhất là báo chí, truyền thông, trong đó có vấn đề an ninh, an toàn thông tin. Chuyển đổi số dưới tác động của cách mạng công nghiệp đã tạo ra một xã hội ảo, là ánh xạ của xã hội thực, chính vì thế bản thân nó cũng có những mặt đối lập, có mặt tích cực và có mặt tiêu cực.

chatgpt voi hoat dong bao chi truyen thong can su dung mot cach co can nhac hinh 4

TS. Trần Quang Diệu - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói về ChatGPT với báo chí truyền thông từ góc nhìn an ninh truyền thông,

"Thực tế mà nói, các sản phẩm thông minh nhân tạo đang từng bước được ứng dụng trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Tuy nhiên, các sản phẩm thông minh nhân tạo này cũng đặt chúng ta trước với các hoạt động an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng như: sự tấn công của các thế lực thù địch, của các hacker vào các hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia; sự tấn công bằng lây nhiễm, cài cắm mã độc nhằm chiếm đoạt, đánh cắp thông tin cá nhân; tấn công thu thập dữ liệu để sử dụng chống phá, can thiệp vào hoạt động chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế và thậm chí cả vào các tiến trình, kết quả bầu cử ở một số quốc gia, các thông tin thất thiệt hay dựng chuyện, bịa chuyện trong khi sử dụng các phần mềm thông minh nhân tạo.

Bên cạnh đó, các công ty công nghệ khi nắm giữ thông tin người dùng cũng có thể bị tấn công, hoặc bị chính các công ty sử dụng để kinh doanh, mua bán gây mất an toàn thông tin hoặc ảnh hưởng tới người sử dụng", TS. Trần Quang Diệu nói.

chatgpt voi hoat dong bao chi truyen thong can su dung mot cach co can nhac hinh 5

TS. Khổng Quốc Minh - Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Hỗ trợ tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu.

Một trong những góc nhìn cần được bình luận và trao đổi đó là ChatGPT và ứng dụng AI trong báo chí truyền thông - từ khía cạnh quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). TS. Khổng Quốc Minh - Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Hỗ trợ tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ lấy ví dụ: Khi đặt câu hỏi “Ai sở hữu nội dung do ChatGPT tạo ra?”, ChatGPT trả lời như sau: “Tôi không sở hữu nội dung mà tôi tạo ra. Tôi là một mô hình học máy do OpenAI phát triển và sở hữu, đồng thời nội dung do tôi tạo phải tuân theo giấy phép và điều khoản sử dụng của OpenAI”. 

Do đó, ở khía cạnh quyền SHTT, việc sử dụng nội dung được tạo ra bởi ChatGPT và ứng dụng AI có nguy cơ xâm phạm quyền SHTT, nhất là quyền tác giả của người khác và dẫn đến các hậu quả pháp lý. Bản thân Công ty OpenAI cũng tuyên bố, người dùng phải tuân theo giấy phép và điều khoản sử dụng của OpenAI nên khi xảy ra vi phạm quyền SHTT, người sử dụng nội dung là bên chịu trách nhiệm và có nghĩa vụ pháp lý hoặc giải trình.

Khẳng định về sự siêu việt của ChatGPT tuy nhiên đưa ra lời khuyên cần sử dụng nó một cách có cân nhắc. Ths. Vũ Cường - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, các toà soạn, nhà báo nên tận dụng ChatGPT ở những công việc, công đoạn sáng tạo tác phẩm báo chí giản đơn, không đòi hỏi phức tạp, thậm chí là viết những tin cơ bản, đơn giản.

chatgpt voi hoat dong bao chi truyen thong can su dung mot cach co can nhac hinh 6

Ths. Vũ Cường - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có những chia sẻ hữu ích tại Hội thảo.

Song song với đó, vừa để khẳng định vị trí không thể thay thế của nhà báo nói riêng và báo chí nói chung, cho dù ChatGPT hay bất kỳ công cụ “học máy” nào phát triển đến đâu, vừa để đảm bảo chất lượng báo chí và nâng cao độ uy tín của báo chí, các toà soạn và nhà báo cần đầu tư thời gian, công sức, nguồn lực vào sản xuất các sản phẩm báo chí có chất lượng, là thương hiệu của tờ báo và của phóng viên. Điển hình là những tác phẩm báo chí điều tra, phân tích, bình luận có chất lượng. Những tác phẩm này, ChatGPT hầu như khó thay thế được vai trò của nhà báo.

"Và hơn nữa, ngoài chất lượng, thì “sự sáng tạo” trong từng tác phẩm báo chí sẽ là một trong yếu tố quyết định đến sự khác biệt và vượt trội của nhà báo so với ChatGPT hay bất kỳ công nghệ tương tự", Ths. Vũ Cường cho hay.

Chia sẻ kết quả thử nghiệm ứng dụng ChatGPT ở Đài truyền hình TP HCM, việc áp dụng công nghệ AI vào một chương trình truyền hình trên thực tế, nhà báo Ngô Trần Thịnh - Phụ trách nội dung kinh tế - công nghệ - Trung tâm tin tức Đài truyền hình TP HCM cho hay, chúng tôi đã thực hiện trải nghiệm - có kiểm soát để AI tự viết kịch bản một phóng sự về xu hướng AI tại Việt Nam. AI đã đề xuất bố cục 4 phần, tự tổng hợp và viết 400 - 500 từ mỗi phần và khuyến nghị những vai trò có thể phỏng vấn.

chatgpt voi hoat dong bao chi truyen thong can su dung mot cach co can nhac hinh 7

Nhà báo Ngô Trần Thịnh - Phụ trách nội dung kinh tế - công nghệ - Trung tâm tin tức Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm thực tế của HTV trong việc sử dụng AI để làm phóng sự.

Kết quả cho thấy, văn bản mà trí thông minh nhân tạo có thể tự tổng hợp, bố cục và viết bài gần với kết quả của một biên tập viên 1 đến 2 năm tuổi nghề. Không quá hay nhưng đầy đủ thông tin và góc nhìn, đủ để phục vụ thông tin cho khán giả. Thời gian để có được một kịch bản như vậy chỉ khoảng 8 phút so với gần 1 tiếng nếu một biên tập viên bình thường. 

Còn về khuyết điểm thì rất nhiều, từ ngữ chưa hợp với góc nhìn phóng sự, sử dụng danh từ còn cứng do "máy học" tổng hợp đề xuất. Phải hỏi AI đến 8 câu để dẫn dắt cho AI hiểu được ý của ekip biên tập. Chưa có yếu tố điểm nhấn chưa có yếu tố con người, yếu tố của nghệ thuật, việc xác nhận thông tin khó khăn.

"Khi hỏi AI có làm được phóng sự không? Thì câu trả lời là làm được, nhưng có thu hút hay không thì ChatGPT muốn làm nghề bắt buộc phải có yếu tố con người trong đó, có cảm xúc, sự sáng tạo, nghiệp vụ, dàn dựng của phóng viên và biên tập viên. Đây thực sự là một phép thử có giá trị", nhà báo Ngô Trần Thịnh khẳng định.

Tiếp nối buổi Hội thảo, các nhà báo và đại biểu dự hội thảo tham gia chia sẻ những vấn đề xung quanh việc sử dụng ChatGPT vào công việc làm báo như cách sử dụng ChatGPT để tạo ra nội dung truyền thông tự động, việc tăng tương tác với công chúng báo chí thông qua ChatGPT và cách tạo ra trải nghiệm người dùng tốt hơn; những vấn đề liên quan đến độ tin cậy của ChatGPT và tác động của việc sử dụng ChatGPT đến quyền riêng tư của người dùng; cách tăng cường khả năng cạnh tranh của các nhà báo trong bối cảnh có ChatGPT.

chatgpt voi hoat dong bao chi truyen thong can su dung mot cach co can nhac hinh 8

PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ chia sẻ ý kiến trong Hội thảo.

Theo PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam, ChatGPT rất có ích trong công tác nghiên cứu công chúng và phân tích các dữ liệu từ công chúng và trên cơ sở đó phân khúc được công chúng được nhanh hơn và tốt hơn. Nếu trước kia cần những cuộc khảo sát và nghiên cứu với những bảng biểu rất phức tạp thì hiện nay ChatGPT có thể hỗ trợ được việc thăm dò nhu cầu - hay vô cùng.

"ChatGPT có thể hỗ trợ khá nhiều công đoạn về chiến lược phát triển công chúng và chiến lược sản phẩm thương hiệu. Thêm một yếu tố quan trọng nữa đó chính là xác định thế mạnh cạnh tranh của mình là gì? Xác định được mình có gì, cần gì? Năng lực cạnh tranh ở đây là phát triển về hai mặt đó là chất lượng báo chí và kinh tế báo chí. Hãy suy nghĩ về việc tận dụng nó để đem lại hiệu quả cho mình", PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng nhận định.

chatgpt voi hoat dong bao chi truyen thong can su dung mot cach co can nhac hinh 9

Ông Trương Văn Chuyển - Tổng Biên tập Báo Cần Thơ - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu bế mạc Hội thảo.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Trương Văn Chuyển - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Cần Thơ, Chủ tịch Hội Nhà báo Cần Thơ cho rằng, ChatGPT dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình nhằm tạo ra tác phẩm, sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp.

Chat GPT có thể là công cụ đắc lực cho công tác biên tập, sản xuất báo chí tự động, nhưng nó không thể thay thế lao động sống của nhà báo tại hiện trường. Nó không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, hoàn toàn không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí. Do đó để làm chủ và sử dụng được chat GPT cũng như các công cụ trí tuệ nhân tạo khác, mỗi nhà báo chúng ta càng phải trau dồi năng lực và phẩm chất của một nhà báo cách mạng, học hỏi, thảo luận để có thể làm chủ công nghệ, chứ không để công nghệ dẫn dắt và làm chủ chúng ta. 

Hoài Giang - Sơn Hải

Bình Luận

Tin khác

Tác nghiệp một sự kiện lớn sẽ tôi luyện thêm những kỹ năng mới

Tác nghiệp một sự kiện lớn sẽ tôi luyện thêm những kỹ năng mới

(CLO) Mặc dù đã được đến với Tây Bắc, tỉnh Điện Biên nhiều lần nhưng chuyến tác nghiệp dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ này để lại cho nhiều nhà báo, phóng viên những cảm xúc đáng nhớ, trong đó có nhà báo Phạm Khắc Phục - Truyền hình Quốc Hội Việt Nam.

Nghề báo
Hơn 120 tác phẩm dự Giải báo chí tỉnh Kiên Giang năm 2024

Hơn 120 tác phẩm dự Giải báo chí tỉnh Kiên Giang năm 2024

(CLO) Theo Ban tổ chức, tính thời điểm này Giải Báo chí tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận trên 120 tác phẩm báo chí của hơn 200 tác giả dự Giải báo chí cấp tỉnh với 4 loại hình báo chí và ảnh báo chí.

Nghề báo
Bộ TT&TT ban hành bộ tiêu chí yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát

Bộ TT&TT ban hành bộ tiêu chí yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát

(CLO) Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành Quyết định về Bộ tiêu chí yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát. Khuyến nghị áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất, đánh giá, lựa chọn và sử dụng thiết bị camera.

Nghề báo
Báo chí với chiến dịch thông tin quy mô, toàn diện về 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Báo chí với chiến dịch thông tin quy mô, toàn diện về 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - mốc son lịch sử rực sáng nhất trong thế kỷ XX, các cơ quan báo chí đã thực hiện những chiến dịch thông tin đặc biệt, quy mô, toàn diện, phong phú về nội dung, đặc sắc về hình thức được phủ sóng trên tất cả các nền tảng để làm sống lại những ngày tháng hào hùng không thể quên của dân tộc.

Nghề báo
Triển khai công tác tổ chức Giải báo chí vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch

Triển khai công tác tổ chức Giải báo chí vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch

(CLO) Chiều 6/5 tại Hà Nội, Ban tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” lần thứ hai đã họp triển khai công tác tổ chức Giải. Tham dự và đồng chủ trì buổi họp có Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ…

Nghề báo