Chiến sự Nga - Ukraine tròn 2 năm: UAV, công nghệ cao và những bài học từ chiến trường

Chủ nhật, 25/02/2024 08:45 AM - 0 Trả lời

(CLO) Chiến sự Nga - Ukraine vừa đánh dấu cột mốc tròn 2 năm vào ngày 24/2. Cuộc xung đột này không chỉ tạo ra tác động cực lớn tới địa chính trị châu Âu mà còn cho thấy nhiều bài học về tác chiến quân sự.

UAV đóng vai trò cực lớn

Cuộc xung đột tại Ukraine không phải lần đầu các thiết bị bay không người lái (UAV) được tung vào chiến trường. Nhưng đây có thể xem như màn đọ sức có quy mô lớn nhất về UAV trong các cuộc xung đột vũ trang hiện đại.

Những UAV mang theo tên lửa chống tăng giúp Ukraine chống lại một cách hiệu quả các phương tiện thiết giáp của Nga. Trong khi đó, UAV cỡ nhỏ mang theo lựu đạn giúp họ tấn công bộ binh Nga ngay cả khi đối phương nấp dưới chiến hào. Với hải quân, UAV cũng là vũ khí quan trọng để Ukraine tấn công các tàu chiến Nga.

chien su nga  ukraine tron 2 nam uav cong nghe cao va nhung bai hoc tu chien truong hinh 1

Những chiếc UAV đang làm thay đổi phương thức tác chiến và cán cân của đôi bên trong cuộc xung đột Nga - Ukraine - Ảnh: BBC

Bài liên quan

Ukraine hồi đầu tháng này tuyên bố đã đánh chìm tàu đổ bộ Cesar Kunikov của Nga bằng Magura V5 - loại máy bay không người lái hải quân có khả năng mang theo 320 kg thuốc nổ.

Theo một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, bằng chiến thuật sử dụng UAV kết hợp tên lửa đối hải, Ukraine đã đánh chìm, phá hủy hoặc làm hư hại ít nhất 20 tàu Hải quân Nga từ cỡ trung đến lớn và một tàu chở dầu treo cờ Nga ở Biển Đen.

Một trong những lý do khiến việc sử dụng máy bay không người lái của hải quân trở nên hiệu quả là vì Biển Đen, so với những nơi như Thái Bình Dương rộng lớn, là một không gian khép kín với các điểm tắc nghẽn dễ giám sát, Jerry Hendrix - một cựu chỉ huy hải quân đã nghỉ hưu và là thành viên cấp cao tại Viện Sagamore, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Indianapolis - cho biết.

Nhưng Nga cũng nhanh chóng điều chỉnh chiến lược của mình và lập tức lấy lại cán cân nhờ khả năng tự sản xuất số lượng cực lớn UAV. Họ đã phóng hàng nghìn máy bay không người lái - bao gồm cả mẫu Shahed do Iran thiết kế hiện được lắp ráp ở cả Iran và Nga - để nhắm mục tiêu vào các hệ thống phòng thủ đắt tiền do phương Tây cung cấp ở Ukraine.

Các lực lượng Nga cũng sao chép nhiều chiến thuật mà Ukraine từng áp dụng, bao gồm cả việc tiến hành các cuộc tấn công phối hợp quy mô lớn sử dụng nhiều loại UAV.

Đầu tiên, UAV tình báo, giám sát và trinh sát bay lơ lửng trên mặt đất để khảo sát chiến trường và xác định mục tiêu từ xa. Sau đó, chúng chuyển tiếp vị trí của kẻ thù cho các phi công điều khiển máy bay không người lái FPV bay thấp, có tính cơ động cao, có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác chống lại cả mục tiêu đứng yên và di chuyển, tất cả đều từ khoảng cách an toàn so với tiền tuyến.

Sau khi những chiếc FPV này loại bỏ các mục tiêu ban đầu, các phương tiện chiến đấu sẽ di chuyển qua các bãi mìn để bắt đầu cuộc tấn công mặt đất. Kể từ cuối năm 2022, Nga đã sử dụng kết hợp hai loại UAV sản xuất trong nước là Orlan-10 (giám sát) và Lancet (tấn công) để tiêu diệt mọi thứ từ hệ thống pháo binh có giá trị cao cho đến máy bay chiến đấu và xe tăng.

Ukraine đã vượt qua Nga về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ngay từ đầu cuộc xung đột, nhưng nước này không có tổ hợp máy bay không người lái nào sánh được với bộ đôi UAV kể trên của Nga. Và họ cũng không thể so sánh được về khả năng sản xuất, cung cấp UAV với số lượng lớn và nhanh cho tiền tuyến như phía Nga. Và vì thế, cán cân đang nghiêng về Nga khá rõ trong cuộc chiến UAV hiện nay.

Giá trị của công nghệ cao

Theo Abhijit Singh, cựu chỉ huy hải quân Ấn Độ làm việc tại ORF – một viện nghiên cứu chính sách quốc tế của Ấn Độ, bài học chiến thuật thứ hai là dù pháo binh vẫn là một thành phần quan trọng của chiến tranh nhưng nó chỉ nguy hiểm hơn khi đạn dược dẫn đường chính xác được sử dụng trong các cuộc tấn công được lên kế hoạch kỹ lưỡng.

chien su nga  ukraine tron 2 nam uav cong nghe cao va nhung bai hoc tu chien truong hinh 2

Hệ thống pháo phản lực có độ chính xác cực cao HIMARS do Mỹ viện trợ đã giúp Ukraine giành nhiều thắng lợi trên chiến trường - Ảnh: France 24

Điều đáng chú ý là các cuộc pháo kích của pháo binh Nga đã không xuyên thủng được hệ thống phòng thủ của Ukraine. Ngay cả khi các trung tâm chỉ huy và kiểm soát hoặc cơ sở hậu cần bị tấn công, thiệt hại vẫn ở mức tối thiểu và các cơ sở này nhanh chóng được khôi phục.

Ngược lại, Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) được Mỹ viện trợ cho Ukraine có thể bắn đạn dẫn đường bằng GPS lên tới 90 km với độ chính xác cực cao. HIMARS đã liên tục phá hủy các kho đạn, sở chỉ huy và các cây cầu then chốt của Nga, giúp Ukraine đã có thể thực hiện các cuộc tấn công từ khoảng cách an toàn, tránh được đòn phản công của đối thủ.

Tương tự như vậy là việc kết nối với hệ thống internet. Sau khi Moscow đóng cửa mạng liên lạc vệ tinh Viasat với Ukraine, các vệ tinh thương mại của tỷ phú Elon Musk đã bước vào lấp kín lỗ hổng đó. Trong vòng một tuần sau khi quân đội Nga vượt biên giới, Ukraine đã có quyền truy cập vào các dịch vụ internet trên không gian của Starlink và hàng trăm thiết bị đầu cuối đã tràn vào nước này.

Starlink đã được sử dụng kể từ đó ở Ukraine, không chỉ để giúp người dân và chính phủ nước này kết nối với thế giới bên ngoài, giúp nền kinh tế hoạt động mà còn để hỗ trợ các lực lượng quân sự. Mạng lưới này cung cấp thông tin liên lạc quân sự cũng như hướng dẫn cho máy bay không người lái và tên lửa của Ukraine. Và do cấu hình của Starlink, bao gồm hàng nghìn vệ tinh ở quỹ đạo thấp của Trái đất sử dụng ăng-ten nhỏ và tín hiệu được mã hóa, cho đến nay các nỗ lực gây nhiễu của Nga phần lớn đã thất bại.

Một ví dụ khác là cuộc chiến trên bầu trời. Với lực lượng không quân mạnh hơn hẳn, Nga dễ dàng áp đảo Ukraine trong những ngày đầu của cuộc xung đột. Có những thời điểm, Ukraine gần như không thể xuất kích để tránh đối đầu trực diện với các phi đội chiến đấu cơ đông đảo của đối phương.

Thay vì lao vào các cuộc không chiến, Ukraine đã sử dụng tên lửa đất đối không để bảo vệ vùng trời. Chiến thuật này trở nên hiệu quả hơn khi Kiev được viện trợ nhiều vũ khí phòng không hiện đại từ phương Tây, chẳng hạn như các hệ thống Patriot tối tân của Mỹ cũng như sự hỗ trợ của NATO về viễn thám.

Theo người đứng đầu Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu, Tướng James Hecker, các máy bay cảnh báo sớm như E-7 Wedgetail do Boeing sản xuất đang hoạt động thường xuyên trong khu vực để cung cấp “hình ảnh ISR [tình báo, giám sát và trinh sát] liên tục ở độ cao thấp” nơi máy bay không người lái và tên lửa thường bay cho Ukraine. Tướng Hecker cũng cho biết, tới nay đã có 75 máy bay của Nga bị bắn hạ trong cuộc xung đột.

Nỗi ám ảnh thiếu đạn

Trên mặt đất, sự phụ thuộc vào pháo binh của Ukraine vẫn không đổi trong năm nay và dự kiến sẽ tiếp tục trong tương lai gần. Nhưng thách thức hiện tại và tương lai có thể sẽ vẫn là bổ sung thêm những viên đạn 155mm cho các khẩu đội pháo của Kiev.

Mới tháng trước, NATO đã công bố một cặp thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ USD cho hàng trăm nghìn viên đạn 155 mm, trong khi Quân đội Mỹ cũng đang tìm cách tăng cường sản xuất, với kế hoạch cung cấp 100.000 viên đạn pháo mỗi tháng vào cuối năm tài chính 2025.

Nhưng như thế là quá chậm và quá ít so với đòi hỏi ở chiến trường.

Theo các thống kê, Mỹ đã gửi tới Ukraine hơn 2 triệu quả đạn pháo 155 mm trong 2 năm qua. Các thành viên NATO ở châu Âu gần như cũng đã vét sạch kho đạn của mình để cung cấp cho Kiev. Nhưng đến nay, quân đội Ukraine vẫn đang khát đạn.

chien su nga  ukraine tron 2 nam uav cong nghe cao va nhung bai hoc tu chien truong hinh 3

Quân đội Ukraine đang khát đạn, nhất là đạn cho lựu pháo 155 mm - Ảnh: Japan Times

Điều này làm nổi bật một yếu tố then chốt: khả năng cung ứng đạn dược. Nga hiện vẫn có thể đáp ứng được đạn pháo cho nhu cầu ở tiền tuyến nhờ tăng sản lượng của các nhà máy trong nước và nhập khẩu từ một số đồng minh.

Nhưng các thành viên NATO tại châu Âu, sau nhiều năm không đầu tư cho công nghiệp quốc phòng ở quy mô đủ lớn vì “ỷ lại” Mỹ, đã không thể giúp Ukraine kịp thời lấp đầy khoảng trống đạn dược.

Đấy là chưa kể, sự tương thích của đạn cũng là một vấn đề. Hãy nhìn vào đạn pháo 155 mm là rõ nhất. Không như các lực lượng Nga vốn có đạn luôn được sản xuất theo một quy chuẩn duy nhất, các thành viên NATO sản xuất tới 14 loại đạn 155 mm khác nhau.

Dù hầu hết các loại đạn này đều có thể được bắn từ pháo của các quốc gia khác, nhưng các quy trình an toàn khác nhau có nghĩa là chúng có thể cần phải được kiểm tra trước khi khai hỏa an toàn.

Đô đốc Rob Bauer, một quan chức quân sự hàng đầu của NATO, cho biết những sai lệch trong cách thức hoạt động của hệ thống pháo binh của các thành viên khiến việc đạt được khả năng tương tác cần thiết trở nên khó khăn hơn.

Câu chuyện về đạn pháo 155 mm cho thấy, khoảng cách sự sẵn sàng chiến đấu của đôi bên lớn đến mức nào. Và khi cuộc xung đột bắt đầu vào năm thứ ba, có vẻ như chiến lược của Nga vẫn sẽ là khai thác sự khác biệt ấy. Họ tiếp tục đẩy lùi Ukraine từng km một, như cách họ vừa chiếm thị trấn chiến lược Avdiivka, đồng thời chờ Kiev cạn kiệt nguồn đạn dược cũng như mất dần sự ủng hộ chính trị trên toàn cầu, để tung ra đòn quyết định.

Quang Anh

Bình Luận

Tin khác

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

(CLO) Khi cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 đang đến gần, những thách thức mà các ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump phải đối mặt cũng ngày càng gia tăng.

Tiêu điểm Quốc tế
Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

(CLO) Giá vàng toàn cầu đã đạt mức cao nhất khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung Quốc đang mua kim loại này với tốc độ kỷ lục, do cảnh giác với bất động sản và chứng khoán.

Tiêu điểm Quốc tế
Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

(CLO) Khi các cuộc đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát vẫn diễn ra rất căng thẳng tại nhiều trường đại học Mỹ, thì các cuộc biểu tình cũng đang được tổ chức ở các trường đại học khác trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông.

Tiêu điểm Quốc tế
Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế
Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế