Mỹ thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh, quyết cạnh tranh với Trung Quốc, Nga
(CLO) Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ đã thử nghiệm thành công hai tên lửa siêu thanh của Lockheed Martin, trong bối cảnh ngày càng lo ngại sẽ tụt hậu so với Nga và Trung Quốc về công nghệ vũ khí này.
Không quân Mỹ xác nhận, họ đã thử nghiệm thành công hệ thống tăng cường vũ khí phản ứng nhanh (ARRW) được phóng từ trên không vào hôm thứ Ba vừa rồi ngoài khơi bờ biển California.

Ảnh minh họa: Reuters
Bài liên quan
Máy bay siêu thanh chở khách nhanh nhất thế giới bắt đầu thử nghiệm
Trung Quốc phát triển AI để dự đoán đường bay của tên lửa siêu thanh
Nga khoe tên lửa hành trình siêu thanh Zircon
Trung Quốc phát triển tên lửa siêu thanh tầm nhiệt
“Cuộc thử nghiệm thành công thứ hai này chứng tỏ khả năng của ARRW trong việc tiếp cận và chịu được tốc độ siêu âm khi vận hành, thu thập dữ liệu quan trọng để sử dụng trong các cuộc thử nghiệm bay tiếp theo và xác nhận khả năng tách biệt an toàn khỏi máy bay”, Lockheed cho biết trong một tuyên bố.
Chuẩn tướng Không quân Heath Collins, giám đốc điều hành chương trình, Cục vũ khí, cho biết: “Chúng tôi hiện đã hoàn thành loạt thử nghiệm tăng cường và sẵn sàng chuyển sang thử nghiệm toàn diện vào cuối năm nay”.
Vũ khí siêu thanh di chuyển trong tầng cao của bầu khí quyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh, tức khoảng 6.200km/h. Trong một cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh riêng biệt, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng (DARPA) xác nhận họ đã thực hiện thành công vụ thử nghiệm đầu tiên đối với vũ khí siêu thanh.
Cuộc thử nghiệm được thực hiện tại White Sands Missile Range ở New Mexico.
Các cuộc thử nghiệm thành công cho thấy sự tiến bộ trong nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh của Mỹ, khi nhiều cuộc thử nghiệm đã thất bại, kèm theo câu hỏi ngày càng tăng về chi phí và lo ngại Mỹ bị tụt hậu so với Trung Quốc và Nga.
"Operation Fires là một hệ thống phóng từ mặt đất sẽ tấn công nhanh chóng và chính xác các mục tiêu quan trọng, nhằm xuyên thủng hệ thống phòng không hiện đại của đối phương", DARPA cho biết và đã yêu cầu và nhận được 45 triệu đô la Mỹ cho OpFires trong năm tài chính 2022.
Một trong những khái niệm của Lockheed Martin về vũ khí DARPA là sử dụng hệ thống phóng tên lửa cơ động cao (HIMARS) để phóng, giống như thiết bị mà Mỹ vừa gửi đến Ukraine.
Các nhà thầu quốc phòng Mỹ hy vọng sẽ tìm được cách phát triển các cơ chế phát hiện và đánh bại mới nhằm vào vũ khí siêu thanh, song song với công việc phát triển vũ khí.
Quốc Thiên (theo Reuters, SCMP)