Báo chí Cách mạng & sứ mệnh dẫn lối

Thấm nhuần đạo đức cách mạng để phụng sự nhân dân

Thứ tư, 21/06/2023 20:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Báo chí muốn làm tròn vai của mình - xứng đáng trở thành một lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, muốn thắp sáng hơn nữa ngọn lửa văn hóa - đạo đức - cái tâm, trách nhiệm trong bối cảnh hiện nay thì luôn phải coi trọng việc “soi và sửa mình”.

Bài liên quan

Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào? đã và vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong ý thức và hành động của những người làm báo cách mạng Việt Nam.

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân làm chủ. Người làm báo từ Trung ương đến địa phương đều là đầy tớ của nhân dân, đều phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân. Tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam (1959), Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta”. Trong thư gửi lớp viết báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng, điều thứ nhất mà Người căn dặn ấy là “cần phải gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”

Trong nhiều bài viết của mình, luôn nhắc đi nhắc lại yêu cầu đối với các nhà báo trước khi viết phải trả lời các câu hỏi “Vì ai mình viết? Viết cho ai? Viết để làm gì?”… Người chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng”. Vì vậy, cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng, tránh dùng từ nước ngoài; viết “phục vụ nhân dân” thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng. Chọn điều có lợi cho dân thì luôn phải trên nền tảng của sự thật.

Theo Bác, nhà báo viết phải chân thực - chân thực là sức mạnh vì nó có lòng tin. Mỗi bài viết của phóng viên phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc. Bài viết phải đem lại cho người đọc lượng thông tin cao và chính xác.

Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra, không nêu nói ẩu, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Bác dạy: “Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo”… Một tờ báo để được “ham chuộng” như Bác Hồ chỉ dạy chính là tờ báo phải hướng đến phục vụ công chúng, phục vụ nhân dân.

tham nhuan dao duc cach mang de phung su nhan dan hinh 1

Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: T.L

2. Trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay, để làm được điều ấy có khó không? Trong bối cảnh, vừa phải lấy lại niềm tin nơi công chúng, vừa buộc mình phải đổi mới trước môi trường cạnh tranh thông tin khốc liệt… để bắt nhịp và phát triển. Giữ đạo đức nghề nhưng cũng phải hòa vào dòng chảy của chuyển đổi số, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và những ứng dụng mới, sự lên ngôi của truyền thông xã hội và các nhà cung cấp nền tảng xã hội… báo chí đang đứng trước nỗi lo đánh mất độc giả, công chúng.

Thêm vào đó, những tồn tại, hạn chế của báo chí, đặc biệt là sự xuống cấp của đạo đức báo chí như “chiếc thẻ đỏ” đang cản trở phần nào niềm tin yêu mà công chúng dành cho báo chí hôm nay. Bởi vậy, báo chí phải tiếp tục đổi mới mình, thật sự trở thành kênh thông tin chính xác, kịp thời, có sức mạnh, tầm ảnh hưởng sâu rộng và trách nhiệm cao hơn nữa trong xã hội. Mỗi người làm báo phải “nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng” như điều mà Bác Hồ hằng mong đợi.

Trên tinh thần ấy, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng từng yêu cầu đội ngũ báo chí cách mạng: “Mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết và thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề; phải có tấm lòng trong sáng, tôn trọng sự thật, trách nhiệm xã hội cao, không để tiêu cực chi phối, không để tình cảm cá nhân lấn át, mất đi tính khách quan, trung thực của mỗi tác phẩm báo chí. Khoa học - công nghệ dù phát triển, tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp như thế nào, cũng không thể thay thế được trái tim, khối óc, ý chí, bản lĩnh, tính nhân văn của người làm báo.

Đồng thời, kiên quyết, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phản ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực; sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận người làm báo, cùng những sai sót về tư tưởng chính trị, lịch sử trong ấn phẩm, ảnh hưởng tới niềm tin, gây tâm lý băn khoăn, hoài nghi về đội ngũ người làm báo…”.

3. Hiện nay, hầu hết lãnh đạo các cơ quan báo chí đều xác định chuyển đổi số chính là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, khi báo chí ngày càng tiến nhanh vào kỷ nguyên số cũng đặt ra nhiều vấn đề về đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo Nguyễn Hữu Phùng Nguyên (Báo Nhân Dân) khi nhắc về đạo đức báo chí đã nghĩ tới câu nói “Thông minh là thiên phú, còn tử tế là một sự lựa chọn”.

Dường như, với người làm báo hôm nay, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cũng là một sự lựa chọn và nhiều khi là sự lựa chọn khó khăn. Nhà báo buộc phải lựa chọn giữa việc đi tìm sự thật khách quan cho bài viết của mình hay lựa chọn cách tác nghiệp dễ dãi, cẩu thả không kiểm chứng thông tin? Nhà báo lựa chọn cách đưa tin giật gân, dung tục, câu khách hay lựa chọn tính nhân văn, đề cao chân, thiện, mỹ trong các tác phẩm của mình? Lựa chọn dấn thân bất chấp khó khăn đấu tranh cho lẽ phải, sự công bằng hay lựa chọn cách làm báo “salon”, a dua “đánh đấm” theo “đơn đặt hàng”? Những sự lựa chọn ấy làm nên đạo đức của người làm báo…

Nhà báo Phùng Nguyên cho rằng: “Trong một nền báo chí lành mạnh, một nền báo chí đạo đức và nhân văn thì sẽ có những “lực hấp dẫn” để nhà báo lựa chọn sự tử tế. “Lực hấp dẫn” ấy không tự nhiên mà có, mà nó là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Khi sự tử tế, đạo đức nghề nghiệp trở thành một lựa chọn tự nhiên, khi đó báo chí trở về với giá trị cốt lõi của mình, tạo ra sự đóng góp to lớn cho xã hội”.

Trở về với giá trị cốt lõi của nghề báo cũng cần sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, nhiều giải pháp trong đó bài toán cơ chế và kinh tế báo chí là rất quan trọng. Chính vì vậy, cơ quan báo chí cần đảm bảo cho người làm báo về chế độ chính sách lương, nhuận bút, bảo hiểm, chế độ công tác phí, khen thưởng… để phóng viên, cộng tác viên bảo đảm cuộc sống.

Cần có cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí, khen thưởng, tôn vinh những nhà báo dấn thân vì cộng đồng. Nghề báo hiện nay có nhiều áp lực cũng như nhiều cám dỗ. Đối với những đối tượng vi phạm, họ sẽ tìm cách gây áp lực, mua chuộc hoặc nhiều biện pháp, thủ đoạn để tránh bị báo chí phản ánh vậy nên cần xử lý nghiêm minh các hành vi cản trở hoạt động báo chí, uy hiếp, đe dọa hoặc mua chuộc người làm báo…

Bên cạnh đó, sự gương mẫu của người đứng đầu cũng rất quan trọng trong bài toán của sự trở lại giá trị cốt lõi của nghề báo hôm nay. Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng cho rằng: “Tổng Biên tập vốn là một nghề khá đặc biệt, là người đứng đầu cơ quan báo chí. Vì vậy đòi hỏi một tờ báo có đạo đức báo chí thì điều đầu tiên đòi hỏi Tổng Biên tập không chỉ có bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn sâu rộng, có khả năng quản lý và điều hành mà còn phải là người có tư cách đạo đức, hay nói cách nôm na là người “tử tế”. Đặc biệt, trong điều kiện phải tự chủ về tài chính, tờ báo phải cố gắng triển khai các hoạt động kinh tế báo chí để có nguồn lực nuôi bộ máy và phát triển tờ báo. Vì vậy, tổng biên tập càng phải thể hiện quan điểm rõ ràng, không vụ lợi trên tinh thần đặt lợi ích cộng đồng trên lợi ích của tờ báo và lợi ích của tờ báo lên trên lợi ích của cá nhân…”.

Trong bất cứ giai đoạn nào, “báo chí vì cách mạng, vì Đảng, vì nhân dân” - vừa là mục đích, vừa là điều kiện, vừa là tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động báo chí. Và để làm được điều đó, báo chí không còn con đường nào khác là trở lại giá trị cốt lõi của nghề báo, không có mục tiêu nào cao hơn là phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Bản thân mỗi nhà báo cũng luôn phải nằm lòng điều mà nhà báo lão thành Phan Quang từng chia sẻ: “Nhà báo có đạo đức là người có đủ bản lĩnh để vượt lên sự lũng đoạn của mặt trái xã hội, giữ được cái tâm, hướng về lợi ích đất nước, lấy lợi ích đất nước làm tiêu điểm”.

Vân Hà

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo