80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam 1943: Tầm nhìn thời đại cho một Việt Nam phát triển nhanh, bền vững

Bài 4: Sức sống mới, không khí mới cho văn hóa Việt Nam

Thứ sáu, 03/03/2023 08:02 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đem lại một không khí mới cho văn hóa Việt Nam.

Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đem lại một không khí mới cho văn hóa Việt Nam. Sự khai phóng về tư tưởng văn hóa, đường hướng trở về với dân tộc, nhân dân và góc nhìn sự vật dưới con mắt biện chứng đã đem lại một cảm hứng mới cho những người làm văn hóa, những trí thức đang muốn thay đổi, muốn tìm đường đi mà chưa thấy lối…” - nhìn nhận của PGS.TS Phạm Quang Long có lẽ cũng là nhìn nhận của rất nhiều nhà nghiên cứu.

Bài liên quan

Khai phóng tư tưởng, mang lại những cảm hứng mới

Năm 1943, năm Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời, dưới ách thống trị một cổ hai tròng của thực dân Pháp, phát xít Nhật, cả Việt Nam có tới… 90% người dân mù chữ, giới trí thức Việt Nam dù phần đa giàu lòng tự tôn dân tộc, khát khao dân chủ và tự do nhưng bởi chưa được thức tỉnh về con đường giải phóng dân tộc hoặc là còn đang mò mẫm tìm đường nên rơi vào hoang mang, bi quan, nhìn chung đời sống tinh thần rơi vào bế tắc, ngột ngạt.

Thời điểm 1943 đó, nói như nhà nghiên cứu Phạm Quang Long: “Trên lĩnh vực văn hóa, nhiều xu hướng khác nhau đang chi phối đời sống tinh thần của dân tộc… Có thể nói việc tìm đường, nhận đường của nhiều trí thức yêu nước lúc này đang gặp những lúng túng, bế tắc… Tất cả những điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến việc “nhận đường” cho một giai đoạn quan trọng của thời kỳ chuẩn bị cách mạng xã hội”.

Chính trong buổi khủng hoảng, phân vân trong “nhận đường”, giữa đêm đen ngột ngạt bế tắc ấy, giữa thời điểm Đảng ta, cần người dân thức tỉnh, muốn nghệ thuật phải bám vào hiện thực, phê phán chế độ phát xít, thực dân, phong kiến thối nát, tàn bạo, muốn trí thức, văn nghệ sĩ hiểu hiện trạng khổ đau của đất nước, để tập trung đấu tranh, hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời. Như nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, với giới trí thức, nghệ sĩ Việt Nam thời bấy giờ, thực sự như “đi giữa đêm đông nhìn thấy ngọn đuốc soi đường để đến với cách mạng”, cho họ thấy rõ con đường nào mình sẽ nên đi, phải đi tới.

Cũng theo nhìn nhận của các nhà nghiên cứu, nói Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 như ngọn đuốc soi đường là bởi, Bản Đề cương đã đặt nền móng lý luận căn bản và đột phá cho nhiều vấn đề văn hóa Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là những vấn đề căn cốt như quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị (văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị), vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng, chức năng của văn hóa - nghệ thuật (nghệ thuật vị nhân sinh), sự ưu thắng của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, nguyên tắc và cách thức đấu tranh cho một nền văn hóa độc lập, tự chủ, khoa học, đại chúng, tiến bộ...

“Với những nội dung, quan điểm, vấn đề quan thiết như vậy, bản Đề cương đã có sức lôi cuốn, quy tụ, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trí thức, văn nghệ sĩ tích cực tham gia cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới. Nhiều hồi ký, phát biểu, suy ngẫm của giới văn nghệ sĩ đều cho thấy sự hấp dẫn, sức thuyết phục của bản Đề cương đã giúp họ khai mở nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc...”, GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho biết.

“Rõ ràng Đề cương đã trở thành một nguồn lực cách mạng mới. Nó không phải chỉ là lý trí, là đường lối chủ trương chung mà còn là tình cảm, là hành động thực tiễn, là mối dây liên kết giữa Đảng với dân tộc (đặc biệt là giới văn hóa, văn nghệ), là nét gạch nối giữa hiện tại với quá khứ và với cả tương lai”, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng nhận định.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - Ủy viên Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho rằng, ra đời khi cách mạng Việt Nam vẫn còn trong bóng tối, nhưng “ánh sáng” của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã lan tỏa rộng khắp.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, trong phát biểu đề dẫn tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển ngày 27/2/2023 cũng nhấn mạnh: “Mang sứ mệnh khơi thông những mạch nguồn của văn hóa dân tộc trong bối cảnh đẩy mạnh cao trào phản đế, phản phong, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945, Đề cương đã tạo ra sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng văn hóa cho nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ có tâm huyết, cổ vũ lòng tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần dấn thân cho cách mạng, thật sự trở thành ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển nền văn hóa mới”.

Điều đáng nói là trước đó, chính Tổng Bí thư Trường Chinh, trong diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm lần thứ 40 ngày ra đời bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam cũng nhìn nhận: “Với Đề cương về Văn hóa Việt Nam, Đảng chỉ cho họ đâu là lối thoát… Và giải phóng dân tộc là giải phóng văn hóa, mở đường cho văn hóa phát triển một cách tự chủ, theo hướng tiến bộ… Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã vạch rõ con đường cách mạng để giải phóng trí tuệ và văn hóa trong sự nghiệp giải phóng chung của dân tộc”.

Nô nức “nhận đường”

Dưới ánh sáng của bản Đề cương, tháng 4/1943 Hội Văn hóa Cứu quốc được thành lập hoạt động bên cạnh các tổ chức cứu quốc khác của Mặt trận Việt Minh. Ngay lập tức, đã có rất  nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng tham gia nhập Hội như: Học Phi (Chủ tịch), Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Thép Mới…

Với khẩu hiệu “văn hóa khi đã xâm nhập vào đại chúng thì cũng tác động như một sức mạnh vật chất”, Hội Văn hóa Cứu quốc đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề ở Hà Nội, các vùng lân cận đã thu hút được sự chú ý của các nhà văn hóa, trí thức và các tầng lớp nhân dân.

Để mở rộng sự ảnh hưởng của Hội, ngày 11/6/1943 Hội ra tờ báo Tiên Phong (ban đầu có tên là Tiền Tuyến) làm cơ quan ngôn luận với trách nhiệm “kịch liệt chống những xu hướng văn hóa đầu cơ, xu nịnh, thoái hóa”“ kiến thiết một nền văn hóa mới với mục đích phụng sự độc lập tự do và hạnh phúc của dân tộc”, cho đăng nhiều bài viết về Đề cương văn hóa, việc vận dụng và thực hiện Đề cương Văn hóa, về đời sống mới…

bai 4 suc song moi khong khi moi cho van hoa viet nam hinh 1

Các văn nghệ sĩ cách mạng tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp. Từ phải qua trái: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Học Phi, Nguyễn Đỗ Cung (hàng trên); Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi (hàng dưới). Ảnh tư liệu

Sau khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ (12/1946), các hội viên của Hội đã cùng các cơ quan Chính phủ chuyển lên Việt Bắc, tham gia vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc như một chiến sĩ văn hóa. Đến tháng 7/1948, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức, Hội văn hóa cứu quốc đã hoàn thành xuất sắc vai trò lịch sử của mình và được thay thế bằng Hội văn nghệ Việt Nam.

Như lời nhà văn Hữu Thỉnh: Với phương châm “cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt”, các văn nghệ sĩ nô nức tòng quân đi theo các đoàn dân công, tham gia vận động thuế nông nghiệp hoặc lặn lội vào các bản làng xa khuất trên những đỉnh núi cao về sống với đồng bào các dân tộc ít người. Với các chuyến đi đó, với tâm hồn rộng mở, tầm nhìn xa rộng, các văn nghệ sĩ tìm thấy nhân vật, vấn đề và những xúc động thẩm mỹ mới tạo ra gân cốt, máu thịt cho những tác phẩm mới.

Lần đầu tiên, những người lính, những bà mẹ, những người nông dân ít chữ, những bà mế còn chưa thạo tiếng Kinh, những người thợ trong các công binh xưởng đã đi vào tác phẩm như những nhân vật trung tâm của thời đại mới. Một cuộc gặp gỡ tuyệt đẹp giữa nguyên mẫu với chủ thể sáng tạo, giúp cho văn nghệ sĩ vừa khám phá cuộc sống, vừa khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn trong bản thân mình. Biết bao tác phẩm tươi ròng sự sống đã ra đời, tất cả tạo nên kho lưu giữ tinh thần vô giá về những năm tháng hào hùng của dân tộc.

Nhiều văn nghệ sĩ đã anh dũng hy sinh trong tư thế người chiến sĩ, như Trần Đăng, Tô Ngọc Vân, Nam Cao... Đó là những tấm gương cao đẹp, sống mãi, tiêu biểu cho tinh hoa của nền văn nghệ nước nhà. “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đó là lời thề, là quyết tâm chính trị của toàn dân tộc. Đó cũng là sự lựa chọn dứt khoát của lớp văn nghệ sĩ kháng chiến đầu tiên.

Anh Thư

Bình Luận

Tin khác

Hà Nội lần đầu tổ chức Lễ hội Sen

Hà Nội lần đầu tổ chức Lễ hội Sen

(CLO) Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 gồm nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu, tôn vinh nghề trồng sen, các sản phẩm từ sen.

Đời sống văn hóa
Hãy cùng nhân lên cái đẹp, dẹp đi cái xấu!

Hãy cùng nhân lên cái đẹp, dẹp đi cái xấu!

(CLO) Báo Nhà báo và Công luận trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài của PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh đề cập những vấn đề thời sự của đời sống văn hoá hiện nay: Hãy cùng nhân lên cái đẹp, dẹp đi cái xấu!

Đời sống văn hóa
Tổ chức lớp tập huấn nghệ thuật Tuồng truyền thống 2024

Tổ chức lớp tập huấn nghệ thuật Tuồng truyền thống 2024

(CLO) Lớp tập huấn nghệ thuật Tuồng truyền thống góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn tài năng tại các đơn vị nghệ thuật tuồng hiện nay.

Đời sống văn hóa
Hướng đến xây dựng du lịch Ninh Bình không khói thuốc lá

Hướng đến xây dựng du lịch Ninh Bình không khói thuốc lá

(CLO) Tỉnh Ninh Bình đã và đang triển khai xây dựng môi trường không khói thuốc, trong đó hướng tới thực hiện môi trường du lịch không khói thuốc tại các khách sạn, nhà hàng, góp phần tạo nên môi trường du lịch xanh - sạch - không khói thuốc, thân thiện với du khách.

Đời sống văn hóa
Nhiều hoạt động thú vị tại Festival Huế 2024

Nhiều hoạt động thú vị tại Festival Huế 2024

(CLO) Chiều 9/5/2024, tại Hà Nội, Bộ VHTT&DL, Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Thừa- Thiên Huế tổ chức Họp báo quốc tế Giới thiệu Festival Huế 2024 và Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 (từ ngày 7 – 12/6/2024).

Đời sống văn hóa