Chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững

Cần khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính xanh

Thứ tư, 14/02/2024 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tài chính xanh là công cụ không thể thiếu giúp hiện thực hóa các cam kết quốc tế và mục tiêu quốc gia của Việt Nam đã đặt ra liên quan đến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Bài liên quan

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khẳng định: Tài chính xanh là công cụ không thể thiếu giúp hiện thực hóa các cam kết quốc tế và mục tiêu quốc gia của Việt Nam đã đặt ra liên quan đến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

+ Ông đánh giá như thế nào về thực trạng thị trường tài chính xanh của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?

- Có thể thấy rằng, tài chính xanh, cổ phiếu hay trái phiếu xanh là một khái niệm khá mới, nhưng Việt Nam đã xây dựng cơ chế, chính sách tạo tiền đề và thúc đẩy sự phát triển thị trường tài chính xanh, đặc biệt là các quy định về trái phiếu xanh thông qua các văn bản quy định của pháp luật.

Riêng với thị trường trái phiếu xanh, đã có một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh thành công, như trường hợp của Công ty Tài chính cổ phần điện lực (EVNFinance) vào tháng 7/2022 đã phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh với lãi suất 6,7%/năm, kỳ hạn 10 năm. Đây là lần đầu thị trường Việt Nam ghi nhận một tổ chức phát hành trái phiếu xanh dựa trên Nguyên tắc do Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) công bố từ năm 2018.

Mới đây nhất, ngân hàng BIDV là ngân hàng đầu tiên phát hành thành công trái phiếu xanh theo nguyên tắc của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế ICMA. Đây là lần đầu tiên thị trường vốn Việt Nam chứng kiến một đợt phát hành trái phiếu trong nước có khung trái phiếu xanh được xếp hạng bởi Moody’s - tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.

Trong khi đó, với thị trường cổ phiếu xanh ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn tạo lập.

Trong thời tới, UBCKNN sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và cơ cấu lại Chỉ số Phát triển bền vững (VNSI) đã được đưa vào vận hành năm 2017 để phù hợp hơn với bối cảnh phát triển bền vững trên thị trường chứng khoán. Chỉ số này hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững cho các doanh nghiệp niêm yết và hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đồng hành cùng các doanh nghiệp hướng đến đặc tính “xanh”.

Ngoài ra, Thông tư số 96/2020/TT-BTC được ban hành thay thế Thông tư số 155/2015/TT-BTC tiếp tục có những bước cải thiện hơn nữa khi nâng cao tiêu chuẩn công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững. Cụ thể là yêu cầu các doanh nghiệp công bố thông tin phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp tại báo cáo thường niên.

Có thể nói các Thông tư này đã góp phần nâng dần ý thức bảo vệ môi trường, hướng đến một thị trường chứng khoán xanh và cũng đưa thêm một tiêu chí để các nhà đầu tư cân nhắc khi đầu tư, tạo điều kiện cho các sản phẩm chứng khoán xanh dễ dàng được lựa chọn hơn.

can khuyen khich cac doanh nghiep cung cap dich vu tai chinh xanh hinh 1

Ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Ảnh: Quang Hùng

+ Vậy những thách thức Việt Nam đang phải đối mặt trong việc xây dựng thị trường tài chính xanh là gì, thưa ông?

- Theo cam kết của Chính phủ Việt Nam, lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam cần giảm 10 - 20%/năm. Để làm được điều đó, Việt Nam cần có hơn 30 tỷ USD. Tuy nhiên, phần đầu tư của Nhà nước chỉ chiếm 1/3 số đó, còn 2/3 dự kiến là từ khu vực tư nhân.

Đó là tiềm năng rất lớn mà doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được, đặc biệt trong các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo; chuyển đổi và quản lý sử dụng đất; quản lý chất thải bền vững; nông nghiệp xanh…

Mặc dù thị trường vốn xanh toàn cầu đang phát triển nhanh chóng, nhưng thị trường vốn xanh ở Việt Nam nói riêng cũng như các nước đang phát triển nói chung đang còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Việc triển khai áp dụng các chiến lược, chính sách tài chính xanh cũng còn gặp nhiều rào cản bao gồm rào cản từ thể chế đến thị trường.

Trong đó, tài chính xanh là khái niệm còn tương đối mới, các giải pháp về vốn xanh chưa được đề cập nhiều trong chiến lược tăng trưởng xanh. Sự nhận thức và sẵn sàng cho tài chính xanh từ các định chế tài chính và các doanh nghiệp còn ở mức thấp. Đây đều là những yếu tố cản trở sự phát triển của tài chính xanh.

Các giải pháp liên ngành, liên vùng, điều phối, giám sát còn thiếu, dẫn đến năng lực thực hành còn yếu. Cần có nhận thức đầy đủ, rõ ràng về chiến lược tăng trưởng xanh, vai trò, lợi ích của tăng trưởng xanh và coi đây là nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện, cũng như cần sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ ban ngành để phát triển thị trường tài chính xanh.  Sự tham gia của khu vực tư nhân tăng lên nhưng còn hạn chế về ngành, lĩnh vực hoạt động. 

Về thể chế, chính sách chủ yếu dừng lại ở cấp Trung ương hoặc từng Bộ, ngành. Các chính sách ban hành chưa theo kịp với nhu cầu và sự phát triển của khoa học, công nghệ, chưa tạo được bước chuyển biến rõ rệt.

Về nguồn lực, nhiều doanh nghiệp nhận thức rõ về những lợi ích từ các dự án xanh, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia nhưng lại thiếu vốn, công nghệ và nguồn lực. Các chính sách hỗ trợ chưa đủ sức thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào tăng trưởng xanh do các công cụ tài chính chưa linh hoạt, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Có thể nói các nỗ lực từ phía khu vực tư nhân là rất cần thiết nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050 đã đề ra. Để có thể phát huy hiệu quả nguồn lực và vai trò của khu vực tư nhân, rất cần thiết phải có sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý thị trường như UBCKNN trong việc tạo hành lang pháp lý, xây dựng các chính sách ưu đãi khuyến khích sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân, triển khai mạnh mẽ và toàn diện các chương trình đào tạo nâng cao nhận thức cho toàn bộ thị trường về phát triển bền vững.

Điều này nhằm đảm bảo mọi thành phần kinh tế tham gia trên thị trường trường đều có nhận thức cơ bản và sự chuẩn bị sẵn sàng thực hiện các mục tiêu kinh tế và đảm bảo phát triển bền vững như cam kết của Chính phủ đã đặt ra.

can khuyen khich cac doanh nghiep cung cap dich vu tai chinh xanh hinh 2

BIDV là ngân hàng đầu tiên phát hành thành công trái phiếu xanh.

+ Để tài chính xanh trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, UBCKNN có đề xuất giải pháp nào nhằm thúc đẩy thị trường tài chính xanh phát triển trong thời gian tới, thưa ông?

- Để tài chính xanh thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cần định hướng xây dựng khung khổ hoạt động nhằm thúc đẩy tài chính xanh trên cả ba trụ cột: hoàn thiện khung pháp lý, phát triển sản phẩm và đào tạo, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp.

Về khung pháp lý, trên cơ sở hành lang pháp lý hiện có, các văn bản cụ thể quy định rõ các tiêu chuẩn trong việc xác định trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu xanh, cũng như các nguyên tắc trong việc phát hành và quản lý, sử dụng nguồn vốn hình thành từ trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh cần được ban hành để làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.

Việc nghiên cứu và xây dựng bộ chỉ số đánh giá các công ty phát triển bền vững, các chính sách hỗ trợ cho thị trường vốn xanh như các chính sách về tài khóa như thuế, phí,… cũng cần thiết nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Về phát triển sản phẩm tài chính xanh: Vốn xanh là khái niệm còn tương đối mới với các cơ quan quản lý nhà nước và các thành viên thị trường. Các chính sách liên quan đến tài chính xanh cần sớm được ban hành cụ thể song song với những chính sách về tăng trưởng xanh.

Khung chính sách tài chính nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh cần sớm được hoàn thiện. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính xanh – những sản phẩm hướng tới các hoạt động vì môi trường và giảm phát thải khí các bon.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đào tạo, nâng cao nhận thức cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các thành viên thị trường, đồng thời cũng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cán bộ công chức về chủ trương, chính sách của quốc gia và ngành về tăng trưởng và phát triển bền vững.

+ Xin chân thành cảm ơn ông!

Việt Vũ (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Không khuyến khích phát điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện quốc gia

Không khuyến khích phát điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện quốc gia

(CLO) Cục Điều tiết điện lực cho rằng, chỉ nên khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản - tự tiêu, không nên khuyến khích (thậm chí nên hạn chế) phát loại điện này vào hệ thống.

Kinh tế vĩ mô
Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ “ngược dòng chảy” với thế giới

Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ “ngược dòng chảy” với thế giới

(NB&CL) Trái ngược với sự bi quan đối với nền kinh tế toàn cầu, các tổ chức nghiên cứu quốc tế lại lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô
ADB: Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu trong khu vực

ADB: Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu trong khu vực

(NB&CL) Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2024, GDP Việt Nam ghi nhận mức tăng 5,66%, đây là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay. Nhiều chỉ số tăng trưởng kinh tế như công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu và thu hút vốn FDI đều ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.

Kinh tế vĩ mô
TP.HCM - “đầu tàu kinh tế” sẽ trở lại nhưng cần… thời gian

TP.HCM - “đầu tàu kinh tế” sẽ trở lại nhưng cần… thời gian

(NB&CL) 10 năm qua, tốc độ phát triển của TP.HCM - nơi vẫn được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước - đang chậm dần, thậm chí bị các con tàu là các địa phương khác gần tiệm cận. Song, các chuyên gia kỳ vọng sẽ không lâu để thành phố tái định vị vị thế dẫn đầu, khi các cơ chế mới đang dần tháo gỡ những nút thắt lớn.

Kinh tế vĩ mô
Nhóm hàng nào tăng giá mạnh nhất từ đầu năm 2024?

Nhóm hàng nào tăng giá mạnh nhất từ đầu năm 2024?

(CLO) Giá lương thực, xăng dầu và giá dịch vụ y tế đã khiến CPI 4 tháng đầu năm 2024 tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.

Kinh tế vĩ mô