Cô công nhân Trần Thị Thu, quê Quảng Trị vốn trước đó làm cho một công ty may khá nổi tiếng ở Q. Gò Vấp, đã nghỉ việc hơn 4 tháng, kể từ đợt dịch thứ 2. Về nhà, với tay nghề vững, nhưng Thu phải đành chạy khắp nơi nhận hàng về gia công tại nhà. Một mình, một máy và một đứa con, vẫn khó đắp đổi qua ngày. Thu nói: “Tết này em phải phá lệ, không về quê nữa. Cả nhà ngoài đó nhắn nhủ, rằng nếu khó khăn quá thì nên ở lại, chờ tết sang năm liệu có khấm khá hơn chút đỉnh, thì đưa con về đoàn tụ…”. Nói là nói vậy, chứ tôi biết miền Trung vừa trải qua biết bao đận tang thương do bão lũ. Quê Quảng Trị của Thu cũng khó khăn lắm, tết này liệu có mong gì!

Những đường phố vốn nhộn nhịp sầm uất ở Sài Gòn đã có nhiều tháng vắng lặng. Ở trung tâm quận 1, quận 3… hàng loạt nhà hàng, cửa hiệu treo bảng cho thuê lại mặt bằng, hoặc sang bán các cửa tiệm. Mấy tháng qua, nhan nhản trên các tuyến đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lý Tự Trọng, Nguyễn Trãi… là các dòng chữ phun sơn rất lớn hay các bảng in “nghỉ bán” gợi lên một không khí ảm đạm. Tác động của Covid lan đến ngóc ngách mọi vùng, mọi nhà. Túi tiền vơi đi, bữa ăn gọn lại. Nhưng cái ý thức phòng chống dịch như một sự lan tỏa lại rất đáng ngợi ca. Người ta đề phòng và mong cho qua cơn bĩ cực, rồi để mai mốt ngời lên hy vọng tươi sáng hơn.

Những ngày ấy, bắt đầu từ đầu tháng 4 với đợt giãn cách xã hội quy mô lớn, rồi đến tháng 8 thêm một đợt nữa, khi có nguy cơ tái dịch ra cộng đồng. Tôi vẫn mải miết đi, với khẩu trang thường trực trên mặt và nước khử trùng trong cốp xe, để cảm nhận và ghi lại những dấu ấn khó quên về một thành phố đang âm thầm gìn giữ nội lực. Các cây ATM gạo dần xuất hiện khắp mọi nơi giúp người nghèo, người bị thất nghiệp vượt qua cơn khốn khó. Nghĩa cử ấy, tấm lòng ấy như một dấu son của tình người miên viễn, chẳng gì diễn tả nổi!

Một ngày, một đạo diễn có nhà ở đường Lê Quang Định (Gò Vấp) viết một bài gửi cho tôi, trong đó anh kể rằng bà xã có sạp bán ở chợ Gò Vấp, cũng đã đóng cửa. Ngày ngày, suốt từ tháng 4 qua tháng 5, các tuyến phim anh đã đọc kỹ kịch bản, lên kế hoạch dàn dựng nhưng phải ngưng lại. Ngồi nhà ban ngày, đêm ra chợ canh sạp giữ hàng hóa cho vợ. Nhưng trong những ngày đó, anh chợt nhận ra rằng điều lớn lao nhất của lòng nhân ái đã bày tỏ đến tận cửa nhà, khi vợ anh run run nhận bịch gạo và một ít nhu yếu phẩm từ một tổ chức xã hội gửi đến, cho qua ngày tháng khó khăn. Đọc bài viết, tôi rưng rưng xúc động và thầm nghĩ, mỗi bản tin tối trên truyền hình về đại dịch quái ác ở khắp nơi trên thế giới, sao vẫn ít có những hình ảnh yêu thương đến nhường ấy. Chỉ là bệnh viện quá tải, con số người mắc bệnh nghe có vẻ lạnh lùng, và con số những người vì Covid phải từ giã ánh mặt trời!

Với Việt Nam, điều ấy đã khác!

Một nỗ lực không ngừng nghỉ với sự hưởng ứng tuyệt đối và tuyệt vời của đồng bào trong sự cưu mang, đùm bọc. Nghe những dòng status trên Facebook vọng lại những ngày giãn cách xã hội trong năm qua, thảng hoặc trong tâm thức như nhận được nhiều lắm sự giãi bày, trăn trở và hy vọng. Cái nội lực ấy, của dân tộc Việt những khi gặp phải tai ương, lại bùng dậy diệu kỳ.

…Đó là một hôm, tôi nhận được bài viết của một vị giảng viên đại học là nữ Phó giáo sư-Tiến sĩ Phạm Bích Ngọc, người gốc Nha Trang, đang công tác tại Đại học Brooklyn (New York). Cô gửi về những hình ảnh vắng lặng trên những đường phố, trên các toa tàu điện ngầm và nỗi cơ cực của những ca sĩ nghiệp dư da đen trên mỗi góc đường. Một số ít trong họ phải chịu cảnh sống vô gia cư, kèm với túi xách vài ba bộ váy áo cho buổi diễn ở các quán cà phê, nay đành phải thất nghiệp chờ thời. Một số ít quán nail của người Việt phải “liều mạng” mở chui, để kiếm ít tiền cho qua ngày đoạn tháng. Và một số lời than thở trước áp lực của dịch bệnh đang lan tràn, đến nỗi những người xấu số ra đi phải dồn vào xe đông lạnh. Một bài diễn tả buồn, nghe như rất cô quạnh ở một thành phố hàng đầu thế giới về sức sống và sự nhộn nhịp!

Những lời trong bài viết ấy, và những bức ảnh có vẻ như trái ngược với sự ấm áp ở quê nhà. Khi màu sắc trầm lắng của New York vẫn còn hiện diện trên tờ báo online, thì những bài viết và bức ảnh bên cạnh, là xôn xao người đứng trước các quầy gạo, thực phẩm và bao thứ trợ cấp, từ sự chung tay của nghĩa cử bao người trên mỗi góc phố Sài Gòn. Hình dung như biết rằng, nếu không bao giờ diễn ra sự hờ hững ơ thờ, thì chắc chắn sẽ vượt qua tất cả!

Bây giờ, ngay những ngày giáp Tết Tân Sửu, Sài Gòn và nhiều tỉnh thành trong cả nước lại đang trải qua một cuộc chiến mới với biến chủng của Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Cuộc chiến chống covid- 19 có thể sẽ còn có thể kéo dài nhưng tin rằng với những biện pháp quyết liệt của Chính phủ và ý thức phòng chống dịch của người dân, chúng ta sẽ sớm vượt qua để đón một cái tết an lành. Và dù trong hoàn cảnh khó khăn thời covid, thì vẫn có một dòng chảy bất tận của lòng nhân ái gửi đến những cảnh đời khó khăn, bất hạnh.

Trong những ngày cuối năm này, biết bao cô công nhân may mặc như cô Thu quê ngoài Quảng Trị, bao người lao động bị thất nghiệp, bao doanh nhân phải thắt lưng buộc bụng để vượt qua thời kỳ “hậu Covid” trên dải đất hình chữ S vẫn phải tìm thấy một con đường để tồn tại, với muôn nỗi khó khăn, nhưng còn rất may mắn hơn nhiều bởi không trả giá bằng mạng sống như nhiều quốc gia trên thế giới. Sự chia sẻ động viên là một liều thuốc hữu hiệu. Cái nắm tay và nụ cười chính là mạch ngầm chảy mãi cho ta bước qua ngày mới tinh khôi. Vì thế, những ưu sầu nơi đâu trong một năm qua vì Covid, hy vọng rồi sẽ qua đi.

Và còn lại là tình người, vẫn nghe vọng lại muôn lời hát vui tươi, để tiễn một năm đi trong bao cảnh nhọc nhằn. Ý thức ấy, mỗi phút mỗi giây người viết vẫn thấy hiển hiện rất rõ trên “tường nhà” mỗi người, hòa với nhau trong một âm điệu đầy màu sắc trên mạng xã hội!

Những ngày cuối năm 2020

Tin khác

Nắng nóng gay gắt trên cả nước kéo dài đến bao giờ?

Nắng nóng gay gắt trên cả nước kéo dài đến bao giờ?

(CLO) Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, đợt nắng nóng gay gắt trên cả nước kéo dài đến khoảng ngày 30/4, từ ngày 1 - 2/5 nắng nóng có khả năng giảm dần.

Ngày nghỉ lễ đầu tiên có hơn 2.000 du khách xuất cảnh qua Trung Quốc tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai

Ngày nghỉ lễ đầu tiên có hơn 2.000 du khách xuất cảnh qua Trung Quốc tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai

(CLO) Theo cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai, ngày nghỉ đầu tiên dịp lễ 30/4 và 1/5 đã có hơn 2.000 du khách từ các tỉnh thành miền xuôi qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai sang du lịch ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Những kỷ vật thiêng liêng tái hiện cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Trần Phú

Những kỷ vật thiêng liêng tái hiện cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Trần Phú

(CLO) Những kỷ vật còn lưu giữ tại Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã tái hiện rõ nét cuộc đời cách mạng của người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc.

Gần 80 người thương vong trong ngày đầu nghỉ lễ

Gần 80 người thương vong trong ngày đầu nghỉ lễ

(CLO) Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, toàn quốc xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông khiến gần 80 người thương vong.

120 giàn pháo hoa phục vụ Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

120 giàn pháo hoa phục vụ Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

(CLO) 120 giàn pháo hoa được lực lượng chức năng thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá lắp đặt trước bờ biển đối diện sân khấu Quảng trường biển Sầm Sơn để chuẩn bị cho Lễ hội du lịch biển năm 2024.

Quảng Ninh: Đã tìm thấy thi thể thứ 4 trong vụ lật thuyền nan trên sông Chanh

Quảng Ninh: Đã tìm thấy thi thể thứ 4 trong vụ lật thuyền nan trên sông Chanh

(CLO) Thông tin được lãnh đạo Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Yên xác nhận, sau khi lực lượng chức năng địa phương này đã tìm được thi thể thứ 4 của vụ tai nạn vào hồi 8 giờ 10 phút ngày 27/4.