Báo chí và công tác tuyên truyền về Dân tộc - Tôn giáo:

Bài 1: Cần đổi mới phương thức thông tin, tuyên truyền về dân tộc thiểu số

Thứ hai, 03/10/2022 09:22 AM - 0 Trả lời

(CLO) Mặc dù đã đạt những kết quả đáng ghi nhận trong công tác tuyên truyền về dân tộc thiểu số, song các cơ quan báo chí cũng cần thay đổi để thích ứng với tình hình mới hiện nay.

Báo chí và công tác tuyên truyền về Dân tộc - Tôn giáo

LTS: Nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về dân tộc và truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 21/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 219/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là hướng tới mục tiêu đổi mới, chủ động trong cách thông tin tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo để độ “phủ sóng” tới cộng đồng sâu rộng và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, hiện công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo vẫn còn khó khăn, trở ngại, thậm chí có những hạn chế, bất cập; công tác thông tin truyền thông về dân tộc, tôn giáo của một số cơ quan báo chí còn chưa chủ động, sáng tạo dẫn tới hiệu quả tuyên truyền chưa đạt như kỳ vọng.

Từ thực trạng này, Báo NB&CL thực hiện chuyên đề “Báo chí và công tác tuyên truyền về Dân tộc - Tôn giáo”. Chuyên đề tập hợp những bài viết, những ý kiến của các chuyên gia về dân tộc, tôn giáo; những kinh nghiệm thực tế rút ra từ công tác truyền thông về dân tộc, tôn giáo…

Qua đó, Báo NB&CL mong muốn các nhà báo, phóng viên có thêm những kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, tránh được những sai sót không đáng có.

Bền bỉ vai trò, sứ mệnh tuyên truyền về DTTS

Theo kết quả điều tra năm 2019, dân số dân tộc thiểu số (DTTS) ở nước ta là 14,2 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Cư dân DTTS cư trú rải rác ở 75% diện tích đất nước, tập trung ở các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa.

bai 1 can doi moi phuong thuc thong tin tuyen truyen ve dan toc thieu so hinh 1

Ông Đinh Xuân Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền của Ủy ban Dân tộc tại hội nghị Tập huấn tuyên truyền chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo  cho các PV, BTV của các cơ quan báo chí phía Bắc, ngày 21/7/2022

Những năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền về DTTS đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bên cạnh các hình thức thông tin phổ biến ở vùng DTTS như: loa phát thanh, truyền thanh; bảng tin công cộng; họp thôn, bản; tuyên truyền miệng thông qua các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, các chức sắc tôn giáo… từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, đồng thời giao Ủy ban Dân tộc chủ trì đặt hàng với các cơ quan báo, tạp chí theo số lượng và đối tượng đã được phê duyệt.

Đặc biệt, ngày 21/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 219/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo.

Thực hiện chủ trương, chính sách về dân tộc của Đảng và Nhà nước, các cơ quan báo chí đã bền bỉ thực hiện vai trò, sứ mệnh tuyên truyền của mình. Báo chí đã kịp thời truyền tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và chính sách dân tộc nói riêng đến với đồng bào các dân tộc trong cả nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.

Báo chí được ví như món ăn tinh thần quý giá, mang đến thông tin để đồng bào DTTS có cái nhìn xa hơn, rộng hơn. Từ chuyện phổ biến cách làm ăn mới, hướng dẫn việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; động viên đồng bào tích cực giảm nghèo, vươn lên làm giàu… đến xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao cảnh giác, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội...

Nhiều tờ báo đã chuyển tải kịp thời thông tin đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa và là cẩm nang không thể thiếu giúp các cán bộ, đảng viên, người có uy tín, già làng, trưởng bản làm tài liệu tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện, làm theo.

Đồng thời, báo chí cũng là cầu nối chuyển tải tâm tư nguyện vọng của đồng bào tới các nhà hoạch định chính sách; góp phần vận động để đồng bào hiểu hơn về những giá trị quý báu của các nét văn hóa truyền thống; từ đó gìn giữ, duy trì và không ngừng phát huy…

Hình thức thông tin về DTTS đã được các báo quan tâm hơn. Một số bài viết, phóng sự rất hay, có tính thuyết phục cao, mang nhiều thông tin cần thiết đối với đồng bào DTTS đã được phát sóng, đăng tải. Phần lớn các tin bài của các báo ngắn gọn, trình bày đẹp, rõ nét, có ảnh kèm theo, thông tin dễ hiểu, dễ tiếp cận...

Chưa nói được cái đồng bào cần

Có thể nói, công tác tuyên truyền chính sách dân tộc của các cơ quan báo chí thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, tạo ra những thay đổi đáng kể về nhận thức, thái độ, hành vi của người dân sống ở vùng DTTS. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.

bai 1 can doi moi phuong thuc thong tin tuyen truyen ve dan toc thieu so hinh 2

Phóng viên VTV5 tác nghiệp tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: VTV5

Đầu tiên, có thể kể đến đó là số lượng tác phẩm viết về DTTS lớn, nhưng chất lượng còn nhiều hạn chế. Nội dung nhiều bài báo còn khô cứng, nặng về tuyên truyền chính sách một chiều; hình thức phản ánh còn chưa thực sự phù hợp với đồng bào DTTS.

Đặc biệt, phóng viên là người dân tộc còn ít, hầu hết những tác giả viết về DTTS là người Kinh và thường có cách tiếp cận từ “bên ngoài”. Phóng viên, nhà báo mới chỉ viết cái mình có, cái mình quan sát được chứ chưa đi sâu vào viết và phản ánh về cái mà đồng bào cần. Do đó, các bài viết thường mang tính chủ quan, chưa phản ánh được tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của bà con DTTS.

Bên cạnh đó, một số anh em báo chí còn thiếu kiến thức về DTTS, từ đó dẫn đến lầm lẫn đáng tiếc trong quá trình phản ánh về công tác dân tộc. Một số phóng viên vẫn còn định kiến khi viết về DTTS, điều đó thể hiện qua ngôn ngữ, cách tiếp cận vấn đề. Người DTTS xuất hiện trên báo chí, truyền thông thường gắn liền với hình ảnh nghèo đói, lạc hậu, thiếu hiểu biết pháp luật... Số bài viết về người DTTS sáng tạo, năng động vươn lên làm giàu... không nhiều, chỉ chiếm hơn 30%.

Vấn đề khác nữa là những thông tin được chuyển tải đến bà con thường theo cách truyền thống, chưa sử dụng các kỹ thuật và công cụ truyền thông mới để tiếp cận ở diện rộng hơn tới đồng bào DTTS. Thông tin từ báo chí được đưa xuống chỉ theo một chiều, chưa có sự nghiên cứu, phân tích xem đồng bào nghe, xem, đọc… như thế nào để có phương án truyền tải thông tin tốt nhất.

Các cơ quan báo chí cứ viết, cứ phát sóng chứ chưa đánh giá xem có bao nhiêu người nghe, xem chương trình của mình; đồng bào xem rồi có hiểu không; bài báo có tác động đến đời sống đồng bào ra sao… Có nhiều cơ quan báo chí xây dựng được những tuyến bài rất hay, rất có giá trị, nhưng làm sao để có nhiều hơn nữa bà con DTTS được tiếp cận với thông tin từ bài báo (điều này mới là quan trọng) thì vẫn chưa có lời giải xác đáng, bền lâu.

Chính vì những hạn chế, bất cập nêu trên nên trong thời gian qua, báo chí chưa thể hiện hết vai trò quan trọng của mình trong tuyên truyền chính sách dân tộc đến với đồng bào DTTS; chưa nêu bật được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS trong suốt quá trình phát triển của đất nước.

Thay đổi để thích ứng

Một đặc điểm của đồng bào DTTS ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là nghèo đa chiều trong đó có nghèo thông tin. Trong khi các vùng đô thị, vùng đồng bằng thông tin tràn ngập, thừa mứa thì ở các xã đặc biệt khó khăn, bà con đang rất thiếu thông tin và thiếu cả phương tiện tiếp nhận thông tin.

Do đó, cùng với cung cấp thông tin, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ phương tiện nghe nhìn cho bà con đồng bào DTTS, trước hết là bà con tại các xã đặc biệt khó khăn. Thực tế đã diễn ra tình trạng bà con tại vùng sâu, vùng xa vì thiếu thông tin nên phải nghe thông tin từ các nguồn không chính thống, điều này rất nguy hiểm.

bai 1 can doi moi phuong thuc thong tin tuyen truyen ve dan toc thieu so hinh 3

Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển (trái) trên đường vào xã Quốc Việt, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn tác nghiệp. Ảnh: Báo DT&PT

Không chỉ hạn chế về giao thông, điện, thiếu các phương tiện tiếp nhận thông tin… một bộ phận không nhỏ đồng bào ở các bản, làng, phum, sóc không biết chữ, không thông thạo tiếng phổ thông. Nhiều người dân tuy có biết chữ, nghe hiểu được tiếng phổ thông nhưng lại hạn chế về mặt kiến thức, kỹ năng…

Chính vì vậy, báo chí cần đa dạng hóa các kênh thông tin để “với” được đến đồng bào DTTS. Bên cạnh các thể loại truyền thống, các cơ quan báo chí cũng cần đẩy mạnh hơn tuyên truyền trên báo điện tử và mạng xã hội. Việc thông tin, tuyên truyền cần sử dụng ngôn ngữ gần gũi, phù hợp với đặc thù, thuần phong, tập quán của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc.

Về giải pháp cụ thể, chúng ta không thể cấp smart phone cho tất cả 14 triệu đồng bào DTTS nhưng có thể chọn ra những “hạt giống” để lan tỏa thông tin từ báo chí đến với đông đảo đồng bào DTTS. Hiện chúng ta có 29.420 người có uy tín trong cộng đồng, đó chính là những “máy cái” tuyên truyền viên rất hiệu quả. Nhà nước có thể cấp cho họ mỗi người một smart phone tích hợp một phần mềm để khi có một chủ trương chính sách mới, một bài báo hay… thì chỉ vài giây sau, cả 29 nghìn người đều tiếp cận được.

Hoặc cũng có thể cấp cho những người này một chiếc radio mà chỉ thu được một kênh nhất định. Có thông tin rồi, các già làng, trưởng bản, người có uy tín sẽ hàng ngày hàng giờ đi từng ngõ, gõ từng nhà, họp dân họp bản để tuyên truyền tới bà con.

bai 1 can doi moi phuong thuc thong tin tuyen truyen ve dan toc thieu so hinh 4

Báo chí là “món ăn” tinh thần không thể thiếu đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Cùng với đó, yêu cầu đặt ra là thông tin từ báo chí phải phong phú, sống động, nội dung thiết thực. Báo chí cần nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức, nội dung theo hướng phù hợp, gắn bó mật thiết với thực tiễn nhu cầu thông tin của đồng bào các dân tộc, nhằm truyền tải tốt hơn đến với đồng bào DTTS và miền núi.      

Đối tượng thụ hưởng kết quả truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi là cộng đồng các tộc người thiểu số có những đặc thù về văn hóa, dân trí, ngôn ngữ, tập quán, địa bàn cư trú… Chính vì vậy, để truyền thông đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng dân tộc thiểu số, rất cần đổi mới phương pháp và có cách thức tiếp cận đặc thù. Đã đến lúc chúng ta cần chủ động đưa thông tin đến với đồng bào DTTS, thay vì để đồng bào thụ động tiếp cận thông tin.

Đinh Xuân Thắng

Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Ủy ban Dân tộc 

Bình Luận

Tin khác

Phó Chủ tịch Quốc hội dự Ngày hội Đại đoàn kết tại thôn Bản Cuôn, Bắc Kạn

Phó Chủ tịch Quốc hội dự Ngày hội Đại đoàn kết tại thôn Bản Cuôn, Bắc Kạn

(CLO) Sau hơn 60 năm hạ sơn, nhân dân thôn Bản Cuôn đã nỗ lực vươn lên, đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày một ổn định.

Thời sự
“Chặn” tình trạng cán bộ Thanh tra nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công vụ

“Chặn” tình trạng cán bộ Thanh tra nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công vụ

(NB&CL) Chuyên gia pháp lý, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho rằng việc Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành quy chế tổ chức và hoạt động đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ sẽ góp phần “ngăn chặn” tình trạng cán bộ Thanh tra nhũng nhiễu đối tượng thanh tra...

Thời sự
Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Di Linh và trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”

Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Di Linh và trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”

(CLO) Ngày 3/12, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phối hợp với UBND huyện Di Linh tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ III, năm 2022 và khai mạc Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Di Linh.

Thời sự
Đoàn đại biểu Người có uy tín tỉnh Ninh Thuận tham quan, học tập kinh nghiệm các tỉnh phía Bắc

Đoàn đại biểu Người có uy tín tỉnh Ninh Thuận tham quan, học tập kinh nghiệm các tỉnh phía Bắc

(CLO) Đoàn đại biểu Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Ninh Thuận vừa có chuyến đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Khu di tích Lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Thời sự
Công nhận Người có uy tín trong đồng bào DTTS huyện Bảo Lâm giai đoạn 2023 - 2027

Công nhận Người có uy tín trong đồng bào DTTS huyện Bảo Lâm giai đoạn 2023 - 2027

(CLO) Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng vừa ký Văn bản số 1722/QĐ-UBND ban hành Quyết định về việc phê duyệt danh sách Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2023 - 2027.

Thời sự