Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 -19/5/2019)

Chuyện về “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”

Thứ năm, 18/04/2019 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ra đời đúng vào một ngày đặc biệt: ngày sinh của vị cha già dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh; gánh trên vai sứ mệnh đặc biệt: mở ra tuyến đường sẽ là cầu nối vận chuyển chiến lược chi viện cho các chiến trường đánh Mỹ… đó là câu chuyện về Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh.

LTS: Cách đây tròn 60 năm, quyết tâm và ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã được hiện thực hóa bằng việc Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. 16 năm kháng chiến chống Mỹ, đường Trường Sơn và những người lính Trường Sơn đã đi vào lịch sử, được mệnh danh là “Huyền thoại của thế kỷ XX”, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, báo Nhà báo và Công luận có loạt bài viết về con đường, về những người lính mở đường và chiến đấu trên cung đường huyền thoại này.

Cuộc làm việc sáng 5/5/1959 và “Nhiệm vụ tuyệt mật”

Năm 1954, Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve được ký kết, nhưng Đảng và Bác Hồ sáng suốt nhận định kẻ thù sẽ phá hoại hiệp định, Mỹ sẽ can thiệp sâu vào miền Nam, âm mưu chia cắt hai miền Nam - Bắc. Cũng từ năm 1954, nhân dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương cho miền Nam đánh Mỹ. Giữ vững liên lạc giữa hai miền, làm thế nào để đảm bảo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng với phong trào cách mạng miền Nam thông suốt, kịp thời, trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Di tích đường mòn Hồ Chí Minh.

Di tích đường mòn Hồ Chí Minh.

Năm 1959, cách mạng miền Nam  đứng trước một bước ngoặt, đòi hỏi Đảng ta phải có quyết sách kịp thời. Đầu tháng 1 năm 1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã đề ra nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó  xác định con đường cách mạng miền Nam là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang đánh đổ ách thống trị của đế quốc, phong kiến – trước mắt là đánh đổ tập đoàn Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ. Nghị quyết 15 cũng xác định nhiệm vụ của miền Bắc trong mối quan hệ với cách mạng miền Nam, miền Nam với nhiệm vụ đánh đổ sự thống trị của Mỹ - Diệm, trong khi đó, miền Bắc phải là hậu phương lớn và trực tiếp của cách mạng miền Nam. 

Thực hiện Nghị quyết 15, việc nhanh chóng mở đường vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường trở thành một nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết. Thiếu tướng Võ Bẩm - một trong những người đầu tiên vinh dự được giao nhiệm vụ tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự chi viện cho miền Nam - trong hồi ức “Những nẻo đường kháng chiến” đã kể lại: “Ngày 5/5/1959, theo điện triệu tập, buổi sáng tôi vào cơ quan trực tiếp gặp anh Nguyễn Văn Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương. Anh Vịnh đưa tôi vào phòng làm việc, tự tay pha nước mời.

Từng cử chỉ, ánh mắt của anh muốn nói một điều gì đó rất hệ trọng. Rồi như để tránh một sự đường đột không cần thiết, anh nhỏ nhẹ hỏi tôi về tình hình bên Cục Nông trường, về tinh thần, tư tưởng của một số cán bộ - chiến sĩ miền Nam tập kết, có đề đạt nguyện vọng về Nam chiến đấu như thời gian vừa rồi nữa không? Tôi trả lời để anh nắm tình hình. Anh phấn khởi nói: Tôi có nhiệm vụ truyền đạt lại với anh chỉ thị của Bộ Chính trị trực tiếp giao cho anh mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn và tổ chức lực lượng vận chuyển vật chất súng đạn chi viện cho miền Nam tiến hành chiến tranh giải phóng theo tinh thần của Nghị quyết 15. Lực lượng này được gọi là đoàn công tác quân sự đặc biệt. Dường như sợ tôi không ý thức hết tầm quan trọng của nhiệm vụ, anh Vịnh nhắc đi nhắc lại: Đây không phải là lệnh của Bộ Quốc phòng mà là quyết định của Bộ Chính trị. Là một công việc lớn, rất khó và tuyệt mật”.

“Khai sinh” và “Nam tiến”

Cũng theo Hồi ức của Thiếu tướng Võ Bẩm, “Trụ sở làm việc của đoàn khi mới thành lập là các nhà 63, 83 phố Lý Nam Đế - Hà Nội. Những căn nhà này náu mình trong khu dân cư nhưng gần cơ quan Bộ Quốc phòng, tiện cho quan hệ công tác, cũng như bình thường hóa việc đi lại của cán bộ trong đoàn. Những ngày đầu thành lập, mấy anh em quây quần như một gia đình nhỏ, công việc hối hả nhưng không vì thế mà ồn ào. Khi cần, căn hộ của gia đình tôi ở 25A Phan Đình Phùng cũng là nơi làm việc và chứa hàng. Sau chừng nửa tháng chuẩn bị về tổ chức, ổn định về công việc, sinh hoạt, ngày 19/5/1959, tôi, anh Thạnh, anh Chương có buổi làm việc với anh Nguyễn Văn Vịnh. Anh Vịnh chính thức phổ biến nhiệm vụ của đoàn chúng tôi là mở đường Trường Sơn, tổ chức chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong năm 1959, tổ chức thiết lập tuyến hành lang, nối thông liên lạc, vận chuyển gấp một số hàng quân sự thiết yếu theo yêu cầu của chiến trường Khu 5: khoảng 7.000 súng bộ binh và bảo đảm cho 500 cán bộ trung - sơ cấp hành quân qua tuyến vào tăng cường cho chiến trường. Biên chế ban đầu của đoàn có Ban chỉ huy đoàn, Đoàn vận tải bộ 301 và các bộ phận xây dựng kho, bao gói, sửa chữa vũ khí trang bị… Cả cơ quan và đơn vị gần 500 cán bộ – chiến sĩ. Cơ quan lãnh đạo của đoàn là Ban Cán sự Đảng. Theo sự chỉ định của trên, tôi là Đoàn trưởng kiêm Bí thư Ban Cán sự”.

Đại đội 128 dân công tỉnh Thái Bình xẻ rừng, mở đường cơ giới.

Đại đội 128 dân công tỉnh Thái Bình xẻ rừng, mở đường cơ giới.

Một sự trùng lặp ngẫu nhiên nhưng đầy ý nghĩa và cũng đầy vinh dự với “Đoàn Công tác quân sự đặc biệt”, Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn sau này, là ngày Đoàn chính thức nhận “phổ biến nhiệm vụ” cũng là kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 69 của Bác Hồ, nên Đoàn đề nghị được lấy ngày 19 tháng 5 năm 1959 là ngày “khai sinh” của Đoàn. Cũng từ thời khắc ấy, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” được lấy tên là Đoàn 559.

Chỉ trong thời gian ngắn sau “cuộc khai sinh” đặc biệt ấy, Đoàn 559 đã sớm định hình ổn định về tổ chức, nhiệm vụ và phương thức hoạt động (tuyệt đối bí mật và an toàn).

Cuối tháng 5 năm 1959, Đoàn 559 đã tuyển được 440 cán bộ, chiến sĩ, tổ chức hoàn chỉnh Đoàn 301 (tương đương Tiểu đoàn). Một điều đặc biệt là các chiến sỹ đều là quê miền Nam xây dựng gia đình ở miền Bắc và một số đã qua đào tạo ở các trường trong và ngoài quân đội.

Tuyệt đối bí mật, ngay cả với gia đình và người thân  là điều mà toàn bộ cán bộ, chiến sỹ của Đoàn 559 được phổ biến và quán triệt ngay từ ngày đầu được triệu tập về Đoàn.

Tháng 6 năm 1959, những người lính Đoàn 559 bắt đầu vượt sông Bến Hải và phân bố các đơn vị vào các binh trạm. Đoàn 559 đã chọn Khe Hó, nằm giữa một thung lũng ở Tây Nam Vĩnh Linh là địa điểm xuất phát đầu tiên của tuyến đường lịch sử tiến vào Trường Sơn. “Nam tiến”, Đoàn 559 đã có cho mình một khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh mà sau này nổi tiếng khắp toàn quân, đó là “ở không nhà, đi không để dấu, nấu không để khói, nói không thành tiếng”. Các “đường dây” gùi hàng phải chủ động tránh địch, tránh cả dân để bảo toàn lực lượng, bảo đảm “tuyệt đối bí mật, an toàn” của tuyến đường. Vinh dự, tự hào nhưng cũng đầy những thử thách khắc nghiệt, thậm chí khốc liệt: bom đạn, thời tiết nghiệt ngã, với thú dữ… của núi rừng Trường Sơn đang đón đợi những người lính Đoàn 559. Nhưng với tâm thế: sẵn sàng cống hiến hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, những người lính Đoàn 559 vẫn vững bước tiến vào chiến trường…

Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn; sau 8 ngày đêm, hàng đã được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên (20 khẩu tiểu liên, 20 khẩu súng trường, 10 thùng đạn).

Hà Anh

Tin khác

Thông báo Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Thông báo Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

(CLO) Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18/9 đến ngày 20/9/2024 tại Thủ đô Hà Nội.

Tin tức
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng tiếp Cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng tiếp Cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt

(CLO) Chiều ngày 20/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt – Nhật đã tiếp ông Takebe Tsutomu, Cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt đang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tin tức
Chính phủ quyết định lấy ngày 6/8 hằng năm là Ngày An ninh mạng Việt Nam

Chính phủ quyết định lấy ngày 6/8 hằng năm là Ngày An ninh mạng Việt Nam

(CLO) Ngày 20/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1013/QĐ-TTg lấy ngày 6/8 hằng năm là Ngày An ninh mạng Việt Nam.

Tin tức
Ngày làm việc thứ ba và phiên bế mạc của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ ba và phiên bế mạc của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

(CLO) Ngày 20/9/2024, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII bước vào ngày làm việc thứ 3 và họp phiên bế mạc. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10.

Tin tức
Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

(CLO) Chiều 20/9/2024, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII họp phiên bế mạc tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị. Báo Nhà báo và Công luận trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Tin tức