Quảng Ngãi nỗ lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Hrê gắn với phát triển du lịch

Thứ sáu, 05/08/2022 11:50 AM - 0 Trả lời

(CLO) Đồng bào dân tộc Hrê ở Quảng Ngãi sở hữu vốn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống này đã được các cấp, ngành, địa phương tỉnh Quảng Ngãi đặc biệt chú trọng, trong đó có Bảo tồn gắn với phát triển du lịch.

Các nghệ nhân phát huy vai trò truyền giữ nét văn hóa truyền thống

Đồng bào dân tộc Hrê ở huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) sở hữu rất nhiều loại nhạc cụ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, như: Cồng chiêng 3, ra ngói, đàn ba rót, đàn ka rầu, chinh ka vong, tà vỗ, chinh ka la... Đa số các loại nhạc cụ này đều được chính người dân tự chế tạo ra từ cây tre, một loại vật liệu đặc trưng gắn liền với đời sống của người Hrê.

Việc giữ gìn và phát triển nét đặc sắc của các loại nhạc cụ này luôn được các nghệ nhân người Hrê chú trọng gìn giữ và truyền dạy cho lớp con cháu. Tiêu biểu trong số các nghệ nhân người Hrê là bà Đinh Thị Đê, ở thôn Công Loan, xã Thanh An (huyện Minh Long, Quảng Ngãi). Bà Đê là nghệ nhân nữ duy nhất của huyện biết làm và chơi đàn B'row, đàn B'roat. Ngoài ra, bà Đê còn biết hát ru và các làn điệu dân ca Hrê. Vì thế, bà luôn cùng với các nghệ nhân ở địa phương truyền dạy cách chơi nhạc cụ truyền thống, dân ca, dân vũ cho lớp trẻ.

quang ngai no luc bao ton phat huy ban sac van hoa dan toc hre gan voi phat trien du lich hinh 1

Nghệ nhân Đinh Thị Đê, ở thôn Công Loan, xã Thanh An (Minh Long), biểu diễn đàn B’row. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

"Đàn B'row, B'roat là những nhạc cụ truyền thống không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Hrê bao năm qua. Tiếng đàn B'roat, B'row hay đàn Ngói có những nét đặc sắc riêng. Mỗi ngày, tôi thường chơi đàn cho con cháu nghe và dạy lớp trẻ biết sử dụng các loại đàn này để  những nhạc cụ do ông cha dày công chế tác không bị mai một", bà Đê chia sẻ.

Nguyên liệu làm ra đàn B'row, B'roat là quả bầu khô cùng với lồ ô, dây kẽm và thanh tre... Đàn được chơi trong các lễ hội và đời sống hằng ngày của đồng bào Hrê sau những giờ lao động mệt nhọc... 

Nghệ nhân Đinh Brum (75 tuổi), ở thôn Làng Mùng (xã Sơn Bao, Huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi), là người am hiểu nhiều nhạc cụ của đồng bào dân tộc Hrê. Ông Brum cũng ngày ngày cùng đội văn nghệ của làng tập luyện để gìn giữ di sản của cha ông. "Trước đây, tôi chỉ biểu diễn vào các dịp lễ, Tết hay các buổi sinh hoạt của làng. Bây giờ có cơ hội biểu diễn ở những sân khấu lớn hơn, nên đội văn nghệ ai cũng rất vui. Các thành viên trong đội đang tập luyện rất chăm chỉ để biểu diễn du lịch ở hồ Nước Trong", ông Brum chia sẻ.

Ông Đinh Văn Lũ, ở thôn Làng Mùng (xã Sơn Bao, Huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) cho biết, ngoài thời gian lên rẫy, ra ruộng, ông lại cùng các thành viên trong đội văn nghệ tập trung tại nhà văn hóa thôn để tập luyện văn nghệ. Ngoài những người lớn tuổi thì giờ đây những người trẻ trong làng ông giờ cũng biết tập luyện các loại nhạc cụ để giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình.

Gìn giữ đặc sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sơn Hà lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Hrê gắn với phát triển du lịch” là nhiệm vụ trọng tâm phải được đặt ngang hàng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của huyện. Trong những năm qua, bên cạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, huyện Sơn Hà đã mở nhiều lớp dạy tiếng Hrê, lớp truyền đạt dân ca, dân vũ dân tộc và chế tác cho người dân trên địa bàn, nhất là thế hệ trẻ người Hrê. Đến nay, 14/14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có đội văn nghệ quần chúng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Kế hoạch bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Hrê gắn với phát triển du lịch của UBND huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) đã được nhân dân trong xã hưởng ứng. Xã Sơn Bao (huyện Sơn Hà) là nơi có lợi thế để phát triển du lịch với hồ chứa nước Nước Trong. Đây cũng là địa phương còn lưu giữ nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê. Do đó hiện nay, xã Sơn Bao đã thành lập được một đội văn nghệ với 24 thành viên, cũng là đội văn nghệ đại diện của huyện đi lưu diễn ở các nơi. Sau này, xã Sơn Bao sẽ thành lập mỗi thôn 1 đội văn nghệ riêng, nhằm phát huy nét văn hóa của địa phương và phục vụ du lịch chuyên nghiệp hơn.

quang ngai no luc bao ton phat huy ban sac van hoa dan toc hre gan voi phat trien du lich hinh 2

Một tiết mục múa hát được đội văn nghệ xã Sơn Bao (Sơn Hà) biểu diễn. Ảnh: T.L

Giờ đây, đến với hồ Nước Trong, khách tham quan sẽ được đắm mình trong không khí trong lành khi du ngoạn trên thuyền giữa bốn bề sông nước, mây núi. Không những thế, du khách còn được chiêm ngưỡng những điệu nhảy nhẹ nhàng, uyển chuyển của các thôn nữ vùng cao trong trang phục truyền thống của đồng bào Hrê, hòa lẫn trong tiếng cồng chiêng, nhạc điệu dân tộc đặc sắc. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc trưng của người dân nơi đây và có thể trải nghiệm tự chế biến món ăn hay mặc đồ truyền thống nhảy múa cùng đội văn nghệ.

Chị Nguyễn Thị Thùy, công chức văn hóa xã Sơn Bao (huyện Sơn Hà), cũng là đội trưởng đội văn nghệ của xã cho biết, một số thành viên chính của đội đảm trách việc gõ chiêng và các nhạc cụ kèm theo và một thành viên hát chính, các thành viên còn lại sẽ nhảy theo nhịp chiêng. Các động tác này đều được khắc họa trên choé của đồng bào Hrê nên rất dễ luyện tập.

Cùng với huyện Sơn Hà, Huyện Minh Long hiện cũng đã bố trí 2,5 tỷ đồng để xây dựng không gian văn hóa Hrê ở làng Thượng Đố, xã Thanh An và phục dựng một số nhà sàn, ruộng bậc thang, xây dựng làng nghề truyền thống... Những hoạt động này nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Hrê gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Tuyết Nguyễn

Bình Luận

Tin khác

Cao Bằng: Tôn vinh 150 điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào DTTS năm 2023

Cao Bằng: Tôn vinh 150 điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào DTTS năm 2023

(CLO) UBND tỉnh Cao Bằng vừa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào DTTS năm 2023.

Gương sáng bản làng
Ngôi làng 3 nước đặc biệt nhất Tây Nguyên

Ngôi làng 3 nước đặc biệt nhất Tây Nguyên

(NB&CL) Xa xưa, người Brâu thường cư trú trên địa bàn Đông Nam nước Lào, Đông Bắc nước Campuchia và một phần ít ở thôn Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum).

Gương sáng bản làng
Lào Cai: Nỗ lực đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số

Lào Cai: Nỗ lực đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số

(CLO) Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, có trên 66% là đồng bào DTTS. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhiều năm qua vẫn luôn là nỗi trăn trở của địa phương. Tuy nhiên, theo thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2022, tình trạng này trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có chiều hướng giảm.

Gương sáng bản làng
Quyết tâm xóa bỏ hủ tục trong vùng đồng bào DTTS ở Đăk Glei

Quyết tâm xóa bỏ hủ tục trong vùng đồng bào DTTS ở Đăk Glei

(CLO) Một thời gian dài, những hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của những thế hệ đồng bào DTTS ở tỉnh Kon Tum, trong đó có huyện Đăk Glei. Với sự quyết tâm xóa bỏ hủ tục của cả hệ thống chính trị, cuộc sống của đồng bào DTTS ở huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đang từng bước đổi thay.

Gương sáng bản làng
Độc đáo đám cưới của người Dao ở Lục Yên

Độc đáo đám cưới của người Dao ở Lục Yên

(CLO) Đến nay, đám cưới của người Dao ở Lục Yên, tỉnh Yên Bái vẫn giữ được những nét văn hóa lâu đời, vui tươi và giàu bản sắc.

Gương sáng bản làng