Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thứ năm, 02/05/2024 10:19 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Nhưng chính khó khăn lớn nhất ấy lại đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng chấn động địa cầu. Chính tại vùng rừng núi Điện Biên hiểm trở, ta đã tạo nên được thế trận hậu cần vững chắc mà quân địch không thể ngờ tới. 

Hội đồng cung cấp mặt trận - kết nối hậu cần hậu phương với tiền tuyến

Ngày 27/7/1953, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị quyết số 284/TTg về việc thành lập “Hội đồng cung cấp mặt trận” ở Trung ương và Hội đồng cung cấp liên khu để huy động nhân lực, vật lực của địa phương phục vụ chiến dịch. Hội đồng cung cấp Trung ương do đồng chí Phạm Văn Đồng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng làm chủ tịch với nhiệm vụ chỉ đạo các địa phương, các ngành kinh tế, tài chính thực hiện tinh thần “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”.

Hội đồng cung cấp liên khu do chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính, kiêm Bí thư Đảng làm chủ tịch hội đồng. Trong chiến dịch có 4 liên khu gồm: Liên khu Việt Bắc, Tây Bắc, 3, 4. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào Thanh Hóa, đồng chí Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng về Liên khu 3, để trực tiếp chỉ đạo các địa phương huy động sức người, sức của phục vụ cho chiến dịch.

the tran hau can noi long chao dien bien hinh 1

Dân công miền xuôi phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Bài liên quan

Về nhiệm vụ của Hội đồng Cung cấp mặt trận ở Trung ương, Nghị quyết số 284/TTg ghi rõ: Hội đồng cung cấp Trung ương có nhiệm vụ: Nghiên cứu khả năng cung cấp của các địa phương; Đặt kế hoạch và thống nhất việc huy động nhân lực, vật lực phục vụ tiền tuyến, điều tra nhu cầu của tiền tuyến và của hậu phương; nghiên cứu, đệ trình Chính phủ duyệt chính sách và thể lệ huy động nhân lực và vật lực; Chỉ đạo các “Hội đồng cung cấp mặt trận” và bảo đảm giao thông vận tải; Quản lý ngân sách cung cấp trong phạm vi Hội đồng phụ trách.

Việc thành lập “Hội đồng cung cấp mặt trận” ở Trung ương và Hội đồng cung cấp liên khu đã tạo ra cầu nối hữu hiệu giữa mặt trận với tiền tuyến. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ “Hội đồng cung cấp mặt trận” từ Trung ương đến liên khu, khu, tỉnh cùng với hậu cần Quân đội, hậu cần địa phương và hậu cần Nhân dân phát triển đồng bộ, quan hệ mật thiết và hỗ trợ nhau đã phát huy vai trò huy động nhân lực, vật lực của địa phương bảo đảm ngày càng đầy đủ, kịp thời cho chiến dịch chiến đấu thắng lợi.

Hội đồng cung cấp mặt trận đã cùng địa phương huy động và tiếp nhận nguồn lực của hậu phương rồi tổ chức chuyển nguồn lực đó ra trung tuyến, hỏa tuyến giao cho cơ quan hậu cần của quân đội để các cơ quan ấy chuyển tiếp ra tiền tuyến, phân bổ, cấp phát cho bộ đội.  Riêng việc vận chuyển vật chất cho tiền tuyến, “Hội đồng cung cấp mặt trận” đã huy động hàng vạn dân công ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, dân công phục vụ tại chỗ và dân công phục vụ trung tuyến, hỏa tuyến, dân công phổ thông và dân công chuyên môn, nghiệp vụ cho nhiều chiến dịch lớn trong cùng một thời gian.

“Hội đồng cung cấp mặt trận” các cấp đã kết hợp với các tổ chức kinh tế, tài chính của Nhà nước, nhất là các ngành có liên quan mật thiết với Quân đội, với ngành Hậu cần như kho thóc, mậu dịch, tài chính, ngân hàng,... chi viện ngày càng nhiều và kịp thời nhân lực, vật lực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trên cơ sở động viên và tổ chức toàn dân làm công tác bảo đảm hậu cần cho chiến dịch, Hội đồng cung cấp mặt trận đã kết hợp chặt chẽ khả năng bảo đảm hậu cần tại chỗ với hậu cần Trung ương, tạo sức mạnh tổng hợp trong tổ chức bảo đảm hậu cần cho lực lượng vũ trang, bảo đảm kịp thời, chủ động, đầy đủ trên các địa bàn tác chiến của chiến dịch.

Nhờ phát huy cao nhất việc khai thác, huy động nguồn vật chất từ hậu phương đưa lên, kết hợp khai thác nguồn tại chỗ trên địa bàn Chiến dịch nên chỉ trong thời gian ngắn, ta đã huy động được khối lượng lớn sức người, sức của từ vùng tự do (Thanh - Nghệ - Tĩnh, Việt Bắc,...) đến vùng bị địch tạm chiếm để chi viện cho chiến dịch, với hơn 25.000 tấn gạo, 266 tấn muối, gần 2.000 tấn thực phẩm, cùng gần 21.000 xe đạp thồ, gần 1.000 con ngựa thồ, hơn 3.000 chiếc thuyền và hơn 261.400 lượt dân công với 12 triệu ngày công.

Phân định 2 tuyến rõ ràng cung cấp cho chiến dịch

Do địa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ xa hậu phương, việc tổ chức vận chuyển tiếp tế lương thực, vũ khí, đạn dược được “Hội đồng cung cấp mặt trận” tổ chức thành 2 tuyến. Tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp và “Hội đồng cung cấp mặt trận” Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3 và Liên khu 4 đảm nhiệm; tuyến chiến dịch do Tổng cục Cung cấp Tiền phương, “Hội đồng cung cấp mặt trận” khu Tây Bắc phụ trách và được tổ chức thành 4 binh trạm, mỗi binh trạm gồm đủ các lực lượng vận tải, kho, quân y, vừa bảo đảm cho bộ đội hành quân, vừa tiếp chuyển vật chất lên phía trước.

Phương châm vận tải được xác định “Cơ giới là chủ yếu, triệt để phát huy cơ giới đồng thời tranh thủ mọi phương tiện thô sơ”. Khi thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, tuyến hậu phương từ Ba Khe, Suối Rút đã vươn xa tới Sơn La để giảm bớt khó khăn cho tuyến sau; tuyến chiến dịch được bố trí từ Sơn La đến Điện Biên và các binh trạm cũng được điều chỉnh cho phù hợp. Đây là cách tổ chức rất khoa học, các tuyến được phân định rõ ràng, hình thành mạng lưới cung cấp rộng khắp, tạo nên thế trận hậu cần vừa vững chắc vừa liên hoàn; công tác chỉ huy, hiệp đồng nhịp nhàng, thống nhất, kịp thời bảo đảm cho các lực lượng tham gia Chiến dịch.

“Hội đồng cung cấp mặt trận” cùng 2 tuyến vận chuyển được phân định khoa học, hợp lý đã tạo nên thế trận hậu cần vững chắc, góp phần quyết định vào thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

(NB&CL) Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Góc nhìn
Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn