Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Thứ năm, 28/03/2024 10:28 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Vì sao, Ðiện Biên Phủ - từ chỗ không có trong Kế hoạch Navarre của Bộ chỉ huy quân Pháp, lại trở thành quyết chiến điểm của kế hoạch Navarre? Vì sao Ðiện Biên Phủ không có trong Kế hoạch tác chiến Ðông - Xuân 1953 - 1954 của Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam (QÐNDVN) lại trở thành điểm quyết chiến chiến lược với quân Pháp. Đi tìm câu trả lời cho những băn khoăn này cũng chính là giải đáp cho câu hỏi: Vì sao, Điện Biên Phủ lại trở thành “Điểm hẹn lịch sử” - chiến trường tâm điểm của cuộc chiến lớn nhất thế kỷ XX.

Sau “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn”, cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 của quân dân ta đã kết thúc bằng một chiến thắng vĩ đại, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” đã đặt dấu chấm hết cho ách đô hộ của thực dân Pháp ở Đông Dương. Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Từ quyết tâm “kết thúc chiến tranh trong danh dự” của Pháp

Sau 8 năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, dù đã huy động tiềm lực kinh tế, quân sự đến mức cao nhưng thực dân Pháp vẫn không đạt được mục đích cơ bản đề ra, là tiêu diệt Chính phủ cách mạng và lực lượng kháng chiến, thiết lập lại nền cai trị trên toàn Đông Dương như trước năm 1945 mà ngược lại còn chịu thiệt hại hết sức nặng nề. Đến năm 1953, Pháp bị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 39 vạn quân, tiêu tốn hơn 2000 tỷ phrăng. Thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế phòng ngự, bị động đối phó với các cuộc tiến công của chủ lực ta, vùng chiếm đóng bị thu hẹp. Mặt khác, những khó khăn về kinh tế, tài chính và phong trào đấu tranh phản chiến tại nước Pháp ngày càng dâng cao, đẩy Chính phủ Pháp rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị mới.

ky 1 vi sao dien bien phu hay duong toi diem hen lich su hinh 1

Thung lũng Điện Biên Phủ trước ngày quân Pháp nhảy dù xuống và chiếm đóng. Ảnh: Getty Images

Trong tình thế ấy, năm 1953, tướng Henri Eugène Navarre - người được đánh giá là “một nhà chiến lược văn võ kiêm toàn” - được cử làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, gánh vác trọng trách thay đổi lại tình hình. Navarre đã đề ra kế hoạch quân sự mang tên mình với hy vọng trong 18 tháng sẽ giành lấy một thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”. Điều đáng chú ý là ban đầu trong bản kế hoạch 18 tháng đầy tham vọng này, Điện Biên Phủ chưa hề chiếm một vị trí quan trọng, thậm chí, không hề được nhắc tới.

Về phía ta, theo Đại tá, PGS, TS Trần Ngọc Long, tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đã họp bàn kế hoạch chiến lược Đông - Xuân (1953 - 1954). Mục đích của đợt hoạt động này là nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, làm thất bại Kế hoạch Navarre của Pháp; tạo nên bước chuyển biến mới cho cuộc kháng chiến. Về nguyên tắc chỉ đạo chiến lược, chỉ đạo tác chiến, Bộ Chính trị xác định: Chọn nơi địch sơ hở, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững quyền chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng. Thấu triệt tinh thần trên, dưới sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tham mưu QÐNDVN đã khẩn trương triển khai xây dựng đề án tác chiến trên các hướng: Tây Bắc và Thượng Lào; đồng bằng Bắc Bộ; Trung - Hạ Lào và phát triển sang Cam-pu-chia; bắc Tây Nguyên của Liên khu 5. Thực hiện triển khai hướng tiến công chính là Tây Bắc, giữa tháng 11/1953, Đại đoàn 316 lên đường theo hướng Lai Châu. Ðiều đáng lưu ý là trong Ðề án hoạt động quân sự Đông - Xuân 1953 - 1954 của ta không nhắc tới Ðiện Biên Phủ.

Tới sự xuất hiện bất ngờ của “điểm hẹn lịch sử”

Theo Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Như Khôi, tháng 11/1953, giữa lúc có một không khí lạc quan về việc thực hiện kế hoạch Navarre trong giới chức Pháp - Mỹ thì Bộ Chỉ huy địch nhận được tin tức tình báo có một đơn vị chủ lực quân đội Việt Nam hành quân lên hướng Tây Bắc.

Không thể để mất toàn bộ vùng địa quân sự quan trọng Tây Bắc - Thượng Lào, ngày 20/11/1953, Navarre cho nhảy dù sáu tiểu đoàn cơ động tinh nhuệ xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ. Tiếp đó, Bộ Chỉ huy quân Pháp lại nhận được tin có nhiều đơn vị chủ lực, kể cả những đơn vị thiện chiến nhất của Việt Nam di chuyển lên hướng Tây Bắc. Hướng tiến công Tây Bắc của đối phương rõ dần.

ky 1 vi sao dien bien phu hay duong toi diem hen lich su hinh 2

Nhóm chiến lược của Pháp: Rene Cogny (đầu tiên bên trái), De Castries (không đội mũ) và Henri Navarre (giữa). Ảnh: DTInews

Bộ Chỉ huy quân Pháp tính rằng với việc chiếm giữ vị trí chiến lược then chốt Điện Biên Phủ, sẽ có điều kiện để mở rộng chiếm giữ cả vùng Tây Bắc và Thượng Lào, đồng thời buộc ta phải chấp nhận một trận công kiên lớn mà ưu thế thuộc về phía Pháp với vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại hơn hẳn đối phương.

Đế quốc Mỹ còn tính xa hơn, Điện Biên Phủ là một căn cứ lục quân, không quân lợi hại, có thể phục vụ cho mưu đồ xâm lược của Mỹ ở Đông Nam Á sau này. Vì thế, cần phải giữ Điện Biên Phủ bằng bất cứ giá nào.

Với lực lượng mạnh, được tổ chức phòng ngự vững chắc, được chi viện bằng không quân, Điện Biên Phủ sẽ trở thành nơi thu hút, gây tổn thất lớn cho quân chủ lực Việt Nam. Như thế, đồng bằng Bắc Bộ sẽ không bị uy hiếp, lực lượng cơ động của Pháp sẽ có thời cơ bình định đồng bằng và mở những chiến dịch tiến công quy mô lớn vào vùng căn cứ kháng chiến, làm thay đổi so sánh lực lượng và thế chiến lược trên toàn chiến trường Đông Dương.

Một vấn đề đặt ra là Điện Biên Phủ ở giữa vùng rừng núi xa xôi, tiếp tế khó khăn, nhưng Navarre và giới quân sự Pháp, Mỹ tính toán chủ quan rằng vấn đề tiếp tế hậu cần của quân Pháp ở Điện Biên Phủ có thể khắc phục được nhờ sự chi viện bằng đường không của Pháp, Mỹ.

Trái lại, về phía Việt Nam, từ trung tâm hậu phương kháng chiến đến Điện Biên Phủ gần 500km đường mòn luồn rừng, leo núi, việc vận tải tiếp tế chủ yếu bằng gánh bộ sẽ khó khăn gấp bội, không thể giải quyết được nhu cầu hậu cần của hàng vạn quân. Cân nhắc thuận lợi, khó khăn của hai bên, theo họ, phần thắng chắc chắn thuộc về phía Pháp.

Từ tính toán đó, Navarre quyết định rút quân từ Lai Châu về Điện Biên Phủ, đồng thời tăng viện, biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh gồm 21 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, ba tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn công binh, một đại đội xe tăng, một đại đội xe vận tải và một phi đội không quân thường trực 14 máy bay, tổng quân số lên tới 16.200 quân (chiếm 1/3 lực lượng quân cơ động của Pháp tập trung trên chiến trường Bắc Bộ), phần lớn là các đơn vị Âu - Phi tinh nhuệ, ngoài ra còn một số đơn vị lính ngụy được huấn luyện dài ngày và trang bị vũ khí tốt.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí 49 cứ điểm, tổ chức thành tám cụm cứ điểm liên hoàn. Mỗi cụm cứ điểm là một khu vực phòng thủ, một trung tâm đề kháng, có lực lượng phòng ngự và lực lượng cơ động, có hỏa lực mạnh, có các hàng rào kẽm gai và bãi mìn dày đặc xung quanh ngăn chặn đường tiến công từ ngoài vào.

Sân bay chính Mường Thanh và sân bay dự bị Hồng Cúm có thể hạ cánh gần 100 lượt máy bay mỗi ngày và chuyên chở khoảng 200 - 300 tấn quân dung, thả dù từ 100 - 150 binh sỹ.

Navarre còn dành 80% số máy bay của Pháp ở Đông Dương xuất phát từ sân bay Cát Bi, Gia Lâm và có sự chi viện của máy bay Mỹ từ tàu sân bay ở Vịnh Hạ Long thường xuyên bắn phá ác liệt vào đội hình chiến đấu và các tuyến đường vận tải tiếp tế của Việt Nam. Chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ gồm các sỹ quan được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm chiến trường.

Với một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có trong chiến tranh Đông Dương như thế, Bộ Chỉ huy quân Pháp huênh hoang Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm và thách thức quân đội kháng chiến Việt Nam nghênh chiến. Họ tin chắc sẽ thu hút và “nghiền nát chủ lực đối phương” và đây sẽ là giải pháp quyết định thắng lợi cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp, Mỹ.

Điện Biên Phủ ban đầu không có trong kế hoạch Navarre, nay đã trở thành quyết chiến điểm của kế hoạch Navarre.

Về phía ta, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp, nghe Tổng Quân ủy trình bày kế hoạch tác chiến mùa Xuân 1954, trong đó có phương án tác chiến tiến công Điện Biên Phủ và nhấn mạnh trận Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay.

Trên cơ sở phân tích một cách khoa học tương quan lực lượng, điều kiện thực tại và triển vọng tình hình của hai bên, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy và chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954.

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn