5 tháng tiêm được hơn 10 triệu liều vắc xin COVID-19: Tốc độ chậm so với số vắc xin đã được phân bổ

Thứ hai, 09/08/2021 22:16 PM - 0 Trả lời

(CLO) Thông tin từ Bộ Y tế, tính đến ngày 8/8 (sau 5 tháng triển khai tiêm chủng), cả nước đã tiêm được 10.393.025 liều, đạt 67% số vắc xin đã phân bổ. Đến nay lượng vắc xin Bộ Y tế phân bổ cho các địa phương là 18 triệu liều.

Nhiều địa phương tiêm vắc xin chậm tiến độ

Chiều ngày 9/8, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh/thành phố về tiến độ triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Tính đến ngày 8/8 (sau 5 tháng triển khai tiêm chủng), cả nước đã tiêm được 10.393.025 liều (tỷ lệ sử dụng đạt 67% so với số vắc xin 18 đợt, riêng vắc xin Moderna và Sinopharm chỉ tính ½), trong đó có 8.458.225 người đã được tiêm 1 liều vắc xin và 967.400 người tiêm đủ 2 liều vắc xin.

TP. Hồ Chí Minh hiện được phân bổ 4.972.540 liều (bao gồm cả đợt 19, 20); đã tiếp nhận 4.667.170 liều, trong đó phân bổ cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh 4.258.440 liều và các đơn vị trực thuộc là 408.730 liều.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội nghị trục tuyến với 63 tỉnh/thành phố về tiến độ triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 (ảnh TL).

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội nghị trục tuyến với 63 tỉnh/thành phố về tiến độ triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 (ảnh TL).

Một số địa phương có tốc độ tiêm chủng vắc xin chậm như Đồng Nai, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương, Hậu Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Thanh Hoá.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ Bộ Y tế đã rất tích cực để tiếp cận các nguồn vắc xin COVID-19 nhằm đưa vắc xin về Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất và nhiều nhất có thể để tiêm cho người dân.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã tiến hành phân bổ cho các Viện và địa phương khoảng trên 18 triệu liều để triển khai tiêm chủng. Tuy nhiên, báo cáo tổng hợp, đánh giá của cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tiêm chủng quốc gia cho thấy có tình trạng tại một số địa phương tiến độ tiêm chủng vắc xin chậm so với số lượng vắc xin được phân bổ.

Không được thu tiền khi tiêm vắc xin với bất cứ hình thức nào

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã thông báo đến các điểm cầu tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Thứ nhất, yêu cầu tất cả các địa phương, đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine để chúng ta từng bước đảm bảo miễn dịch cộng đồng.

Thứ hai, tất cả các đơn vị tiêm vaccine với tỷ lệ thấp so với số vắc xin được phân bổ, Bộ Y tế sẽ thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, theo dõi và giám sát.

Thứ ba, Thủ tướng chỉ đạo việc tiêm vắc xin bằng các nguồn khác nhau. Hiện Việt Nam đang tổ chức tiêm chủng vắc xin miễn phí, do đó tuyệt đối không được thu bất kỳ chi phí nào liên quan đến tiêm vắc xin.

Kể cả các tổ chức, cá nhân tự nguyện ủng hộ thì các đơn vị tổ chức tiêm vắc xin cũng không được tiếp nhận.

Thứ tư, Thủ tướng giao Bộ Y tế rà soát, đánh giá những địa phương, đơn vị nào tổ chức tiêm vắc xin với tỷ lệ thấp thì Bộ Y tế chủ động điều chuyển số vắc xin đó về các đơn vị, địa phương khác có tỷ lệ tiêm cao, tốc độ tiêm nhanh.

Thứ năm, Thủ tướng chỉ đạo không trông chờ, lựa chọn vắc xin mà vắc xin về đợt nào thì triển khai tiêm đợt đó.

“Gần đây nhất tại các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng cho rằng, việc tổ chức tiêm chủng vắc xin không để phát sinh cơ chế xin - cho, nghiêm cấm tiêu cực trong tổ chức tiêm vắc xin.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm chính về công tác phòng chống dịch trong đó có tiêm vắc xin COVID-19” - Thứ tưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Chậm nhất ngày 15/8, các địa phương chưa phê duyệt kế hoạch tiêm chủng tổng thể phải hoàn thành

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên trong khoảng 1 tuần trở lại đây, tốc độ tiêm chủng vắc xin của các địa phương có nhanh hơn so với trước đó, tuy nhiên nếu tính tỷ lệ  phần trăm so với số vắc xin đã được phân bổ thì vẫn thấp.

Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu địa phương nào hiện chưa xây dựng kế hoạch tiêm chủng tổng thể đến tháng 4/2022 thì cần xây dựng ngay và trình UBND tỉnh phê duyệt để trên cơ sở đó, từng đợt vắc xin nhận về triển khai tiêm chủng ngay, nhanh nhất, hiệu quả nhất và an toàn nhất.

“Trong cuộc họp giao ban lần trước, lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu các tỉnh, thành phố chậm nhất đến ngày 30/7 phải phê duyệt kế hoạch tổng thể tiêm chủng vắc xin trên địa bàn, tuy nhiên đến hôm nay vẫn còn địa phương cho biết đến ngày 5/8 tỉnh mới phê duyệt.

Tôi đề nghị một lần nữa, các địa phương rà soát lại ngay. Tỉnh nào chưa phê duyệt thì trước 15/8 phải phê duyệt và gửi thông tin về cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng để theo dõi” - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Tiêm chủng cuốn chiếu, không giới hạn số lượng người tiêm tại 1 điểm tiêm

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý: Các địa phương bố trí cả điểm tiêm cố định và lưu động, càng nhiều điểm tiêm càng tốt.

Đối với từng đợt vắc xin về, các địa phương cần tiêm chủng theo hình thức cuốn chiếu “vắc xin về đến đâu tiêm chủng ngay đến đó”, tránh thực trạng có nơi nhận vài chục nghìn liều vắc xin nhưng tiêm cả tuần không xong.

Đồng thời không giới hạn số người tiêm trong một điểm tiêm. “Tiêm tối đa nhất có thể. Một điểm tiêm không nhất nhất chỉ tiêm 100 liều/1 ngày mà có thể lên đến 200-300 hoặc nhiều hơn, nhưng phải đảm bảo tuân thủ chống dịch và an toàn tiêm chủng và chống tiêu cực trong tiêm chủng”- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Các địa phương cũng phải xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trong tiêm chủng. UBND các tỉnh, thành phố phải phân công một đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh chịu trách nhiệm về công tác tiêm chủng vắc xin. Nếu để xảy ra chậm, tiêu cực trong tiêm chủng thì phải chịu trách nhiệm.

“Ví dụ, nếu địa phương nhận 1 đợt phân bổ dưới 100.000 liều thì trong 3 ngày phải tiêm xong. Sau 3 ngày là chậm, Bộ Y tế sẽ công bố trên phương tiện thông tin đại chúng.

Theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế sẽ chủ động điều chuyển vắc xin ở nơi tiêm chậm về nơi có tốc độ tiêm nhanh. Và, các đợt phân bổ vắc xin tiếp theo, Bộ Y tế sẽ xem xét đối với các tỉnh tiêm chậm” - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Đồng thời Thứ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu mỗi ngày 2 lần các địa phương phải cập nhật ngay, triệt để số liệu tiêm lên cổng thông tin điện tử tiêm chủng.

Ưu tiên vắc xin cho các tỉnh phía Nam

Liên quan đến công tác vận chuyển vắc xin, tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: ngay sau khi có quyết định phân bổ của Bộ Y tế và vắc xin về đến kho, yêu cầu trong 5 ngày Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và các Viện Pasteur phải cấp đến các địa phương. Nếu quá 5 ngày, các địa phương báo cáo ngay về Bộ Y tế.

“Chúng tôi đã thống nhất với lãnh đạo Bộ Quốc phòng, vắc xin từ các kho của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các Viện Pasteur về địa phương sẽ do Bộ Chỉ huy quân sự của tỉnh phối hợp với Bộ Y tế để vận chuyển vắc xin về địa phương. Do đó, các địa phương không lo chuyện vận chuyển vắc xin”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết

Một lần nữa Thứ trưởng Bộ Y tế nhắc lại đối với tỉnh, thành phố triển khai tiêm chậm, sau ngày 15/8 tiêm không hết lượng vắc xin đã được phân bổ thì Bộ Y tế chủ động điều chuyển cho các đơn vị khác.

“Lúc đó, Bộ Y tế sẽ không trao đổi lại mà sẽ căn cứ vào số liệu tồn để điều chuyển và nếu Bộ Y tế có điều chuyển cũng mong các địa phương thông cảm. Quan điểm là ưu tiên vắc xin cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đang có dịch” - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Đồng thời Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh các địa phương, đơn vị cần nêu cao trách nhiệm trước người dân, từng đợt vắc xin được phân bổ phải tiêm nhanh nhất, vì sức khoẻ của người dân.

“Chúng ta đẩy nhanh, đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng vắc xin nhưng phải tuân thủ đảm bảo an toàn trong tiêm chủng”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ.

tuyentruyen1

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

(CLO) Sản phụ 34 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, đau bụng nhiều, huyết áp giảm do thai ngoài tử cung bị vỡ và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu và truyền 6 đơn vị máu.

Sức khỏe
Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

(CLO) Dịp nghỉ lễ nhu cầu đi lại người dân nhiều nên tăng nguy cơ lây lan dịch, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.

Sức khỏe
Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

(CLO) Một tài khoản mạng xã hội đã đăng thông tin sai sự thật trên các hội, nhóm và các trang mạng xã hội mạo danh Bệnh viện nhi Trung ương để huy động tiền từ thiện.

Sức khỏe
Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương do Phó Trưởng ban Thường trực điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Trần Huy Dụng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

(CLO) Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái.

Sức khỏe