Ân tình của những chiến sĩ cầm bút

Thứ ba, 16/04/2024 17:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới ngày nào nhận quyết định điều động lên tỉnh mới chia tách, nay được về dự kỷ niệm ngày thành lập Báo Lai Châu, bao cảm xúc ùa về. Tôi bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tiên ấy gian khổ nhưng thấm đẫm ân tình đồng nghiệp.

Năm 2004 tỉnh Điện Biên kỷ niệm cấp quốc gia 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trong bối cảnh vừa được chia tách ra từ tỉnh Lai Châu. Các cấp các ngành, các tổ chức xã hội sôi nổi phong trào hướng về Điện Biên Phủ. Báo chí cũng đồng loạt đăng những loạt bài chào mừng kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Báo Nhân dân đăng bài: “Hướng về Điện Biên Phủ đừng quên Lai Châu” của nhà báo Kim Anh, Ban lãnh đạo Báo phát động phong trào mỗi người ủng hộ Báo Lai Châu 1 ngày lương được 30 triệu đồng. Báo Hà Nội mới ủng hộ 10 triệu đồng. Báo Điện Biên Phủ ủng hộ 18 triệu đồng. Số tiền này lúc đó rất giá trị, rất có ý nghĩa thiết thực trong điều kiện cơ quan phải đi thuê trụ sở, cán bộ phóng viên chưa có nhà ở, thiếu người và phương tiện làm việc, giao thông đi lại và phương tiện liên lạc lúc đó ở miền biên viễn xa xôi rất khó khăn.

an tinh cua nhung chien si cam but hinh 1

Đoàn cán bộ, phóng viên Báo HàNộimới làm việc với Chủ tịch tỉnh Nguyễn Minh Quang để tuyên truyền Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất.

Báo Thái Nguyên do Tổng biên tập Phan Hữu Minh dẫn đầu tiên phong lên thăm, tặng Báo Lai Châu máy vi tính. Biết chúng tôi rất thiếu người làm việc, lập tức nhiều phóng viên xung phong hỗ trợ. Nữ phóng viên Xuân Anh đề đạt: cháu đang được học cảm tình đảng, cho cháu đi thử thách. KTV Hoàng Hưng cũng tình nguyện giúp về kỹ thuật. PV Xuân Anh như trợ lý của TBT, cùng tôi đi các địa bàn làm việc, viết tin bài, tối ngủ cùng tôi trên chiếc giường đơn trong phòng làm việc.

Có một kỷ niệm khó quên, trong chuyến công tác ở huyện Than Uyên, hai chị em được bố trí ngủ ở nhà khách. Buổi tối mất điện chúng tôi thắp nến để trên hộp chè bằng nhựa. Cả ngày đi bộ và làm việc mệt mỏi, hai chị em ngủ thiếp đi, sáng dậy nhìn mặt nhau ngỡ ngàng, không nhịn được cười vì mắt mũi đầy những sợi bồ hóng. Thì ra nến cháy hết, cháy xuống hộp chè, lan ra miếng mê-ca gắn chìa khóa phòng. May mặt bàn bằng kính nên không xảy ra hỏa hoạn. Sau Hoàng Hưng và Xuân Anh, các phóng viên Ngọc Sơn, Xuân Hòa, Thế Hà, Quốc Cường tiếp tục, mỗi người đảm nhận một địa bàn, vừa viết tin bài vừa kèm cặp các phóng viên mới của Báo Lai Châu. 

Báo Bắc Ninh đã gửi tặng máy FAX. Khi tôi đi công tác ở Bắc Ninh, phóng viên trẻ Hoài Lan đang nợ bài thức suốt đêm hoàn thành để được TBT Nguyễn Bá Sinh đồng ý cử đi Lai Châu cùng tôi. Hoài Lan thay vị trí Xuân Anh một tháng thì Dương Hoàn và Thanh Bằng báo Bắc Ninh tiếp tục xung phong. Thanh Bằng đi đột xuất, không kịp mang theo tư trang, tình nguyện ở lại, ra chợ mua quần áo và đồ dùng cá nhân, 2 anh em ở lại giúp chúng tôi 1 tháng.

Dòng ân tình tiếp tục chảy. Tổng Biên tập Báo Bình Thuận, Trần Thái Hòa lên thăm, thốt lên: biết là khó khăn nhưng không ngờ lại khó khăn đến thế. Chị hỏi phóng viên có thể ở lại giúp báo Lai Châu một thời gian không? Bùi Thanh Quang tháp tùng TBT tình nguyện ở lại. Suốt 3 tháng trời vừa làm nhiệm vụ phóng viên vừa cùng lãnh đạo báo tổ chức các buổi tập huấn nghiệp vụ cho những phóng viên mới vì hầu hết chưa học ngành báo chí. 

an tinh cua nhung chien si cam but hinh 2

Tạp chí Xây dựng Đảng gửi tặng máy vi tinh nhờ đồng chí Nguyễn Khắc Chử, Trưởng Ban Tổ chức tỉnh ủy chuyển giúp.

Đặc biệt, Báo Hậu Giang cùng chia tách từ Báo Cần Thơ một đợt với Báo Lai Châu, TBT Ngô Hồng Đào dự định trao đổi phóng viên nhưng đến nơi thấy Lai Châu ít phóng viên quá đã để PV Duy Khương lại.

Báo Hà Tây do TBT Kiều Kim dẫn đầu, lên trao tặng 1 bộ máy vi tính, 3 phóng viên tình nguyện ở lại đã cùng dự buổi công bố và trao quyết định TBT Báo Lai Châu. Không riêng báo mà các cơ quan tạp chí cũng quan tâm đến Báo Lai Châu. Trong chuyến công tác của TBT Tạp chí Xây dựng Đảng, Đỗ Xuân Định với Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lai Châu, đồng chí đến thăm nơi làm việc của Báo Lai Châu, thấy những khó khăn của cơ quan, sau đó về gửi tặng Báo Lai Châu 1 bộ máy vi tính.

Một miếng khi đói hơn một gói khi no. Sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan báo chí về tinh thần, vật chất và nhân lực là nguồn động viên cổ vũ lớn lao. Chúng tôi thấy mình không đơn độc, luôn có đồng nghiệp quan tâm, chia sẻ, là động lực để tập thể cán bộ, PV, BTV, KTV Báo Lai Châu gồng mình vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó.

Năm 2004 ổn định tổ chức, nơi ăn chốn ở và tập trung tuyên truyền cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân 3 cấp, năm 2005 toàn tỉnh thi đua chào mừng đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XI (lần thứ nhất đối với tỉnh Lai Châu mới). Nhiều nhiệm vụ mới được triển khai, Báo Lai Châu vẫn còn rất nhiều khó khăn về nhân lực. BBT tiếp tục kêu gọi sự giúp đỡ của các cơ quan báo chí.

Báo Hà Nội mới cử Phó Tổng Biên tập Tạ Việt Anh dẫn đoàn 3 phóng viên lên viết vệt bài tuyên truyền cho Đại hội lần thứ nhất của Đảng bộ tỉnh mới. Báo Sơn La hai phóng viên Anh Đức và Anh Sơn cưỡi “ngựa sắt” từ Sơn La sang đến Lai Châu, bùn đất bắn lên từ đầu đến chân, ngay hôm sau “Ngược dòng dòng sông Đà trước lúc ngăn sông” tuyên truyền tái định cư Thủy điện Sơn La. Báo Lào Cai láng giềng có PV Đặng Viết Xuyên sang góp sức.

an tinh cua nhung chien si cam but hinh 3

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Lai Châu chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo báo các tỉnh, thành phố về dự lễ kỷ niệm.

Được các đồng nghiệp tiếp sức, thời gian trôi qua, báo Lai Châu cũng tuyển dụng thêm được một số phóng viên, BTV, song vẫn còn thiếu kinh nghiệm quản lý, xử lý thông tin, xây dựng mặt báo. Sau một cuộc họp Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, tôi “bắt cóc” được nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Phó Chủ tịch Hội, Phó Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, “cây phóng sự” nổi tiếng lên chia sẻ kinh nghiệm cho PV, CTV các ngành ở Lai Châu.

Lớp học tổ chức nhanh chóng ngay trong lúc chúng tôi trên xe từ Hà Nội lên Lai Châu. Buổi sáng lớp có 23 người, buổi chiều gần 57 người đến dự. 3 ngày ở Lai Châu, đứng lớp 1 ngày, anh đã kịp đăng phóng sự: “Lai Châu sau ngàn ngày tách tỉnh” trên báo Lao động.

Theo lời đề nghị của Báo Lai Châu, các thầy Nguyễn Văn Dững, Trưởng Khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng thầy Nguyễn Ngọc Oanh và cô Đỗ Thu Hằng lên mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ “Báo chí viết về trẻ em”. Không chỉ Lai Châu mà các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Sơn La cũng cử nhiều PV, BTV, CTV đến học tập. Học viên tham dự những lớp tập huấn nghiệp vụ đã thu hoạch được nhiều kiến thức và kinh nghiệm bổ ích, đồng thời gắn kết PV, BTV, CTV báo chí các tỉnh.

Ân tình không thể kể hết trong bài viết này. Đã 20 năm trôi qua. Lai Châu giờ đã đổi thay, trở thành một thành phố mới, hiện đại và bản sắc ở miền biên viễn. Báo Lai Châu cũng phát triển mọi mặt, đáp ứng nhiệm vụ là tiếng nói của Đảng bộ, diễn đàn của nhân dân các dân tộc. Cuộc sống của mỗi người cũng đổi thay, song nghĩa tình đồng nghiệp còn ấm mãi.

VĨ THANH

Tôi vui mừng được biết hầu hết những phóng viên tình nguyện lên “chia lửa” với Báo Lai Châu ngày ấy và nay đều trưởng thành, được bổ nhiệm những vị trí lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí. Báo Lào Cai: anh Đặng Viết Xuyên - Phó Giám đốc Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh; Thái Nguyên: anh Ngọc Sơn giữ cương vị Tổng biên tập; anh Thế Hà - Phó TBT Báo; anh Xuân Anh, Phó Phòng phóng viên kinh tế Báo Thái Nguyên; anh Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông; anh Quốc Cường phụ trách Tạp chí Truyền hình Thái Nguyên; Sơn La: Anh Đức hiện là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh; Bình Thuận: anh Bùi Thanh Quang giữ chức Phó TBT báo; Hậu Giang: anh Duy Khương nay là Trưởng đại diện TTXVN tại Hậu Giang; Bắc Ninh: Dương Hoàn và Hoài Lan đều là phó phòng phóng viên kinh tế....

Xin nồng nhiệt chúc mừng và gửi tới các đồng nghiệp lời cảm ơn chân thành nhất. 

Nhà báo Hà Kim Chi - Nguyên Tổng Biên tập Báo Lai Châu

Bình Luận

Tin khác

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

(NB&CL) “Đối với chúng tôi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời gian ghi lại những ký ức hào hùng của dân tộc và cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về nghề làm báo, viết báo. Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đắm chìm trong nỗi nhớ ngày 30/4/1975”- Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, sau 50 năm, vẫn xúc động khi trò chuyện về những năm tháng lịch sử.

Nghề báo
Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo