Áo dài - Điểm nhấn trong hợp lưu văn hóa Việt

Thứ bảy, 13/02/2021 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tà áo dài tha thướt giữa xuân hồng làm ấm lại lòng người sau những tháng ngày bề bộn. Áo dài, vệt văn hóa trong chuỗi tổng phổ văn hóa Việt hàng nghìn năm qua vẫn vẹn nguyên nét tinh khôi vốn dĩ.

Mẹ quê hương, áo dài tư tải hồn Việt mãi là một giá trị để bao thế hệ người Việt chọn lựa như một phục trang không thể thiếu trong đời sống thường nhật. Áo dài còn mang bao viễn mơ về những chân trời mới, như khát vọng nhân bản và thẩm mỹ của người Việt trong chiều tiếp biến của quá khứ - hiện tại - tương lai…

Báo Công luận

Đến nay, dù chưa có một văn bản chính thức nào quy định áo dài là quốc phục, nhưng trong tâm thức người Việt Nam và trong mắt bạn bè quốc tế thì tà áo dài truyền thống được xem là một trong những biểu tượng của tinh hoa văn hóa dân tộc Việt. Trong cuộc trò chuyện bên thềm xuân mới Tân Sửu 2021 với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, nhà thiết kế (NTK), họa sĩ Lê Sĩ Hoàng - Chủ tịch Viện nghiên cứu trang phục Việt Nam (gọi tắt là Viện Trang phục Việt) đã nhấn mạnh tà áo dài Việt là điểm nhấn văn hóa đầy ấn tượng trong hợp lưu văn hóa Việt trong dòng biến thiên của lịch sử hàng trăm năm qua.

Báo Công luận

Theo NTK Lê Sĩ Hoàng, áo dài không chỉ là trang phục để sử dụng trong những sự kiện, nghi lễ trang trọng, dùng để biểu diễn nghệ thuật trong các dịp lễ hội, Tết cổ truyền; trình diễn trong các kỳ lễ hội, tuần lễ thời trang, thi hoa hậu, người đẹp trong và ngoài nước… mà còn là trang phục dung dị để mặc hằng ngày.

Báo Công luận

“Ngay tại chợ Đông Ba (Huế), tôi bắt gặp một chị mặc áo dài truyền thống đứng bán nước. Xe nước mía của chị dù không phải hiện đại tự động mà phải quay bằng tay. Mỗi lần có khách, chị lại quay nước mía, nhưng lượng khách thưởng thức khá đông. Nước mía không có gì đặc biệt, nhưng khách đến đây cảm thấy sự nhẹ nhàng, thoải mái,… bởi chị luôn khoác bộ áo dài mềm mại, một dấu ấn dung dị cho nhan sắc cố đô”, NTK Lê Sĩ Hoàng nhớ lại.

Báo Công luận

Mặc áo dài còn kéo giảm sự trỗi dậy của bản năng. Khiến người mặc trở nên nền nã, bình tâm, nhẹ nhàng hơn trong dáng đi, cách ngồi, lối nói chuyện,… làm cho người mặc áo dài trở nên thanh lịch hơn. Có lẽ, đây là một phục trang khác đặc biệt hàm chứa những thành tố tâm lý bên cạnh hình thức thẩm mỹ mà ít có thời trang nào có thể dung chứa được như áo dài Việt…

Báo Công luận

“Với một người phụ nữ mặc áo dài và một người mặc trang phục khác thì tỷ lệ bị quấy rối tình dục cũng giảm rất nhiều. Điều này không đơn thuần, mà đây là khoa học về cấu trúc tổng thể, cấu trúc khối, cấu trúc đường thẳng đập vào mắt của người đối diện, khiến hành động luôn đồng quy về tính thiện lành. Đó là “hiệu ứng đường thẳng” - được biểu hiện cụ thể như như cột cờ, nhà thờ, áo cha xứ, áo thầy tu,… trong đó có áo dài” – NTK Lê Sĩ Hoàng nhấn mạnh.

Báo Công luận

Áo dài không còn là trang phục thuần túy mà còn là nét điểm xuyết cho âm bản của hồn Việt. Giữa bao đa biến của lịch sử và thời cuộc, áo dài đã và đang là một định vị những giá trị thanh kiết của tâm hồn Việt. Tạo nên một nếp cảm, nếp nghĩ tự thân mà không hề bị chi phối bởi bất kỳ cưỡng cầu nào.

Báo Công luận

Vì lẽ đó, ngoài việc gắn liền với sự phát triển của đời sống xã hội, áo dài còn là “cầu nối”, là “sứ giả” trong việc quảng bá du lịch Việt. Khách du lịch khi đến Việt Nam, nhất là các nữ du khách thường chọn áo dài như món quà lưu niệm độc đáo, đặc sắc.

Áo dài theo dòng lịch sử

Các nhà nghiên cứu ghi nhận, áo dài đã xuất hiện cách đây hàng nghìn năm. Hình ảnh cổ xưa nhất của áo dài được biết đến là áo Giao lĩnh thời hậu Lê (khoảng năm 1744). Ở giai đoạn này đất nước được trị vì bởi chúa Nguyễn Phúc Khoát ở phía Nam, còn phía Bắc là chúa Trịnh. Lúc này, áo có kích thước rộng, thân áo được may bằng 4 tấm vải, dài chấm gót chân, xẻ 2 bên hông, phần tay áo dài, cổ tay rộng. Áo mặc cùng váy đen bên trong và thắt lưng vải bên ngoài. Trong những thập niên đầu thế kỷ 20, áo dài Le Mur được ra đời bởi bàn tay tài hoa, sáng tạo của họa sĩ Nguyễn Cát Tường. Áo được may ôm sát cơ thể, chỉ có hai vạt trước và sau, vạt trước dài chấm đất. Nhằm tạo điểm nhấn, chiếc áo dài Lemur được Âu hóa với phần áo có thắt eo, dáng tay phồng, cổ áo khoét hình trái tim… Tuy nhiên, áo dài Lemur đã vấp phải sự phản đối của dư luận. Một giai đoạn, người ta cho rằng kiểu áo này bị lai Tây, bởi những biến thể thiếu đứng đắn, không phù hợp phong tục tập quán Việt Nam thời bấy giờ. Ðến thời áo dài qua sự sáng tạo của họa sĩ Lê Phổ, dưới bàn tay khéo léo của nhà thiết kế cùng tên, áo dài được thu gọn kích thước áo dài để ôm vừa vặn thân hình người phụ nữ Việt Nam, đẩy cầu vai, kéo dài tà áo chạm đất và đem đến nhiều màu sắc mới mẻ. Chiếc áo trở nên gợi cảm, tinh tế và thu hút hơn… Ðến những năm 1960, áo dài Raglan (còn gọi là áo dài giắc lăng) ra đời do nhà may Dung ở Ðakao, Sài Gòn sáng tạo. Áo ôm khít cơ thể hơn, cách nối tay từ cổ chéo xuống một góc 45 độ giúp người mặc thoải mái linh hoạt hơn. Hai tà nối nhau bằng hàng nút bấm bên hông. Ðây chính là kiểu áo dài góp phần định hình phong cách cho áo dài Việt Nam ngày nay. Ðến nay, áo dài Việt Nam có sự biến đổi với nhiều kiểu dáng, chất liệu từ hiện đại đến cách điệu. Nhưng dù thế nào thì chiếc áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt vẫn luôn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm, kín đáo mà không trang phục nào có được.

 Hoàng Tuấn (Ghi)

Tin khác

Hồi ức lại chiến thắng Điện Biên Phủ qua triển lãm mỹ thuật độc đáo

Hồi ức lại chiến thắng Điện Biên Phủ qua triển lãm mỹ thuật độc đáo

(CLO) Sáng nay 3/5, tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL) tổ chức triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

Đời sống văn hóa
Du khách thưởng lãm bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ

Du khách thưởng lãm bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ

(CLO) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng nay 3/5, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, gia đình cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại (1920-1992) phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Bảo tàng phụ nữ Việt Nam tổ chức Triển lãm ảnh “Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa
Hơn 60 đội tham gia Giải Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2024

Hơn 60 đội tham gia Giải Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2024

(CLO) Giải Đua ghe Ngo năm 2024 được tổ chức với quy mô vùng, quy tụ từ 60 đến 65 đội trong và ngoài tỉnh tham gia tranh tài.

Đời sống văn hóa
Đặc sắc chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội'

Đặc sắc chương trình nghệ thuật đặc biệt "Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội"

(CLO) Tối 2/5, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt "Từ mùa hè Điện Biên đến mùa thu Hà Nội" - là một trong các hoạt động giàu ý nghĩa chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

Đời sống văn hóa
Vòng bán kết cuộc thi “Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024” tổ chức tại Sa Pa

Vòng bán kết cuộc thi “Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024” tổ chức tại Sa Pa

(CLO) Bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ký công văn gửi Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, đồng ý cho phép tổ chức vòng bán kết Cuộc thi “Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024”.

Đời sống văn hóa