Bá Thước (Thanh Hoá) vươn lên mạnh mẽ để sớm thoát nghèo

Thứ tư, 13/12/2023 14:52 PM - 0 Trả lời

(CLO) Bá Thước là một trong 6 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hoá và 62 huyện nghèo của cả nước, song nhờ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, chính quyền các cấp và sự nỗ lực vươn lên của người dân đang từng bước vươn lên thoát nghèo.

Sự kiện: tỉnh Thanh Hóa

Tốc độ tăng giá trị sản xuất đứng thứ 9 toàn tỉnh

Bá Thước là huyện miền núi cao, nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, hợp điểm giao thông miền núi của tỉnh; trong đó Đồng Tâm là nơi tiếp giáp trung chuyển lên các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát.

Với diện tích tự nhiên rộng lớn, giàu tài nguyên rừng, diện tích đất trồng lúa bình quân đầu người cao và màu mỡ hơn nhiều so với các huyện miền núi khác. Trên địa bàn huyện Bá Thước có các tiểu vùng khí hậu ôn đới mát mẻ, như: Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Khu vực Son Bá Mười; nhiều tuyến giao thông đường bộ chiến lược quan trọng đi qua như Quốc lộ 217, 15 và đã hình thành một số cơ sở sản xuất công nghiệp lớn,...

ba thuoc thanh hoa vuon len manh me de som thoat ngheo hinh 1

Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá cùng đoàn công tác huyện Bá Thước xem sơ đồ cụm công nghiệp Điền Trung.

Tại đây, đồng bào các dân tộc có truyền thống cách mạng, cần cù trong lao động, sản xuất, có bản sắc văn hóa lâu đời, đồng thời có sự giao thoa, tiếp biến của nhiều nền văn hóa tiến bộ... Bá Thước đang hội đủ nhiều tiềm năng, thế mạnh và còn nhiều dư địa phát triển, được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Bá Thước vẫn đạt được nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được kết quả tích cực. Cụ thể, có 25/27 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.

ba thuoc thanh hoa vuon len manh me de som thoat ngheo hinh 2

Công trình nước sạch thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.

Nổi bật là các ngành kinh tế vẫn có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng khá. Tốc độ tăng giá trị sản xuất đứng thứ 9 toàn tỉnh và đứng thứ 2 trong 11 huyện miền núi,  thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 22 trong toàn tỉnh và đứng thứ nhất trong 6 huyện nghèo của tỉnh.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Bá Thước cả năm ước thực hiện là 113.323,0 triệu đồng, tăng 69,5% so với dự toán tỉnh giao và tăng 13,8% so với dự toán  huyện giao, một số chỉ tiêu thu ngân sách đạt cao so với dự toán.

Các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp được đẩy mạnh, vốn đầu tư phát triển tăng cao so với kế hoạch đạt 1.812 tỷ đồng, đứng thứ 6 trong 11 huyện miền núi và đứng thứ nhất trong 6 huyện nghèo của tỉnh; lượng khách du lịch tiếp tục tăng cao; phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, thành lập Hợp tác xã đạt cao so với kế hoạch.

ba thuoc thanh hoa vuon len manh me de som thoat ngheo hinh 3

Lễ hội Mường Khô được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Đặc biệt, Lễ hội Mường Khô đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; công tác phát triển Đảng đạt những kết quả tích cực, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo được quan tâm giải quyết kịp thời.

Nhằm phát huy tối đa những lợi thế, thúc đẩy thu hút đầu tư, những năm qua huyện Bá Thước đã và đang triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư và các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tiếp cận vốn, đất đai, lao động, nguyên vật liệu, thông tin, khoa học - công nghệ... phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện.

ba thuoc thanh hoa vuon len manh me de som thoat ngheo hinh 4

Lễ hội Mường Khô được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2023, huyện Bá Thước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như kết quả xây dựng Nông thôn mới của huyện, xã so với mặt bằng chung của tỉnh vẫn còn chênh lệch khá lớn; Số lượng sản phẩm OCOP đã được công nhận chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương tuy nhiên năm 2023 được công nhận thêm 5 sản phẩm nâng số lượng lên 10 sản phẩm. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số vi phạm chưa được giải quyết dứt điểm; việc thực hiện các thủ tục đăng ký biến động, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm…

Chia sẻ với báo Nhà báo & Công luận, ông Ngọ Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết, năm 2024 có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Bá Thước có thuận lợi riêng đó là các chính sách hỗ trợ cho huyện nghèo, các chương trình mục tiêu quốc gia đang trong giai đoạn được triển khai đồng bộ và lợi thế về phát triển du lịch.

Tuy nhiên, các khó khăn, thách thức vẫn rất lớn, sản xuất kinh doanh, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, chất lượng lao động thấp; rủi ro về chuỗi cung ứng, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn chậm phục hồi; hạ tầng công nghiệp hạn chế,... cùng với những thách thức về thiên tai, dịch bệnh, môi trường, thời tiết bất thường, biến đổi khí hậu là những yếu tố tác động bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Trước tình hình trên, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong huyện phải nỗ lực phấn đấu cao hơn, quyết tâm hơn, quyết liệt hơn, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Nỗ lực thoát nghèo

Là một trong 6 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hoá và 74 huyện nghèo của cả nước, huyện Bá Thước đang từng bước vươn lên thoát nghèo, phấn đấu đến năm 2025 ra khỏi danh sách huyện nghèo và trở thành huyện khá trong khu vực miền núi của tỉnh. Nhằm tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, huyện Bá Thước đã tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất đến người dân. Minh chứng bằng việc đã có hàng nghìn hộ gia đình là người dân tộc thiểu số trên địa bàn được hỗ trợ vay vốn để mua cây giống, phân bón, xây dựng các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân.

ba thuoc thanh hoa vuon len manh me de som thoat ngheo hinh 5

Khánh thành, bàn giao lớp học mẫu giáo điểm Trường mầm non thôn Mý.

Từ kết quả đầu tư thực địa và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các hộ gia đình nghèo là người dân tộc thiểu số đã xây dựng thành công hàng chục mô hình giảm nghèo, như: mô hình nuôi bò sinh sản tại các xã Điền Quang, Ái Thượng; mô hình trồng rau an toàn tại các xã Điền Lư, Thành Lâm, Lũng Cao; mô hình trồng rừng, kết hợp chăn nuôi tại các xã Thành Sơn, Cổ Lũng, Thiết Ống. Các mô hình này đã và đang được nhân rộng trong cộng đồng, theo hướng nông dân tự đầu tư, Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện đã đạt được kết quả khả quan. Theo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện 17,58% (giảm 6,28%), tỷ lệ hộ cận nghèo 17,58% (giảm 8,35%). Toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho khoảng  2.000 người đạt 100% kế hoạch năm, trong đó có 262 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng  đạt 218,3% so với kế hoạch tỉnh giao. Đặc biệt, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ ra khỏi danh sách 62 huyện nghèo của cả nước.

ba thuoc thanh hoa vuon len manh me de som thoat ngheo hinh 6

Huyện Bá Thước tặng Giấy khen cho công dân dũng cảm cứu người đuối nước.

Những giải pháp thiết thực hỗ trợ trực tiếp về nhà ở, chuyển đổi nghề, đào tạo nghề, phát triển sản xuất, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất, giúp đồng bào dân tộc thiểu số miền núi xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng các xã, thôn đặc biệt khó khăn là giải pháp căn cơ thì mới giải quyết được vấn đề phát triển kinh tế xã hội vùng xã thôn đặc biệt khó khăn.

Trong giai đoạn từ năm 2020 – 2023, huyện Bá Thước được đầu tư 78 hạng mục công trình, các hạng mục công trình chủ yếu là đường thôn bản, nhà văn hóa thôn. Đến nay, các Dự án này ở các xã, các thôn đặc biệt khó khăn đã góp phần tích cực giảm lầy lội, người dân đi lại thuận tiện hơn, người dân dân tộc thiểu số có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng.

Đưa du lịch thành ngành phát triển mũi nhọn

Bá Thước có diện tích tự nhiên trên 77 nghìn ha, chủ yếu là rừng núi, với hệ sinh thái đa dạng và khí hậu tương đối ôn hòa. Đây được xem là điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Điều đáng nói là, nhiều thôn, bản người Thái, người Mường còn giữ được không gian văn hóa vùng đặc trưng của đồng bào dân tộc.

Xác định phát triển du lịch cộng đồng là đòn bẩy không chỉ giúp người dân từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, huyện Bá Thước đã kêu gọi một số công ty đầu tư vào các loại hình dịch vụ du lịch tại bản Hiêu, bản Đôn, bản Kho Mường...

Bên cạnh đó, Bá Thước còn tăng cường công tác quảng bá du lịch cộng đồng, khôi phục các loại hình văn hóa truyền thống, các sản phẩm đặc trưng, quản lý, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, các di tích đã được xếp hạng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng điểm thu gom và xử lý rác thải, nước thải tại các điểm du lịch cộng đồng...

ba thuoc thanh hoa vuon len manh me de som thoat ngheo hinh 7

Khu du lịch Pù Luông được nhiều lượt du khách ghé thăm.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, huyện Bá Thước đã khôi phục nghề dệt thổ cẩm làng Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, góp phần giải quyết việc làm cho gần 100 lao động, làng nghề thôn Tôm, xã Ban Công, thu hút 40 lao động... 

Bên cạnh việc phục dựng các làn điệu hát, múa của đồng bào các dân tộc, những năm qua, huyện Bá Thước đã chú trọng phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh; trùng tu, tôn tạo lại các di tích lịch sử, di tích khảo cổ. 

Hiện, toàn huyện có hơn 55 di tích, với nhiều loại hình phong phú như: Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, khảo cổ học; số lượng di tích cấp tỉnh được xếp hạng đến nay là 9 di tích, gồm: Mái Đá Điều (xã Hạ Trung), hang Cổ sinh làng Tráng (thị trấn Cành Nàng), hang Thiết Ống (xã Thiết Ống), hang Bụt – hang nước (xã Điền Hạ), hang cá Văn Nho (xã Văn Nho); Đồn, sân bay Cổ Lũng (xã Cổ Lũng), thác Muốn (xã Điền Quang), thác Hiêu (xã Cổ Lũng), Đền thờ Quận công Hà Công Thái (xã Điền Trung). Có một số địa phương còn tổ chức các hội thi hát ru, Xường Mường, Khặp Thái, thi đánh trống Ràm... được đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia, hưởng ứng.

Nhờ những động thái tích cực từ chính quyền và người dân địa phương, huyện Bá Thước đã có trên 60 cơ sở lưu trú cộng đồng theo hình thức homestay. Ngoài ra, còn có hơn 100 hộ được hưởng lợi gián tiếp từ việc tham gia chăn nuôi, trồng rau sạch, dệt thổ cẩm và các dịch vụ khác... cung cấp cho các nhà hàng, phục vụ khách du lịch.

ba thuoc thanh hoa vuon len manh me de som thoat ngheo hinh 8

Một góc khu du lịch Pù Luông.

Cũng theo ông Ngọ Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện Bá Thước chia sẻ, huyện đưa ra nhiệm vụ năm 2024 là khai thác hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh; xây dựng các tuyến, sản phẩm du lịch kết nối giữa các khu, điểm du lịch với các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của huyện.

Cùng đó, thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường. Tập trung xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch huyện Bá Thước giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Có thể thấy, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, huyện Bá Thước đang tập trung nguồn lực để phát triển du lịch của địa phương lên tầm cao mới. Và với hướng đi đúng, cách làm hiệu quả, trong tương lai không xa, Bá Thước sẽ là một trong những điểm sáng trên bản đồ du lịch xứ Thanh.

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

Trẻ em đua xe điện ở công viên, khu trung tâm: Nhiều nguy hiểm tiềm ẩn

Trẻ em đua xe điện ở công viên, khu trung tâm: Nhiều nguy hiểm tiềm ẩn

(CLO) Những chiếc xe điện được chạy bằng ắc quy tự chế được bày tràn lan tại nhiều công viên, khu trung tâm tại Hà Nội tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến với trẻ em.

Đời sống
Hàng trăm drone tái hiện cuộc chiến hào hùng trên bầu trời Điện Biên

Hàng trăm drone tái hiện cuộc chiến hào hùng trên bầu trời Điện Biên

(CLO) Hàng trăm thiết bị bay không người lái (drone) đã trình diễn nhiều hình ảnh ấn tượng trên bầu trời tại tượng đài chiến thắng ở thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Đời sống
Ninh Bình có 24.711 ha diện tích rừng dễ cháy

Ninh Bình có 24.711 ha diện tích rừng dễ cháy

(CLO) Tỉnh Ninh Bình xác định có 20 xã là vùng trọng điểm cháy, với tổng 24.711 ha diện tích rừng dễ cháy, bao gồm diện tích rừng trên núi đá, rừng trồng thông nhựa, rừng tại các khu di tích, rừng giáp ranh với khu dân cư.

Đời sống
Lào Cai: Chủ động triển khai tổ chức Festival sông Hồng năm 2024 với quy mô cấp tỉnh

Lào Cai: Chủ động triển khai tổ chức Festival sông Hồng năm 2024 với quy mô cấp tỉnh

(CLLO) Tỉnh Lào Cai chủ động chỉ đạo triển khai tổ chức Festival sông Hồng năm 2024 với quy mô cấp tỉnh và từ 2026 - 2034.

Đời sống
Dự báo thời tiết 6/5/2024: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa rào và dông

Dự báo thời tiết 6/5/2024: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa rào và dông

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Dự báo thời tiết 6/5/2024, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa rào và dông, cục bộ mưa to. Mưa tập trung vào chiều tối, đêm và sáng.

Đời sống